Thế nào là người Việt Nam

Người Việt, văn hóa và Tổ quốc

Ông nêu nhận xét: "Khổng Tử không có khái niệm về Tổ quốc". Tôn Dật Tiên trong chủ nghĩa Tam dân đã viết : "Trung Quốc chỉ có chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa tông tộc. Không có chủ nghĩa quốc tộc "(1).

Năm 1946 trong Nhật ký hành trình bốn tháng thăm Pháp với bút danh Ð.H., Hồ Chí Minh đã nhận xét về người Pháp: "Nói chung những người Pháp yêu chuộng đức lành tự do, bình đẳng, bác ái. Phần đông người Pháp có tính hào hiệp. Người Pháp lại vui tính, dễ làm quen".

Vấn đề quan trọng cũng là xác định được bản chất của con người Việt Nam như thế nào? Giáo sư tiến sĩ Laszlô Szôrényi Viện trưởng Viện Văn học Hungary sang Việt Nam vào tháng 11-2002. Ông đã đi thăm nhiều vùng ở Việt Nam, nói chuyện ở Viện Văn học và có những suy nghĩ khá sâu sắc về Việt Nam.

"Một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc cố hòa nhập với châu Âu nên dễ mất bản sắc. Trung Quốc cũng đang để mất mình trong quá trình hiện đại hóa. Việt Nam không căng mình lên mà vẫn giữ vẻ bình thường. Người ta thường nghĩ Việt Nam và Trung Quốc giống nhau, tôi thấy là rất khác, đành rằng có ảnh hưởng cũng như các nước phương Tây ảnh hưởng nhau nhưng Việt Nam khác Trung Quốc chủ yếu ở tâm thức. Tâm thức người Việt Nam qua tiếp xúc thấy cởi mở, chân tình, thân thiện".

Trước đây trong cuốn sách Hiểu biết về Việt Nam hai nhà nghiên cứu người Pháp là Pierre Huard và M.Durand cũng cho rằng khó nhận ra đặc trưng Việt Nam khác với Trung Hoa nhưng sẽ là sai lầm khi xem tất cả chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa.

Sinh thời, giáo sư Cao Xuân Huy thường nhấn mạnh đến nhu đạo như một phương diện của triết lý sức mạnh Việt Nam. Nước chảy đá mòn, mềm dẻo, bền bỉ tiến công nhưng không đối diện và va chạm quyết liệt; lấy nhu thắng cương là một kế sách có lúc thành công nhất là khi lực lượng còn khiêm tốn lại phải đối phó với những đối thủ mạnh. Việt Nam là một dân tộc nhỏ nhưng phải chống đối lại những thế lực cường bạo nhiều lúc bao vây khắp nơi. Chúng ta đã lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh và vận dụng có hiệu quả nhu đạo. Biết xử lý khoan dung, linh hoạt, hiểu mình biết người, mềm dẻo trước mọi tình hình thế vẫn là đặc điểm quen thuộc của người Việt Nam.

Ông Federico Mayor Tổng giám đốc UNESCO đã phát biểu về vấn đề khoan dung, khi UNESCO chuẩn bị cho năm 1995, năm quốc tế về khoan dung mà đa dạng về chủng tộc, tôn giáo, phong tục, hệ thống chính trị vốn là đặc điểm của nhân loại. Dù cho những sự pha tạp về dân cư, những sự trao đổi tư tưởng và thông tin giữa con người, những tiến bộ khoa học kỹ thuật hay ảnh hưởng ưu việt của một mô hình kinh tế chính trị xã hội nào đó có xảy ra như thế nào chăng nữa thì sự đa dạng vẫn tồn tại như một nguyên tắc. Do đó mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc phải cố gắng với chính mình để không chỉ chấp nhận người khác có thể xử sự khác mình mà còn tin rằng cách sống của mình không có sự cao siêu hơn người khác"(2).

Khoan dung là một ứng xử tích cực không ban ơn, hoặc hạ mình mà xuất phát từ sự thấu hiểu cuộc sống và tình yêu con người. Tiến sĩ Ngô Ðức Thịnh cũng cho rằng "Một nét bản sắc của văn hóa và của con người Việt Nam, đó là tính cởi mở, khả năng tiếp nhận và dễ hòa nhập để từ đó bản địa hóa nhân tố ngoại lai "(3).

Phó giáo sư Trần Ðình Hượu cũng có một ý tưởng tương tự "Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa ". Tinh thần bao dung vẫn là tư tưởng lớn xuất phát từ sự thấu hiểu và tình yêu con người luôn muốn tìm đến mẫu số chung của những con người vốn khác nhau của những cảnh ngộ tưởng như xa lạ, để tìm đến một mục đích, một lẽ sống chung có tình nhân văn.

Con người Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp luôn được các nhà văn qua nhiều thế hệ tìm cách miêu tả thể hiện. Nhà thơ Nguyễn Ðình Thi đã phát hiện một trong những đặc điểm có tính chất tương phản giữa tính cách anh hùng và sự hiền lành chất phác của người Việt Nam. Không có sự đối lập mà như sự tồn tại tự nhiên qua cuộc sống hằng ngày trong nhiều chặng đường lịch sử.

Ðất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Ðạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước nhiều nhà thơ trong nước và nước ngoài đã liên hệ và so sánh phẩm chất dân tộc Việt Nam trong những thời điểm rực rỡ nhất. Việt Nam cây thông vững vàng trong bão táp (Sóng Hồng), là dòng sông trong xanh vượt lên mọi thác ghềnh (Nguyễn Ðình Thi), là ngọn lửa trong đêm (Nguyên Hồng), là bông hoa sen thơm ngát (Blaga Dimitrova), là hạt giống của mùa sau, là điểm tựa của lịch sử (Tố Hữu). Những hình ảnh trên tuy chưa đủ nhưng gợi tả nhiều về phẩm chất đẹp của dân tộc.

---------------

(1) Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận. NXB Giáo dục, 2001, tr.61
(2) Văn hóa nghệ thuật, tháng 10-1995
(3) Văn hóa Việt Nam. Sđd, các trang 171, 53

GS HÀ MINH ÐỨC