Vận dụng quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể trong cuộc sống, học tập của bản thân

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM LỊCH SỬ, CỤ THỂ TRONG TRIẾT HỌC MÁC LÊNIN VÀO CHUYÊN ĐỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT.

Thực hiện pháp luật là hoạt động có vai trò rất quan trọng trong đời sống thực tế. Bởi nó có thể hiện thực hóa những quy định của pháp luật bằng các hoạt động khác nhau của các chủ thể. Trong các hình thức thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật được xác định là hình thức quan trọng nhất. Do vậy, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ tập trung vào hình thức này.

Với nhiều trường hợp, các chủ thể pháp luật không thể tự mình thực hiện pháp luật hoặc không muốn thực hiện pháp luật nên rất cần những hoạt động mang tính tổ chức của nhà nước thông qua hình thức áp dụng pháp luật. Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật theo đó nhà nước thông qua cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền, tổ chức cho các chủ thể thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ do pháp luật quy định. Đồng thời, áp dụng pháp luật là hoạt động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ phát luật nên rất phức tạp, đụng chạm đến quyền và lợi ích của nhiều chủ thể hoặc có đối tượng là giá trị tài sản rất lớn. Vì vậy, áp dụng pháp luật đặc biệt đòi hỏi phải đảm bảo tính khách quan, chuẩn xác, toàn diện, lịch sử, cụ thể.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê nin, mọi sự vật hiện tượng của thế giới đều tồn tại, vận động và phát triển trong những điều kiện không gian và thời gian nhất định. Điều kiện thời gian và không gian có ảnh hưởng trực tiếp tới tính chất, đặc điểm của sự vật. Cùng một sự vật nhưng nếu tồn tại trong những điều kiện không gian và thời gian cụ thể khác nhau thì tính chất, đặc điểm của nó sẽ khác nhau. Thậm chí có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất của sự vật. Bởi vậy, không chỉ nghiên cứu chúng trong suốt quá trình mà còn nghiên cứu chúng trong các không gian, thời gian, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau.

Trên thực tế, các quan hệ xã hội luôn tồn tại trong trạng thái động, còn các quy định của pháp luật tồn tại ở trạng thái tĩnh nên những quy định của pháp luật dễ lạc hậu hơn so với thực tế. Ngoài ra, nội dung của quy phạm pháp luật mang tính khái quát, không thiết kế cho một vụ việc cụ thể với một chủ thể nhất định. Khi một quy phạm pháp luật được áp dụng với một chủ thể thì điều đó cũng có nghĩa là quy phạm đó được cá biệt vào trường hợp cụ thể. Do đó, chủ thể áp dụng pháp luật phải nhận thức đầy đủ về những trường hợp cụ thể, phải đặt chúng trong quá trình phát sinh, phát triển, chuyển hóa trong các hình thức biểu hiện với không gian và thời gian nhất định. Điều này có nghĩa khi phân tích, xem xét, đánh giá các tình tiết của sự việc cũng như lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật áp dụng thì cần phải gắn với điều kiện, hoàn cảnh mà sự việc đó tồn tại. Ở giai đoạn phân tích xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ việc đòi hỏi tái hiện lại nội dung của vụ việc một cách khách quan, toàn diện, chính xác; Phân tích, đánh giá, diễn biến của vụ việc một cách tỉ mĩ, xác định chủ thể, thời gian, địa điểm. Theo đó, chủ thể áp dụng pháp luật nhận thức vụ việc trong mối liên hệ giữa các yếu tố, các mặt của vụ việc cũng như sự tác động qua lại của vụ việc này với các yếu tố bên ngoài tác động vào. Phải xác định đúng bản chất cụ thể, không cắt xén, thêm bớt những tình tiết của vụ việc.

Đối với giai đoạn lựa chọn quy phạm pháp luật cần áp dụng và làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của quy phạm đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải tìm kiếm và so sánh nội dung của vụ việc cụ thể với nội dung của quy phạm để xác định quy phạm pháp luật đó có điều chỉnh vụ việc. Đồng thời làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của quy phạm điều chỉnh nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật diễn ra đúng đắn, là kết quả của quá trình tư duy pháp lý hợp pháp, thể hiện quyền và trách nhiệm của người áp dụng pháp luật. Tùy vào mỗi trường hợp khác nhau pháp luật sẽ điều chỉnh những vụ việc đó theo những hướng khác nhau. Về mặt nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trởvề trước thì áp dụng theo quy định đó[1]. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới[2]. Đây chính là nguyên tắc hồi tố được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật. Vì mục đích nhân đạo, tùy vào những trường hợp cụ thể, chủ thể có thẩm quyền xét thấy cần thiết sẽ áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho đối tượng áp dụng pháp luật.

Do đó, mỗi nội dung của vụ việc nảy sinh trên thực tế đều có bản chất khác nhau. Tùy theo vụ việc chủ thể có thẩm quyền phải có cách thức giải quyết sao cho thấu tình đạt lý. Tránh trường hợp rập khuôn, máy móc, áp dụng không đúng tinh thần quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Để thực hiện được điều đó, trước hết chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải nắm vững kiến thức về quan điểm lịch sử, cụ thể trong triết học Mác Lênin cùng với những quy định củapháp luật hiện hành./.


[1] Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật 2015.

[2] Khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật 2015.

Video liên quan

Chủ Đề