Thuế xuất khẩu gạo là bao nhiêu?

Tính đến ngày 14/9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 613 USD/tấn, Thái Lan 611 USD/tấn, Pakistan 608 USD/tấn. Nếu so với cuối tháng 8/2023 thì mức giá xuất khẩu này đã giảm khoảng 22 USD đến 30 USD/tấn.

Xu hướng giá gạo sẽ còn tăng trở lại

Mặc dù những ngày qua, giá gạo xuất khẩu trên thế giới có sự giảm nhẹ, nhưng trong bối cảnh chung về tình hình lương thực và xu hướng hạn chế xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì thị trường gạo thế giới sẽ còn biến động theo hướng tăng trở lại.

Cụ thể, ngày 25/8, Ấn Độ đã áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ [parboiled rice]. Đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc. Các hãng xuất khẩu có giấy phép trước khi quy định được ban hành sẽ vẫn thực hiện giao dịch như bình thường. Thuế xuất khẩu gạo đồ sẽ được áp dụng đến ngày 15/10/2023.

Ngày 27/8, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết sẽ áp giá sàn 1.200 USD/tấn khi xuất khẩu gạo basmati [một loại gạo phổ biến tại Nam Á]. Việc này nhằm ngăn hoạt động buôn lậu gạo không phải basmati - vốn đang bị cấm xuất khẩu - với giấy tờ ghi là gạo basmati.

Trong khi đó, theo Báo cáo Triển vọng gạo tháng 8/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ [USDA], sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức cao kỷ lục 520,9 triệu tấn, tăng 173.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước.

Tiêu dùng và tồn kho thế giới niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 523,0 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với mức dự báo trong tháng trước, nhưng tăng 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 được dự báo ở mức 52,9 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn so với dự báo trong tháng trước. Thương mại gạo năm 2023 được dự báo giảm 2 triệu tấn so với mức dự báo trong tháng 7/2023.

Nguyên nhân là thời gian qua, giá gạo xuất khẩu trên thế giới đồng loạt tăng mạnh, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn, cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động giao thương do các doanh nghiệp thu mua cầm chừng, đối tác nhập khẩu cũng hạn chế triển khai ngay các hợp đồng mới.

Ổn định nguồn cung để sẵn sàng xuất khẩu

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu đã chững lại và sự tăng giảm đều ở mức không đáng kể. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các giao dịch gạo ổn định trở lại cũng như các hợp đồng xuất khẩu gạo mới dễ được ký kết hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,9 triệu tấn gạo, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất. Trong những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Mặt khác, giá gạo toàn cầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi tình hình nguồn cung không quá khả quan như hiện tại. Để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế ngành gạo Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các thị trường giá trị cao.

Trong vài tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao dẫn đến giá lúa, gạo trong nước cũng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lúa gạo từ đầu mối nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát, chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong thu mua lúa để bảo đảm các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký.

Do đó, từ giờ đến cuối năm, một mặt cần bảo đảm sản xuất, ổn định nguồn cung gạo xuất khẩu thì các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp bình ổn thị trường. Đồng thời các nhân tố tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo cũng cần giữ uy tín, có trách nhiệm với các hợp đồng thu mua lúa gạo đã ký trong nước.

Thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ. Trước đó, thông tin Myanmar có kế hoạch tạm dừng xuất khẩu gạo đến ngày 15/10 cũng được cho sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo trong thời gian tới.

Trong nước, ngay sau lệnh áp thuế của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao và liên tục lập đỉnh. Chốt phiên 28/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm lên 628 USD/tấn, cáo hơn nhiều so gạo Thái Lan [lần lượt là 630 USD/tấn và 563 USD/tấn].

Trước tình hình dự báo giá gạo xuất khẩu trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng, nhà khoa học, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, giá gạo xuất khẩu đang cao có thể coi là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, cần cân nhắc, tính toán để đảm bảo xuất khẩu gạo không chỉ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp ngay trong thời điểm ngắn hạn, mà còn đảm bảo bền vững cho tương lai.

Theo giáo sư Xuân, tăng lượng gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá cao có thể tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp có thu nhập tốt hơn từ hoạt động nông nghiệp và thương mại. Vừa giúp cải thiện cuộc sống của người nông dân vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc tận dụng thời cơ giá cao để tăng xuất khẩu gạo có thể tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và cung cấp nguồn thu nhập đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.

“Việt Nam không thể thiếu gạo vì hệ thống sản xuất lúa của Đồng bằng song Cửu Long hoàn toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất 3 vụ/năm, gạo ngon sạch. đồng nghĩa với việc nước ta có khả năng duy trì cung cấp gạo cho nhu cầu nội địa và còn có dư gạo để xuất khẩu”, giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định.

GS.TS Võ Tòng Xuân

Vẫn theo GS.TS Võ Tòng Xuân, để nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân và doanh nghiệp không được sản xuất nhỏ lẻ, theo thương lái và môi giới, mà phải liên kết theo chuỗi giá trị, thương thuyết với khách hàng nước ngoài hợp đồng xuất khẩu dài hạn với giá có thể ấn định theo thời giá lúc thu hoạch cùng chia sẻ lời hoặc lỗ.

“Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệ tiếp cận vốn. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân mà còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, góp phần nâng lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Xuân nhấn mạnh.

Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh tận dụng thời cơ vàng để tăng xuất khẩu gạo song cần phải đảm bảo không gây ra tình trạng thiếu hụt nội địa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới đang trở nên khan hiếm kể từ ngày 20/7, khi Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng. Trước tình hình này, nhiều khách hàng đã chuyển sang mua gạo đồ với giá cạnh tranh. Tuy nhiên, Ấn Độ tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% lên gạo đồ. Việc áp thuế 20% lên gạo đồ được cho sẽ tác động đáng kể lên nguồn cung gạo toàn cầu.

Hơn nữa, lệnh áp thuế 20% của Ấn Độ tạo ra hiệu ứng tâm lý đối với thị trường.

Trước đó, trả lời Báo Công Thương, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội [Hapro] - một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu - cho hay sự thay đổi trong chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ là một nguyên nhân quan trọng sau việc tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các quốc gia khác. Chính sách cấm xuất khẩu tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo của Ấn Độ đã gây ra tác động toàn cầu lên thị trường gạo. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn cung và tạo ra biến động giá cả, thay đổi cân bằng trong thị trường xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, sự biến đổi trong chính sách của một quốc gia có thể tạo cơ hội cho các quốc gia khác. Trong trường hợp này, việc cấm xuất khẩu và áp thuế của Ấn Độ đã tạo ra cơ hội cho các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, để tận dụng thị trường xuất khẩu gạo và tăng cường nguồn thu nhập từ nguồn xuất khẩu gạo.

"Chúng ta vẫn thường nói, trong nguy có cơ và trong cơ có nguy. Trong ánh sáng có mầm của bóng tối, trong bóng tối lại sẽ có mầm của ánh sáng. Chính vì vậy, nguy hay cơ đôi khi lại do quyết định, quyết sách của mỗi doanh nghiệp trong từng thời điểm khác nhau. Nếu như chúng ta quyết định sai, ở từng thời điểm thì rất dễ cơ hội biến thành nguy cơ thiệt hại kinh tế", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần tỉnh táo, đưa ra quyết sách đúng đắn ở từng giai đoạn, thời điểm. Vừa giữ ổn định về mặt chất lượng vừa giữ nguồn cung đảm bảo cho khách hàng, giữ uy tín với thị trường thế giới. Và cái tối ưu quan trọng nhất là giữ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ông Tuấn đã chỉ ra một số cơ hội quan trọng mà Việt Nam có thể tận dụng trong bối cảnh tăng giá gạo xuất khẩu và biến động trên thị trường. "Nếu như chúng ta tạo ra hàng hóa chất lượng, gạo Việt Nam sẽ tạo ra tiếng vang trên thị trường xuất khẩu thế giới. Ngược lại, nếu như chúng ta chỉ tranh thủ cơ hội đẩy hàng hóa đi, không đảm bảo chất lượng, gạo Việt Nam sẽ mất uy tín về lâu dài sau này", ông Tuấn Nhân mạnh.

Chủ Đề