Từ văn bản trên hãy rút ra cho mình một bài học mà anh chị tâm đắc nhất

Cùng THPT Sóc Trăng tìm hiểu một số đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn.

Đọc hiểu Hạt giống tâm hồn – Đề số 1

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

VẾT NỨT VÀ CON KIẾN

Khi ngồi ở bậc thềm trước nhà, tôi nhìn thấy một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần.

Bò được một lúc, con kiến chạm phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát. Tôi tưởng con kiến hoặc là quay lại, hoặc là sẽ một mình bò qua vết nứt đó. Những không. Con kiến đặt chiếc lá ngang qua vết nứt trước, sau đó đến lượt nó vượt qua bằng cách vượt lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia, con kiến lại tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình.

Hình ảnh đó bất chợt làm tôi nghĩ rằng tại sao mình không thể học loài kiến nhỏ bé kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn!

[Theo Hạt giống tâm hồn, tập 5, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013]

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?

Câu 2: Ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh “vết nứt”?

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: “tại sao mình không thể học loài kiến nhỏ bé kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn!”?

Câu 4: Từ văn bản trên, hãy rút ra cho mình một bài học mà anh/chị tâm đắc nhất?

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2:

Hình ảnh “vết nứt” ẩn dụ cho những khó khăn, trở ngại, thách thức mà chúng ta luôn phải đối mặt trong cuộc sống, đó là quy luật tất yếu.

Câu 3:

Tác giả cho rằng: “tại sao mình không thể học loài kiến nhỏ bé kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn!” bởi trong cuộc sống, con người cũng phải trải qua những khó khăn, thử thách như “vết nứt” mà con kiến bé nhỏ kia gặp phải. Đó là khi ta đối mặt trước khó khăn, ta sẽ ứng xử và vượt qua khó khăn như thế nào. Hình ảnh “loài kiến nhỏ bé” đã cho chúng ta một bài học, hãy biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành trải nghiệm, là hành trang quý giá cho ngày mai để đạt đến thành công, tươi sáng. Ý kiến cũng tác giả cũng gián tiếp lên tiếng trước một thực trạng, trong cuộc sống, trước những khó khăn, nhiều người còn bi quan, chán nản, bỏ cuộc… đó là thái độ cần thay đổi để vươn lên trong cuộc sống.

Câu 4:

Các em trình bày suy nghĩ cá nhân, giải thích vì sao bài học đó khiến em thấy tâm đắc nhất?

– Có thể lựa chọn những bài học như:

+ Trước bất cứ điều gì trong cuộc sống thường ngày, phải kiên trì, nhẫn nại, đối mặt với thử thách, không nên chỉ mới gặp trở ngại đã vội vàng bỏ cuộc.

+ Để theo đuổi được mục đích của bản thân, phải luôn nỗ lực, sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh.

+ Phải biết biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành cơ hội, thành kinh nghiệm, thành hành trang quý giá cho ngày mai.

………………………………

Đọc hiểu Hạt giống tâm hồn – Đề số 2

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Mỗi lần đi thăm một thầy giáo lớn tuổi, trong lúc tranh luận về quan điểm sống, một sinh viên đã nói:

– Sở dĩ có sự khác biệt là vì thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là của một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với những thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều, thế hệ các thầy đâu có máy tính, không có internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…

Người thầy giáo trả lời:

– Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta. Còn điều em nói là đúng. Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo nên những con người kế thừa và áp dụng chúng.

[Hạt giống tâm hồn và Ý nghĩa cuộc sống, tập 5, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh]

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Theo cậu sinh viên, điều gì làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi?

Câu 3. Tại sao cậu sinh viên lại cúi đầu, im lặng trước câu trả lời của thầy?

Câu 4. Từ câu chuyện trên anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?

Câu 5. Hãy viết 01 đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu trả lời của người thầy giáo trong văn bản trên: “Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta”.

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2:

– Điều làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi là: sự thay đổi thời đại và hoàn cảnh sống “Thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều, thế hệ thầy không có máy tính, internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…”

Câu 3:

– Câu sinh viên cúi đầu im lặng trước thầy vì: cậu nhận ra rằng, những phương tiện hiện đại cậu được hưởng thụ ngày nay chính là do những thế hệ trước vất vả tạo thành. Vậy mà cậu không có thái độ biết ơn lại có những lời trách móc với thầy giáo – thế hệ đi trước.

Câu 4:

Bài học mà các em có thể rút ra cho bản thân:

– Cần có thái độ đúng mực với những người lớn tuổi, đặc biệt là người đã và đang dạy dỗ ta.

– Phải biết ơn và trân trọng quá khứ, công lao của cha ông. Bởi mọi thành quả hôm nay ta được hưởng thụ đều do ông cha ta vất vả tạo thành.

– Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, nhưng bản thân mỗi người phải giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đó là yếu tố không được thay đổi, nó tạo nên giá trị bền vững cho mỗi con người.

Câu 5

Mẫu 1

* Giới thiệu vấn đề nghị luận

* Giải thích vấn đề

“Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta những không làm thay đổi chúng ta” câu nói muốn khẳng định, các phương tiện hiện đại sinh ra để phục vụ cho cuộc sống con người, giúp cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Nhưng không vì thế mà chúng ta được thay đổi những vốn sống, lối sống đẹp đẽ của dân tộc, truyền thống đạo lí tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của cha ông.

* Bàn luận vấn đề

– Vì sao chúng ta không thể để công nghệ thay đổi, phải biết ơn thế hệ đi trước?

+ Những người đi trước là những người đặt nền móng, mở đường cho thế hệ sau, không có thế hệ mở đường, thế hệ sau khó có thể phát triển được. Cuộc sống hôm nay trở nên tiện nghi hơn, dễ dàng hơn cũng chính là nhờ vào công sức của cha ông.

+ Biết ơn, trân trọng những người đi trước, con người mới có thể sống vững được trong cuộc đời. Cội nguồn quá khứ chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của con người.

– Chúng ta cần làm gì trong thời điểm hiện nay?

+ Trân trọng những thành quả thế hệ đi trước.

+ Không ngừng nỗ lực, phát huy những thành quả thế hệ cha anh để lại.

* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

– Trong cuộc sống ngày hôm nay, có không ít những kẻ chỉ biết hưởng lợi ích cá nhân mà quên mất đi công sức của người khác. Những kẻ chỉ biết hưởng lợi cá nhân như vậy sẽ bị mọi người xa lánh, xã hội tẩy chay.

– Câu chuyện đưa ra đã thức tỉnh mỗi người chúng ta hãy biết ơn và trân trọng những người đi trước, bởi chính họ là người đặt nền móng cho sự tiện nghi, hiện đại của cuộc sống của ngày hôm nay.

Mẫu 2

* Giải thích:

– “Phương tiện hiện đại”: là những phương tiện mới nhất, với công nghệ cao nhất thể hiện sự sáng tạo của con người…

-> Lời của thầy giáo khẳng định: Dù mọi phương tiện hiện đại đến đâu thì mọi sáng tạo đều do con người làm chủ, chứ chúng không thay thế cho con người. Thế hệ trước đặt nền móng cho thế hệ sau tiếp tục phát huy những sáng tạo mới.

* Bàn luận

– Khái quát nội dung câu chuyện

– Phân tích, chứng minh:

+ Tại sao Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta? Vì mọi phương tiện dù hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì chúng đều là những công cụ hỗ trợ cho chúng ta làm việc và sáng tạo, chứ chúng không thể thay thế cho trí tuệ của con người, con người không lệ thuộc vào chúng.

+ Người thầy trong câu chuyện đã nói “Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo nên những con người kế thừa và áp dụng chúng”:

++ Người thầy muốn cậu sinh viên hiểu rằng thời đại ông không được sống trong thời đại có những thành tựu khoa học tiên tiến như máy tính, internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại khác… nhưng ông và những người cùng thế hệ đã đặt viên gạch khởi đầu và đào tạo nên những con người kế thừa và áp dụng những thành tựu đó.

++ Thời đại mà người thầy giáo sống có thể là thời của những điều cũ kĩ, lạc hậu nhưng chính họ đã kiến tạo nên thế giới văn minh mà cậu sinh viên đang sống.

Lấy dẫn chứng: [về các nhà bác học đã phát minh ra các phương tiện hiện đại chúng ta tiếp tục phát huy]

* Bài học nhận thức và hành động

– Có cái nhìn toàn diện ở nhiều, tranh phiến diện một chiều

– Phê phán những người không biết trân trọng cái cũ [quá khứ] …

– Liên hệ với bản thân

………………………………………………..

Đọc hiểu Hạt giống tâm hồn – Đề số 3

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi :

Một lần đi thăm một thầy giáo lớn tuổi, trong lúc tranh luận về quan điểm sống, một sinh viên đã nói:

– Sở dĩ có sự khác biệt là vì thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là của một thế giới lạc hậu. Ngày nay, chúng em được tiếp xúc với những thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều. Thế hệ các thầy đâu có máy tính, không có internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…

Người thầy giáo trả lời:

– Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta. Còn điều em nói là đúng. Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo nên những con người kế thừa và áp dụng chúng.

Cậu sinh viên chợt cúi đầu, im lặng.

  [Dẫn theo Hạt giống tâm hồn và Ý nghĩa cuộc sống, tập 5, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh]

Câu 1 [0,5 điểm]: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 [1,0 điểm]: Theo cậu sinh viên, điều gì làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi?

Câu 3 [1,0 điểm]: Người thầy giáo muốn nói gì với cậu sinh viên qua câu: “Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo những con người thừa kế và áp dụng chúng”.

Câu 4 [0,5 điểm]: Nêu một bài học mà anh/chị cho là thấm thía sau khi đọc văn bản trên.

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1:

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản là Tự sự.

Câu 2:

Điều làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi: là do thời đại, hoàn cảnh sống

Câu 3:

Qua câu: “Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo những con người thừa kế và áp dụng chúng”, người thầy giáo muốn cậu sinh viên hiểu: Mặc dù thế hệ những người thầy giáo đã sống trong thời đại có thể là thời của những điều cũ kĩ, của một thế giới lạc hậu, nhưng họ đã kiến tạo nên thế giới văn minh, hiện đại mà cậu sinh viên đang sống.

Câu 4:

HS nêu được bài học cho bản thân. Nội dung bài học phải gắn với chủ đề của văn bản.

Thế hệ trẻ phải biết trân trọng, kế thừa, phát huy những thành tựu, di sản của lớp người đi trước để lại

………………………………..

Trên đây là một số đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn đã được ra trong các đề thi, đề kiểm tra mà THPT Sóc Trăng đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà! Đừng quên còn rất nhiều tài liệu văn 12 đang đợi các em khám phá nhé!

Tổng hợp các đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn đã có trong các đề thi, đề kiểm tra để các em học sinh làm quen và giải đáp các câu hỏi xung quanh.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục

Video liên quan

Chủ Đề