Vì sao người việt ăn cơm bằng đũa

.

Cập nhật lúc: 20:52, 13/03/2020 (GMT+7)

Đối với nhiều nước châu Á, đũa là một vật dụng rất quen thuộc trong bữa ăn. Tuy nhiên, văn hóa dùng đũa ở mỗi quốc gia lại có sự khác nhau về cách sử dụng lẫn quan niệm.

Vì sao người việt ăn cơm bằng đũa
Trong bữa cơm, người Việt Nam chủ yếu dùng đũa

* Nguồn gốc ra đời của đôi đũa

Đũa là vật dụng quan trọng và vô cùng quen thuộc với người dân Á Đông, nó trở thành một nét văn hóa của người Á châu. Và cùng với lịch âm, nến, giấy, mực…, đũa là một trong những phát minh lớn của người Trung Quốc. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của phương Tây, cách đây 3000 năm (thời Ân Thương) con người đã biết sử dụng đũa để gắp thức ăn thay cho việc bốc tay.

Thời gian đầu đũa ăn chưa được gọi là đũa, mà là “trợ” hoặc là “giáp”, đến thế kỷ thứ VI, VII TCN đũa còn được gọi là “cân”. Sau đó vì một số quan niệm của người dân Giang Nam miền Đông Trung Quốc đã đổi tên thành “đũa”. Từ đó, đũa đã trở thành nền văn minh, bộ mặt của cả một nền văn hóa rộng lớn gồm nhiều nước châu Á. Từ khoảng năm 1800 TCN, những đôi đũa có kích thước lớn thường dùng để nấu ăn là chính. Đến khoảng năm 200 TCN, đũa bắt đầu trở thành món đồ dùng phổ biến trong các bữa ăn.

* Việt Nam

Đối với người Việt, việc dùng đũa không chỉ đơn thuần là một công cụ để gắp thức ăn, nó còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ một cách tinh tế. Hầu như khi khởi đầu các bữa ăn, đặc biệt là trong các bữa tiệc, trước khi gắp đồ cho chính mình, họ thường dùng đôi đũa còn sạch để gắp đồ ăn mời mọi người quanh bàn. Còn trong suốt bữa ăn, nếu muốn tiếp đồ ăn cho người khác, phải đảo đầu đũa, đây là phép lịch sự tối thiểu nhất.

Nhìn chung, quy tắc dùng đũa của người Việt không quá khắt khe, trẻ nhỏ thường chỉ bắt đầu học cách sử dụng đũa khi đã lên 5-6 tuổi. Và cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác, ngoài việc chống thẳng đôi đũa trong chén cơm bị coi là điềm gở, gắn liền với hình ảnh chén cơm cúng. Ở Việt Nam còn kiêng gõ đũa vào nhau, gõ đũa vào bát hay các vật dụng khác tạo tiếng động khi đang ăn. Họ quan niệm rằng, điều này sẽ khiến ma đói tìm tới quấy nhiễu, thêm vào đó kiêng gõ đũa là phép lịch sự mà người Việt rất đề cao.

Những đôi đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí, đầu đũa cũng thường không để quá nhỏ. Thông thường, ở miền Bắc đũa sẽ được làm từ tre, còn ở miền Nam đũa thường được làm từ gỗ dừa.

* Hàn Quốc

Cũng như các nước khác, đũa có vai trò rất quan trọng trong các bữa ăn của người Hàn. Người Hàn Quốc trong bữa ăn thường không bao giờ cầm bát đĩa lên mà chỉ dùng đũa, muỗng để gắp, múc thức ăn. Họ cũng không cầm thìa và đũa trong cùng một bàn tay. Khi ngồi chung một bàn ăn, ai muốn gắp đồ ăn từ dĩa đựng thức ăn chung phải đảm bảo đôi đũa của mình thật sạch, không bị dính đồ ăn hay cơm…

Vì sao người việt ăn cơm bằng đũa
Người Hàn Quốc thường dùng đũa dẹt, bằng kim loại

Đặc biệt, những đôi đũa của người Hàn thường dẹt, đầu đũa tròn và phía trên đầu còn có khắc những chữ “phúc”, “hỷ” bằng chữ Hán hoặc những hình ảnh tượng trưng cho cát tường. Hầu như từ trong gia đình cho đến các quán ăn đều chỉ sử dụng đũa làm từ kim loại. Sở dĩ họ chuộng đũa kim loại vì vừa vệ sinh, vừa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi ăn uống ở xứ sở kim chi thì việc cầm đũa thực sự cần có kỹ năng, hơi vất vả.

* Trung Quốc

Văn hóa dùng đũa của người Trung Quốc cũng khá cởi mở, không có quá nhiều quy tắc. Đũa thường được giữ trong tay phải và việc sử dụng đũa bằng tay trái được coi là nghi thức không thích hợp ở đây. Ngoài ra, nghịch đũa được coi là một hành vi xấu, còn gắp thức ăn cho người già, trẻ em sẽ được coi là chu đáo, lịch sự. Khi đi ăn với người lớn tuổi, người Trung thường để người lớn cầm đũa trước mình và người chủ nhà sẽ chủ động gắp thức ăn vào dĩa của khách trước.

Có một số điều kiêng kỵ khi dùng đũa mà bạn nên biết ở đây nữa là họ không bao giờ dựng đũa thẳng đứng trong chén cơm, nó gợi nhắc tới chén cơm cúng thể hiện cho điềm gở và sự chết chóc. Thêm nữa, gõ đũa vào thành bát cũng được cho là hành động bất lịch sự.

* Nhật Bản

Ở Nhật Bản, hầu như trong các bữa ăn nào họ cũng đều dùng đũa. Bởi phần lớn các món Nhật đều được cắt nhỏ kể từ khâu chuẩn bị, chế biến. Hơn nữa, người Nhật cũng thường xuyên ăn cá nên việc dùng đũa sẽ giúp họ linh hoạt hơn trong việc loại bỏ phần xương. Do đó mà họ rất coi trọng đôi đũa, bên cạnh vai trò là món đồ dùng thì nó còn có thể là tác phẩm nghệ thuật. Thường các gia đình ở Nhật đều sở hữu những bộ đũa quý khảm trai hoặc thếp vàng, những bộ đũa sơn mài được sơn vẽ cầu kỳ.

Nếu đến du lịch Nhật Bản, bạn sẽ thấy nhiều nhà hàng ẩm thực ở đây chỉ phục vụ đũa trong bữa ăn (ngoài những món canh, súp… có muỗng đi kèm). Đó là lý do mà nhiều thực khách, nhất là khách Tây không biết dùng đũa, thường hay gặp khó khăn khi muốn dùng bữa tại những nơi như thế này.

Cách dùng đũa của người Nhật cũng khá hay ho, khi họ cảm thấy đã no và không muốn tiếp thêm đồ ăn nữa sẽ giữ nguyên đôi đũa giữa ngón cái và ngón trỏ rồi nói “gochisosama” - bữa ăn rất ngon, xin cảm ơn. Việc này vừa thể hiện sự trân trọng đối với bữa ăn mà mình được phục vụ vừa là một phép lịch sự. Ngoài ra, đối với văn hóa Nhật, việc ăn uống xì xụp không phải là bất lịch sự mà là thể hiện sự khen ngợi đối với tài nghệ của người đầu bếp.

* Thái Lan

Mặc dù người Thái cũng thường dùng đũa trong bữa ăn, đó thường là loại đũa gỗ dùng một lần rồi bỏ đi hoặc những đôi đũa nhựa, thế nhưng cho tới giờ, người dân nơi đây thực tế lại đang sử dụng dao nĩa nhiều hơn đũa. Ngoại trừ khi ăn cơm và các món mì dùng đũa ra hầu như trong các bữa ăn người dân nước này sử dụng muỗng khá nhiều. Trong khi có nhiều người vẫn dùng đũa để gắp và ăn bằng đũa, thì cũng có nhiều người Thái giờ chỉ dùng đũa để gắp đồ ăn, đưa vào chén và sau đó dùng muỗng để ăn.

Quang Anh (tổng hợp)

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất trên thế giới có văn hóa dùng đũa. Các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sử dụng đũa trong các bữa ăn hàng ngày. Sau này cuộc sống hiện đại hơn, mức thu nhập cao hơn, nhiều người bắt đầu làm quen với cách dùng dao nĩa như người Tây trong những nhà hàng sang trọng, nhưng thói quen dùng đũa của người Việt đã trở thành truyền thống mà không điều gì có thể làm nó bị mai một.

Trong sách vở của nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, đũa được cho là có nguồn gốc từ nền văn minh Trung Hoa, gọi là văn minh đũa (civilisation des baguettes). Tuy nhiên các học giả viết sử Tàu phản bác lại giả thuyết này vì người Trung Quốc thời Tần Hán không dùng đũa khi ăn, mà lấy tay bốc. Họ cho rằng đũa thuộc văn minh lúa nước Đông Nam Á và những vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây tre. Người Tàu chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính đất Bách Việt cổ (đời Tần – Hán).

Vì sao người việt ăn cơm bằng đũa
Nếp dùng đũa. (Ảnh: tinku)

Còn ở Việt Nam, hình ảnh đôi đũa xuất hiện đầu tiên và sớm nhất là trong chuyện cổ tích Trầu Cau. Để biết được ai là anh, ai là em trong câu chuyện, người ta đã để hai anh em sinh đôi Tân và Lang ăn cơm cùng mâm nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em chính là Tân kính trọng đưa đũa cho anh mình. Hình ảnh đôi đũa trong câu chuyện có từ thời các vua Hùng đã thể hiện rõ nét nếp văn hóa của gia đình Việt.

Cũng từ đó, đôi đũa trở thành vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt. Nó thân thuộc với tất cả mọi người, bất kể địa vị cao thấp, giàu nghèo. Người dân thường dùng đôi đũa tre đơn giản, nhà quan dùng đũa mun, vua chúa dùng đũa ngọc, đũa ngà…

Miền Bắc xưa thường có lũy tre làng, nên người dân thường lấy thân tre già để làm đũa. Miền Nam lại được chở che bởi những tán dừa, nên người miền Nam dùng chính cây dừa để làm nên đôi đũa. Thường thì đũa miền Bắc có phần ngắn hơn một chút so với miền Nam. Nhưng nói chung, đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí, đầu đũa cũng thường không quá nhỏ.

Từ đôi đũa, người Việt đưa ra biết bao bài học về phép tắc trong bữa cơm gia đình. Ai trong chúng ta cũng đã từng được người lớn dậy cách so đũa trước bước ăn. Phải chọn đôi đũa đều nhau và hai tay lễ phép đưa cho người lớn. Khi đặt đũa cũng phải chú ý đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch. Cách cầm đũa cũng phải ý tứ, nhìn trước ngó sau.

Người lớn cũng thường dậy con trẻ rằng khi ăn không được mút đũa, ngậm đũa vì đây là điều bất lịch sự. Khi gắp thức ăn cần nhẹ nhàng, không xới tung cả đĩa thức ăn để tìm miếng ngon, khi trò chuyện trong bữa ăn không được vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân kể chuyện. Tất cả những điều này, dù là nhỏ nhặt nhưng đã hình thành nên nếp văn hóa trong mâm cơm của người Việt từ bao đời nay.

Hải Yến
Original