Top 10 doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ năm 2022

Trong đó, 9/15 doanh nghiệp này là những thành viên của 2 "ông lớn" FPT và Viettel; bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số "thánh gióng" như CTCP MK, Công ty TNHH Nashtech Việt Nam, Tập đoàn One Mount Group…

Ngày 10/9, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ công bố và vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam 2022.

Bắt đầu phát động từ 28/4, sau 2 tháng, chương trình đã tiếp nhận 147 đề cử đến từ 92 doanh nghiệp trong 20 lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin (CNTT). Hôm 23/7, Hội đồng đánh giá do TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông làm Chủ tịch đã chọn ra được 101 đề cử được vinh danh Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 tại 18 lĩnh vực.

Theo thống kê, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh Top 10 năm nay đạt 162.333 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD, chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người.

Đáng chú ý, so với ghi nhận của năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT được vinh danh năm nay tuy có sự tăng trưởng về số lượng, song tổng doanh thu cũng như tỷ trọng đóng góp trong ngành lại có sự sụt giảm.

Trước đó, 76 doanh nghiệp CNTT được vinh danh tại các hạng mục của VINASA vào năm 2020 có tổng doanh thu đạt 186.694 tỷ đồng, tương đương 8,054 tỷ USD, chiếm hơn 60,74 % doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT trong năm 2020.

Dù vậy, theo VINASA, Top 10 doanh nghiệp tại mỗi lĩnh vực được vinh danh năm nay đều là những doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng trong năm 2021. Đây là những doanh nghiệp không chỉ có tốc độ tăng trưởng tốt mà còn sở hữu năng lực công nghệ cao, có tiềm năng trở thành cột trụ cho sự phát triển trong tương lai của ngành CNTT Việt Nam.

Theo đó, trong tương lai, Top 10 doanh nghiệp CNTT tại mỗi lĩnh vực đều sẽ là những hạt nhân củng cố vị thế cũng như xây dựng thương hiệu CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA nhận định, dù tình hình thế giới phức tạp, tuy nhiên kinh tế Việt Nam lại đang có được bước phát triển rất mạnh mẽ, với các dự đoán tích cực từ tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế. Theo đó, tiến trình chuyển đổi số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.

"Các doanh nghiệp công nghệ số đang gánh vác trên vai sứ mệnh, lĩnh ấn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế", ông Khoa nói.

Về danh sách Top 10 doanh nghiệp CNTT tại các lĩnh vực năm nay, theo ông Khoa phản ánh rất rõ nét về các xu hướng, đặc trưng và hơi thở của ngành. Chương trình từ 2022 cũng được đổi mới để không chỉ vinh danh mà còn kể những câu chuyện về nỗ lực, về sáng tạo, về sự chuyển đổi của doanh nghiệp số.

"Đổi mới này để tạo cảm hứng cho sự phát triển triển của các doanh nghiệp không chỉ trong ngành CNTT mà còn cả các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế", ông Khoa nhìn nhận.

Top 10 doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ năm 2022

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại sự kiện.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Huy Dũng, Việt Nam có tới 14 nghìn cơ sở y tế, 44 nghìn trường học, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 9 triệu hộ nông dân và 26 triệu hộ gia đình - tất cả đều đang đứng trước cuộc chuyển dịch lên môi trường số. Theo đó, không gian mạng, môi trường số là vô cùng, vô tận; tất cả đều là cơ hội cho các doanh nghiệp số Việt Nam.

"Công cuộc chuyển đổi số là của toàn dân. Tinh thần doanh nhân công nghệ số (technopreneur) lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số. Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi. Các bệnh viện lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về y tế, các trường đại học lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về giáo dục...", ông Lê Huy Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, Chính phủ đang tiếp tục hành động mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, quy định mỗi địa phương dành tối thiểu 1% chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số, chuyển dịch nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học từ các dự án ngắn hạn sang các dự án trung và dài hạn, ban hành các chính sách ưu tiên mua sắm của Chính phủ đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mà trong nước làm tốt.

"Hiện có hơn 50 bài toán đã được công bố. Chính phủ mong muốn và kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số nhận lấy sứ mệnh, mỗi doanh nghiệp lớn nhận lấy một nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ hành động bằng cách lựa chọn ra các nền tảng tốt, sử dụng bộ máy tuyên truyền để lan tỏa, phổ biến, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc các mô hình tốt, các câu chuyện thành công", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gợi mở.

Ông Dũng đúc kết, trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, hoàn cảnh thôi thúc những khát vọng lớn trong mỗi người Việt Nam lại một lần nữa xuất hiện. Do đó, doanh nhân công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng cần nhận cho mình sứ mệnh này.

Top 10 doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ năm 2022

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại sự kiện.

Viettel và FPT chiếm số đông trong "câu lạc bộ" doanh thu nghìn tỷ

Cũng tại sự kiện này, lần đầu tiên Ban Tổ chức công bố câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ cho những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Đáng chú ý, trong số 15 doanh nghiệp công nghệ số được lựa chọn và vinh danh ở hạng mục này, FPT và Viettel - mỗi tập đoàn cùng nhau "đóng góp" lần lượt 4 và 5 thành viên là các đơn vị, công ty con trong hệ sinh thái của mình.

VNPT và MobiFone - mỗi tập đoàn có 1 doanh nghiệp trong CLB. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số doanh nghiệp khác như CTCP Thông minh MK, Công ty TNHH Nashtech Việt Nam, Tập đoàn One Mount Group…

Theo VINASA, các thành viên của CLB này sau đây sẽ có chương trình hoạt động riêng, không chỉ nhằm khẳng định vị thế, tầm vóc của các tên tuổi công nghệ Việt Nam, mà còn để xây dựng đội ngũ tiên phong đủ Thế và Lực dẫn dắt ngành, đầu tư vào các công nghệ dẫn dắt, định hướng thị trường.

Đồng thời, CLB cũng cần hướng tới mục tiêu chung tay, đồng hành cùng Chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia. Định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số cùng phát triển. Ngoài ra, tham gia vào việc đầu tư, thúc đẩy các startup công nghệ trong các ngành, lĩnh vực của mình.

Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, một hệ sinh thái phát triển hoàn chỉnh cần có sự phát triển đồng bộ, lớn mạnh ở tất cả các thành phần. Trong khi đó công nghiệp CNTT ở Việt Nam hiện có 99% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lượng doanh nghiệp công nghệ lớn đóng vai trò dẫn dắt còn quá ít. Hơn thế, năng lực của các doanh nghiệp lớn này cũng không đồng đều, phân tán, và độ kết nối của nhóm này cũng chưa cao.

Do đó, ông Khoa mong muốn đội ngũ doanh nghiệp này có độ liên kết chặt chẽ hơn trong tất cả các vấn đề, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, tạo phát triển đột phá không chỉ cho ngành công nghiệp ICT. Làm được điều này, những Doanh nghiệp tỷ USD sẽ xuất hiện nhiều hơn từ CLB.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu toàn ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt hơn 136,15 tỷ USD, tăng trưởng hơn 9,2% so với cùng kỳ 2020. Dù còn chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng doanh thu của các doanh nghiệp ICT Việt Nam đã đạt gần 18,8 tỷ USD, chiếm 13,8% doanh thu chung của ngành.

Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam là sự kiện thường niên do VINASA tổ chức từ năm 2014. Qua 8 năm tổ chức, chương trình đã lựa chọn và giới thiệu được hơn 500 lượt doanh nghiệp tiêu biểu; phát hành 26 ấn phẩm với 3 ngôn ngữ Tiếng Anh, Tiếng Việt, Tiếng Nhật để giới thiệu tới hơn 5.000 cơ quan, đơn vị trong nước, hơn 100.000 đối tác từ trên 100 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới...


Theo Nhịp sống Doanh nghiệp