36 tầng trời là gì

GS NGUYỄN VĂN P

nguyên Hiệu trưởng
trường Trung học Tư thục Hưng Đạo Sài Gòn
 

 

QUYỂN 3

12. TAM  THIÊN  ĐẠI  THIÊN  THẾ  GIỚI

1.   Trong kinh A-Di-Đà, chúng ta thấy một câu được nhắc lại sáu lần : “ Chư Phật  như thế, số lượng nhiều như số cát sông Hằng, các Ngài trụ tại nơi nước các Ngài, hoan hỉ xuất ra tướng quảng tràng thiệt [tướng lưỡi rộng dài], che khắp tam thiên đại thiên thế giới ...”. Tam thiên đại thiên thế giới nghĩa là gì?

Tụng kinh Địa Tạng, chúng ta gặp câu đầu : “ Tôi nghe như vầy: một thuở nọ, tại cung trời Đao lợi, đức Phật vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp ...”. Cung trời Đao lợi ở đâu?

“Đức Phật là đạo sư của tam giới, là từ phụ của tứ sinh...” . Tứ sinh là thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh, còn Tam giới là những gì? [Bài này có rất nhiều danh từ, xin đọc chậm!]

2.  TAM GIỚI. Tam giới còn có những tên khác là tam hữu, ba cõi. Đây là tên nói chung cho tất cả các cõi gồm các chúng sinh còn chịu cảnh luân hồi, chưa hoàn toàn siêu thoát, nghĩa là chưa lên đến các bậc Thánh [Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật]. Tam giới gồm có Dục giới, Sắc giới Vô sắc giới.

1/ Dục giới. Chúng sinh thuộc cõi này còn muốn ăn và muốn dâm. Bậc trên gồm chư Thiên [Tiên] trong 6 cảnh gọi là Lục dục thiên. Bậc giữa gồm loài người, a-tu-la. Bậc thấp gồm súc sinh và ngạ quỷ, địa ngục.

2/ Sắc giới. Chúng sinh thuộc cõi này không còn muốn dâm, không còn muốn ăn nhưng còn hình hài. Chư Thiên [tiên] hình thể đẹp đẽ, cư ngụ trong các cung điện lộng lẫy. Cõi này có tới 20 tầng trời [cộng với sáu tầng của lục dục thiên nói trên là 26 tầng].

3/ Vô sắc giới. Chúng sinh cõi này là các bậc đại tiên không có hình hài, không cung điện mà chỉ có tâm thức thôi, luôn luôn trụ trong thiền định thâm diệu. Có 4 tầng trời [cộng với 26 tầng đã nói trên là 30 tầng của chư Thiên].

3.  SƠ ĐỒ.  Xin coi trang cuối. Coi bảng sơ đồ đó, chúng ta mới thấy 30 tầng trời. Còn loài người chẳng hạn, xếp vào chỗ nào? Còn hai tầng ở dưới cùng gọi là địa cư và hư không cư. Địa cư là nơi sinh sống của những loại chúng sinh cư ngụ trong lòng đất và trên mặt đất. Hư không cư là nơi sinh sống của những loại chúng sinh cư ngụ nơi không gian. Danh từ  này rất rộng nghĩa vì bao gồm luôn tất cả chư thiên; hư không cư nói ở đây nghĩa hẹp hơn nhiều [ý nói chim muông chẳng hạn]. Cùng với 30 tầng trời đã nói trước thì khi thêm hai tầng địa cư và hư không cư, ta thấy tất cả là 32 tầng của chúng sinh. [Chúng ta cần nhấn mạnh rằng chúng sinh trong tam giới dù là chư thiên bậc rất cao cũng vẫn phải chịu cảnh luân hồi]. [1]

4.  CHÚNG SINH.   Chữ sanskrit sattva được dịch là chúng sinh, hữu tình, hữu thức, hàm sinh. [Pháp: êtres, créatures, êtres sensibles. Anh: sentient beings]. Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn  và Từ điển Phật học Hán Việt thì: Chúng sinh là những loài có sinh ra. Nghĩa thứ nhì: chúng sinh sinh ra là do những nhân duyên giả hợp, do tứ đại ngũ uẩn tạm hiệp. Nghĩa thứ ba: chúng sinh đã có sinh thì tất có tử, tử rồi lại sinh, cứ thế luân hồi. [Không gọi là chúng tử vì có sinh là thế nào cũng có tử].

Chúng sinh đối với Phật cũng như luân hồi đối với Niết-bàn. Chúng sinh còn mê, còn tham sân si; Phật thì đã giác ngộ, hết hẳn tham sân si. Tuy vậy, chúng sinh có thể tu thành Phật [nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh].

Chúng sinh thế giới gọi ngắn là chúng sinh giới, tên khác là chúng sinh thế gian, là thế giới hợp lại bởi các loài hữu tình tức là cảnh giới của các vật có mạng sống. Đối nghĩa: khí thế giới hay khí thế gian là cảnh giới của các vật vô tình như cây cỏ, đất đá.

Các loại chúng sinh gồm có: tội nhân ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a-tu- la, chư thiên. Đó gọi là sáu cảnh giới, sáu thú. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là ba đuờng ác [ác đạo]. Thiên, nhân, a-tu-la là ba đường lành [thiện đạo].

Chú ý : Thánh đạo gồm có bốn: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Đó là bốn đường thánh. Với sáu đường nói trên thì tổng cộng là mười đường, hay mười cảnh giới. [2]

5.  TIỂU THẾ GIỚI.  Theo quan niệm của Phật giáo về vũ trụ thì : Một tiểu thế giới, như thế giới chúng ta đang ở, gồm có: 1 núi Tu-Di,   1 mặt trời, 1 mặt trăng. 7 vòng núi vàng và 7 vòng nước thơm liên tiếp bao bọc  nhau vây quanh núi Tu-Di. Phía ngoài 14 vòng nói trên là 1 biển nước mặn. Trên biển nước mặn này, có 4 châu là Đông thắng thần châu, Tây ngưu hóa châu, Nam thiệm bộ châu, Bắc câu lư châu. Mỗi châu có hai châu nhỏ đi kèm.

Bốn châu nói trên do bốn vị Thiên Vương [Tứ Thiên Vương] cai trị, bốn vị ấy đóng tại bốn mặt của núi Tu-Di: phía Đông do Trì quốc Thiên Vương, phía Tây do Quảng mục Thiên Vương, phía Nam do Tăng trưởng Thiên Vương, phía Bắc do Đa văn Thiên Vương.                         

Bao lấy biển nước mặn, ở ngoài cùng là một vòng núi tên là núi Thiết Vi.

Có thể nói: tiểu thế giới vừa mô tả trên đây giống như một thái dương hệ .

Núi Tu-Di. Chữ sanskrit Meru hay Sumeru phiên âm thành Tu-Di [Tu-mê-lư, Tu-di-lâu, Tô-mê-lư] và dịch nghĩa thành Diệu cao [Diệu Quang, An Minh, Thiện Tích] là hòn núi lớn ở trung tâm của một tiểu thế giới. Núi cao trên mặt nước 84.000 do tuần, phần chìm dưới mặt nước 84.000 do tuần, bề ngang trên mặt nước cũng vậy. [1 do tuần - sanskrit : yojana - bằng 16 dặm Tàu, 1 dặm Tàu ăn 576 mét, vậy 1 do tuần tương đương với  9.216 mét. Thế thì núi Tu-Di cao chừng 774 km. ]

Hình thù núi Tu-Di khá lạ : chân rộng, giữa thót lại, trên xòe ra.

Mặt phía Đông bằng pha lê [cristal] trong suốt. Mặt phía Nam làm bằng ngọc lưu ly xanh [lapis-lazuli bleu]. Mặt phía Tây bằng hồng ngọc [rubis]. Mặt phía Bắc bằng lam ngọc [ émeraude] hay bằng vàng.

Kể từ dưới đáy lên thì 8 tầng cuối là địa ngục. Ba tầng tiếp theo do long chúng và Long Vương [tức là loài rồng] cùng Dạ-xoa, La-sát cư ngụ. Tầng thứ tư do bốn vị Thiên Vương ngụ, mỗi vị cai quản một phía Đông Tây Nam Bắc. Tầng này gọi là Tứ Thiên Vương ởụ lưng chừng núi Tu-Di. Tầng thứ năm là trời Đao-Lợi còn được gọi là tam thập tam thiên, ở trên đỉnh núi Tu-Di, có vua Đế Thích [Indra] ngự trị. Người ta hay nói 33 tầng trời, nói vậy là không chính xác. Thật ra là 4 phương, mỗi phương có 8 cung trời [ 4 x  8 = 32] thêm cung trời Hỷ kiến thành ở trung ương là 33 cung trời tất cả.

Hai tầng 3 và 4 vừa nói trên ở lưng chừng  và ở đỉnh núi Tu-Di theo thứ tự. Ở trên hư không, phía trên  cõi trời Đao-Lợi, có 4 cõi trời nữa là Dạ-Ma [Yāma], Đâu-Suất [Bồ -tát Di-Lặc đang ngự ở đây], Hóa Lạc và Tha Hóa tự tại. Vậy là 6 cõi trời, gọi tên chung là Lục dục thiên, thuộc Dục giới. Rồi đến Sơ thiền thiên [gồm bốn tầng] thuộc Sắc giới.

Tha Hóa tự tại thiên nói ngắn là Tự tại thiên có hai nghĩa: một là cảnh trời Tha Hóa tự tại thiên, hai là vị thiên chủ ở cảnh trời ấy, tức là Ma Vương, tên thật là Ba Tuần.

Đại Phạm thiên hay Đại phạm như ý thiên có hai nghĩa: một là cảnh trời Đại Phạm, hai là các thiên thần ở đó. Vị vua ở cảnh trời đó là Đại Phạm Thiên Vương [gọi ngắn là Phạm Vương, Brāhma], cai quản các cảnh trời Phạm thân, Phạm chúng, Phạm phụ và Đại phạm. Có nơi gọi ngài là Ngọc Hoàng thượng đế [theo Đoàn Trung Còn và Huỳnh Hữu Cửu]. Phạm Vương là tiếng tắt để gọi ngài Phạm Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương, vị chúa tể Ta-bà thế giới [theo Đ.T.Còn].

Đại Tự Tại Thiên Vương là vị chúa tể cõi trời Đại tự tại tức là cõi trời cao nhất của Sắc giới. Đạo Bà-la-môn gọi vị đó là thần Vishnu [Vi-Nữu] [theo H.H.Cửu].

6.  TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI.

● Một nghìn tiểu thế giới làm thành một tiểu thiên thế giới. Mỗi tiểu thiên thế giới có một trời Nhị thiền [gồm ba tầng].

● Một nghìn tiểu thiên thế giới làm thành một trung thiên thế giới. Mỗi trung thiên thế giới có một trời Tam thiền [gồm ba tầng].

● Một nghìn trung thiên thế giới làm thành một đại thiên thế giới. Mỗi đại thiên thế giới có một trời Tứ thiền [gồm chín tầng].

Sơ thiền thuộc về Dục giới; Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền thuộc về Sắc giới. Cuối cùng là trời Tứ không [gồm bốn tầng] thuộc về Vô Sắc giới.

 

Sơ đồ này trích trong sách Phật Học Tinh Yếu của HT. Thiền Tâm, tr 335.

Một đại thiên thế giới gồm có 1000 x 1000 x 1000  [tức là một tỉ] tiểu thế giới, do đó có tên tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên ở đây không có nghĩa là ba nghìn mà là ba số nghìn nhân với nhau. Cõi Ta-bà do đức Thích-Ca chăm sóc là một đại thiên thế giới. Có rất nhiều đại thiên thế giới. Mỗi đại thiên thế giới do một đức Phật chịu trách nhiệm  hóa độ  chúng sinh. Trong Kinh A-Di-Đà có câu: “Này Xá-Lỵ-Phất, từ đây đi về phương Tây hơn mười vạn ức phật độ, có thế giới tên là Cực lạc, nơi đó có đức Phật hiệu là A-Di-Đà đang thuyết pháp ...”. Phật độ, Phật quốc, Phật địa, Phật sát là những chữ đồng nghĩa [mười vạn là một ức. Một vạn vạn cũng là một ức [theo Đào Duy Anh]]. 

Các thế giới ấy do ai làm ra? Không có ai làm ra cả! Ở đâu ra? Từ diệu tâm mà ra! Diệu tâm là cái tâm thể tuyệt diệu không thể nghĩ bàn. Diệu tâm có nhiều tên  khác: Chân tâm, Chân như, Chân không… ..., đó là thứ “không sinh, không diệt, không tăng, không giảm, không nhơ, không sạch ...”. Diệu tâm có khả năng hóa hiện ra các thứ hữu hình từ thô kệch đến vi tế: kiến đại, thức đại, không đại, phong đại, hỏa đại, thủy đại, địa đại.

 

Trên địa đại, còn gọi là địa luân, có một biển nước thơm lớn, trong đó là một hoa sen lớn. Vòng theo phía trong hoa sen là núi Kim Cang. Trong vòng này là một biển nước thơm với vô lượng thế giới. Tất cả gọi chung là Thế giới hải Liên hoa tạng trang nghiêm [đến đây, hẳn là chúng ta đã hiểu “hoa tạng” nghĩa là gì].

Ty-Lư-Xá-Na Phật [sanskrit: Vairocana-Buddha] hay Tỳ-Lư-Già-Na Phật, Lô-Xá-Na Phật, Ma-Ha Tỳ-Lô-Xá-Na Phật, dịch là Đại Nhật Phật là một đức Như Lai hào quang chiếu khắp nơi như ánh sáng mặt trời. Ngài làm Pháp Vương ở cõi tịnh độ Liên hoa đài tạng thế giới, thường có bồ-tát Văn-Thù và bồ-tát Phổ-Hiền theo hầu hai bên [theo Đoàn Trung Còn].

“Cộng nhập [cùng vào] Tì-Lô tính hải” là nói theo chỗ này.

Trong bài Cơ cấu và Biến chuyển của vũ trụ theo đạo Phật, tạp  chí Làng Văn], tác giả Huỳnh Hữu Cửu ghi chú: Các thế giới được thành lập có nhiều nguyên do: Pháp lực của Diệu tâm, Thần lực của chư Phật, Nguyện lực của các Bồ-tát và Nghiệp lực của các chúng sanh. Thế giới hư hoại cũng vì các nguyên do trên.

 

Hai hình này trích trong Làng Văn số 75, tháng 11-90,
trong bài của Huỳnh Hữu Cửu

7.   KIẾP.

Trong cách nói hàng ngày, chúng ta hay dùng chữ kiếp, thí dụ “một kiếp người” “cho đáng kiếp”, chữ kiếp ấy ý nói một đời, một thời gian chừng 100 năm là nhiều. Trong đạo Phật chữ kiếp có nghĩa khác rất xa nghĩa trên. Chữ sanskrit kalpa, phiên âm thành kiếp-ba, dịch là đại thời.

Thế giới phải theo luật thành trụ hoại diệt hay thành trụ hoại không. Các thời kỳ thay đổi được tính bằng tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp dài 16.798 .000 năm tức là gần 17 triệu năm. 20 tiểu kiếp thành một trung kiếp [355.960.000 năm, gần 356 triệu năm]. 4 trung kiếp thành một đại kiếp 1.343.840.000 năm, gần 1 tỉ 344 triệu năm].

Mỗi thời kỳ thành, trụ, hoại, không của tam thiên đại thiên thế giới kéo dài một trung kiếp, cho nên tất cả quá trình thành trụ hoại không kéo dài một đại kiếp. 

    thành                      trụ                     hoại                   không 

           20 tiểu kiếp       [׀׀׀׀׀׀׀׀׀׀׀ ]

Chủ Đề