Theo ảnh chỉ làm thế nào để lan tỏa cái tốt trong thế giới ảo

Với nhiều bạn trẻ hiện nay, điện thoại di động và mạng xã hội gần như là "vật bất ly thân" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhịp sống trẻ giới thiệu một số ý kiến cùng bạn đọc.

Bảo vệ bản thân trên mạng

Mạng xã hội [MXH] là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta hoàn toàn không thể cấm tiệt con trẻ mon men vào MXH, chỉ là chúng ta phải đồng hành và định hướng với con về cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng, cách chia sẻ thông tin và bình luận tránh làm tổn thương người khác, cách hạn chế mâu thuẫn phát sinh từ những hờn giận vụn vặt trong những bình luận và "bình loạn".

MXH không xấu, nhưng những mảnh ghép đẹp tươi dễ dàng bị chìm nghỉm giữa bạt ngàn tin tức tiêu cực về "giang hồ mạng", "sống ảo", "livestream hot" cùng những màn "bóc phốt" không giới hạn. Tin tức xấu xí cứ mỗi ngày mỗi dồn dập dội thêm những cảm xúc tiêu cực trong lòng bọn trẻ đang tuổi lớn, tuổi "học đòi" và tuổi loay hoay định hình nhân cách.

Giá như mỗi bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh cá nhân mà con cái đang xây dựng trên mạng ảo, để tâm nhiều hơn đến việc bọn trẻ đang xem gì và theo dõi ai, chú tâm nhiều hơn đến việc trò chuyện và định hướng cùng con trẻ cách sử dụng MXH thông minh...

Giá như nhà trường sớm đưa nội dung giáo dục trẻ trở thành công dân thời đại số thành các chuyên đề bài bản, khoa học, hữu ích và thiết thực. Để mỗi đứa trẻ được trang bị đầy đủ "áo giáp" trước những cạm bẫy từ mạng ảo và bước chân tiến vào thế giới ảo bằng tâm thế chủ động, văn minh...

Giá như các ban ngành liên quan khẩn trương truy vết, diệt trừ "cỏ dại" đang mọc tua tủa trên các nền tảng công nghệ. Để mắt trẻ bớt chạm vào cảnh tréo ngoe, tai trẻ bớt nghe lời thô tục và ý thức, hành vi của trẻ được neo giữ ở những giá trị tử tế, tích cực...

THANH NGUYỄN

Sử dụng mạng xã hội có kiểm soát

Là một học sinh, tôi sử dụng MXH để liên lạc với thầy cô, bạn bè rất hiệu quả, phục vụ cho việc học tập. Thỉnh thoảng tôi cũng chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, những hình ảnh đẹp và những bài viết hay đến mọi người.

Tuy nhiên, việc sử dụng MXH có kiểm soát và không bị nghiện là điều không dễ dàng. Chúng ta rất dễ bị lôi cuốn vào nó và tiêu tốn quá nhiều thời gian, việc học tập và làm việc bị ảnh hưởng không nhỏ. Những thông báo khi có người đăng hình ảnh, bài viết lên dòng trạng thái [dòng thời gian - timeline, status] hoặc khi có người bình luận cũng khiến chúng ta mất tập trung khi làm việc, học tập. Nó cứ khiến chúng ta bận tâm, tò mò muốn biết điều gì đang diễn ra, bạn bè ta đã nói gì và đang làm gì trên Facebook, Instagram, Zalo...

Bên cạnh việc học tập, làm việc, nếu dành quá nhiều thời gian lang thang trên mạng thì chúng ta không có thời gian tiếp xúc với thế giới bên ngoài và tiếp xúc với những người xung quanh, chúng ta lười đi lại để gặp gỡ, thăm hỏi nhau, ngại tiếp xúc trực tiếp với nhau, cũng từ đó có thể tạo ra khoảng cách giữa mình với người thân, bạn bè, và mọi người không thật sự hiểu nhau.

Theo tôi, MXH như con dao hai lưỡi. Nếu biết sử dụng và sử dụng có kiểm soát, nó mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta. Ngược lại, nó cũng đem lại nhiều phiền hà, rắc rối.

Không nên từ chối MXH vì nó đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội ngày nay, nhưng cũng cần tỉnh táo tránh mất kiểm soát, sa đà và nghiện ngập. Mọi người cần tạo thế giới mạng lành mạnh, giao lưu học hỏi và làm việc với nhau, kết nối và tương tác, giữ liên lạc với nhau trong các mối quan hệ đời sống. Đăng tải có trách nhiệm và chọn lọc thông tin lành mạnh, thiết thực hữu ích để tiếp cận.

PHAN MINH HẠNH [học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP.HCM]

Cần chung tay hành động

Để nâng cao tính tích cực và hạn chế tiêu cực của MXH đến sự phát triển nhân cách và lối sống của giới trẻ hiện nay, trước tiên cha mẹ cần có sự hiểu biết nhất định về MXH, biết sử dụng các trang mạng để phục vụ cho công việc, giải trí lành mạnh, là tấm gương tốt cho trẻ học tập và noi theo; định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp, có sự yêu thương, chia sẻ với gia đình và trách nhiệm với xã hội, giáo dục kỹ năng sống [nhất là kỹ năng điều tiết và kiểm soát bản thân], rèn luyện thói quen tốt như chơi thể thao hay tham gia các câu lạc bộ...

Cần đưa ra những nguyên tắc sử dụng Internet, đối với trẻ nhỏ cần giới hạn khoảng thời gian nhất định. Có thể sử dụng những công cụ ngăn chặn trẻ em vào những nội dung không phù hợp và kiểm soát những nội dung trẻ truy cập; không phê phán hay chỉ lên án những tiêu cực MXH mà cấm đoán giới trẻ. Cha, mẹ dành nhiều thời gian trò chuyện để hiểu tâm tư của con, động viên, khích lệ tinh thần hay tổ chức những chuyến du lịch để thắt chặt tình cảm gia đình.

Nhà trường, các cơ sở giáo dục cần hướng dẫn cách khai thác thông tin tích cực để các em chủ động tham gia, phục vụ học tập, nghiên cứu chuyên môn hiệu quả. Hướng dẫn cách chọn lọc thông tin hữu ích và tránh xa những thông tin độc hại. Giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói và đảm bảo những thông tin mà mình đăng trên mạng không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cá nhân hay tổ chức nào, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng MXH, xây dựng quy định cho các nhà cung cấp dịch vụ, khuyến khích những thông tin lành mạnh, bổ ích, lan tỏa tư duy tích cực và lối sống văn minh cho cộng đồng.

TƯƠNG QUAN

Khát khao nổi tiếng trên mạng xã hội, quên gia đình

BẠN ĐỌC

Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index [DCI] do Microsoft công bố năm 2020, Việt Nam thuộc tốp năm nước có mức độ văn minh thấp nhất. Dù đây là khảo sát chỉ được thực hiện với 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và chỉ mang tính chất tham khảo, con số này cũng phần nào gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ứng xử phản văn hóa đang có chiều hướng ngày một gia tăng của người Việt trên mạng xã hội, nhất là người trẻ. Đắm chìm trong thế giới ảo, một bộ phận người trẻ sẵn sàng bất chấp, thách thức và bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống thực để đổi lấy lượt view [xem], like [yêu thích], share [chia sẻ] trên mạng, chỉ nhằm mục đích duy nhất là tăng thu nhập và sức ảnh hưởng. Có thể thấy rõ điều này tại đám tang nghệ sĩ Chí Tài cách đây chưa lâu. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ nam danh hài không khỏi ức chế khi bị bao vây bởi đám đông nhốn nháo với máy ảnh, điện thoại, máy quay, gậy tự sướng,... để ghi hình trực tiếp những gì diễn ra. Nhiều người vì nóng lòng tìm cho được vị trí tốt, để có được khung hình đẹp đã chen lấn xô đẩy, trèo cả lên tường, tràn vào lối đi,... khiến không gian lẽ ra cần sự tôn nghiêm, trang trọng trở nên hỗn tạp. Thậm chí, trước khi đám tang diễn ra, có người còn tạo video livestream [phát sóng trực tiếp] giả với hình ảnh cắt ghép để thu hút sự hiếu kỳ của người xem. Có tài khoản để thu hút người xem đã bất chấp cố tình đăng tải video với lời lẽ xúc phạm, thiếu văn hóa hướng đến vợ của cố danh hài, gây bức xúc cho nhiều nghệ sĩ, người hâm mộ... Đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt. Các năm gần đây, tại tang lễ của một số nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra. Đây là những hành xử thiếu văn hóa mà không thể lấy lý do vì hâm mộ hay vì muốn chuyển tải thông tin về nghệ sĩ đến với nhiều người để biện hộ. Những ứng xử phản cảm này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, công việc của gia đình người thân, bạn bè người quá cố, mà còn cho thấy tình trạng một số người chỉ vì mục đích cá nhân đã sẵn sàng và ngang nhiên tìm mọi cách trục lợi một cách vô cảm trên nỗi đau của người khác. Điều đó thực sự đang đặt ra những báo động đỏ về cách suy nghĩ ích kỷ, lối sống thờ ơ đến mức tàn nhẫn của một bộ phận người trẻ. 

Tiêu biểu cho hành vi sử dụng mạng xã hội nhằm kiếm tiền bằng mọi cách là sự xuất hiện nhan nhản những kênh youtube, facebook mà chủ nhân chỉ chăm chăm đưa lên các video có nội dung vô bổ để câu like rẻ tiền, như: nấu cháo gà nguyên lông, nấu cơm bằng nước ngọt có ga, ăn bạch tuộc sống chưa qua sơ chế, tắm trong bỏng ngô,... hay những thử thách rùng rợn, nguy hiểm như leo cột điện cao thế, một ngày sống trong quan tài... Các vlogger [người tạo dựng nội dung trên nền tảng video] ra sức sử dụng đủ loại chiêu trò để sản xuất clip nhảm nhí, bất chấp những tác hại và hệ lụy đối với người xem và xã hội, miễn là thu hút được nhiều lượt yêu thích, theo dõi, bình luận, và mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân. Đáng lo là những video dạng này có tần suất xuất hiện ngày một nhiều. Và dù bị nhận xét là lố lăng, vô bổ, thậm chí gây hại cho lớp trẻ chúng vẫn có đất sống bởi được hàng triệu người dùng thiếu trách nhiệm hậu thuẫn. Khi được hỏi về lý do theo dõi những kênh video nhảm này, nhiều người trẻ trả lời đơn giản chỉ để giải trí, xem cho vui, like theo thói quen. Nhưng họ không ý thức được rằng, những lần nhấn like dạo, share vô tội vạ như vậy vô hình trung đã cổ súy cho việc nhiều người trẻ kiếm tiền từ việc sản xuất vô số “rác” văn hóa trên môi trường mạng. Nhiều video xấu độc đã bị cơ quan chức năng xử lý, buộc phải dỡ bỏ. Nhưng rõ ràng, những hậu quả để lại thì không thể gỡ bỏ hoàn toàn. 

Sự tồn tại của video độc hại, nhảm nhí, đi ngược các chuẩn mực văn hóa cùng mọi chiêu trò để thu hút của chúng đã và đang khiến cho không ít người trẻ nhầm tưởng, không phân biệt được giá trị thật và ảo, cách thức để nổi tiếng, con đường làm giàu chân chính,... Điều này rất dễ dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, hành động. Thế nên mới xuất hiện những chuyện tưởng chừng ngược đời nhưng lại khá phổ biến trên mạng xã hội. Chẳng hạn như tình trạng một bộ phận không nhỏ người trẻ đang sử dụng phần lớn thời gian trên mạng để cổ vũ cái gọi là “văn hóa giang hồ”, “văn hóa tả pí lù”, thay vì lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng; Những tấm gương người tốt việc tốt thì ít chú ý, trong khi các “giang hồ mạng có số má” lại được nhiều người trẻ tung hô. Thậm chí những nhân vật không ít tai tiếng như Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc, Giang Rồng, Khá Bảnh, Khánh Sky, Phú Lê... lại là những cái tên quen thuộc trên mạng xã hội với nhiều người trẻ. Những người này đều sở hữu các kênh youtube chứa nhiều video có nội dung kích động bạo lực, ngôn ngữ dung tục, thể hiện cuộc sống của “đại ca giang hồ” với những màn so dao đọ kiếm, ăn chơi thác loạn,... song vẫn được không ít người trẻ coi như “thần tượng”. Thậm chí, khi có người trong số họ sa vòng lao lý vì hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vẫn có một số người trẻ lên tiếng bênh vực, hoặc chào đón như một “ngôi sao” giải trí. Sẽ nguy hại như thế nào khi cái xấu được tán dương? Ai dám bảo đảm việc tò mò tìm xem các video cổ súy cho lối sống hưởng thụ và những hành động điên rồ, vi phạm thuần phong mỹ tục lại không tác động xấu đến tâm sinh lý, nhân cách và hành động của những người trẻ tuổi mà nhận thức chưa đủ sâu sắc để gạn đục, khơi trong? Không ai có thể khẳng định, sự xuất hiện của các vụ án bạo lực học đường, sự trẻ hóa tội phạm,... lại không chịu ảnh hưởng hoặc phần nào có mầm mống từ hiện tượng “thần tượng nhầm đối tượng”. Chưa kể, nhiều ý kiến trong xã hội còn coi đó là biểu hiện của tình trạng khủng hoảng giá trị sống, mục đích sống và lý tưởng sống của một bộ phận giới trẻ, thể hiện qua việc họ hành xử trên môi trường mạng. 

Trên thực tế, mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều giá trị thật - ảo, chứa đựng vô số khiếm khuyết, nhất là khi nhiều quan hệ được thiết lập trên cơ sở ẩn danh. Tham gia thế giới mạng, không ít người trẻ có cảm giác được sống trong “vùng an toàn”, có thể tự do bộc lộ quan điểm, thể hiện bản thân. Nhưng trong nhiều trường hợp sự tự do không bị kiểm soát đã biến thành lỗ hổng khiến không ít người sa vào chủ nghĩa tự nhiên, nói mà không cần nghĩ, phê phán không cần suy xét hay chịu trách nhiệm,... Và từ những hành động, phát ngôn gây sốc, bừa bãi trên mạng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm đã ra đời những “thánh chửi”, “anh hùng bàn phím” với những bình luận “trời ơi đất hỡi”, bất chấp thực tế, thậm chí đưa ra “hoang tin” bịa đặt gây hoang mang trong dư luận. Đó là chưa kể hiện tượng a dua, sẵn sàng “ném đá” tập thể những ý kiến không được đồng tình, với người không được ưa thích,... cũng ngày một gia tăng. Bằng chứng là hàng loạt nhóm, hội anti-fan [cộng đồng những người ghét, chống đối người nổi tiếng] đã được lập ra. Các nhóm, hội này thu hút từ vài nghìn đến vài triệu thành viên tham gia với nội dung chủ yếu là nói xấu, mạt sát, bịa đặt nhằm “dìm hàng” người nổi tiếng. Họ không ngại chế ảnh, cắt ghép bình luận,... rồi bóc mẽ, miệt thị, kể cả chửi bới, lăng mạ đối tượng mình không ưa bằng những lời lẽ khiếm nhã, thiếu văn hóa. Vừa qua, không ít nghệ sĩ Việt đã lao đao khi bị anti-fan [người tẩy chay hay người chống đối] thể hiện quyền lực bằng bình luận xúc phạm, vùi dập. Đám đông này còn len lỏi vào fanpage của các nhãn hàng, đối tác quảng cáo để ép buộc các đơn vị này phải gỡ bỏ hình ảnh, chấm dứt hợp tác với người mình muốn gây hấn… Nếu các hành vi xấu xí đó được dung túng thì chẳng mấy chốc, việc một số người trẻ tuổi có suy nghĩ, hành động, lối sống lệch lạc sẽ trở thành thói quen, đẩy tới những nguy hại không thể đong đếm được.

Sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có ý thức, những người trẻ sẽ biết chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho giới trẻ và cả cộng đồng. Bàn về việc làm trong sạch môi trường mạng xuất phát từ việc nâng cao văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội là vấn đề đã được đặt ra tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trong nhiều bài nghiên cứu của các chuyên gia lĩnh vực truyền thông xã hội, văn hóa, tâm lý... Vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội trong khi phối kết hợp để hình thành nhân cách, định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng cũng đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, đây là giải pháp căn cơ cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, và phải qua quá trình lâu dài mới có thể nhìn thấy hiệu quả. Trước mắt, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, mạng xã hội ngày càng được giới trẻ coi như “cơm ăn, nước uống” thì muốn chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn đạo đức đòi hỏi cả sự răn đe nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng đến những người trẻ, giúp họ hiểu các điều cấm liên quan văn hóa ứng xử trên môi trường mạng [như xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục...]; còn cần có sự vào cuộc rốt ráo, thường xuyên và liên tục của lực lượng chức năng để phát hiện trường hợp vi phạm và xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, dù đã có một số cá nhân vi phạm bị xử phạt nhưng xem ra, mức phạt còn nhẹ và không đáng kể so với nguồn lợi kinh tế mà họ thu được, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Do đó, mức độ, hình thức xử phạt cần mạnh và nghiêm khắc hơn nữa, đủ để cảnh tỉnh, có tính răn đe các đối tượng có ý định vi phạm. Theo nhiều chuyên gia, cũng cần có thêm hàng rào kỹ thuật để tự động lọc bỏ những video hay thông tin đăng tải có nội dung nhạy cảm, xấu độc, dễ ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiếp nhận. Đồng thời, phải tính đến biện pháp để định danh một cách triệt để người sử dụng mạng. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để làm tăng tính trách nhiệm của người dùng, trong đó có người trẻ, buộc họ phải suy nghĩ kỹ trước khi bấm nút like, share, hoặc phát tán thông tin trên môi trường mạng, vì nếu không cẩn thận sẽ rất dễ vi phạm pháp luật và bị xử lý. Chỉ khi mỗi người sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi,... thì trên mạng xã hội mới không còn “đất” cho những nội dung vô bổ, nhảm nhí, cũng như những hành xử lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Video liên quan

Chủ Đề