Tiếng Việt có vai trò như thế nào trong cuộc sống

Vài suy nghĩ về vai trò của giáo viên trong việc giữ gìn và
phát triển sự trong sáng của tiếng Việt

Nguyễn văn Bon, PhD

Việc giữ gìn và phát triển tính trong sáng của tiếng Việt được nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu quan tâm; nhưng mỗi người có cái nhìn khác nhau, bàn đến khía cạnh khác nhau của vấn đề. Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi muốn tìm hiểu ý kiến của một số giáo viên đang giảng dạy tiếng Việt trong và ngoài nước liên quan đến tình trạng dạy và học tiếng Việt trong học đường.

Khi trình bày kết quả nghiên cứu, chúng tôi chỉ nêu ra một số thí dụ cụ thể để bổ sung cho phần góp ý của giáo viên.

 Hiện nay trên báo chí có những ý kiến khác nhau về định nghĩa của “từ”, “tiếng”, “chữ” trong tiếng Việt [Xem Phụ lục 1]


I. Dẫn nhập

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính của nước Việt Nam, là tiếng nói của hơn 90 triệu người Việt trong và ngoài nước. Mặc dù đã phân chia ra ba phương ngữ: Bắc,Trung, Nam, , nhưng tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ thống nhứt, là công cụ giao tiếp của toàn dân…  Tiếng Việt chính là một nhân tố  làm nên đặc thù và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, gần 1000 năm Bắc thuộc, dân Việt chịu ảnh hưởng của Trung Hoa về nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị, giáo dục…đến văn hóa. Văn hóa Trung Hoa truyền sang Việt Nam bằng nhiều cách, đặc biệt là văn học. Phương tiện chính là chữ Nho, sách chữ Nho, tác phẩm văn chương chữ Nho đã chi phối tư tưởng, văn hóa, luân lý, phong tục của dân Việt Nam. Nhưng  tổ tiên chúng ta không để mất gốc, mà sử dụng ngôn ngữ và chữ viết của người Hán qua cách đọc theo  giọng Việt Nam, một cách đọc chữ Hán theo ngữ âm của người Việt, tạo thành “âm Hán Việt”. Tiếp đến 100 năm  Pháp thuộc, Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của nền Pháp học, từ lãnh vực luân lý, xã hội, văn chương, học thuật, đến ngôn ngữ,văn tự. Nhưng  tiếng Việt không những không bị thay thế mà người Việt biết chọn lưa tinh hoa của ngôn ngữ Pháp để giúp cho tiếng Việt được trong sáng hơn.

Tuy đã trải qua bao biến cố lịch sử, tiếng Việt vẫn duy trì bản sắc của mình và đồng thời phát triển thêm bằng cách vay mượn của ngôn ngữ khác về từ vựng lẫn ngữ pháp phù hợp với đặc thù ngôn ngữ dân tộc.

Nhưng hiện nay, đứng trước sự thay đổi quá nhanh của ngôn ngữ, nhiều người quan tâm đến ngôn ngữ nước nhà, đã lo lắng và cảnh báo: “tiếng Việt đang bị xuống cấp”:

Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ cẩu thả, tùy tiện làm “vẩn đục” tiếng Việt  đang xảy  trong đời sống xã hội, trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đặc biệt  đáng lo ngại  là trong trường học.

Để tìm hiểu về tình trạng trên trong học đường,và  “Vai trò của giáo viên trong việc giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt”, chúng tôi tham khảo ý kiến của một số giáo viên đang phụ trách giảng dạy môn tiếng Việt tại Sydney [NSW-Australia] và trong nước Việt Nam.

 Ý kiến của giáo viên liên quan đến hai vấn đề chánh:

  •  Quy tắc và chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp.
  • Phương pháp giảng dạy ngữ pháp đang áp dụng tại nhà trường.

Bài viết gồm ba phần:

  1. Ý kiến về thực trạng tiếng Việt
  2. Quan điểm của giáo viên về việc giữ gìn và phát triển tính trong sáng của tiếng Việt.
  3. Kết luận và đề nghị

II.  Ý kiến về thực trạng tiếng Việt

Khi nhận xét về thực trạng tiếng Việt, một nhà giáo dục đã báo động: Hiện tượng nói và viết tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi, trong học đường cho đến ngoài xã hội, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài đường phố, nghe thanh thiếu niên nói bậy, chửi tục, trái với thuần phong mỹ tục…Trên các trang mạng, từ nói năng văng tục bát nháo, tùy hứng, đến chuyện viết câu văn  bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu.

Sách báo thì in sai, in quá nhiều lỗi hoặc sử dụng từ thiếu chuẩn mực văn hóa.Trong học đường, hiện tượng nói bậy, viết sai, nói lóng … lại phổ biến trong giới trẻ. Rất đáng buồn, vì thế hệ này sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước.Nếu hiện tượng nầy vẫn tiếp diễn, thì tiếng Việt sẽ ra sao?  [1]

Một nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng, đặc biệt sau 1975, bên cạnh những điều mới mẻ và tốt đẹp, còn nhiều hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực. Trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói và viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả, về cách dùng từ ngữ, về ngữ pháp. Trong đời sống xã hội, dùng từ ngữ sai, và đặc biệt pha từ nước ngoài vào tiếng Việt một cách tùy tiện và nhiều khi dùng không đúng.. ….Còn một thứ “bệnh” ngôn ngữ : bệnh “sáo”, nghĩa là nói và viết theo một cái khuôn mẫu hoàn toàn như nhau bất kể về việc gì, ở cấp nào, cơ quan nào; bệnh “ba hoa”, “nói dài, nói dại, nói dai”, còn nội dung thì rỗng tuyếch, “ba voi không được bát nước xáo”; bệnh “vẽ rắn thêm chân”; bệnh “nói chữ“. [2]

Một hiện tượng đáng lo ngại là hiện nay, tiếng Việt đang bị biến dạng trong giới học sinh, sinh viên. Ngay trong lớp học và giảng đường, những câu từ tục tĩu, khiếm nhã được ghi đầy trên vách tường, ngoài hành lang hay đặc biệt là chỗ các em ngồi học . Một số sinh viên học sinh còn thiếu ý thức ngay cả trong lời ăn tiếng nói gây “chướng tai” cho người nghe tại các nơi như căng tin, hàng quán hay các phòng ký túc xá. Sự nói năng bừa bãi của một số học sinh sinh viên đã trở thành “bệnh” khó chữa. Có thể nói đang có hiện tượng suy đồi trong ngôn ngữ giao tiếp và suy thoái tính trong sáng của tiếng Việt. [3]

Đứng trước tình trạng xuống cấp quá nhanh của tiếng Việt, chúng ta phải quan tâm và phải có thái độ kiên quyết để duy trì tính trong sáng của ngôn ngữ Việt, vì  ngôn ngữ là sự kết tinh những giá trị bản sắc, tinh hoa của một dân tộc, là một bộ phận quan trọng của văn hóa. Ngôn ngữ được coi như là “căn cước văn hóa dân tộc”. Do đó giữ gìn tiếng nói hay ngôn ngữ dân tộc là việc làm tất yếu. [4]

III. Quan điểm của giáo viên trong việc giữ gìn và phát triển tính trong sáng của tiếng Việt

Bốn  mươi [40] giáo viên dạy tiếng Việt tham gia cuộc nghiên cứu, gồm  30 giáo viên tại các trường ngôn ngữ cộng đồng,  5 giáo viên tại các trường công lập tại Sydney [NSW- Australia] và 5 giáo viên đang giảng dạy bậc trung học tại Việt Nam. Các giáo viên nầy có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt từ 15- 20 năm, có trình độ đại học.

Các giáo viên được phỏng vấn và trả lời bảng tham khảo [survey] về chuẩn mực và qui tắc căn bản trong tiếng Việt mà học sinh cần phải được rèn luyện để tránh những lỗi khi giao tiếp, và phương pháp giảng dạy ngữ pháp đang áp dụng tại nhà trường.


A.  Kết quả tham khảo ý kiến giáo viên

 

B. Quan điểm của giáo viên trong việc giữ gìn và phát triển tính trong sáng của tiếng Việt                     

B1. Qui tắc và chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp         

1. Sử dụng từ

Kết quả cho thấy, các giáo viên rất quan tâm đến phương pháp dùng từ trong tiếng Việt.

Đa số giáo viên được tham khảo ý kiến cho rằng trong giao tiếp nói hay viết phải đúng qui tắc và chuẩn mực của tiếng Việt, bao gồm:

– Sử dụng từ đúng ngữ âm, đúng chánh tả

-Sử dụng từ đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa

Đa số các giáo viên  [100%] đồng ý phải  hướng dẫn cho học sinh hiểu và sử dụng “từ” đúng  chuẩn mực của tiếng Việt  về phát âm, chánh tả, sử dụng từ đúng nghĩa, tránh lỗi sai ngữ pháp.

Quan điểm nầy cũng phù hợp với ý kiến của một số nhà giáo dục. Trong ngôn ngữ thì từ là đơn vị cơ bản, được sử dụng để tạo ra những đơn vị cao hơn như cụm từ, câu và văn bản…Có thể ví từ như những viên gạch để xây “tòa nhà ngôn ngữ”. Nói cách khác, nếu không có từ thì không thể tiến hành giao tiếp và ngôn ngữ cũng không tồn tại  [ 5]

Muốn sử dụng ngôn ngữ, điều kiện cần thiết là phải có một số vốn từ căn bản và biết được qui tắc sự kết hợp từ, tạo thành câu. Nếu chỉ biết một số qui tắc ngữ pháp mà không có một số vốn từ phong phú, thì sự giao tiếp sẽ rất hạn chế. Thật vậy, muốn nói và viết đúng phong cách và chuẩn tiếng Việt, chúng ta phải hiểu qui tắc dùng từ và tạo câu. [6]

1.1. Sử dụng từ đúng ngữ âm và chánh tả.

Tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm, dồi dào âm thanh vì có nhiều dấu [có 6 thanh, một thanh không có dấu giọng và 5 thanh có dấu giọng: sắc, huyền, hỏi , ngã, nặng].Nếu đọc sai dấu hay viết sai dấu và sai chánh tả sẽ gây ra sự hiểu lầm. [Phụ lục 2]

Vài nhận xét của giáo viên “Mỗi một tiếng có một nghĩa khác nhau, đọc và viết cũng khác nhau. Có nhiều tiếng đọc hơi giống nhau mà viết khác nhau, nên học sinh phải được dạy đọc và viết cho đúng để khỏi sai lẩm. Những chữ bắt đẩu bằng phụ âm: d,gi,r,ch,tr và s,x.”

“ Còn một số điểm khiến cho khó khăn trong việc viết chính tả. Thí dụ: phụ âm có phát âm gần giống nhau như g/gh; ng/ngh;  c/k. Phụ âm “g” chỉ ghép với  nguyên âm u [gu], o [go], ô [gô], ơ [gơ], a [ga]. Phụ âm “gh” chỉ ghép với nguyên âm i [ghi], e [ghe], ê [ghê]. Phụ âm “ng” chỉ  ghép với nguyên âm u [ngu], ư [ngư], o [ngo] , ô [ngô], ơ [ngơ], a [nga]. Phụ âm “ngh” chỉ ghép với nguyên âm i [nghi], e [nghe], ê [nghê]. Phụ âm “c” chỉ ghép vối nguyên âm u [cu], ư [cư], o [co], ô[cô], ơ [cơ], a [ca]. Phụ âm “k” chỉ ghép với nguyên âm i [ki], e[ke], ê [kê], y [ky].”

Một giáo viên góp ý“ Đa số học sinh viết sai chính tả do chưa được hướng dẫn đầy đủ kỷ năng viết đúng chính tả. Lý do khác là do chữ quốc ngữ theo nguyên tắc ghi âm, mà cách phát âm từng vùng, từng địa phương khác nhau, nên học sinh quen với cách phát âm của vùng mình đang sinh sống nên  phát âm thế nào thì viết ra thế nấy. Thí dụ: .người miền Bắc lẫn lộn các phụ âm đầu TR/CH; S/X; người miền Nam và miền Trung lẫn lộn hai thanh hỏi/ngã và các phụ âm cuối C/T; N/NG”

Sau đây là phát âm sai, khiến cho sai về chánh tả, không phải một tiếng có nhiều cách phát âm.

Thí dụ:

– Cuộc “chanh đấu” của dân tộc ta ….[phải nói: tranh đấu]

– Chúng ta đi xem triễn lãm “chanh” của hoạ sĩ X  [phải nói tranh].

– Chúng ta phải có chách nhiệm đối với gia đình [sửa lại trách nhiệm]

– Cô giáo nói chưa dứt nời, mà học sinh nại ghi chép. [phải sửa lại: dứt lời, lại ghi chép].

– Anh ta là chụ cột của gia đình [ phải sửa lại trụ cột]

– Các học sinh đang chơi chong sân trường [ phải sửa lại trong sân trường].

Người miền Nam khi nói không phân biệt phụ âm đầu D/V/GI .

Thí dụ:

-Tôi học tiếng Diệt [sửa lại tiếng Việt]. Da đình tôi có năm người [sửa lại Gia đình tôi…]

– Món hàng nầy bao nhiêu? [sửa lại giá bao nhiêu?]

Một giáo viên cho rằng “ Mỗi địa phương có cách phát âm mang sắc thái riêng, có cái hay riêng của từng vùng miền. Hiện nay chúng ta chưa có một qui định chung về cách phát âm tiếng Việt chuẩn để luyện cho các học sinh ngay từ lớp mẫu giáo. Việc dạy phát âm hiện nay do kinh nghiệm riêng của mỗi giáo viên”.

Những ý kiến trên cũng phù hợp với ý kiến của một số nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu.

Về phát âm, có một số đặc trưng khiến cho việc học tiếng Việt không dễ. Một trong cái khó là các yếu tố bất cập của chính tả tiếng Việt.

Có ý kiến cho rằng nên lấy phương ngữ Bắc và âm Hà Nội làm tiêu chuẩn cho tiếng Việt. Đối với tiếng Việt, việc nầy không cần thiết, vì sự thống nhứt của tiếng Việt không phải là lấy một phương ngữ hay một hệ âm của một miền làm chuẩn.Thí du, không nên theo cách phát âm thực tế của cư dân miền Bắc mà viết, chẳng hạn Nguyễn Trải là Nguyễn Chãi, hay phát âm của cư dân miền Nam và miền Trung mà viết Nguyểng. [7]

Trong ngôn ngữ Việt, không có sự kỳ thị tiếng nói, giọng nói địa phương. Tiếng nào mà toàn dân chưa có, có thể du nhập tiếng địa phương để làm giàu cho ngôn ngữ. Nhưng tiếng địa phương cũng cần chuẩn hóa để phù hợp với ngôn ngữ chung. Thí dụ, chỉ có vùng Bắc Trung Bộ, gọi con trâu là con tru; chúng ta không thể viết con tru thay cho con trâu.[8]

Cho dù có điển chế hay chuẩn hóa ngôn ngữ, cũng không thể loại bỏ hết tiếng địa phương. Trong công văn, sách giáo khoa, chúng ta có thể dùng tiếng chính thức, nhưng trong sinh hoạt thường ngày, người dân vẫn dùng tiếng trong miền của họ. Đối với những nhà văn, khi cần, tùy chỗ mà dùng tiếng địa phương cho bài văn thêm phong phú.[9]

Hơn nữa, tiếng Việt là một ngôn ngữ thống nhứt trên toàn cõi đất nước từ ngàn xưa. Nhưng trên bước đường Nam tiến, do sự tiếp xúc với các dân tộc khác như Chiêm Thành, Cao Miên…tiếng nói có thay đổi chút ít, nhưng vẫn là một gốc. Giọng nói của người miền Bắc, miền Trung và miền Nam tuy có hơi khác nhưng người dân ba miền vẫn hiểu nhau.Trong  tiếng Việt, có nhiều từ ngữ “song tiết” tạo thành bằng cách ghép một yếu tố  của phương ngữ Nam với phương ngữ Bắc. Thí dụ: Từ ghép do hai từ có nghĩa để thành nghĩa tổng hợp: thóc lúa, trông coi, to bự, chăn mền, thuê mướn, hình ảnh., đau ốm, béo mập…[10]

Ngày nay, nhờ sự phát triển của truyền thông, rào cản ngôn ngữ được gỡ bỏ khá nhanh. Người của ba miền, Nam, Trung, Bắc khi nói chuyện đều hiểu nhau.“Ngày nay rất nhiều từ ngữ, cách nói của các địa phương đã thâm nhập vào phương ngữ Bắc Bộ, rồi đi vào làm giàu cho ngôn ngữ toàn dân. Cùng với đóng góp trong lĩnh vực kinh tế và văn hoá, Nam Bộ đã đóng góp cho ngôn ngữ toàn dân vô số những từ ngữ và cách nói đặc thù như hết ý, hết xảy, nhậu, xỉn, lai rai, bông trái, trễ, dơ, mắc cỡ, v.v. “ [11]

Thật vậy, mỗi tiếng nói ở miền nào thì phản ảnh tâm tư tình cảm, đượm tình quê hương của người dân miền đó.

1.2. Sử dụng từ đúng  ngữ pháp và ngữ nghĩa

Trong giao tiếp, lỗi về dùng từ không phù hợp với nghĩa của câu văn, làm cho câu sai ý muốn diễn đạt, dẫn đến lời văn không trong sáng, làm cho người nghe hoặc người đọc không hiểu được nội dung và ý nghĩa. Muốn vậy khi dùng từ, chúng ta phải chú ý quan hệ ngữ nghĩa và quan hệ ngữ pháp khi kết hợp từ. 

a. Quan hệ ngữ nghĩa

  Phương pháp cấu tạo từ trong tiếng Việt là phương pháp ghép và phương pháp láy để tạo ra từ mới có nghĩa. Phương thức ghép phải theo qui luật kết hợp ngữ nghĩa. Thí dụ: xe+đạp= xe đạp; nhà+cửa= nhà cửa; máy+bay= máy bay; đất+nước= đất nước. Phương thức láy theo qui luật phối hợp ngữ âm. Thí dụ: đủng đỉnh; lủng củng; lỏng lẻo; mát mẻ, rẻ rúng, gắt gỏng…

* Dùng từ đúng nội dung:  Khi nói hay viết phải dùng từ cho đúng nội dung cần thể hiện. Khi dùng từ, nên lưu ý đến nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vài thí dụ:

Chữ trắng. Nếu kết họp với chữ tay sẽ có 2 nghĩa khác nhau; tay trắng có nghĩa là bàn tay có màu trắng, bị một vật gì màu trắng dính vào hay da tay màu trắng. Còn “trắng tay” có nghĩa thất bại trong công việc, không còn sự nghiệp tài sản gì cả. Sau khi bị phá sản, anh ta đã “trắng tay”.

Chữ khách. [1] Nhà có khách đến thăm [khách khứa]. [2]  Người đến mua bán giao dịch[ khách hàng] : cửa hàng có nhiều khách. [3] Người đi đường bằng phương tiện giao thông [hành khách]: hành khách đã lên xe. Không thể nói cửa hàng có nhiều hành khách….

Chử tìm và chữ kiếm là hai từ đồng nghĩa nhưng khi kết hợp với một từ khác thì có nghĩa khác nhau. Anh A đi khắp nơi để tìm đứa  con trai bị thất lạc, khác với câu Anh A cưới vợ để kiếm con trai.

Hiện nay, trên một số báo chí, người ta thấy có nhiều từ không đúng nghĩa. Thí dụ:

 Đẳng cấp:  Có báo viết: cầu thủ nầy rất đẳng cấp, chiếc xe nầy thuộc loại đẳng cấp. Tại sao không nói cầu thủ nhà nghề, hay chiếc xe thuộc loại sang, đắt tiền…Chữ đẳng cấp là hình thức phân biệt giai cấp nói chung, gồm tập đoàn người có những đặc quyền riêng, khác với tập đoàn khác về thứ bậc [12]. Chữ đẳng cấp có nghĩa thứ bậc [đẳng cấp thấp, đẳng cấp cao], không có nghĩa giỏi, sang…

Trong việc sử dụng từ, nên chú ý cách nói và viết hợp tâm lý và tôn trọng người khác.

Tiếng Việt có những từ đồng nghĩa với tiếng Hán -Việt. Tiếng Việt thường được dùng trong dân gian, còn tiếng Hán Việt được giới văn học sử dụng.

Sau đây là vài thí dụ:

người đi lính đồng nghĩa vối chinh phu
vợ cả               đồng nghĩa với chính thất
cha                  đồng nghĩa với nghiêm đường
đàn bà            đồng nghĩa với phụ nữ
Các bà vợ       đồng nghĩa với các bà nội trợ, phu nhân.

– Anh tôi sắp đến tuổi đi lính, nghe dễ hiểu hơn : anh tôi sắp thành chinh phu.

– Nó không chăm chỉ học hành, nên bị cha nó phạt, thay vì :Nó không chăm chỉ học hành, nên bị nghiêm đường nó phạt.

–  Trong gia đình, vai trò của “các bà nội trợ”rất quan trọng, nghe thanh tao hơn Trong gia đình, vai trò của “các bà vợ”  rất quan trọng,

–  Thủ tướng vả phu nhân đến tham dự buổi tiếp tân, thay vì Thủ tướng và vợ đến tham dự buổi tiếp tân.

* Tránh lẫn lộn từ có âm gần giống nhau. Theo ý kiến của một giáo viên“ Học sinh thường lẫn lộn các từ có âm gần giống nhau,hoặc giống  nhau  nhưng nghĩa thì hoàn toàn khác nhau”.

Sau đây là vài thí dụ:

Triệu hồi và thu hồi: “Hàng ngàn xe ô tô bị triệu hồi do lỗi kỷ thuật: 80% số xe chưa được sửu lỗi” [Báo Lao Động, ngày 9.11.2015 đăng bản tin của “Nhóm TV”]. Phải dùng chữ thu hồi thay vì triệu hồi. Triệu hồi có nghĩa mời về, gọi về, thí dụ: Chánh phủ triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc về nước…Còn xe ô tô là vật chất, đồ vật, phài nói là thu hồi.

Xanh và xanh xao: Trong vườn có nhiều cây lá xanh xao [ xanh xao chỉ dùng cho người, chữ xanh dùng cho cây lá ]

–  Hủ tục và thủ tục: Khi chúng ta bị bịnh, nên đến bác sĩ để được chửa trị, không nên mê tín, nhờ thầy bủa, thầy pháp. Mê tín là một “thủ tục” ….[phải nói: hủ tục]

– Chữ mãi mại: Khuyến mại [bán] và khuyến mãi [mua]; mãi dâm[ mua dâm] và mại dâm [bán dâm].

– Một quảng cáo:  Bắt đầu từ ngày 15-5 2015 đến hết ngày 30- 10. 2015, cửa hàng có giá khuyến mại. [phải nói: khuyến mãi , tức là có hạ giá để khuyến khích người mua].

– Một bàn tin trên báo: ….Cảnh sát đã bắt giữ 10 gái mãi dâm ….[ phải nói là gái mại dâm]

-Chữ bàng quanbàng quang:  Đứng trước sự tranh chấp quyền lợi giữa chủ và công nhân, chúng ta không thể có thái độ bàng quang [ phải dùng chữ bàng quan, có nghĩa là tự coi mình là người ngoài cuộc, việc đó không dính líu đến mình. Còn chữ bàng quang là một bộ phận trong cơ thể, có nghĩa là bọng đái]

– Chữ bàng bạc và bàn bạc: Bàng bạc có nghĩa màu hơi trắng pha sắc đục, trông không tươi [những đám mây bàng bạc, sương mù bàng bạc, ánh trăng bàng bạc]. Bàng bạc còn có nghĩa bị phai màu [quần áo đã ngã màu bàng bạc], tràn đầy, tràn ngập [Khí thế chiến đấu bàng bạc khắp non sông]. Chữ bàn bạc= thảo luận, trao đổi ý kiến [Vấn đề cần được bàn bạc kỷ] [13]

.      – Chữ quỹquỷ.  Chữ quỹ [dấu ngã] : Số tiền thu góp, chi tiêu cho việc gì. Quỹ phúc lợi, quỹ cứu trợ. Thủ quỹ, công quỹ. Chữ quỷ [dấu hỏi]: ma quỷ, quỷ thần.

 * Dùng những từ được mọi người chấp nhận.

Trong tiếng Việt, có những từ đã được mọi ngươì chấp nhận, có thể coi đây là đặc trưng của ngôn ngữ Việt.

Thí dụ: chó mực, ngựa ô, ngựa bạch [không nói: chó đen, ngựa đen, ngựa trắng]

Bình minh, sáng sớm, sớm mai, buổi trưa, xế trưa, xế chiều, hoàng hôn, chiều tà, không nên đặt thêm “chiều trễ” nghe rất lạ trong khi có sẳn chữ xế chiều đã được nhiều người chấp nhận.

Con heo và con lợn hoàn toàn đồng nghĩa. Nhưng không nói bánh da heo, mà nói bánh da lợn. Không nói bánh tai lợn mà nói bánh tai heo.

b. Quan hệ ngữ pháp.

Từ của tiếng Việt không thay đổi hình thái. Quan hệ ngữ pháp của từ trong tiếng Việt là sự sắp xếp trật tự từ. Nếu thay đổi trật tự từ sẽ  thay đổi nghĩa của câu.

Thí dụ 1: Ba câu sau đây, mỗi câu gồm bốn từ : sai, đâu, sửa, đó.

Nếu thay đổi trật tự các từ thì mổi câu sẽ có nghĩa khác nhau:

Sai đâu sửa đó.

Sai đó sửa đâu.

Sửa đâu sai đó.

Thí dụ2:Người không hút thuốc có nguy cơ mắc bịnh tim giảm so với người hút thuốc. Nên  thay đổi trật tự nguy cơ mắc bịnh tim giảm thành giảm nguy cơ mắc bịnh tim.

Thí dụ 3:  Khi nào anh đi Mỹ? [chưa đi] . Anh đi Mỹ khi nào? [đi rồi]


B2. Câu văn, đoạn văn và văn bản.

Các giáo viên [95% -100%] được phỏng vấn và trả lời bảng tham khảo, rất quan tâm đến những điểm sau đây:

  1. Đặt câu đúng ngữ pháp
  2. Tránh lỗi về logic [luận lý]
  3. Tránh lỗi về phong cách.
  4. Vay mượn và pha tiếng nước ngoài
  5. Câu văn và đoạn văn mạch lạc, đơn giản, rõ ràng


1. Đặt câu đúng ngữ pháp

Vấn đề ngữ pháp rất quan trọng. Câu văn tiếng Việt phải chính xác, phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt và văn hóa dân tộc. Trong câu tiếng Việt, theo trật tự thuận, chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau [C-V]

Câu  tiếng Việt gồm một hay nhiều mệnh đề hợp lại. Có ba thứ mệnh đề:

-Mệnh đề độc lập là mệnh đề tự nó đủ nghĩa, có thể đứng một mình làm thành câu. Thí dụ: Trời đang mưa. Con chim bay vụt qua.

-Mệnh đề chính là mệnh đề đứng làm chủ trong một câu, nhưng chưa đủ nghĩa, phải có thêm một hay nhiều mệnh đề phụ mới làm thành câu.Thí dụ: Tôi tưởng rằng [mệnh đề chưa đủ nghĩa…]

-Mệnh đề phụ là mệnh đề có nghĩa phụ thuộc cho mệnh đề chính để làm thành câu. Thí dụ: anh đã đi Mỹ [ phụ cho mệnh đề chính]

Câu trên là: Tôi tưởng rằng anh đã đi Mỹ.

Nó nói rằng nó sẽ đến

Thí dụ: Tưởng rằng [mệnh đề chính] nước chảy đá mòn [mệnh đề phụ]

             Ai ngờ [mệnh đề chính] nước chảy đá còn trơ trơ [mệnh đề phụ] [14]

Mệnh đề phụ nối với mệnh đề chính thường bằng những tiếng liên từ: rằng, nếu…

Câu sai ngữ pháp bao gồm những câu thiếu các bộ phận [thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ,  thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ] và tất cả các lỗi về dùng từ [ dùng từ thừa, thiếu, sai từ nối, sai trật tự từ] làm thay đổi cấu trúc của câu.

Câu thiếu chủ ngữ:

Thí dụ: Qua truyện Kiều cho thấy cảnh thương tâm của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến [câu thiếu chủ ngữ]

Câu đúng: Truyện Kiều cho ta thấy……

Qua truyện Kiều, ta thấy…

Qua truyện Kiều, Nguyễn Du cho ta thấy…..

Dùng từ không đúng:

Thí dụ:

Bởi và vì

*  Cha mẹ rất vui mừng bởi đứa con thi đậu vào đại học[thay chữ bởi bằng chữ ]

 *Cậu bé nầy có nước da xanh xao bởi thiếu ăn [thay chử bởi bằng chự ]

 Là

Thí dụ:

*  Là học sinh, chúng ta phải tuân theo nội quy của trường  [ Đưa hai tiếng chúng ta lên đầu câu.  Câu đúng: Chúng ta là học sinh, phải tuân theo nội quy của nhà trường]

Một nhà giáo dục  nhận xét:  Không hiểu sao, trong khoảng vài năm gần đây, một vài tác giả hay dùng một cách viết rất sai văn phạm, kể cả trong các nhật báo phổ thông, khiến cho tiếng Việt thiếu trong sáng.

Thí dụ: Không tăng số người trẻ nghiện thuốc lá mới [Báo Nhân dân ngày 20 tháng 01 năm 2014]. Câu này có nghĩa là “có một loại thuốc lá mới, làm sao để số người trẻ nghiện loại thuốc lá mới này không tăng lên”. Thực ra, người viết muốn nói “Không tăng số người trẻ bắt đầu nghiện thuốc lá”. [15]

Nếu viết theo lối văn “dịch” thì khi đọc lên nghe “chướng tai”. Trong câu văn tiếng Việt, hành động nào xảy ra trước thì kể trước. Thí dụ: “Tôi đi săn bắn về”, không nói “Tôi về từ cuộc săn bắn”. Ba hành động theo thứ tự trước sau:  đi, săn bắn, về.

Hoặc kể hành động trước rồi kết quả sau. Thí dụ: Tôi tới trễ nên không kiếm được chỗ ngồi. Thay vì nói:” Vi tới trễ, tôi không kiếm được chỗ ngồi”. “vì tới trễ” là tiếng bổ túc, chỉ nguyên nhân, không để phía trước [16]

Thí dụ: Nạn nhân được nhìn thấy lần cuối vào 10h sáng 20.1, khi đang trên đường đến nhà một người bạn cách căn hộ của cô không xa. [VNExpress ngày 23 tháng 1 năm 2014].

Câu này dịch theo cấu trúc Anh ngữ “was last seen”. Từ “được” trong tiếng Việt khi đứng trước một động từ khác biểu thị nghĩa bị động. Trong câu nầy, từ “được” với nghĩa bị động của tiếng Anh. Nếu đúng tiếng Việt thì: “Người ta nhìn thấy nạn nhân lần cuối vào 10h sáng…

Thí dụ: Xin giới thiệu với các bạn ca sĩ X đến từ Hà Nội [giới thiệu chương trình một buổi biểu diễn văn nghệ mừng Xuân Giáp Ngọ tại Hà Nội]. Câu này dùng cấu trúc “đến từ” dịch của các thứ tiếng Châu Âu. [17]

Hiện nay, trên phuơng tiện truyền thông, chúng ta thường nghe câu tương tự: “Thông báo nầy được chấp thuận bởi Thủ hiến và đọc bởi XB. Nếu theo cấu trúc tiếng Việt thì “Thông báo nầy được Thủ hiến chấp thuận, và do XB đọc.”

Từ ngữ và ngữ pháp luôn luôn thay đổi. Thời nào cũng có những tiếng mới để phô diễn tư tưởng, cách sinh hoạt, văn hóa, kinh tế , xã hội …Do đó, chúng ta  có thể  vay muợn nước ngoài vài cách hành văn hữu ích và thiết thực, nhưng chúng ta nên cố rán giữ cách hành văn cho thuần túy Việt Nam, vì mỗi ngôn ngữ đều có qui tắc riêng của nó.

2. Tránh lỗi về logic [luận lý]

Lỗi nầy do phát biểu nói hoặc viết không đúng trình tự hoặc không đúng hiện thực .

* Sắp xếp không đúng trình tự:

Thí dụ 1: Mùa đông qua trời mưa nhiều[1] Nó vỡ bờ và chẳng mấy chốc những cánh đồng xung quanh đã đầy ắp nước [2]  May thay, nước đã không tràn đến ngôi nhà nào trong làng [3].Dòng nước nhỏ gần nhà chúng tôi đã thành một con sông lớn [4].

Phải sắp lại theo thứ tự: câu [1] , [4] , [2], [3]:  

“ Mùa đông qua trời mưa nhiều.  Dòng nước nhỏ gần nhà chúng tôi đã thành một con sông lớn. Nó vỡ bờ và chẳng mấy chốc những cánh đồng xung quanh đã đầy ắp nước. May thay, nước đã không tràn đến ngôi nhà nào trong làng.”

Thí dụ 2: Các học sinh vào lớp, lấy tập vở ra và ngồi vào bàn, chăm chỉ nghe cô giáo giảng bày và ghi chép.

Sửa câu nầy theo trình tự : Các học sinh vào lớp, ngồi vào bàn, lấy tập vở ra, chăm chỉ nghe cô giáo giảng bày và ghi chép.

* Không đúng hiện thực

Thí dụ1: Một Bộ trưởng chỉ thị cho chánh quyền địa phương phải “tập trung phát triển nhanh, bền vững”. Tập trung phát triển nhanh mà bền vững thì không đúng hiện thực. Hoặc : Chúng ta cần phải  tiến nhanh, tiến vững chắc….

Thí dụ 2:  Chỉ có trong văn học, không có trong thực tế.

Tả về vẻ đẹp của nàng cung nữ [trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn gia Thiều Ôn Như Hầu]:

“ Chìm đáy nước cá lừ  đừ lặn
Lửng lưng trời nhạn ngân ngơ sa,
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giựt mình”

3. Tránh lỗi về phong cách.

Lỗi về phong cách là do người nói hay viết dùng từ không phù hợp vối văn bản cần thể hiện.  Thí dụ1:Trong thư mời hợp viết: Sự hiện diện của Ngài là nguồn vui vô tân của chúng tôi. [không hợp phong cách]

Thí dụ 2:Đồ gỗ cao cấp đến từ nước Cộng hòa Pháp [hàng chữ trên một cửa hàng đồ gỗ phố Lý Nam Đế, Hà Nội] “đồ gỗ” không thể tự nó đi từ đâu đến đâu được. Thứ nữa, tên “nước Cộng hoà Pháp” được dùng trong các văn bản ngoại giao, mang tính chính thức chứ không dùng với “đồ gỗ”. Câu được sửa lại sẽ là “Đồ gỗ cao cấp của Pháp” hoặc “Đồ gỗ cao cấp sản xuất tại Pháp” [18]

Có nhiều loại phong cách trong tiếng Việt: trong lãnh vực hành chánh, ngọai giao, kinh tế, pháp luật,khoa học, báo chí, truyền thông, tin tức….  Khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, cần chú ý những điểm sau đây:

*Hoàn cảnh giao tiếp:  Hoàn cảnh giao tiếp ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ. Hoàn cảnh giao tiếp trong gia đình khác với hoàn cảnh giao tiếp ngoài xã hội.Trong ngôn ngữ giao tiếp phải biết trường hợp nào, hoàn cảnh, nhân vật nào để dùng từ thích hợp, như cách xưng hô, cách thức nói năng… Thí dụ: Trong thư mời tham dự buổi tiệc gây quỹ giúp nạn nhân thiên tai, ghi” có văn nghệ giúp vui”. Văn nghệ giúp vui  không thích hợp hoàn cảnh.

*Hình thức giao tiếp: Hình thức giao tiếp cũng có vai trò quan trong đối với việc sử dụng ngôn ngữ. Thí dụ: cùng một tai nạn xe cộ trên đường phố.Một người chứng kiến tai nạn, về nhà gọi điện thoại thuật lại sự kiện cho người bạn. Đây là hình thức khẩu ngữ, dùng ngôn ngữ tự nhiên Nhưng, nếu đưa sự kiện nầy lên truyền hình hay báo cáo cho cảnh sát, sẽ sử dụng ngôn ngữ và hình thức khác

4. Vay mượn và pha tiếng nước ngoài

 Nếu cần vay mượn những chữ nào thì nên cố dịch sang Việt Ngữ để giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ và văn chương Việt. Không nên pha tiếng nước ngoài bừa bãi làm tiếng Việt lai căng, hổ lốn. [19]. Chỉ vay mượn từ nước ngoài khi trong tiếng Việt không có, và từ được vay mượn phải phù hợp với truyền thống dân tộc được đa số người dân sử dụng [20].

Các giáo viên được hỏi ý kiến, đồng ý rằng “Trong văn nói cũng như văn viết, lưu ý học sinh tránh lối nói “lai căng”, pha trộn tiếng nước ngoài bừa bãi, không cần thiết.

Trong học đường, giáo viên cố gắng hướng dẫn các học sinh không pha từ nước ngoài [nhứt là tiếng Anh], trong khi tiếng Việt có đủ từ để sử dụng.   Thí dụ: Anh có “sure” [chắc chắn] là cái “problem” [vấn đề] nầy có thể “handle “ [xử lý/giải quyết] được không?  Câu nầy làm cho người nghe hay người đọc cảm thấy khó chịu”.

Không nên vay mượn tràn lan, mà biết lựa chọn và Việt hóa để biến thành “tài sản” của ta. Tiếng Việt đã vay mượn những từ gốc Hán, gốc Pháp, và gốc Anh …để làm phong phú vốn từ của mình. Thí dụ: Từ show [sô]  trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại tiếng Việt còn thêm nhiều nghĩa:…. một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần [chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình …]. Từ hủ hóa, nghĩa gốc tiếng Hán là“thối nát” dùng để chỉ sự “hư hỏng, biến chất, sa đoạ”. [21]

Khả năng nổi bật của tiếng Việt là khi tiếp thu những yếu tố được vay mượn từ các ngôn ngữ khác nhau [ như tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga, Chiêm Thành, Cao Miên…] thì thường được Việt hóa một cách nhanh chóng làm cho Tiếng Việt ngày càng phong phú, “Như vậy, có thể thấy vay mượn là một hiện tượng phổ biến của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Những điều kiện của xã hội hiện nay cho phép các cộng đồng khác nhau có thể tiếp xúc cùng lúc với nhiều ngôn ngữ. Hiện tượng song ngữ, đa ngữ đang trở thành phổ biến trong đời sống ngôn ngữ của nước ta.” [22]

Có ý kiến cho rằng tiếng Việt trong sáng là phải thuần nhất, không pha tạp. Điều nầy tất yếu, nhưng rất khó. Bản chất ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên chắc chắn phải chịu sự tác động của các yếu tố xã hội và ít, nhiều sẽ có sự biến đổi. Tiếng Việt cũng nằm trong qui luật nầy.

Do giao tiếp với nhiều nguồn văn hóa khác nhau nên người Việt đã vay mượn từ nước ngoài, nhưng không vay mượn một cách thụ động mà qua cách đọc, cách sử dụng, đã biến các từ ngoại thành “tài sản” của riêng mình. [23]

 Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy tính trong sáng của ngôn ngữ nước nhà, cần xem xét các yếu tố vay mượn, coi có đúng và thìch hợp với ngôn ngữ và văn hóa nước nhà hay không. Đây là trách nhiệm của mọi người, của nhà trường, gia đình và xã hội.

5. Đoạn văn phải mạch lạc

 Khi sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, ngoài một số qui tắc căn bản khi phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cần phải chú trọng đến cấu trúc bài viết và lời nói.

  * Nói và viết giản dị: Kỷ năng nói và viết rất quan trọng trong giao tiếp.Viết/nói ngắn gọn, giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Nói hay viết đều lấy người đọc hay người nghe làm trung tâm [reader/listener centred  approach]. Nói và viết giản dị không chỉ dùng từ, mà gồm cả cấu trúc bài viết hay bài nói, câu văn và đoạn văn giản dị. [24]

Nói hay viết giản dị là một nghệ thuật, đòi hỏi tác giả hiểu vấn đề và biết thính giả hay độc giả là ai, nhu cầu của họ là gì, sau đó tìm ngôn ngữ thích họp để diễn tả. Khi nói cũng như khi viết, nên:

– Dùng từ thông dụng, không cầu kỳ, không dùng tiếng lóng.Nếu dùng từ kỷ thuật, nên giải thích.

-Dùng thể chủ đông thay cho bị đông. [Thí dụ: Anh ta bị thầy giáo phạt hay là Thầy giáo phạt anh ta. Không nói: Anh ta bị phạt bởi thầy giáo ]…

-Nói chậm để người nghe dễ theo dõi. Khi viết cũng viết câu ngắn, hay chấm câu thường xuyên để độc giả dễ đọc.[25]

  • Viết hay nói những câu đúng nghĩa: Viết hay nói những câu thiếu nghĩa làm cho người đọc hay người nghe khó hiểu hay hiểu lầm. Thí dụ: Một tác giả nọ bàn về bài “Qua Đèo Ngang”của bà Huyện Thanh Quan, viết: “Nhưng âm nhạc đã lấp được cái lỗi trong thơ”

Nếu có một lỗi thì phải viết : Nhưng âm nhạc đã lấp được cái lỗi đó trong thơ”

Nếu có nhiều lỗi thì phải viết “ Nhưng âm nhạc đã lấp hết  cái lỗi trong thơ”

Một thí dụ khác: Máu me đầy người, nó ghì chặt kẻ thù của nó”.Ý muốn nói “kẻ thù của nó máu me đầy người” mà viết như vậy làm cho người đọc hiểu lầm rằng” nó máu me đầy người”.Phải đặt tiếng bổ túc kế ngay những tiếng được bổ túc. Câu nầy trở thành: “Nó ghì chặt kẻ thù của nó, máu me đầy nguời”. [26]

* Lưu ý đến hinh thức và nội dung

Trong một bài văn, các đoạn văn, các câu phải có sự liên kết nhau, không sắp xếp rời rạc, lộn xộn. Có hai loại liên kết: liên kết hình thức và liên kết nội dung.Muốn sắp xếp các câu, chúng ta phải thêm những từ cần thiết khác và nếu cần thì thay đổi vị trí các câu. Sau đây là một chuỗi câu, nếu chưa sắp xếp liên kết thì không trở thành một đoạn văn: Hãy còn là mùa đông.  Vào hôm chúa nhựt trời khá đẹp.Chúng tôi đi dạo theo bờ biển. Chúng tôi ngắm những con tàu.

Ý chính trong bôn câu nầy là “ngắm những con tàu”. Vào lúc nào?  Ở đâu?. Những ý của các câu khác “Hãy còn là mùa đông”.“Vào hôm chúa nhựt trời khá đẹp”.            “Chúng tôi đi dạo theo bờ biển”.

Vậy phải kết hợp bôn câu nầy làm một: “Hãy còn là mùa đông, nhưng vào hôm chúa nhựt trời khá đẹp. Chúng tôi đi dạo theo bờ biển   ngắm những con tàu”.

B3. Phương pháp giảng dạy ngữ pháp đang áp dụng tại nhà trường

Đa số giáo viên [62.5%] đồng ý dạy ngữ pháp theo tiến trình giao tiếp; 25% áp dụng phương pháp dạy cho học sinh hiểu biết kiến thức ngữ pháp để vận dụng trong giao tiếp, 12.5% áp dụng phương pháp khác.

Dạy “kiến thức ngữ pháp” còn gọi là dạy theo phương pháp truyền thống. Các bài học nầy gồm những cấu trúc ngữ pháp cố định, và những mẫu câu mà học sinh phải nhớ và học thuộc, luyện cho nhuần nhuyễn các loại mẫu câu đó.

Một giáo viên có nhận xét:” Chương trình giảng dạy ngữ pháp của nhà trường còn đặt nặng việc dạy kiến thức ngữ pháp hơn là thực hành ngữ pháp, nên nhiều học sinh

không hiểu được nghĩa của từ dẫn đến dùng sai từ, làm cho câu văn tối nghĩa, sai ngữ pháp, sai chính tả, sử dụng dấu câu lộn xộn”

Cũng có giáo viên áp dụng “phương pháp qui nạp”, nghĩa là lấy những tiếng, những câu có trong bài học mà tìm ra qui tắc. Thí dụ: Bắt đầu dạy một bài ngữ pháp, bằng cách trích lấy một vài tiếng trong bài học có liên hệ với đầu đề bài ngữ pháp, đem ra phân tích cho học sinh hiểu loại tiếng đó và cách dùng các loại tiếng ấy. Học sinh sẽ áp dụng các loại tiếng ấy ngay trong bài học. Học sinh phải làm những bài tập thực hành về bài ngữ pháp vừa học.

Một giáo viên khác viết:“ Việc dạy lý thuyết và phân tích ngữ pháp chỉ là phương tiện để nhận biết chức năng của các đơn vị ngữ pháp; vận dụng chúng từ hiểu biết  sang ứng dụng  trong giao tiếp [nói và viết] mới là điều quan trọng”. 

Dạy ngữ pháp là để giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Dạy “ngữ pháp theo tiến trình giao tiếp” đang được áp dụng trên thế giới.

Nhà ngữ học Noam Chomsky cho rằng ngôn ngữ là một hoạt động tinh thần [mental activity] chứ không phải là thói quen. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng gồm một số qui tắc ngữ pháp nhất định, người ta có thể chuyển thành vô số câu nói trong hoàn cảnh khác nhau, không nhất thiết phải học thuộc lòng những câu mẫu hay một nhóm câu. Do đó, học sinh cần được chỉ dẫn cấu trúc ngữ pháp và khuyến khích học sinh tạo ra câu văn riêng. [27]

Mục đích của việc giảng dạy ngôn ngữ là giúp cho học sinh phát triển khả năng giao tiếp .Có hai quy tắc trong việc học ngôn ngữ In terms of learning, it is accepted that there are two kinds of rules, “knowing various grammatical rules and being able to use the rules effectively and appropriately when communicating” [Nunan, 1992: 12]. “biết các quy tắc ngữ pháp và có thể sử dụng các quy tắc có hiệu quả và thích hợp khi giao tiếp” [28]

Phương pháp giao tiếp nhằm mục đích để dạy học sinh khả năng sử dụng ngôn ngữ trong cuộc trò chuyện với mọi người. Its goal is “to develop the student’s ability to communicate fluently rather than in grammatically flawless sentences” [p. 139]. Mục tiêu của nó là “không chỉ ứng dụng thành thạo ngữ pháp mà còn biết để phát triển khả năng ngôn ngữ của học sinh để giao tiếp lưu loát” [29]  The role of the teacher in the classroom is no longer dominant, but the teacher “takes one step back and lets the students take over the activities” [p. 140].

Phương pháp giao tiếp còn giúp học sinh đạt được kỹ năng trao đổi thông tin, thảo luận, bày tỏ quan điểm, kinh nghiệm của mình với người khác, tạo  được mối tương quan trong sinh hoạt hàng ngày [30]

Từ những quan niệm trên, các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu cho rằng dạy ngữ pháp gồm hai phần song song: dạy kiến thức ngữ pháp và thực hành ngữ pháp. Do đó, khi dạy ngữ pháp, không dạy “từ” riêng lẻ mà phải rút ra từ câu, rồi dùng các qui tắc ngôn ngữ như cầu tạo từ, biến đổi từ, kết hợp từ thành cụm từ, thành câu và liên kết câu để thành đoạn văn và ngữ thể [văn bản/ngôn bản], và áp dụng trong giao tiếp thích hợp với ngữ cảnh

IV.  Kết luận và đề nghị

Giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển tính trong sáng của tiếng Việt. Một thực trạng hiện nay là các học sinh chưa có thói quen giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khi nói và viết. Điều cần bàn và giải quyết là rèn luyện kỷ năng diễn đạt trong giao tiếp cho các học sinh. Ngoài việc dạy ngữ pháp theo tiến trình giao tiếp, còn tập cho học sinh hiểu những chuẩn mực và qui tắc của tiếng Việt khi giao tiếp [nói và viết], như:

  1. Dùng từ phải đúng qui tắc ngôn ngữ [đúng ngữ âm, đúng chánh tả. đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa.]
  2. Câu văn đoạn văn, văn bản mạch lạc, đơn giản, rõ ràng, không pha tiếng nước ngoài.
  3. Tránh những lỗi về logic [luận lý], phong cách, tình huống giao tiếp.

Ngoài ra, chúng tôi xin đề nghị thêm:

Việc giữ gìn và phát triển tính trong sáng của tiếng Việt không chỉ dạy học sinh những qui tắc ngôn ngữ mà phải chú ý đến nội dung các bài học.  Các bài học, các sách giáo khoa có nội dung không đi ngược lại nền văn hóa dân tộc. Thật vậy, ngôn ngữ Việt là kết tinh những giá trị bản sắc, tinh hoa của dân tộc. Bảo vệ tính trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tức là giữ cho truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển vững vàng, nhưng không bảo thủ, và từng bước theo kịp đà tiến triển của nhân loại. Truyền thống văn hóa Việt Nam đề cao con người sống có nhân cách, có lòng yêu thương: yêu gia đình, yêu đồng bào, đồng loại và yêu quê hương đất nước, có tinh thần bất khuất, có ý chí quật cường, có lòng tin vững chắc nơi tương lai của dân tộc. Ngoải việc duy trì và phát huy ngôn ngữ và văn hóa của dân tôc, chúng ta phải tiếp thu các tinh hoa của ngôn ngữ và nền văn hóa thế giới để làm gìàu thêm cho ngôn ngữ và văn hóa nước nhà.[Muc tiêu của nền giáo dục Miền Nam Viêt Nam trước 1975: Nhân bản-Dân tộc-Khái phóng]. [31]

Trong tạp chí khoa học Đại học sư phạm- TPHCM, số 56-năm 2014, một nhà giáo dục nhận xét về các sách giáo khoa bậc tiểu học của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, và đề nghi như sau:

“ Bài viết tìm hiểu về mô hình SGK Việt ngữ bậc tiểu học ở miền Nam những năm 1955 –1975, những năm có nhiều bộ sách của nhiều nhóm tác giả biên soạn, do nhiều nhà xuất bản ấn hành. Nhưng các bộ sách đều tuân thủ một chương trình, đều chung mô hình phỏng giao tiếp, chú trọng tính tích hợp; và theo triết lí nhân bản, dân tộc, khai phóng.

Do giới hạn của lịch sử, sách Việt ngữ bậc tiểu học ở miền Nam trước 1975 không thể

tránh khỏi những hạn chế nhất định. Song đặc điểm một chương trình với nhiều bộ sách, chú trọng tích hợp,… cùng triết lí nhân bản, dân tộc, khai phóng là những điểm mạnh không thkhông lưu tâm khi chuẩn bị biên soạn SGK môn Tiếng Việt ở tiểu học giai đoạn mới “. [32]

[triết , là chữ do tác giả đang dùng; SGK=Sách giáo khoa, TPHCM=thành phố Hồ chí Minh, tức Sài gòn cũ]

V.  Ghi chú

       1. GSTS Phạm văn Tính: Tiếng Việt có còn trong sáng?  

       //www.ttgn.edu.vn/…viet/…tieng-viet-co-con-trong-sang.[8/6/2015] Viện ngôn ngữ.
       Sau nầy ghi GSTS Phạm văn Tính

  1. Phạm văn Đồng: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

//aivietnguyen.blogspot.com.au/giu-gin-su-trong-sang. ngày 4/11/2014

  1. Nhật Minh. Văn hóa giao tiếp của học sinh, sinh viên-Đang có hiện tượng suy đồi. //baogialai.com.vn , 27/12/2011]
  2. ANTGCT. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào?www.baomoi.com 10/8/2013]
  3. 5. Mỹ Hạnh: Để dùng từ đúng sai. //www.spnttw.edu.vn, ngày 21/08/2013; PTS Đỗ thị Kim Liên. Ngữ pháp tiếng Việt. NXB Giáo dục.VN 1999 trang 17].
  4. Lê Biên.1998 Từ loại tiếng Việt hiện đại. In lần thứ tư. NXB: Giáo dục.Hà nội [VN]. Trang 6-7.

7. GSTSKH Nguyễn Quang Hồng: Giữ gìn và phát triển tiếng Việt. //tiengvietmenyeu.wordpress.com [8/4/2012].

8. Hữu Đạt; Trần Thị Dõi & Đào Thanh Lan.[1998]. Cơ sở tiếng Việt. NXB: Giáo Dục.Hà Nội VN, trang 20-21

9. Nguyễn Hiến Lê : Luyện văn. NXB: Đại Nam, USA, không ghi năm, trang 270.
Sau nầy ghi Nguyễn Hiến Lê.

  1. Nguyễn Hiến Lê .trang 263
  2. GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm. Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ trong quan hệ với bảo tồn văn hóa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” //tranngocthem.name.vn [19/01/2013]
  3. Đại Từ điển Tiếng Việt 1998. NXB Văn hóa Thông tin.Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, trang 601].
  4. Đại từ điển Tiếng Việt. 1998. NXB: Văn hóa Thông tin. Bộ Giaó dục và Đào tạo, Trung Tâm Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, trang 98
  5. Trần trọng Kim , Búi Kỷ, Nguyễn quang Oánh:Tiểu học Việt Nam Văn phạm. NXB: Tân Việt [Nam Việt Nam]. Nhà xuất bản Xuân Thu in lại tại Los Alamitos CA [USA] năm 1990. trang35-36]
  6. . GS Ngô Như Binh [DH HARVARD-MỸ]. Cần đặt lại vấn đề giảng dạy ngữ pháp tiếng Việt trong trường học.//Laodong.com.vn. 02/02/2015]
    Sau ghi là Ngô Như Bình, nt

18.. Ngô Như Binh , nt

  1. Đào văn Bình. Thế nào là tiếng Việt trong sáng ?. chuaphuclam.vn 1/2013
  2. Hữu Đạt; Trần Thị Dõi & Đào Thanh Lan.[1998]. Cơ sở tiếng Việt. NXB: Giáo Dục.Hà Nội VN, trang 21.

21. GSTS Phạm văn Tính. Nt.

  1. Lê Phượng – Trần Như Quốc Hiếu Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nói và làm//www.votrandaiviet.org/ [23/11/2011]. Sau nầy ghi  Lê Phượng -Trần Như Quốc Hiếu,nt
  2. Lê Phương – Trần Như Quốc Hiếu. nt
  3. Plain Language: Writing for Readability. English 302 –Writing for Government. //web.uvic.ca [2013]

25. Plainlanguage://www.Plainlanguagenetwork.org/About_Plain_Language/aboutplainlanguage.html[1/6/2015]

  1.  Nguyễn Hiến Lê : trang 70]..
  2. Jeremy,H. [1991]. The practice of English language teaching. New edition.London.Longman Group UK,33.
  3. Nunan,D.[ 1992]. Communicative language teaching. In D.Nunan [ed]. Designing task for the communicative classroom.Cambridge:Cambridge University Press,12-19
  4. Cook, V.J [1991].Second language learning and language teaching [p.139]. London:Edward Arnold. The role of the teacher in the classroom is no longer dominant, but the teacher “takes one step back and lets the students take over the activities” [p. 140].
  5. Scarino et al [1988a] .Language learning in Australia.Australian language levels guidelines.Book 1.Canberra:Commonwelth of Australia
  6. Nguyễn văn Bon.[2014]. Nhìn lại nền giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975. Tập san số 8 :Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long, Úc châu,trang 83-95.
  7. Nguyễn thi Ly Kha. Mô hình sách giáo khoa Việt ngữ bậc tiểu học ở Miền Nam trước 1975. Tạp chí khoa học DHSP-TPHCM, số 56-năm 2014.

VI.  PHỤ LỤC

 PHỤ LỤC 1.     Một vài góp ý  v  Từ, Tiếng, Chữ trong tiếng Việt .

Hiện nay trên báo chí có những ý kiến khác nhau về định nghĩa của từ, tiếng, chữ trong tiếng Việt.Trong lúc chờ “chuẩn hóa tiếng Việt”, chúng tôi đề nghị tạm chấp nhận như sau:

Tiếng Việt thuộc ngôn ngữ đơn lập, mỗi một tiếng được phát âm tách rời nhau và được thể hiện bằng một chữ viết. Mỗi tiếng là một yếu tố có nghĩa.

Thí dụ: Tiếng [word]:  khi ta  nói ăn, bánh, anh, em…, các tiếng nầy được ghi xuống  bằng chữ ăn, bánh, anh, em…. Mỗi chữ gọi là từ [word]. Từ/Chữ [word]

  1. Từ và chữ [word]: Không khác nhau.Thí dụ: Giáo viên phê bình bài của học sinh: “Dùng từ không chính xác” hay “ Dùng chữ không chính xác”
  2. Từ và tiếng [word]

Sau đây là một câu:

          Dân làng tôi sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi

Những từ  gồm một tiếng:  Dân, làng, tôi, sống, bằng, nghề, và;

Những từ hai tiếng: trồng trọt và chăn nuôi

Vậy:

 * Tiếng : chuổi âm thanh nhỏ nhất; mỗi lần phát âm là một tiếng.

Tiếng là đơn vị  cấu tạo nên từ.

  * Từ: Từ được tạo bởi một tiếng hoặc hai tiếng trở lên. Gồm có:

Từ đơn: Từ có 1 tiếng : Dân, làng, tôi, sống, bằng, nghề, và;

Từ phức:  Từ có 2 tiếng trở lên : trồng trọt , chăn nuôi

Từ phức chia ra 2 loại từ:  Từ ghépTừ láy

      Từ ghép: Từ ghép là những từ được cấu tạo bằng cách ghép những tiếng

lại với nhau. Các tiếng được ghép phải có  ý nghĩa [ trồng trọt, chăn nuôi, đồng ruộng, đi đứng, chạy nhảy, chăn nuôi, xe đạp, chiêu đãi viên, thông tấn xã..]

      Từ láy:  Từ láy cấu tạo bằng cách  lặp lại âm đâu [vui vẻ, nhỏ nhen, nhỏ

nhắn..], vần [leo lẻo, cheo leo, ] hoặc cả tiếng [buồn buồn, hiu hiu, lo lo,

vui vui, thiu thiu…] ít nhất có một tiếng không có nghĩa hoặc 2 tiếng không có nghĩa. [Thí du: lững thững, lởn vởn, xởi lởi…]


 PHỤ LỤC 2 –    Quy tắc về dấu hỏi , ngã

  1. Dấu hỏi , ngã của từ láy.

Phân biệt : Từ láy và từ ghép

Từ ghép: Gồm 2 tiếng trở lên, mà 2 tiếng đều có ý nghĩa. Thí dụ: ăn uống, nhà cửa, quần áo, đau ốm, mồ mả, mỏi mệt, sửa soạn…

Từ láy: cũng gồm 2 tiếng trở lên, nhưng ít nhất có một tiếng không có nghĩa hoặc 2 tiếng không có nghĩa. Thí du: lững thững, lởn vởn, xởi lởi…

 Trong từ láy, mà một trong 2 tiếng không có dấu [thanh ngang], hoặc có dấu sắc  thì tiếng còn lại mang dấu hỏi . Thí dụ: da dẻ, mát mẻ, nho nhỏ, dai dẳng, dư dả, tẻo teo, leo lẻo, nể nang, giỏi giang, êm ả…

Trong từ láy, một trong 2 tiếng có dấu huyền, hoặc dấu nặng, thí tiếng còn lại mang dấu ngã. Thí dụ: nghĩ ngợi, lạnh lẽo, hững hờ, hãi hùng, gìn giữ, vững vàng…

Chú ý:  Qui tắc dấu hỏi, ngã của tiếng Việt cũng có ngoại lệ. Thí dụ: ngoan ngoãn, sừng sỏ, nhỏ nhặt ….

B. Qui tắc dấu Hỏi,  Ngã của từ Hán – Việt 

Đa số tiêng Việt có nguồn gốc chữ Hán, nhưng phát âm Việt nên gọi là tiếng Hán-Việt. Chúng ta sử dụng quen nên tưởng là tiếng Việt hoàn toàn.

Qui tắc đánh dấu Hỏi- Ngã  của từ Hán Việt được qui định như sau:

  1. Đánh dấu Ngã: Những từ Hán-Việt  bắt đầu bằng các chữ M,N,Nh ,D, L,V,  NG/NGH

Thí dụ:  dã mang, huớng dẫn, mãnh liệt , lãnh đạo, dĩ vãng, vãng lai, ngôn ngữ, nghĩa vụ, bản ngã, phụ nữ, não bộ…

 Có người đề nghị xếp các chữ trên vào công thức như sau:

Công thức 1:  M,N,Nh, L, V, D, Ng/Ngh

Mình [M] nên [N]  nhớ [Nh] [L] viết [V] dấu [D] ngã [NG/NGH]

                       Công thức 2: D,L,V, M, N, Nh, Ng/Ngh

Dân [D] [L] vận [V] mệnh [M] nuớc [N] nhà [Nh] viết dấu ngã [NG/NGH]

  1. Đánh dấu hỏi: Các từ Hán -Việt bắt đầu bằng phụ âm khác [ nghĩa là trừ với các phụ âm nói  trên] và các nguyên âm A, Â, Ô, Y ,U. Thí dụ: ổn định, ẩn sĩ, ủng hộ, uỷ nhiệm., tư tưởng…

         Chú ý: trên đây chỉ vài điểm chánh, còn có ngoại lệ

[ MaxReading .Phép bỏ dấu hỏi-ngã trong tiếng Việt.  //maxreading.com

. Phạm Nhân Thành.. Viết đúng dấu thanh hỏi-ngã. //thegioichu.com .

Anh Đỗ ,sưu tầm. Quy tắc viết tiếng Việt. trích trong Education ]

Video liên quan

Chủ Đề