Vimentin là gì

HÓA MÔ MIỄN DỊCH TRONG CHẨN ĐOÁN BẢN CHẤT KHỐI U || Phần 1

Lương Tuấn Hiệp 26/10/2020 Dành cho nhân viên y tế, Tin tức, Ung thư học đại cương 2,575 Lượt xem

MỞ ĐẦU

Cơ thể con người được cấu tạo bởi 4 loại mô cơ bản: biểu mô [biểu mô phủ, biểu mô tuyến]; mô liên kết [mô liên kết chính thức, mô sụn, mô xương]; mô cơ [cơ vân, cơ tim, cơ trơn] và mô thần kinh [noron, sợi trục, sợi nhánh, thần kinh đệm]. Để xác định được bản chất tế bào trong các mô nói trên người ta làm tiêu bản từ miếng mô [có thể qua sinh thiết]. Tất nhiên để làm được tiêu bản cần phải thực hiện thứ tự các bước: cố định, khử nước, làm trong miếng mô, vùi nến, cắt lát mỏng, dán lát cắt lên phiến kính, ngấm nước, nhuộm màu, khử nước và dán lá kính.

Có 2 phương pháp nhuộm màu: nhuộm màu thường quy [sự dụng các phẩm nhuộm để nhuộm các thành phần tế bào, mô bằng các màu khác nhau] và phương pháp nhuộm đặc biệt [kỹ thuật hóa mô dùng để phát hiện các thành phần hóa học hoặc enzym trong tế bào và mô]. Hóa mô miễn dịch là sự kết hợp phản ứng miễn dịch và hoá chất để làm hiện rõ các kháng nguyên [KN] hiện diện trong mô [bào tương, màng tế bào, nhân]. Vì kháng nguyên không thể quan sát hình thái được nên người ta phải xác định vị trí của nó trên tế bào bằng các phản ứng miễn dịch và hóa học. Cho kháng thể đặc hiệu lên mô, nếu trong mô có kháng nguyên sẽ có phản ứng kết hợp kháng nguyên kháng thể. Nguyên tắc của hóa mô miễn dịch: cho kháng thể [KT] đặc hiệu lên mô, nếu trong mô có kháng nguyên sẽ có phản ứng kết hợp KN-KT. Có 2 cách để quan sát được phức hợp này: miễn dịch huỳnh quang [cho gắn với một chất phát huỳnh quang và quan sát dưới kính hiển vi quang học] và miễn dịch men [cho gắn với một loại men [peroxidase hoặc Alkakine phosphatase] và gắn với chất màu [chromogen] có thể quan sát dưới kinh hiển vi quang học.

Bài viết này trình bày tóm tắt hóa mô miễn dịch trong chẩn đoán bản chất u mà phẫu thuật viên cần biết trong quá trình chẩn đoán và điều trị phẫu thuật các khối u.

CÁC KHÁNG NGUYÊN THƯỜNG ÁP DỤNG TRONG HÓA MÔ MIỄN DỊCH

Kháng nguyên [KN] thường là các protein, một số khác là carbonhydrate. KN có nhiều loại: các sợi trung gian: keratin, vimentin, desmin, neurofilament, glial fibrillarry acidic protein; các thụ thể hormonn [thụ thể tranferin, estrogen, progesterom, androgen]; các KN ung thư phôi, các sản phẩm gen [bcl, p53, c-kit, ras, RGFR]. Biểu hiện kháng nguyên ở mỗi loại tế bào là khác nhau, đây là cơ sở để xác định nguồn gốc các khối u. Dưới đây là một số nhóm KN thường sử dụng:

1. Nhóm các Cytokeratin [CK] và dấu ấn của tế bào biểu mô

Cytokeratin[1], [2] là các protein của của các sợi trung gian chứa keratin. Các protein này tìm thấy ở bộ khung trong bào tương của các tế bào biểu mô. Có nhiều loại CK [được xếp theo số thứ tự], biểu hiện các loại này đặc hiệu cho các mô trong cơ thể ví dụ CK7 đặc trưng cho tế bào biểu mô đường tiết niệu và CK20 đặc trưng cho biểu mô đường tiêu hóa.

  • CK 4 Biểu mô vảy không sừng hóa bao gồm giác mạc, biểu mô chuyển tiếp
  • CK7 Biểu mô tuyến, biểu mô chuyển tiếp và các khối u phát triển từ đó
  • CK8 Biểu mô tuyến của đường tiêu hóa, hô hấp và tiết niệu cả tế bào nội tiết, ngoại tiết và trung biểu mô; ung thư biểu mô phát triển từ đó.
  • CK10 Biểu mô lát tầng sừng hóa, ung thư biểu mô tế bào vảy biệt hóa cao
  • CK13 Biểu mô mô không sừng hóa ngoài giác mạc
  • CK14 Lớp tế bào đáy của biểu mô lát tầng hỗn hợp
  • CK18 Biểu mô tuyến của đường tiêu hóa, hô hấp và tiết niệu cả tế bào nội tiết, ngoại tiết và trung biểu mô; ung thư biểu mô phát triển từ đó.
  • CK19 Biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tuyến

EMA [epithelial membrane antigen- kháng nguyên màng tế bào biểu mô][3]: còn gọi là MUC1, đây là một protein glycosin hóa xuyên màng tế bào. Trong các biểu mô chế tiết EMA thường biểu hiện ở các tế bào biểu môt tuyến như tuyến chế tiết hoặc bán hủy như là tuyến vú, tụy. KN ít biểu hiện ở biểu mô ống tiêu hóa, cổ tử cung và tiền liệt tuyến. Tế bào biểu mô đường tiết niệu, các ống thận, hợp bào tế bào nuôi không chế tiết EMA. EMA thường âm tính ở tế bào biểu mô vảy.

ESA [epithelium- specific antigen] là một glycoprotein xuyên màng của tế bào biều mô. KN biểu hiện ở hầu hết các tế bào biểu mô thông thường và các ung thư biểu mô.

EGFR [epidermal growth factor receptor]: là một KN khác đặc trưng cho tế bào biểu mô đặc biệt là ở lớp tế bào đáy ở biểu mô lát tầng và biểu mô vảy.

CEA [Carinoembryonic antigen]: glycoprotein liên quan đến sự kết dính tế bào, nồng độ cao trong huyết thanh thường gặp ở các ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư vú.

2. Nhóm kháng nguyên cơ [4]:

Bao gồm cơ vân, cơ trơn, cơ niêm. Các KN này thường là các loại sợi trong tế bào cơ [Desmin, vimentin, actin, myosin] hay các protein liên quan tới hoạt động co cơ [Calponin: protein vận chuyển calci, h- Caldesmon: protein gắn với actin và myosin điều hòa hoạt động co của tế bào cơ đặc hiệu cho tế bào cơ trơn].

  • Nhóm các KN của cơ niêm bao gồm các Cytokeratin và Myoepithelial bao gồm CK5, CK14, Smooth Muscle Actin [SMA], SM-Myosin, Calponin [protein vận chuyển calci] , P63, Pan-mesenchymal marker, Vimentin.
  • Các KN của cơ trơn: Desmin, HHF35 [Muscle specific actin] SM-Actin [SMA], Myosin [chuỗi nặng], Calponin, h-Caldesmon.
  • Các KN cơ vân; Myo D1, Myf-3, Myogenin [Myf-4], Myf-5: là các protein thuộc họ protein Myo D có vai trò trong biệt hóa cơ vân. Các KN này biểu hiện ở cơ vân và các sarcoma cơ vân, một số ít các sarcoma cơ trơn.

3. Các kháng nguyên của tế bào thần kinh và thần kinh nội tiết[4], [5]

S100: là một họ bao gồm hơn 20 protein đặc trưng bởi cấu trúc xoắn [helix loop helix] với 2 vị trí gắn Calci. S100 thường biểu hiện ở các tế bào có nguồn gốc từ mào thần kinh [tế bào Schwann, tế bào hắc tố, thần kinh đệm], tế bào sụn, tế bào mỡ, tế bào trung biểu mô, đại thực bào, tế bào lưới và một vài tế bào biểu mô tuyến vú[6] .

NSE [Neuron-specific enolase]: là một enzym tìm thấy ở các tế bào thần kinh hoặc có nguồn gốc thần kinh- nội tiết[6].

Neurolaments: là một loại sợi trung gian tìm thấy ở các noron thần kinh, KN này rất hữu ích trong việc phân biệt tế bào thần kinh và thần kinh đệm[7].

Chromogranin [thuộc họ protein điều hòa bài tiết của tế bào]: tăng trong các trường hợp u tế bào crom. Đây là chất chỉ điểm cho ung thư tụy, tiền liệt tuyến và hội chứng carcinoid[8].

Synaptophysin [p38- protein túi sinap], Receptor tiếp nhận các yếu tố phát triển thần kin [Nerve growth factor receptor- gp75][8],

GFAP [Glial fibrillary acidic protein]: sợi trung gian đặc hiệu cho tế bào hình sao ở hệ thần kinh trung ương[9].

Myelin basic protein [protein có vai trò quan trọng trong quá trình myelin hóa của tế bào thần kinh trung ương][10].

4. Các kháng nguyên của tế bào trung biểu mô

Calretinin: là một protein vận chuyển calci phụ thuộc vitamin D, KN này dương tính trong các khối u trung biểu mô, có giá trị trong chẩn đoán phân biệt các khối u phổi khác nhau[11].

Mesothelin: là một protein có trong các tế bào trung biểu mô ở màng phổi, phúc mạc và màng tim do đó Mesothilin cũng biểu hiện ở các khối u trung biểu mô, ngoài ra KN này còn biểu hiện ở ung thư biểu mô tụy và buồng trứng[12].

Thrombomodulin [CD141]: protein tích hợp màng tế bào nội mô[4]

D2-40 [M2A], Podoplanin là các glycoprotein có ở các tế bào nội mô mạch máu và bạch huyết[13], [14].

5. Các kháng nguyên đặc hiệu đường tiêu hóa [Gastrointestine-specific markers][15]

CDX-1: protein được mã hóa bởi gen CDX 1 có chức năng điều hòa sự biểu hiện các gen đặc hiệu của đường tiêu hóa và sự biệt hóa tế bào đường tiêu hóa.

CDX-2 là protein mã hóa bởi gen CDX-2, đây là một yếu tố phiên mã đặc hiệu đường tiêu hóa [intestine-specific nuclear transcription factor] rất có giá trị chẩn đoán trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa nhất là ung thư đại trực tràng[16], [17].

6. Nhóm các kháng nguyên tế bào Lympho[18].

CD viết tắt của Cluster class Diferenciation được dịch là cụm biệt hóa. Đây là các protein khác nhau trên bề mặt tế bào lympho, biểu hiện của nó phụ thuộc vào giai đoạn biệt hóa. Số kèm theo CD là số thứ tự kháng nguyên đó được phát hiện. Các KN chung và không đặc hiệu dòng:

  • CD45 [LCA- Leukocyte common antigen]: là KN chung bạch cầu. KN này biểu hiện ở hầu hết các u lymphon [ULP] và bệnh bạch cầu, âm tính ở các u lympho tế bào lớn bất thục sản [ALCL] và u tương bào.
  • TdT [enzyme teriminal deoxynucleotidyl tranferase] là một enzym có trong các nguyên bào lympho.
  • Bcl-1 là protein sinh u [oncoprotein], đây là một protein nhân có liên quan đến điều hòa chu trình tế bào, sự bộc lộ bcl-1 là đặc hiệu cho ULP áo nang. Bcl-2 cũng là một oncoprotein chốn lại sự chết tế bào theo chương trình và bộc lộ ở ULP áo nang và một số thể khác. Đây là các KN không đặc hiệu dòng.

Các KN tế bào dòng B[19]:

  • CD 19: bộc lộ ở các tế bào B thuần thục và chưa thuần thục, dương tính ở tất các các u lympho và bệnh bạch cầu dòng B.
  • CD 20: bộc lộ ở tế bào B thuần thục và hầu hết các u lympho dòng B.
  • CD 21: bộc lộ trên tế bào B thuần thục và các tế bào có tua nang [follicular dendritic cells].
  • CD 23: kháng nguyên hoạt hóa tế bào B bộc lộ trên các ULP tế bào nhỏ nhưng không bộc lộ ở ULP vùng áo nang.
  • CD 79a: là thành phần của phức hợp thụ thể kháng nguyên globulin miễn dịch bề mặt tế bào, bộc lộ trong hầu hết các ULP B.

Các kháng nguyên tế bào dòng T[18]:

  • CD 2 là kháng nguyên chức năng bạch cầu [leukocyte funtion antigen] bộc lộ ở các tế bào T và một số tế bào NK
  • CD 3: nhóm gồm 5 chuỗi polypeptid bộc lộ trên các tế bào T thuần thục và chưa thuần thục.
  • CD 4 là kháng nguyên của tế bào T hỗ trợ dương tính trong nhiều loại ULP tế bào T ngoại vi.
  • CD 5 bộc lộ trên các tế bòa T và một nhóm nhỏ các tế bào B ngoại vi thuần thục. CD5 đồng bộc lộ với KN của tế bào B trong một số ULP như ULP tế bào nhỏ và ULP vùng áo nang.
  • CD7 bộc lộ ở tế bào T thuần thục và không thuần thục thường bị mất ở tế bào T ngoại vi. CD8 là KN của tế bào T ức chế, dương tính ở một số ULP ngoại vi
  • CD 43 [Leu 22, MT-1] bộc lộ rộng rãi ở các tế bào T, không bộc lộ ở tế bào B bình thường nhưng bộc lộ ở các ULP bào B dương tính với CD5 [ULP áo nang] và ULP thuộc mô lympho niêm mạc [MALT].

7. Nhóm kháng nguyên dùng chẩn đoán u trung mô ống tiêu hóa

U trung mô dạ dày ruột theo phân loại của tổ chức y tế thế giới bao gồm: u mô đệm dạ dày, ruột [GIST], u cơ trơn [lành và ác tính], u tế bào Schawn, u cuộn mạch, polyp dạng xơ viêm, u nguyên xơ cơ, bệnh đa u xơ, u mỡ, u tế bào hạt, sarcome Kaposi. Do có nhiều nguồn gốc các kháng nguyên sử dụng chẩn đoán là sự kết hợp của các nhóm kháng nguyên trên.

  • CD 117: là thụ thể yếu tố tăng trưởng gắn tyrosin kinase xuyên màng, là sản phẩm của sự bộc lộ gen c-kit. Đột biến gen c-kit dẫn đến hoạt hóa protein KIT dẫn tới bộc lộ quá mức CD117. CD 117 biểu hiện chủ yếu trong GIST, một số u nguồn gốc thần kinh nội tiết [u tế bào nhỏ hoặc lớn ở phổi][20, 34].
  • CD 34: kháng nguyên tiền tế bào tạo máu ở ngưới. CD34 dương tính ở sarcoma cơ trơn, u vỏ thần kinh ngoại biên, u mỡ tế bào thoi, u xơ đơn độc, khoảng 70% GIST dương tính với CD34[21], [22].
  • SMA, S100 dương tính trong 10-20 GIST, 36-44% GIST có NSE dương tính.

8. Kháng nguyên của u hắc tố:

Melanosome hay hạt melanin [HMB45], Melan A [MART-1], Tyrosinase, S100, MAGE-1, CD63 [NK1-C3].

Ngoài những nhóm nêu trên còn rất nhiều các KN được dùng trong chẩn đoán nguồn gốc các khối u sẽ được chú giải ở phần sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Barak V., Goike H., Panaretakis K.W., et al. [2004]. Clinical utility of cytokeratins as tumor markers. Clin Biochem, 37[7], 529540.

2. Kumar Cytokeratin: A review on current concepts. , accessed: 10/22/2020.

3. Pinkus G.S. and Kurtin P.J. [1985]. Epithelial membrane antigena diagnostic discriminant in surgical pathology: immunohistochemical profile in epithelial, mesenchymal, and hematopoietic neoplasms using paraffin sections and monoclonal antibodies. Hum Pathol, 16[9], 929940.

4. [2008]. Molecular Diagnosis of Tumors. Phenotypic and Genotypic Diagnosis of Malignancies. John Wiley & Sons, Ltd, 81250.

5. Staedtke V., Dzaye O.D. a, and Holdhoff M. [2016]. Actionable molecular biomarkers in primary brain tumors. Trends Cancer, 2[7], 338349.

6. Hajdukovỏ L., Sobek O., Prchalovỏ D., et al. [2015]. Biomarkers of Brain Damage: S100B and NSE Concentrations in Cerebrospinal FluidA Normative Study. BioMed Research International, 2015, e379071, , accessed: 10/26/2020.

7. Khalil M., Teunissen C.E., Otto M., et al. [2018]. Neurofilaments as biomarkers in neurological disorders. Nat Rev Neurol, 14[10], 577589.

8. Tomita T. [2020]. Significance of chromogranin A and synaptophysin in pancreatic neuroendocrine tumors. Bosn J Basic Med Sci, 20[3], 336346.

9. Yang Z. and Wang K.K.W. [2015]. Glial Fibrillary acidic protein: From intermediate filament assembly and gliosis to neurobiomarker. Trends Neurosci, 38[6], 364374.

10. Boggs J.M. [2006]. Myelin basic protein: a multifunctional protein. Cell Mol Life Sci CMLS, 63[17], 19451961.

11. Schwaller B. [2014]. Calretinin: from a simple Ca2+ buffer to a multifunctional protein implicated in many biological processes. Front Neuroanat, 8.

12. Hassan R. and Ho M. [2008]. Mesothelin targeted cancer immunotherapy. Eur J Cancer Oxf Engl 1990, 44[1], 4653.

13. Xie Q., Chen L., Fu K., et al. [2008]. Podoplanin [D2-40]: A New Immunohistochemical Marker for Reactive Follicular Dendritic Cells and Follicular Dendritic Cell Sarcomas. Int J Clin Exp Pathol, 1[3], 276284.

14. Sonne S.B., Herlihy A.S., Hoei-Hansen C.E., et al. [2006]. Identity of M2A [D2-40] antigen and gp36 [Aggrus, T1A-2, podoplanin] in human developing testis, testicular carcinoma in situ and germ-cell tumours. Virchows Arch Int J Pathol, 449[2], 200206.

15. Silberg D.G., Swain G.P., Suh E.R., et al. [2000]. Cdx1 and Cdx2 expression during intestinal development. Gastroenterology, 119[4], 961971.

16. Li M.K. and Folpe A.L. [2004]. CDX-2, a new marker for adenocarcinoma of gastrointestinal origin. Adv Anat Pathol, 11[2], 101105.

17. Saad R.S., Ghorab Z., Khalifa M.A., et al. [2011]. CDX2 as a marker for intestinal differentiation: Its utility and limitations. World J Gastrointest Surg, 3[11], 159166.

18. Gascoyne R.D., Rosenwald A., Poppema S., et al. [2010]. Prognostic biomarkers in malignant lymphomas. Leuk Lymphoma, 51[sup1], 1119.

19. Lossos I.S. and Morgensztern D. [2006]. Prognostic biomarkers in diffuse large B-cell lymphoma. J Clin Oncol Off J Am Soc Clin Oncol, 24[6], 9951007.

20. Sarlomo-Rikala M., Kovatich A.J., Barusevicius A., et al. [1998]. CD117: a sensitive marker for gastrointestinal stromal tumors that is more specific than CD34. Mod Pathol Off J U S Can Acad Pathol Inc, 11[8], 728734.

21. Sidney L.E., Branch M.J., Dunphy S.E., et al. [2014]. Concise Review: Evidence for CD34 as a Common Marker for Diverse Progenitors. Stem Cells Dayt Ohio, 32[6], 13801389.

22. Miettinen M., Virolainen M., and Maarit-Sarlomo-Rikala null [1995]. Gastrointestinal stromal tumorsvalue of CD34 antigen in their identification and separation from true leiomyomas and schwannomas. Am J Surg Pathol, 19[2], 207216.

Chia sẻ
  • Facebook
  • Google +

Video liên quan

Chủ Đề