Vì sao mắt ngứa liên tục

Mắt giúp mọi người tự tin hơn khi giao tiếp, là cầu nối để liên kết giữa mọi vật xung quanh với não bộ. Vì sự quan trọng đó, khi bị dị ứng mắt, bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, xin lời khuyên từ các bác sĩ để bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của mình một cách tốt nhất.

Do phần bề ngoài của mắt luôn ẩm nên khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên sẽ tăng lên. Dị nguyên cũng có thể nhanh chóng bị rửa trôi nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng lại là nguyên nhân gây ra các biểu hiện dị ứng mắt.

Dị ứng mắt là gì?

Dị ứng mắt hay còn gọi là viêm kết mạc dị ứng và xảy ra khi mắt phản ứng với chất kích thích. Những chất này gọi là dị nguyên. Khi cơ thể phản ứng với dị nguyên sẽ gây ra phản ứng dị ứng mắt.

Hệ thống miễn dịch luôn làm việc để bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể chống lại các yếu tố có hại từ bên ngoài như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, hệ thống này phản ứng sai lệch cũng có thể gây ra các phản ứng miễn dịch với những chất được cho là nguy hiểm. Đó chính là hiện tượng dị ứng mắt.

Hệ thống miễn dịch tạo ra các chất chống lại dị nguyên, các chất này vô hại với cơ thể nhưng lại dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa mắt, đỏ và chảy nước mắt.

Triệu chứng thường gặp khi dị ứng mắt

Dị ứng mắt có triệu chứng khá rõ ràng so với các bệnh khác về mắt. Những triệu chứng phổ biến như mắt ngứa hoặc bỏng rát, chảy nước mắt, mắt đỏ, gỉ xung quanh mắt, mí mắt sưng tấy hoặc sưng húp…

Tình trạng này có thể xảy ra ở cả một hoặc hai mắt. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này có thể kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi. Vì thế, khi gặp các triệu chứng trên, hãy nghĩ ngay đến bệnh dị ứng mắt để tham khảo ý kiến của bác sĩ, giúp việc điều trị kịp thời và hiệu quả.

Nguyên nhân của bệnh dị ứng mắt?

Dị ứng mắt là căn bệnh thường gặp trong đời sống hàng ngày. Dị ứng mắt do gặp phải một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định. Hầu hết các phản ứng được kích hoạt bởi chất gây dị ứng có trong môi trường sống như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông thú…

Dị ứng mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, căn bệnh đặc biệt phổ biến vào mùa xuân, hè và thu khi cây, cỏ và hoa lá nở rộ. Phản ứng dị ứng mắt thường xảy ra với những người nhạy cảm tiếp xúc với dị nguyên. Dị ứng thức ăn cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng ở mắt.

Các tổn thương dị ứng mắt thường gặp

Các tổn thương dị ứng mắt thường gặp gây ra những bệnh khá cụ thể. Từ việc xác định đúng bệnh và nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp.

Viêm kết mạc dị ứng: Đây là bệnh dễ gặp nhất với triệu chứng ngứa mắt, chảy nước mắt, nặng hơn là co quắp mi, sợ ánh sáng, phù nề…

Viêm giác mạc: Bệnh do một tổ chức vô mạch được nuôi dưỡng nhờ oxy và thẩm thấu nên các biểu hiện dị ứng có vẻ âm thầm và hiếm gặp hơn. Viêm giác mạc thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao – xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virus thủy đậu, zona… Ngoài ra còn có viêm giác mạc do viêm nhiễm tại củng mạc và thượng củng mạc.

Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên vào được bên trong nhãn cầu nhưng chúng ta vẫn gặp các bệnh lý dị ứng. Viêm bên trong nhãn cầu có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glocom do thể thủy tinh…

Bệnh dị ứng mắt có thể đi kèm với dị ứng của các cơ quan khác như dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, thuốc, hen…

Điều trị và phòng ngừa dị ứng mắt

Dù bị dị ứng mắt nặng hay nhẹ thì cách tốt nhất vẫn là loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Những người nghi bị dị ứng mắt cần đến khám ở các Bệnh viện uy tín, tránh tình trạng dụi mắt quá nhiều sẽ gây ra kích thích tế bào mast cells làm bệnh tăng nặng thêm.

Khi có dấu hiệu bị dị ứng mắt, người bệnh nên rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo.

Chườm lạnh cũng là giải pháp tốt để giảm triệu chứng phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch.

Cần tránh việc tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc về nhỏ vì mắt khá nhạy cảm và quan trọng. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị mắt cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, không thể tùy tiện lạm dụng gây nên một số biến chứng không đáng có cho đôi mắt.

Với những người dễ mắc bệnh dị ứng, cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên, các chất kích thích được cho là có khả năng gây dị ứng mắt. Khi mắt có dị vật, nên nháy mắt liên tục trong ly nước sạch. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật, bạn nên đến ngay bệnh viện mắt  chuyên khoa để kiểm tra.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

BS. Nguyễn Thị Thu Thủy

Tài liệu tham khảo

Ngứa mắt khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày. Thực ra, ngứa mắt có nhiều nguyên nhân, việc điều trị sẽ theo nguyên nhân. Tuy vậy, có một số thể bệnh ngứa mắt dễ tái phát, người bệnh bên cạnh điều trị để giảm ngứa tức thì chỉ còn có cách tránh các tác nhân gây ngứa. Sau đây là những lý do [tác nhân] có thể gây ngứa mắt:

Dị ứng

Ngứa mắt do dị ứng là chứng bệnh rất thường gặp, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng. Phấn hoa, lông vật nuôi như chó mèo, bụi, khói, môi trường ô nhiễm, thức ăn, thuốc… là những tác nhân dễ gây dị ứng. Người có các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng… cũng chính là những đối tượng dễ mắc ngứa mắt do dị ứng nhất.

Người bị ngứa mắt do dị ứng [viêm kết mạc dị ứng] thường mắc bệnh theo mùa. Bệnh lành tính nhưng cần chú ý tránh dụi mắt để không gây biến chứng xước giác mạc. Thực tế, có những bệnh nhân cứ đến mùa đông – xuân, hoặc hè – thu là lại ngứa mắt điên đảo; ngứa quá không chịu được nên dụi mắt nhiều đến nỗi trợt giác mạc. Tổn thương này có thể gây sẹo và giảm thị lực vĩnh viễn.

Thuốc kháng dị ứng sẽ xoa dịu các phản ứng dị ứng, tuy vậy ngứa mắt do dị ứng cũng rất dễ tái phát khi gặp tác nhân thích hợp.

Khô mắt

Khô mắt thường xảy ra ở người cao tuổi, hoặc người làm việc liên tục với các thiết bị điện tử [máy tính, điện thoại]. Khô mắt sẽ dẫn đến nóng, ngứa và nhức mắt. Biện pháp ứng phó là dùng nước mắt nhân tạo, giảm thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử, để mắt nghỉ ngơi hợp lý.

Viêm bờ mi

Viêm bờ mi có thể gây ra tình trạng ngứa mắt, sưng đỏ ở mắt, chảy nước mắt, rụng lông mi, viêm giác mạc… Làm vệ sinh bờ mi, bôi thuốc đúng theo chỉ định sẽ giúp khỏi bệnh.

Có dị vật trong mắt

Cát, bụi hay những con thiêu thân lao thẳng vào mắt [tức mắt có dị vật] đều có thể gây ngứa ngáy, khó chịu cho mắt. Gặp các trường hợp này, bạn không nên day dụi mắt vì dễ gây xước giác mạc, nguy cơ viêm loét giác mạc. Hãy chớp mắt trong một chén nước đầy, hoặc dùng nước mắt nhân tạo để đẩy vật thể lạ ra khỏi mắt. Nếu vẫn ngứa mắt, cần đi khám bác sĩ nhãn khoa để giải quyết tình trạng triệt để.

Kính áp tròng

Sử dụng kính áp tròng lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng, khô mắt và ngứa mắt. Lời khuyên cho các bạn dùng kính áp tròng là phải tuân thủ vệ sinh kính sạch sẽ. Người có tiền sử hen suyễn hay viêm mũi dị ứng cần thận trọng khi sử dụng kính áp tròng.

Khi có triệu chứng ngứa mắt, không biết nguyên nhân là gì, tốt nhất người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị đúng chỉ định. Không tự ý mua thuốc về nhỏ mắt vì một số thuốc giảm ngứa nhanh nhưng gây bội nhiễm khiến cơn ngứa càng bùng lên dữ dội. Nhiều thuốc cũng có tác dụng phụ ảnh hưởng đến mắt.

Khi đang bị ngứa mắt, cần tránh các chất kích thích như bia, rượu, hạt tiêu, ớt… để mắt không bị kích thích thêm. Người hay bị ngứa mắt cần đeo kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài đường, tránh khói bụi. Nên giữ vệ sinh sạch sẽ, không dụi tay bẩn vào mắt, rửa mặt sạch hàng ngày; nếu đã có cơ địa dị ứng thì không tiếp xúc gần với chó mèo…

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

BS. Lê Nguyễn Huy Cường

Video liên quan

Chủ Đề