Bài tuyên truyền về an ninh trật tự trong trường học

  1. Cảnh sát phản ứng nhanh: 113.
  2. Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: 114.
  3. Trực ban Công an tỉnh: 0212.3759.678 hoặc 069.2680.189.

MỤC LỤC 

Chuyên đề 1: Một số kết quả công tác đảm bảo ANTT nổi bật năm 2015

 MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO ANTT NỔI BẬT NĂM 2015

  1. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh được giữ vững, ổn định, không xảy ra đột xuất, bất ngờ. Lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân bảo vệ an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh; các sự kiện chính trị – văn hóa lớn, như: Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu”; Lễ Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng tám, Quốc khánh 2/9; Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh và các mục tiêu chính trị, kinh tế trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh.
  2. Tổ chức tấn công quyết liệt đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 2.472 vụ, việc liên quan đến TTATXH, đã điều tra, giải quyết 2.379 vụ, việc, đạt 96,2%; xử lý 3.560 đối tượng vi phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử chấp hành đúng các quy định của pháp luật, không xẩy ra oan sai. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án xâm phạm trật tự xã hội đạt 89,53% [riêng án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%]; một số tội phạm giảm so với năm 2014, như: trộm cắp tài sản, mua bán người, cố ý gây thương tích…. Toàn tỉnh không có hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”. Đã phát hiện, bắt giữ 689 vụ, 1.189 đối tượng phạm tội về ma túy [giảm 158 vụ, 34 đối tượng so với năm 2014], thu giữ 120,1 kg hêrôin, 15,3 kg thuốc phiện, hơn 204.000 viên ma túy tổng hợp, 1,63 kg ma túy dạng đá.
  3. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Phương án 279 về đấu tranh với tội phạm ma túy để giải quyết địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ và vùng phụ cận; thu được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm ma túy, truy bắt đối tượng truy nã, xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt, tổ chức thực hiện các giai đoạn tiếp theo của Chuyên án 279-LL đấu tranh với các nhóm có vũ trang vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới vào địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ và vùng phụ cận, từng bước ổn định ANTT tại địa bàn.
  4. Tổ chức đồng bộ, quyết liệt công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các địa bàn phức tạp về hoạt động tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép. Năm 2015, đã thu hồi được: 02 quả bom bi; 01 đầu đạn; 15 lựu đạn; 02 khẩu K44; 01 khẩu K50; 01 khẩu Cacbin; 03 khẩu Samperlech; 02 khẩu súng hơi; 01 súng săn; 3.088 súng kíp; 921 súng cồn; 04 súng thể thao; 238 nòng súng; 25 viên đạn; 25 bộ xung kích điện; 121 hạt nổ; 63 kg bột đá; 2,9 kg thuốc nổ; 86 kg đạn chì; 12 kg diêm sinh; 03 thanh kiếm; 01 lưỡi lê.
  5. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép, phát hiện, xử lý 43.346 trường hợp = 26,9 tỷ đồng.
  6. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT thành địa bàn an toàn về ANTT hoặc ít phức tạp hơn. Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; phê duyệt triển khai thực hiện Đề án chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, giai đoạn 2015 – 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi kinh phí thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự; Nghị quyết thông qua Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ ANTT của lực lượng Công an xã, giai đoạn 2015-2020; UBND tỉnh phê duyệt Đề án và hướng dẫn tổ chức thực hiện nhằm tăng cường nguồn lực xây dựng, củng cố lực lượng Công an xã; ban hành Kế hoạch thực hiện công tác chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.
  7. Tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở, chú trọng phát động phong trào Toàn dân tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT. Chỉ đạo xây dựng, duy trì hoạt động của 17.700 “Nhóm liên gia tự quản” về ANTT; 3.170 tổ An ninh nhân dân; 07 Ban bảo vệ dân phố, 102 tổ bảo vệ dân phố; 3.168 tổ hòa giải… phát huy tốt hiệu quả trong công tác phòng ngừa, giải quyết kịp thời những vụ việc liên quan đến ANTT ngay từ cơ sở. Qua đó, đã xây dựng được 142/188 xã = 75,5% đạt tiêu chí số 19 về ANTT [tăng 15 xã]. Phân loại phong trào: [1] khối xã, phường, thị trấn: loại khá đạt 79%; loại trung bình đạt 21%; [2] khối cơ quan, doanh nghiệp, trường học: loại khá đạt 90%, loại trung bình đạt 10%.
  8. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các tỉnh Bắc Lào trong công tác đảm bảo an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, ma túy, qua đó từng bước đảm bảo giữ vững và ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới; ngăn chặn, hạn chế hoạt động của tội phạm hình sự, ma tuý khu vực biên giới và qua biên giới.

Chuyên đề 2: Ðồng bào Mông ở Sơn La không tin và nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu

ĐỒNG BÀO MÔNG Ở SƠN LA

KHÔNG TIN VÀ NGHE THEO LUẬN ĐIỆU TUYÊN TRUYỀN CỦA KẺ XẤU

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam chống ách đô hộ của thực dân, đế quốc, chống đói nghèo lạc hậu để đất nước ta được thống nhất, độc lập, tự do và ngày càng phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đã cùng đoàn kết, chung sức vượt qua khó khăn, hy sinh, gian khổ, đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất thời đại. Thành quả vĩ đại đó có phần đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông.

Người Mông ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử là một dân tộc đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống hòa thuận với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do tập tục du canh, du cư nên địa bàn sinh sống không cố định; người Mông sinh sống rải rác trên lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Nghệ An… vì những lý do trên đời sống của đồng bào Mông còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thực sự của đồng bào là giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Trong lịch sử tồn tại và phát triển, dân tộc Mông luôn có tinh thần đoàn kết bất khuất, chống áp bức, chống đồng hóa của ngoại tộc, luôn thể hiện bản lĩnh, sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của người Mông trong lao động sản xuất, nên đã tạo dựng được cuộc sống tự lập ở vùng núi cao để tồn tại, mong ước vươn tới, có một cuộc sống ổn định đầy đủ và hạnh phúc. Nhưng cuộc sống vẫn gặp khó khăn, bế tắc, không lối thoát.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối cách mạng đúng đắn, đồng bào Mông ở Việt Nam đã đặt trọn niềm tin vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng, trong đồng bào dân tộc Mông đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, bất khuất, tiêu biểu như Vừ Pa Chay, Sồng Phá Sinh, Vừ A Dính… nhiều vùng tập trung đông người Mông đã trở thành khu du kích, khu căn cứ địa chống Pháp, chống Mỹ, góp phần giải phóng đất nước, thống nhất nước nhà.

Tuy nhiên sau giải phóng đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch lại dựng chuyện vua Mông xuất hiện ở Lào, một số vùng Mông ở Tây Bắc trong đó có Sơn La cũng xưng vua, nổi phỉ. Trung tuần tháng 8 năm 2003. Một số người dân tộc Mông [chủ yếu là thanh niên] ở vùng biên giới Sông Mã, Sốp Cộp, nghe theo kẻ xấu tuyên truyền lôi kéo người Mông sang Lào để xem vua Mông, nhưng thực tế là bị May Hờ là người Mông bên Lào khống chế bắt phải theo May Hờ đi gây rối an ninh tại nước bạn Lào. Một số người bị Quân đội, Công an Lào bắt, một số chạy vào rừng sâu, một số nghe theo lời kêu gọi của chính quyền về đoàn tụ với gia đình. Nhưng còn một số người vì lý do khác nhau, cho đến nay vẫn chưa ra trình diện với chính quyền. Cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh rất thông cảm với dân bản đã bị kẻ xấu lừa phỉnh, đi làm điều xấu, vừa làm khổ cho bản mình, cho gia đình, dòng họ mình, vừa gây mất an ninh biên giới. Không ít già bản người Mông ở vùng biên giới Sông Mã, Sốp Cộp bị kẻ xấu lừa sang Lào đón vua Mông, đến nay vẫn không quên chuyện này vì vua chẳng thấy đâu…

 Vì vậy, bà con mình nên hiểu rằng, các phần tử xấu đã lợi dụng việc người Mông có lòng tin mãnh liệt vào sự xuất hiện của một “ông Vua” để lừa đảo bà con người Mông, làm cho người Mông càng khổ hơn. Xin nhắc lại những lần “Xưng đón Vua” trước đây của người Mông với biết bao khổ cực, nước mắt đau thương để bà con hiểu rằng: Không thể có “Vua Mông”, “Nhà nước ly khai, tự trị”, đó chỉ là lời nói dối, lừa gạt của kẻ xấu, chỉ có tin theo Đảng, theo Bác Hồ thì đồng bào Mông mới có cuộc sống ấm no, sung sướng mà thôi.

Giải pháp để bảo vệ bà con dân tộc mình:

  1. Khi phát hiện hành động rủ rê đi sang Lào, Trung Quốc… hoặc làm những việc sai trái phải khẩn trương báo cáo chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời.
  2. Mỗi người dân, chủ hộ, cần gương mẫu đi đầu và tuyên truyền cho người thân biết được những việc làm trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cũng như quy ước, hương ước của địa phương.
  3. Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đồng thời phối hợp với chính quyền, Công an, quân đội… chống lại kẻ xấu, bảo vệ bà con dân tộc mình, bảo vệ nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tham gia bảo vệ ANTT tại bản, làng mình.

Chuyên đề 3: Một số quy định của pháp luật về quản lý người nước ngoài và quản lý xuất, nhập cảnh

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

VỀ QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VÀ QUẢN LÝ XUẤT, NHẬP CẢNH

  1. Khi gia đình có người thân là người nước ngoài, đến ở thăm gia đình, phải hướng dẫn người thân của mình là nước ngoài mang các giấy tờ xuất nhập cảnh [Hộ chiếu, thị thực hoặc giấy tờ thay hộ chiếu] đến khai báo với Công an viên bản, Công an xã, phường, thị trấn để khai báo tạm trú với chính quyền địa phương theo Điều 33 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
  2. Người nước ngoài muốn vào khu vực Biên giới, trước khi vào địa bàn phải có đơn đề nghị của thân nhân người nước ngoài hoặc tổ chức đứng ra bảo lãnh, có xác nhận của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn cùng với thân nhân người nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền [Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh] đề nghị cấp giấy phép vào khu vực biên giới theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian tạm trú ở địa phương phải khai báo tạm trú theo Điều 33 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
  3. Tình hình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, di cư sang Lào.

Trong những năm gần đây, số lượng người dân Sơn La xuất cảnh sang Trung Quốc, sang Lào làm thuê có chiều hướng gia tăng, một số đối tượng ở các tỉnh khác đến lôi kéo với nhiều thủ đoạn như: sang đi lao động nhàn hạ với mức lương cao, công việc ổn định phù hợp với người dân, việc đi lại thuận lợi, dễ dàng, khi đi có xe ô tô đưa đón, được ưu đãi về nhiều mặt… một số người dân, do nhận thức hạn chế, tin theo lời dụ dỗ của các đối tượng, đã xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc theo các đường tiểu mạch giữa Việt Nam – Trung Quốc hoặc đi bằng thông hành biên giới sau đó ở lại Trung Quốc lao động làm thuê, nhiều trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc gây ảnh hưởng không nhỏ tới ANTT trên địa bàn, thực tế đã xảy ra tại địa bàn huyện Bắc Yên; Phù Yên.

Việc xuất cảnh trái phép, di cư sang Lào tuy những năm qua không nhiều nhưng tình trạng di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông diễn ra hết sức phức tạp. Một phần là do địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện sống, điều kiện giao thông rất khó khăn, ít có điều kiện giao lưu, thông thương mọi mặt với các vùng dân tộc khác nên vùng đồng bào dân tộc Mông cư trú thường gặp khó khăn về nhiều mặt. Trình độ của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu chưa thực sự bị loại bỏ, trong khi đó tập quán du canh, du cư vẫn còn tồn tại trong tiềm thức một bộ phận người dân. Với đặc điểm dễ tin, dễ ngờ nên một bộ phận dân tộc Mông dễ bị kẻ xấu lợi dụng, tác động, kích động, lôi kéo đi sang Lào; với luận điệu: đất rộng, người thưa, đất đai mầu mỡ, được phía bạn Lào tạo điều kiện để làm ăn… do đó đã đánh trúng và tâm lý đồng bào, trong khi ở Việt Nam điều kiện đất đai chật hẹp, đi lại còn nhiều khó khăn, kinh tế nghèo khó đã dẫn đến đồng bào dân tộc Mông di cư tự do đi Lào khá nhiều.

Thực tế trên đã gây tác động ảnh hưởng không nhỏ tới công tác Quản lý địa bàn quản lý nhân khẩu của các cấp chính quyền nhất là cấp xã, bản; khi sang đất bạn Lào do nhập cảnh, cư trú trái phép nên phần lớn đã bị phía chính quyền Lào bắt giữ và trao trả, khi quay trở về quê cũ mặc dù được tỉnh, huyện, xã quan tâm, hỗ trợ xong cuộc sống gặp nhiều khó khăn; do vậy ổn định, định canh, định cư, phát triển sản xuất đảm bảo cuộc sống luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu.

  1. Tình hình tội phạm lợi dụng việc xuất cảnh để mua bán người.

Nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc [dưới nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi], số đối tượng lừa đảo, buôn bán người hoạt động có sự câu kết giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng ở nước ngoài [là người Trung Quốc, hoặc là người Việt Nam đang ở Trung Quốc, người ở tỉnh khác sẵn có mối quan hệ với các đối tượng ở Trung Quốc], các đối tượng này thường đi đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế để tìm những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp; hạn chế về hiểu biết xã hội, không có việc làm ổn định; chúng dùng thủ đoạn là tạo lòng tin, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao hoặc lấy làm vợ có cuộc sống sung sướng…sau đó tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc qua các đường tiểu mạch hoặc tổ chức xuất cảnh sang Trung Quốc bằng giấy thông hành do cơ quan Công an có đường biên giới giáp với Trung Quốc rồi bán người cho các đối tượng bên Trung Quốc [mua về làm vợ; hoặc bán cho các chủ nhà chứa, các chủ có sử dụng lao động…]. Hậu quả rủi ro đến với người dân bị lừa bán sang Trung Quốc là rất lớn, thực tế đã xảy ra: Bị bắt giữ; bị chủ ngược đãi, bị quỵt lương, bị bán làm vợ cho cả gia đình, bị bán vào các động mại dâm… Một số phụ nữ khi bị phía Trung Quốc trao trả, thông báo đã bị HIV – AIDS… nhiều trường hợp không có cơ hội quay trở về Việt Nam, về nhà.

  1. Các quy định của Nhà nước xử lý hành vi vi phạm về quản lý người nước ngoài; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép

5.1. Người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

5.2. Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

5.3. Người cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

5.4. Người nước ngoài vi phạm quy chế về khu vực biên giới thì bị xử lý hành chính: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Trường hợp phạm tội, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm; cấm cư trú từ một 01 năm đến 05 năm.

5.5. Người vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép thì bị xử lý hành chính: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Trường hợp phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5.6. Người tổ chức, môi giới, giúp đỡ người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị xử lý hành chính: phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Trường hợp phạm tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm; ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5.7. Người cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm.

  1. Để ngăn chặn, hạn chế việc công dân xuất cảnh trái phép hoặc bị lừa bán qua biên giới, Cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể cần:

– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực xuất nhập cảnh; tuyên truyền các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, mua bán người của các đối tượng; tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc bị lừa bán đi nước ngoài để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh.

– Nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, phát hiện kịp thời các dấu hiệu đối tượng ở địa phương khác đến móc nối, lôi kéo người dân di cư tự do, xuất cảnh trái phép, hoạt động mua bán người… thông báo cho các lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời,

 Tổ chức rà soát, thống kê số công dân trên địa bàn xuất cảnh đi Trung Quốc, Lào dưới các hình thức, từ đó chủ động khai thác số đã trở về để nắm phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để đề ra kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn và trong công tác phòng ngừa.

 Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện tập trung đấu tranh với các hoạt động lôi kéo, đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài nói chung và đi Trung Quốc, Lào lao động làm thuê bất hợp pháp nói riêng; các đối tượng mua bán người; đồng thời thông báo các thủ đoạn hoạt động của đối tượng để quần chúng nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không mắc mưu kẻ xấu.

Chuyên đề 4: Thực trạng, nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa, giải quyết vấn đề di cư tự do

THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP

PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DI CƯ TỰ DO

Mặc dù các cấp, các ngành của huyện, tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình di cư tự do trên địa bàn toàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, nơi điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn [nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông].

Tình trạng di cư tự do đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây mất ổn định ANTT trên địa bàn.

Trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh Sơn La phát hiện: 135 hộ = 610 khẩu di cư tự do, trong đó: Di cư nội tỉnh: 27 hộ = 117 khẩu; Di cư đi tỉnh khác: 78 hộ = 342 khẩu; Di cư sang Lào: 18 hộ = 88 khẩu; Di cư đi nước khác: 05 hộ = 31 khẩu; Tỉnh khác di cư đến: 07 hộ = 32  khẩu. Tiếp nhận 13 đợt, 34 đối tượng do Lào, Trung Quốc trao trả.

Trong quý I năm 2016 [từ 15/11/2015 đến ngày 10/02/2016] phát hiện 34 hộ = 162 khẩu di cư tự do, trong đó: Di cư nội tỉnh: 10 hộ = 47 khẩu; Di cư đi tỉnh khác: 15 hộ = 58 khẩu; Di cư sang Lào: 03 hộ = 15 khẩu; Di cư đi nước khác [Myanmar] : 05 hộ = 23 khẩu; Lào di cư sang Việt Nam: 01 hộ = 09 khẩu

– Di cư tự do sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn, dân cư của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cả nơi di cư đi và nơi di cư đến; ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước; gây xáo trộn sinh hoạt trong cộng đồng khu dân cư, mất ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.

– Gây mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa người di cư và người không di cư, nhất là trong anh, em, họ hàng dòng tộc và trong thôn, bản. Đây là điều kiện để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng chia rẽ, lôi kéo đồng bào tham gia vào hoạt động tuyên truyền lập“Nhà nước ly khai, tự trị”; và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

– Cuộc sống của những người di cư sẽ ngày càng khó khăn, do dân di cư tự do đến ở một số nơi không được chính quyền sở tại quan tâm, tạo điều kiện để họ hòa nhập với nơi ở mới, hơn nữa khi số người dân tới tăng lên, ngoài mức quy hoạch của địa phương nơi đến sẽ dẫn tới quá tải, thiếu đất sản xuất, thiếu trường học, bệnh viện… sẽ gây nên tình trạng đời sống bà con nhân dân tạm bợ, đói nghèo, thiếu lương thực hoặc đời sống không được đảm bảo. Người dân tộc Mông thường nói: “Giàu di cư thì nghèo, nghèo di cư thì chết”.

– Việc di cư khi cuộc sống và nơi ở không ổn định dẫn tới phá rừng làm nương rẫy, tàn phá tài nguyên và ảnh hưởng tới môi trường sống, hậu quả là biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán hết sức nghiêm trọng và khó lường.

– Do địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện sống còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào còn thiếu đất ở và đất sản xuất.

– Do ảnh hưởng tâm lý, tập quán du canh, du cư của đồng bào cộng với trình độ canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào sự màu mỡ của đất đai. Khi đất bạc màu thi di cư.

– Do mối quan hệ đồng tộc, thân tộc cùng với đặc điểm tâm lý “dễ tin, dễ nghe” của đồng bào nên dễ bị tác động, lôi kéo bởi các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

– Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân… chưa được các cấp chính quyền địa phương kịp thời giải quyết.

– Công tác nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu ở một số địa bàn chưa kịp thời, chưa chặt chẽ.

  1. Giải pháp giải quyết vấn đề di cư tự do

– Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào [thực hiện chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, sắp xếp lại dân cư, quy hoạch đất sản xuất…]; xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội qui, hương ước của địa phương nơi cư trú; yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống trên quê hương.

– Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với nội dung phong phú, hình thức phù hợp, hiệu quả; triển khai các phương án phòng ngừa, ngăn chặn di cư tự do, nhất là di cư sang Lào. Phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông di cư tự do nhằm tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước ly khai, tự trị”.

– Tăng cường quản lý hành chính, quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng chặt chẽ, nắm chắc di biến động trong dân cư, lao động ở các địa bàn giáp ranh biên giới.

– Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng thế trận An ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Sơn La nâng cao cảnh giác cách mạng, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo và từng bước làm giàu trên quê hương, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không di cư tự do.

Chuyên đề 5: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp giải quyết vấn đề tuyên truyền đạo trái pháp luật

TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TUYÊN TRUYỀN ĐẠO TRÁI PHÁP LUẬT

  1. Tình hình tôn giáo trên địa bàn Sơn La

Tính đến cuối năm 2015 trên địa bàn Sơn La có 04 tôn giáo: Công giáo, Tin lành [gồm các hệ phái: Tin lành LHCĐ, Tin lành miền Bắc, Tin lành trưởng lão, Tin lành Báp Tít, Tin lành Phúc Âm Ngũ Tuần, Tin lành Truyền giáo Phúc âm], Đạo Phật và Tà đạo Hồ Chí Minh. Gồm 3.087 hộ = 17.194 khẩu theo tôn giáo, có mặt tại 12/12 huyện, thành phố.

Trong những năm gần đây, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền đạo trái phép của các đối tượng có xu hướng gia tăng; tình trạng mâu thuẫn, gây mất đoàn kết giữa anh em họ hàng trong gia đình người theo đạo và không theo đạo vẫn xảy ra, đã có một số cá nhân xúi giục người theo đạo viết đơn đề nghị, kiến nghị đến các cấp, các ngành của tỉnh, gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương; tình hình xây dựng nhà nguyện trá hình ở các địa bàn vẫn diễn biến phức tạp; Một số đối tượng có dấu hiệu lợi dụng hoạt động tôn giáo để tuyên truyền lập “Nhà nước ly khai tự trị”.

– Những người theo đạo thường bị các đối tượng cầm đầu, cốt cán điều khiển, chi phối, ràng buộc bằng giáo lý, giáo luật, không tham gia hoặc ít được  tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội do cấp ủy, chính quyền phát động [như: họp tổ bản, tham gia các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, phát triển kinh tế…], dẫn tới lạc hậu, đói nghèo.

– Đồng bào dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa đặc sắc được lưu giữ, bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ. Đây là những giá trị văn hóa tinh thần vô giá, để con cháu đời sau hiểu biết về lịch sử, truyền thống hào hùng của cha ông trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên, xây dựng cộng đồng dân tộc đoàn kết, gắn bó. Theo tôn giáo khó có điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống nêu trên.

– Một bộ phận theo tôn giáo đã gây nên tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa người theo đạo và người không theo đạo, thậm chí tạo nên mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ giữa cha với con, vợ với chồng, anh với em… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

– Chỉ cầu nguyện và tin vào sự phù hộ của Chúa trời, không chăm chỉ lao động sản xuất dẫn tới thiếu cái ăn, cái mặc, khó khăn, đói nghèo đeo bám.

* Nguyên nhân khách quan

– Tuyên truyền phát triển đạo nằm trong giáo lý của hầu hết các tôn giáo.

– Việc tuyên truyền, phát triển đạo vào vùng dân tộc thiểu số nằm trong âm mưu của các thế lực thù địch và các tổ chức tôn giáo trong, ngoài nước nhằm gia tăng ảnh hưởng, gây dựng lực lượng.

– Trình độ dân trí chưa đồng đều, đời sống nhân dân của đồng bào vùng sâu, vùng cao, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thấp, còn có một số hủ tục lạc hậu chưa được loại bỏ cho nên một bộ phận đồng bào đã bị số đối tượng tuyên truyền lôi kéo tin và theo đạo.

* Nguyên nhân chủ quan

– Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo còn có mặt hạn chế; Cấp ủy, chính quyền ở một số địa bàn còn né tránh, buông lỏng sự quản lý, chưa vận dụng sáng tạo các chính sách tôn giáo và hoàn cảnh thực tế nên việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo còn chủ quan, nóng vội, tạo nhiều kẽ hở để các phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền lôi kéo đồng bào theo đạo.

– Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, các truyền thống văn hóa tốt đẹp chưa được phát huy trong khi vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ, do đó người dân theo tôn giáo để giảm bớt phải thực hiện hủ tục và  nhằm cổ vũ, động viên tinh thần.

– Công tác tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số bản vùng sâu, vùng cao, biên giới chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao, chưa sát với thực tế; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở một số nơi còn thiếu đồng bộ.

– Công tác nắm tình hình và đấu tranh với hoạt động tuyên truyền đạo trái phép có lúc còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

  1. Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn

– Cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trong vùng đồng bào DTTS nói chung, vùng đồng bào có đạo nói riêng, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi tiến tới xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, để đồng bào thấy được ưu việt của chế độ, sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, giá trị văn hóa tinh thần to lớn của phong tục truyền thống do tổ tiên truyền lại.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhất là trong vùng đồng bào theo đạo, vùng dân tộc thiểu số thấy được đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo đúng đắn của Đảng; đồng thời thấy được âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc – tôn giáo.

– Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ, thuần túy tôn giáo. Mọi hoạt động tôn giáo phải được đảm bảo thực hiện dưới sự quản lý của Nhà nước. Xây dựng và làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tôn giáo.

– Lực lượng Công an làm nòng cốt trong công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm ANQG, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về Tôn giáo. Đấu tranh, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, chống đối chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Chuyên đề 6: Tình hình, nguyên nhân và biện pháp giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai

TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Tính đến cuối năm 2015, tỉnh Sơn La còn tồn đọng 38 điểm tranh chấp đất đai, tập trung ở tất cả các huyện trong tỉnh. Các vụ tranh chấp đất đai trên địa bàn toàn tỉnh mặc dù đã được các cấp, các ban ngành chức năng của huyện, tỉnh quan tâm nhưng giải quyết chưa dứt điểm, kết quả giải quyết chưa tạo được sự thống nhất giữa các bên tranh chấp, nên tình trạng tranh chấp vẫn tiếp tục xảy ra mỗi khi mùa canh tác đến. Một số vụ có tính chất, mức độ khá phức tạp, xảy ra nhiều năm liên tiếp, liên quan đến nhiều hộ dân, nhiều địa bàn trong và ngoài huyện, thậm chí giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh khác, diện tích đất tranh chấp rộng, tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tuy chưa phát hiện có các phần tử bên ngoài lợi dụng kích động nhân dân nhưng đây là yếu tố tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp gây mất ổn định ANTT tại địa bàn.

– Tình trạng tranh chấp kéo dài, mức độ mâu thuẫn ngày càng căng thẳng dễ xảy ra xung đột, gây mất đoàn kết dân tộc, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu mâu thuẫn, gây mất ổn định chính trị, hình thành “điểm nóng” về ANTT.

– Đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn như: cây trồng bị phá hoại [bên này trồng thì bên kia phá] làm cho việc canh tác, sản xuất bị đình trệ; nhân dân hoang mang, lo sợ, không yên tâm lao động sản xuất; thậm chí còn xảy ra xung đột, căng thẳng, xô xát, dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật khác.

– Các vụ tranh chấp kéo dài, không được giải quyết dứt điểm dễ dẫn đến việc các đối tượng phản động, kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động nhân dân gây mất ổn định tình hình ANTT và vi phạm pháp luật, nhân dân không tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đây là hậu quả, tác hại đáng lo ngại nhất.

* Nguyên nhân khách quan

– Đời sống nhân dân ở khu vực xảy ra tranh chấp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp [trồng ngô, sắn], dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu sử dụng đất cũng tăng theo trong khi diện tích canh tác có hạn.

– Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang phát triển, sản phẩm cây trồng ngày càng có giá trị, làm tăng giá trị sử dụng của đất đai, dẫn đến tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất đai ngày càng tăng.

* Nguyên nhân chủ quan

– Công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền cơ sở có nơi còn bị buông lỏng, chưa có quy hoạch cụ thể, khi chuyển đổi mục đích sử dụng không giải quyết hợp lý, đụng chạm đến lợi ích của nhân dân.

– Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 364 của Chính phủ còn nhiều bất cập, việc hoạch định lại đường địa giới hành chính chưa phù hợp với tình hình thực tế quản lý, lịch sử canh tác và đời sống của nhân dân.

– Việc tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật quản lý đất đai của Nhà nước chưa được quan tâm, đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu hiểu biết về pháp luật nhất là luật đất đai, bên cạnh đó nhận thức của một số cán bộ cơ sở còn yếu dẫn đến thực hiện sai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

– Một số địa bàn giáp ranh mật độ dân cư chênh lệch, có nơi thiếu đất canh tác, có nơi chưa có nhu cầu sử dụng nên đã xảy ra tình trạng cho mượn đất canh tác thời gian dài nhưng không có giấy tờ chứng thực, đến thời hạn không giao trả, chiếm dụng tranh chấp đất đai, vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, vừa gây phức tạp khi giải quyết theo các quy định của pháp luật.

– Khi có tranh chấp, chính quyền cơ sở chưa có biện pháp tích cực, kịp thời để ngăn chặn những hành động quá khích, chưa tìm ra nguyên nhân chủ yếu, cốt lõi để giải quyết dứt điểm. Do vậy nhiều vụ ban đầu ở mức độ nhỏ nhưng để kéo dài phát sinh mâu thuẫn thành vấn đề nghiêm trọng, phức tạp hơn. Bên cạnh đó, việc điều tra xử lý thiếu kiên quyết đối với số vi phạm pháp luật, lợi dụng mâu thuẫn kích động nhân dân gây rối TTCC, dẫn đến hiệu quả công tác phòng ngừa thấp.

– Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành chức năng phối hợp giải quyết, xác định đúng nguyên nhân, điều kiện, tính chất, xác định đối tượng cầm đầu quá khích, phần tử xấu lợi dụng kích động quần chúng nhân dân gây rối trật tự để có biện pháp phân hóa, răn đe và giáo dục đối tượng, đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm chính sách pháp luật, ổn định ANTT địa bàn.

– Tăng cường công tác tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật tới các tầng lớp nhân dân. Chú ý công tác tranh thủ, vận động người có uy tín, già bản, trưởng bản đứng ra tham gia giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.

– Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ và giao đất, giao rừng đến từng hộ dân, quy hoạch quản lý thống nhất, chủ động ngăn chặn các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất đai dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp.

– Giải quyết dứt điểm các vụ việc xảy ra ở địa bàn phải thực hiện theo phương châm: Thu nhỏ sự việc, không để lây lan, kéo dài; khi xem xét giải quyết phải đặt trong mối quan hệ đảm bảo an ninh trong phạm vi xã, huyện, tỉnh, toàn quốc, trong mối quan hệ với tôn giáo, dân tộc. Không để các thế lực thù địch và kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, vu cáo, kích động hoặc can thiệp chống phá ta.

– Làm tốt các mặt công tác đảm bảo an sinh xã hội, quản lý dân cư, ổn định kinh tế, xã hội ở các địa phương.

Chuyên đề 7: Tình hình, nguyên nhân và biện pháp giải quyết hoạt động khiếu kiện đông người, vượt cấp

TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP

GIẢI QUYẾT HOẠT ĐỘNG KHIẾU KIỆN ĐÔNG NGƯỜI, VƯỢT CẤP

Thời gian gần đây, tình hình công dân khiếu kiện [khiếu nại, tố cáo] diễn biến khá phức tạp, có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp, trong dó có những phần tử quá khích, có người khiếu kiện thuê hoặc xúi giục người khác đi khiếu kiện … gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa bàn, có nhiều công dân khiếu kiện trực tiếp tại các cơ quan của tỉnh, trung ương tại Hà Nội. Bên cạnh số khiếu kiện vượt cấp, chưa tuân thủ pháp luật, có một số đơn kêu oan không chấp nhận nội dung giải quyết của một số cơ quan Nhà nước, đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét lại.

Trong năm 2015, toàn tỉnh Sơn La có 32 vụ khiếu kiện phức tạp [tồn đọng từ những năm trước 23 vụ, phát sinh mới 09 vụ], đã giải quyết ổn định 17 vụ, còn 15 vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài; trong đó có 05 vụ khiếu kiện vượt cấp xuống Trung ương. Trong thời gian tới, tình hình khiếu kiện có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng xuyên tạc, kích động chống đối nhằm gây mất ổn định chính trị và ANTT.

– Một số vụ khiếu kiện liên quan đến chế độ, chính sách di dân, tái định cư các công trình thủy điện và liên quan đến đất đai, các chế độ chính sách khác tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nếu không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng sẽ gây bức xúc trong nhân dân, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, kích động chống phá, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Một số đối tượng đeo bám khiếu kiện dài ngày tại Trung ương dễ bị các phần tử xấu trong tổ chức phản động [Hội dân oan] móc nối, lôi kéo tham gia các hoạt động xâm phạm ANQG.

– Các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp thường gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, dễ bị các thế lực thù địch và phần tử xấu ghi hình, phỏng vấn nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, hạ uy tín Đảng và Nhà nước; gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với một số cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

– Do quá trình triển khai, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội của cơ quan chức năng còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ và bất cập so với tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt là trong thời gian qua việc áp dụng chính sách trong giải tỏa, giải phóng mặt bằng tuyến đường quốc lộ, cùng với đó là việc thực hiện chế độ, chính sách cho dân tái định cư phục vụ việc xây dựng các công trình thuỷ điện chưa được kịp thời, còn chậm, kéo dài, chưa phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đền bù; việc xác định lại địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT còn nhiều vấn đề bất bập.

– Do nhận thức của một số người dân còn hạn chế, chưa hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiều người còn mang nặng tư tưởng cá nhân, đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Mặt khác đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nương rẫy nên khi triển khai thực hiện phân chia lại địa giới hành chính thì một bộ phận nhân dân mất hoặc thiếu đất sản xuất dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện.

– Do trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở còn yếu, tinh thần trách nhiệm chưa cao, việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách và thực thi các chính sách kinh tế – xã hội của địa phương còn nhiều thiếu sót, chưa hợp lý, chưa thực sự quan tâm đến những thắc mắc, kiến nghị của quần chúng nhân dân…

– Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là Luật đất đai, các văn bản hiện hành áp dụng cho từng địa phương, Luật khiếu nại, tố cáo chưa thực sự được quan tâm, còn chung chung và mang tính hình thức. Cùng với đó là việc thực hiện chế độ, chính sách, quyền lợi của dân đôi khi còn chậm tiến độ, không được đáp ứng kịp thời, do vậy tình trạng quần chúng nhân dân đi khiếu kiện vẫn xảy ra phức tạp.

– Tổ chức tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT, phát hiện những vấn đề không còn phù hợp hoặc thực hiện không đúng chính sách, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để kiến nghị bổ sung, sửa đổi, chấn chỉnh kịp thời.

– Củng cố, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

– Các cơ quan chức năng cùng cấp phối hợp với lực lượng công an tiến hành rà soát các vụ khiếu kiện, xác định những vụ việc còn tồn đọng kéo dài, phức tạp từ đó phân loại, tham mưu, kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng có liên quan giải quyết dứt điểm.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, không để các thế lực thù địch và kẻ xấu kích động, lôi kéo đông người lên, huyện, thành phố, tỉnh, Trung ương khiếu kiện.

– Lực lượng Công an chủ động trong công tác nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn trọng điểm về khiếu kiện; kịp thời phát hiện những nguyên nhân có thể dẫn tới khiếu kiện để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo giải quyết dứt điểm tại cơ sở không để phát sinh thành khiếu kiện phức tạp, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh các vụ khiếu kiện mới.

Chuyên đề 8: Tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI DO NGUYÊN NHÂN XÃ HỘI

VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN

  1. Tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội

Trong năm qua, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng cả về số vụ và tính chất hậu quả của tội phạm gây ra ngày càng nghiêm trọng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe công dân, gây xôn xao dư luận xã hội và ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương. Đáng chú ý có nhiều vụ giết người do chính những người thân trong gia đình gây ra, mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc mâu thuẫn trong sinh hoạt, quan hệ tình ái, tranh chấp tài sản hoặc do mâu thuẫn kéo dài lâu ngày không được hòa giải dẫn đến án mạng; ngoài ra tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đi chơi gây gổ dẫn đến đánh chém nhau có xu hướng gia tăng.

Năm 2015 trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ giết người, làm chết 16 người, bị thương 04 người [chiếm 2,3% tổng số vụ phạm pháp về TTXH], tăng 01 vụ so với năm 2014. Trong đó: Chồng giết vợ 03 vụ; vợ giết chồng 03 vụ; giết người do tình ái 02 vụ; giết người do mâu thuẫn cá nhân 08 vụ; giết người liên quan đến mua bán ma túy 01 vụ; giết người thi hành công vụ 01 vụ; giết người do dùng điện chống trộm cắp 01 vụ; giết, hiếp, hủy hoại tài sản 01 vụ. Địa bàn xảy ra tại 9/12 huyện, thành phố, trong đó: Sông Mã 05 vụ, Thành phố Sơn La và Mộc Châu mỗi nơi 03 vụ; Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La mỗi nơi 02 vụ; Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên mỗi nơi 01 vụ. Đáng chú ý có 03 vụ vợ giết chồng đều bằng thủ đoạn đầu độc chồng bằng lá ngón nấu canh hoặc đun nước cho uống. Lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ 20/20 vụ, bắt giữ, xử lý 24 đối tượng gây án.

Trong quý I/2016, tại địa bàn tỉnh xảy ra 07 vụ án giết người đều do nguyên nhân xã hội. Hậu quả làm chết 05 người, bị thương 02 người [Mộc Châu, Phù Yên mỗi nơi 02 vụ; Vân Hồ, Sông Mã, Mường La mỗi nơi 01 vụ], đã điều tra làm rõ và khởi tố 07 vụ án, 07 bị can.

– Giết người do mâu thuẫn thù tức kéo dài: Chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, những mâu thuẫn này rất đa dạng, đan xen nhau, tích tụ âm ỉ lâu ngày nảy sinh trong cuộc sống gia đình như quan hệ, lối sống, sinh hoạt; các vụ án chủ yếu xảy ra ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa còn hạn chế và còn thiếu hiểu biết về pháp luật. Một số vụ giết người do ghen tuông giữa vợ chồng, do nghi ngờ vợ hoặc chồng có quan hệ tình ái với người khác; Do các cá nhân có sự mâu thuẫn thù tức trong sinh hoạt, làm ăn, tranh chấp kinh tế, đất đai, tình ái, nghi vấn người khác làm hại gia đình mình…dẫn đến việc gây án để trả thù.

– Giết người do mâu thuẫn bột phát, nhất thời:

Chủ yếu xuất phát từ những va chạm trong lời nói, cử chỉ giữa các cá nhân, đặc biệt là nhóm thanh niên trong khi đi chơi dẫn đến kích động gây ra án mạng.

Một số vụ xảy ra do mâu thuẫn trong khi uống rượu, bia hoặc do vi phạm pháp luật khác như đánh bạc, giết người do bệnh lý [tâm thần]…

  1. Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

– Lực lượng Công an cơ sở, các tổ chức đoàn thể ở địa phương chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết tốt những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân. Không để những mâu thuẫn, xích mích âm ỉ kéo dài dẫn đến xảy ra những vụ án mạng.

– Khi có các vụ việc mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt như tranh chấp về kinh tế, đất đai, nợ nần tài sản, về quan hệ tình ái, mâu thuẫn dòng họ, nội bộ gia đình, các hành vi bạo lực gia đình, hành vi côn đồ hung hãn…Tuỳ theo từng vụ việc cụ thể mà Công an cơ sở, các tổ chức đoàn thể tổ chức tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở hoặc lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật như giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc lập hồ sơ đưa vào CSGD-TGD nếu còn tiếp tục vi phạm. …

– Quần chúng nhân dân phải chủ động thông tin báo cáo với Công an, chính quyền cơ sở, người thân biết để giải quyết khi có mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân, dòng họ, nội bộ gia đình và các hành vi bạo lực gia đình không để xảy ra xô xát dẫn đến án mạng.

– Chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm hình sự không để chúng hoạt động phạm tội như bảo kê, đòi nợ thuê, thanh toán lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng, địa bàn; chú ý quản lý các nhóm thanh thiếu niên hư, thường lêu lổng tụ tập chơi bời ở quán xá, nhậu nhẹt rượu bia…

– Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhất là ở khu vực trung tâm thành phố, thị trấn, các dịch vụ công cộng như  quán rượu bia; Karaoke; Bi-a; Internet để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ gây rối trật tự, các vụ xô sát do mâu thuẫn giữa các nhóm thanh niên.

– Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong quần chúng nhân dân, để quần chúng nhân dân nắm kiến thức pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ mình, hạn chế không để xảy ra những vụ xô sát, xung đột hoặc nếu xảy ra thì biết cách phòng tránh không để xảy ra những vụ giết người, cố ý gây thương tích, đồng thời tích cực tham gia tố giác tội phạm, giữ gìn ANTT.

– Tập trung lực lượng điều tra làm rõ các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng củng cố chặt chẽ tài liệu chứng cứ,  kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật để răn đe giáo dục phòng ngừa chung.

  1. Hình phạt đối với người phạm tội giết người

– Người nào có hành vi giết người [kể cả chưa xảy ra hậu quả chết người], thì bị phạt tù từ 07 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

– Người nào chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Chuyên đề 9: Tình hình tội phạm mua bán người và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN

  1. Tình hình tội phạm mua bán người

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đã trở thành vấn nạn đáng báo động, gây bức xúc trong toàn xã hội, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tích cực tham gia phòng, chống. Theo số liệu của Bộ Công an cung cấp, năm 2015 toàn quốc xảy ra 407 vụ mua bán người [giảm 62 vụ = 13,21% so với năm 2014], tập trung ở địa bàn các tỉnh giáp biên giới phía Nam và phía Bắc.

Đối với tỉnh Sơn La, tuy không phải là địa bàn trọng điểm về loại tội phạm này nhưng thời gian qua tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng cả về số vụ và số nạn nhân bị mua bán, đã gây ảnh hưởng xấu đến tình an ninh trật tự tại địa phương. Năm 2015 tại địa bàn tỉnh Sơn La đã phát hiện điều tra làm rõ 11 vụ, 21 đối tượng mua bán người và mua bán trẻ em [tăng 03 vụ 03 đối tượng so với năm 2014; gồm 18 đối tượng Nam, 03 đối tượng Nữ] lừa bán 34 nạn nhân, gồm 02 trẻ em [tăng 22 nạn nhân so với năm 2014], trong đó: 11 nạn nhân đã được giải cứu khi đối tượng đang trên đường đưa đi bán, 09 nạn nhân đã tự giải cứu trở về, 01 nạn nhân được Công an Trung Quốc trao trả, còn 13 nạn nhân chưa được giải cứu. Các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc đều với mục đích làm gái mại dâm, làm vợ người Trung Quốc…; Các đơn vị chức năng đang tiến hành điều tra xác minh 02 vụ nghi vấn mua bán người.

Từ ngày 16/11/2015 – 05/5/2016, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra 09 vụ 19 đối tượng lừa bán 15 nạn nhân. Đã khởi tố 09 vụ 19 bị can xử lý theo quy định pháp luật. Trong số 15 nạn nhân bị mua bán: 10 nạn nhân được giải cứu trên đường bị đưa đi bán, 02 nạn nhân tự trở về, hiện còn 03 nạn nhân chưa trở về. Ngoài ra các lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh 01 vụ nghi lừa bán 02 nạn nhân [02 nạn nhân được giải cứu].

Ngoài ra qua công tác rà soát nắm tình hình tại các địa bàn trong tỉnh đã phát hiện 229 trường hợp công dân là phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương nghi bị lừa bán ra nước ngoài [trong đó nghi bị bán sang Trung Quốc 202 người, bán sang Lào 01 người; chưa xác định được 26 người] đây là con số đáng báo động, cần có giải pháp để giải quyết.

  1. Đối tượng thực hiện hành vi mua bán người

– Là những người [cả nam và nữ] không có công việc ổn định, đã từng sinh sống, lao động ở Trung Quốc. Đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự về các tội mua bán người, lừa đảo, các tệ nạn mại dâm, cờ bạc…

– Đối tượng trước đây từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc hoạt động mại dâm, hoặc lấy chồng khi quay trở về địa phương dưới dạng thăm quê hoặc trốn về cấu kết với các đối tượng khác tìm những người nhẹ dạ, cả tin sau đó lừa bán sang Trung Quốc.

– Các đối tượng ở các tỉnh giáp ranh với biên giới Trung Quốc có nhiều mối quan hệ, đi lại, làm ăn bên Trung Quốc đến câu kết với các đối tượng tại địa bàn Sơn La vào đường dây mua bán người.

– Đối tượng chủ chứa hoạt động mại dâm ở bên Trung Quốc [người Trung Quốc hoặc người Việt Nam] đến câu kết với các đối tượng tại địa bàn Sơn La tham gia vào đường dây mua bán người.

  1. Nạn nhân của các vụ án mua bán người

– Nạn nhân rất đa dạng, nhưng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin.

– Nạn nhân là học sinh, sinh viên trong các trường dạy nghề.

– Nạn nhân là những thanh niên trong độ tuổi lao động [kể cả nam giới] không có việc làm ổn định, thu nhập thấp.

– Một số nạn nhân là những người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, ly hôn, chồng nghiện ma túy, nghiện rượu…

– Nạn nhân là những phụ nữ, trẻ em ham chơi đua đòi, thích mua sắm, đi chơi du lịch…

– Nạn nhân là những thiếu nữ mới lớn, trong độ tuổi yêu đương, xây dựng gia đình bị các đối tượng lừa gạt, giả vờ yêu đương, lấy làm vợ.

  1. Hậu quả tác hại của các vụ mua bán người

* Đối với nạn nhân:

– Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, nhiều người trong số họ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, bị gia đình, xã hội hắt hủi, kỳ thị.

– Mất cơ hội học hành, công tác, lao động chân chính.

– Bị tước quyền công dân và quyền con người.

– Mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, khó hòa nhập cuộc sống.

– Nhiều trường hợp sa vào tệ nạn xã hội.

* Đối với gia đình của các nạn nhân:

– Tâm trạng lo lắng, hoang mang, chồng mất vợ, con cái thiếu mẹ chăm sóc, cha mẹ, người thân mất con, cháu, chị em… ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ con cái của họ.

– Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân.

* Đối với xã hội:

– Ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân; ảnh hưởng lâu dài đến an ninh quốc phòng và TTATXH.

– Làm thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

  1. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người

– Đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người thường có sự câu kết giữa các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc có cửa khẩu, có đường biên giới với Trung Quốc và đối tượng là người Trung Quốc hoặc là người Việt Nam đang sống ở Trung Quốc về câu kết với người ở địa phương, trong đó có không ít các đối tượng trước đây đã từng là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc nay trở về Việt Nam dụ dỗ, lừa các nạn nhân đưa đi bán; một số trường hợp nạn nhân còn bị bắt buộc, khống chế về nước lừa các nạn nhân khác sang thay thế và được các đối tượng [chủ chứa bên Trung Quốc] trả tiền mà họ đang nợ nạn nhân trong thời gian làm việc cho họ, đồng thời khuyến khích nạn nhân tìm kiếm các nạn nhân khác đưa sang bán với mức trả tiền cao, cuối cùng trở thành một “mắt xích” trong các đường dây mua bán người.

– Các đối tượng phạm tội mua bán người gồm cả nam và nữ giới; các nạn nhân bị mua bán tại địa bàn Sơn La thuộc nhiều thành phần dân tộc, nhưng chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái và Mông ở lứa tuổi từ 15 đến 30 tuổi, sau khi bị mua bán các nạn nhân bị đưa vào các chủ chứa để bán dâm hoặc ép làm vợ người Trung Quốc.

– Bọn chúng thường đi đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, sự nhận thức và hiểu biết xã hội hạn chế, không có việc làm ổn định, kể cả người thân, họ hàng để dụ dỗ, lừa đưa đi bán. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn tạo lòng tin rồi rủ đi làm thuê như bán hàng hoặc hứa hẹn tìm việc làm ở thành phố, các tỉnh biên giới như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn có thu nhập cao, sau đó đưa nạn nhân vượt biên giới theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán.

– Ngoài những nạn nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiểu biết hạn chế, không có việc làm ổn định, thời gian qua một số nạn nhân bị mua bán còn là những người có học thức, có trình độ hiểu biết như học sinh, sinh viên, do ham chơi đua đòi đã bị các đối tượng dùng thủ đoạn kết bạn qua mạng Internet và các trang mạng xã hội như facebook, Zalo…để làm quen rồi xin số điện thoại liên lạc với nhau. Các đối tượng thường dùng tên và địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương hứa hẹn lấy làm vợ. Khi tạo được lòng tin, chúng lấy lý do rủ nạn nhân đi du lịch, thăm quan mua sắm tại các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, đường biên giới với Trung Quốc hoặc lý do về ra mắt nhà chồng chưa cưới… sau đó thực hiện hành vi mua bán người.

– Ngoài ra chúng còn lôi kéo nam, nữ thanh niên đi làm thuê ở các tỉnh giáp biên giới, khi có cơ hội chúng lừa bán sang Trung Quốc.

  1. Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

– Cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành chức năng ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác với các thủ đoạn của đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người, không nghe theo các lời dụ dỗ của người lạ, không quen biết, mới gặp lần đầu, không rõ địa chỉ mà hứa hẹn đưa đi làm ăn với mức thu nhập cao ở các khu vực, tỉnh giáp biên với Trung Quốc, hoặc đi chơi, du lịch, đi mua sắm, vận chuyển hàng thuê… một số trường hợp giả vờ hứa hẹn yêu đương, lấy làm vợ, lợi dụng khi đưa người yêu về ra mắt gia đình nhà chồng sau đó lừa bán.

– Đối với các trường hợp đã đi theo đối tượng, khi thấy nghi ngờ thì dứt khoát không đi, tìm cách gọi điện liên lạc thông báo cho người thân biết mình đang ở đâu, đi với ai, đang làm gì… nếu không nắm rõ địa chỉ nơi mình đang ở thì khi thấy người dân xung quanh phải tìm cách dò hỏi địa chỉ để thông báo cho người thân biết và tìm cách trốn khỏi sự quản lý của đối tượng, hoặc khi gặp các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan… [kể cả ở Việt Nam hay bên Trung Quốc] phải hô hoán kêu cứu ngay. Các nạn nhân bị đưa bán sang Trung Quốc thường đi theo các đường tiểu ngạch, đi đò qua sông mà không qua đường cửa khẩu hợp pháp, do đó các nạn nhân cần nhận biết và cảnh giác.

– Những phụ nữ có gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị chồng bỏ hoặc ngược đãi nên cảnh giác với thủ đoạn đối tượng lừa đi làm thuê, lấy chồng nhằm đổi đời nhưng thực chất là lừa đi bán.

– Bố mẹ người thân cần nâng cao cảnh giác, quan tâm đến con em mình, thường xuyên dặn dò con em, trường hợp khi có người lạ không quen biết, người mới quen trên mạng… đến rủ đi chơi xa đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các tỉnh giáp danh với Trung Quốc phải báo cho người thân biết, cần nắm địa chỉ nơi đến.

– Khi phát hiện các vụ việc, đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người phải tìm lý do giữ đối tượng nghi vấn lại và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng như Công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.

  1. Xử lý hành vi phạm tội mua bán người

7.1. Người nào có hành vi mua, bán người, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

7.2. Trường hợp mua, bán người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 07 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chuyên đề 10: Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Chuyên đề 11: Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Chuyên đề 12: Tình hình và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen

Chuyên đề 13: Tình hình và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn cờ bạc, mại dâm

Chuyên đề 14: Nhận thức chung về ma túy

Chuyên đề 16: Phòng, chống tội phạm bán lẻ ma tuý

Chuyên đề 17: Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Chuyên đề 18: Tình hình tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Chuyên đề 19: Một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý cư trú; quản lý và sử dụng CMND

Chuyên đề 20: Tình hình, công tác PCCC tại khu dân cư

Chuyên đề 21: Tình hình, công tác đảm bảo TTATGT

Chuyên đề 22: Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại  xã, phường, thị trấn

Chuyên đề 23: Một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư

Chuyên đề 24: Các mô hình vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở

Video liên quan

Chủ Đề