Sự khác nhau về bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền tư sản

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - những giá trị, đặc trưng phổ biến và tính đặc thù

16/03/2022

GS.TSKH ĐÀO TRÍ ÚC

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Tóm tắt: Trong phạm vibài viết này, tác giả phân tích quan niệm về giá trị, đặc trưng phổ biến và tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền trong mối liên hệ với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp quyềnxã hội chủ nghĩa Việt Nam, giá trị phổ biến, tính đặc thù.

Abstract: Within the scope of this article, the author provides an analysis of the concept of value, common characteristics and specificity of the rule of law in relation to the Socialist Rule of Law in Vietnam.

Keywords: The rule of law; the Socialist Rule of Law of Vietnam; common values; specificity.

Sự khác nhau về bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền tư sản

Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Quan niệm về giá trị phổ biến và tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền vừa là một tổ hợp các tư tưởng, các lý tưởng và giá trị, vừa là một tổ hợp các yêu cầu và hay còn gọi là các đặc trưng, các nguyên tắc đối với việc tổ chức quyền lực trên cơ sở pháp luật. Các tư tưởng và giá trị phố biến, các đặc trưng phổ biến đó sở dĩ được coi là phổ biến bởi chúng là những giá trị chung được hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử, được kiểm chứng bởi lịch sử các dân tộc và thời đại. Những giá trị và đặc trưng phổ biến này đánh dấu sự phát triển không ngừng của tư duy và nhận thức, lý tưởng vươn tới một cách quản trị xã hội tốt đẹp mà hạt nhân là mô hình xử lý mối liên hệ giữa Nhà nước, pháp luật và con người.

Năm 2004, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã từng nêu rõ những nội hàm chính của Nhà nước pháp quyền như sau:

“Nhà nước pháp quyền là quan điểm cốt lõi trong sứ mệnh của Liên hợp quốc. Đó là quan điểm về một cách tổ chức quản trị, theo đó mọi người, mọi định chế, tổ chức - công cũng như tư, trong đó có Nhà nước - phải phục tùng pháp luật. Đến lượt nó, pháp luật cần được công bố công khai, được thực thi một cách bình đẳng đối với mọi người, được áp dụng bởi Toà án độc lập, pháp luật đó phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các quy chuẩn quyền con người. Nhà nước pháp quyền cũng đồng thời đòi hỏi bảo đảm thực thi các nguyên tắc ưu tiên về quyền, bình đẳng và trách nhiệm trước pháp luật, các nguyên tắc về phân quyền, về sự tham gia của người dân và sự minh bạch trong hoạch định chính sách và trong các thủ tục pháp lý”[1].

Sự phổ biến của Nhà nước pháp quyền thể hiện rõ nhất trong Hiến pháp ở các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Oceana’s Constitutions of the Countries of the World Online, trong số 125 Hiến pháp của các nước thì 95 Hiến pháp sử dụng khái niệm Nhà nước pháp quyền[2].

Trong từng mô hình Nhà nước pháp quyền đều có các yếu tố cơ bản của chế độ Nhà nước pháp quyền và những yếu tố đặc thù. Nhiều nhà nghiên cứu cũng thống nhất cho rằng, khi thiết kế mô hình và bắt tay vào xây dựng chế độ pháp quyền, các quốc gia đều muốn áp dụng các điểm chung được coi là nhất thiết phải có đó sao cho phù hợp với các giá trị ở nước mình, xét đến lịch sử, văn hoá và bối cảnh chính trị cụ thể của từng nước[3]. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những “biến thể” đó chỉ có thể liên quan đến những yếu tố (hay còn gọi là những đặc trưng) không cơ bản. Như vậy, yếu tố cơ bản của một Nhà nước pháp quyền là yếu tố bất biến và có ý nghĩa phổ biến! Sẽ không có và không thể xác lập và khẳng định được chế độ pháp quyền nếu ở một quốc gia, các yếu tố phổ biến và yếu tố đặc thù loại trừ, vô hiệu lẫn nhau, đối nghịch với nhau với tính cách là những giá trị xã hội.

Như vậy, khi nói đến tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền cần tìm hiểu các tư tưởng, giá trị phổ biến (hoặc phổ quát) và các đặc trưng (hoặc nguyên tắc) phổ biến.

2. Nhà nước pháp quyền với tính cách là những tư tưởng và giá trị phổ biến

Nhà nước pháp quyền được hình thành trước hết với tính cách là một triết lý, một lý thuyết về việc xác lập đúng đắn mối quan hệ giữa quyền lực (nhà nước) với con người, với xã hội thông qua sự đánh giá vai trò và tính chất của pháp luật. Có thể tóm lược nội hàm của triết lý đó như sau:

2.1. Tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan với quyền lực của Nhà nước (Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật)

Trong lịch sử loài người từ phương Đông cho đến phương Tây pháp luật đã luôn luôn tồn tại cùng với Nhà nước. Tư tưởng coi trọng pháp luật đã từng tồn tại, thắng thế tại Trung Hoa cổ đại thời Xuân Thu và thời Chiến quốc (Thế kỷ thứ VI – thế kỷ thứ III TCN), trở thành tư tưởng chủ đạo của nhà Tần dưới thời Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN). Ở Châu Âu, Luật La mã đã ra đời và phát triển trong một môi trường văn hóa của các Đế chế La Mã (năm 27 TCN – năm 286) và Đế chế Byzantine (395-1453) với những chế định pháp luật và hệ thống tố tụng phát triển. Đến thời cận đại, nước Pháp rồi đến nước Đức đã cho nhân loại những sản phẩm văn hóa pháp luật tuyệt vời thời Hoàng đế Napoleon (1769-1821) với các đạo luật nổi tiếng như các Bộ luật nội dung và tố tụng những năm 1804 – 1811 và Bộ luật Dân sự Đức năm 1896 – những đạo luật có tầm ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển về sau này đến nền pháp luật và văn hóa pháp lý của châu Âu và thế giới. Ở Việt Nam, luật thành văn đã ra đời từ rất sớm trong thời kỳ Trung đại như bộ Hình thư năm 1042 thời vua Lý Thái Tông (1000 – 1054), bộ Quốc triều thông chế thời Vua Trần Thái Tông (1225 – 1258), đặc biệt là Quốc triều hình luật, còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức được ban hành năm 1483 dưới triều Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497), một Bộ luật thể hiện thành quả lập pháp vĩ đại của nhiều triều vua Hậu Lê trên cơ sở tư tưởng chính trị - đạo đức Nho giáo, tư tưởng chính trị - pháp lý - đạo đức nhân nghĩa của dân tộc Việt, văn hóa truyền thống dân tộc với nhiều nội dung tiến bộ với kỹ thuật lập pháp khá phát triển[4]. Đến thời kỳ thuộc địa Pháp, trong những năm 20-30 của thế kỷ XX ở Việt Nam cũng đã có các đạo luật như bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ năm 1883, Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ năm 1931, Bộ luật Dân sự Trung kỳ năm 1936 ở những mức độ nhất định đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các quan hệ pháp lý với tiệm cận với các giá trị pháp lý phương Tây đương thời.

Mặc dù vậy, Luật La Mã, các đạo luật thời Trung đại – cận đại này ở châu Âu và ở Việt Nam chưa hề đặt ra những hạn chế pháp lý đối với giai cấp cầm quyền – các vương triều phong kiến, mặc dù có thể thấy, ở đó có những đảm bảo cho sự bình đẳng trước pháp luật, có những quy định bảo vệ quyền sở hữu tài sản cá nhân vốn đã từng được thừa nhận từ thời Luật La Mã! Đặt Nhà nước dưới pháp luật, Nhà nước phải chịu sự giới hạn và ràng buộc bởi pháp luật là yếu tố cốt lõi của một tư tưởng mới – tư tưởng pháp quyền.

Cùng với việc khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân kể từ năm 2001, sau lần sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ở Việt Nam đã có bước chuyển rõ ràng về bản chất của nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Điều đó có thể thấy rõ nhất trong các quy định của Hiến pháp trước đây về nguyên tắc pháp chế XHCN (Điều 12 Hiến pháp năm 1992) đối với bước chuyển sang nguyên tắc pháp quyền thể hiện ở nội dung Điều 4 Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Điều 14 về các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Tính thượng tôn pháp luật và sự ràng buộc của nó đối với Nhà nước, các cơ quan của Nhà nước còn được thể hiện một cách nhất quán thông qua nhiều nguyên tắc mới của pháp luật như nguyên tức suy đoán vô tội; theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật (Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Giải mã giá trị của yếu tố thủ tục chặt chẽ đối với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, càng ngày pháp luật tố tụng của nước ta càng được hoàn thiện. Chẳng hạn, đó là các quy định về yêu cầu bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 (Điều 7 và các điều 86, 245, 267, 280, v.v…). Chẳng hạn, Điều 7 của Bộ luật TTHS năm 2015 yêu cầu: “không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Khẳng định tính phải chịu ràng buộc của pháp luật đối với cơ quan công quyền cũng chính là cơ sở cho việc ban hành và thực hiện trên thực tế Luật Tố tụng hành chính và Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không ai được đứng trên pháp luật là quan điểm chủ đạo của toàn bộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

2.2. Tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước

Trái với quan niệm phong kiến coi nguồn gốc của quyền lực nhà nước là chúa Trời hoặc thần thánh hóa quyền cai trị của các thiên tử “thay Trời hành đạo”, các nhà tư tưởng của cách mạng tư sản, dựa trên thực tế các sự kiện cách mạng chống phong kiến diễn ra trong lúc đương thời, các cuộc nổi dậy của nhân dân dẫn đến sự ra đời của các chính phủ, đã đi đến quan điểm cho rằng, Nhà nước và quyền lực của nó có được là dựa trên sự ưng thuận và sự đồng thuận của nhân dân. Người đầu tiên đưa ra ý kiến này là John Locke – nhà tư tưởng người Anh (1632-1704). Trong trước tác nổi tiếng “Khảo luận thứ hai về Chính phủ” (Second Tract of Government) ông đã khẳng định: “Nhà nước được hình thành dựa trên sự đồng thuận của người dân. Những hoạt động do Nhà nước tiến hành nhưng không có sự đồng ý của dân chúng sẽ bị coi là bất hợp pháp, là hành vi không có thẩm quyền”[5]. Tư tưởng khởi đầu này về sau đã được phát triển bởi các tư tưởng gia nổi tiếng là J.J. Rouseau và Ch. Montesquieu. Montesquieu đã gắn Hiến pháp vào tư tưởng chủ quyền; theo đó, Hiến pháp là sự thể hiện ý chí gốc rễ của nhân dân – những người chịu sự quản lý của Nhà nước.

Ở Việt Nam, Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định tư tưởng đó một cách rõ ràng nhất: “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu), “Tất cả quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (Điều thứ 1). Một số học giả cho rằng, bằng việc đó, bản Hiến pháp này đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng chủ quyền nhân dân của J.J. Rouseau[6]. Có thể ghi nhận sự đúng đắn của ý kiến ấy, bởi tư tưởng chủ quyền nhân dân của Rouseau đã từng là ngọn cờ và là cảm hứng của cách mạng Pháp năm 1789 – 1799 và do đó, không thể không được các nhà sáng lập chế độ mới ở Việt Nam tiếp nhận nó như một giá trị phổ quát, khẳng định tính chính danh của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và chủ quyền thực tế của nhân dân Việt Nam, thể hiện kịp thời khát vọng chân chính của con người, điều mà tư tưởng của J.J. Rouseau đã thể hiện. Tư tưởng về chính quyền thuộc về nhân dân là tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và của tổ chức hoạt động của cả hệ thống chính trị và Nhà nước. Điều đó được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tư tưởng đó đã chỉ đạo nội dung chủ trương, đường lối của quá trình hoàn thiện dân chủ XHCN với các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ và quyền tự quản của nhân dân ở cơ sở.

2.3. Tư tưởng đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người

Yếu tố có tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền chính là yếu tố coi công bằng, công lý, quyền con người là hạt nhân có tính quyết định của pháp luật và của toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Chúng ta thấy rằng, trong các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới (Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha v.v…), khái niệm pháp quyền tuy mới được đưa vào sử dụng không lâu (so với nội hàm tư tưởng của nó, như đã nêu ở trên), nhưng từ những nỗ lực tu từ bao gồm Nhà nước là chủ ngữ, pháp luật là tính ngữ, để chỉ Nhà nước phải mang trong mình nó tố chất pháp luật, tức là chịu sự ràng buộc của pháp luật. Điều này đã được phân tích ở trên. Tuy nhiên, ở đây, điểm cần chú ý hơn là yếu tố pháp luật: право trong tiếng Nga, droit trong tiếng Pháp, Recht trong tiếng Đức, derecho trong tiếng Tây Ban Nha đều có ý nghĩa là quyền mà không phải dùng để chỉ văn bản pháp luật và đều có nội hàm công bằng, hợp lý, gắn với quyền của con người. Trong các ngôn ngữ của châu Âu lục địa như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga về Nhà nước pháp quyền đều có một tổ hợp của hai thành tố - Nhà nước và pháp luật; trong đó, người ta chọn thuật ngữ pháp luật đồng nghĩa với quyền. Những tác giả đầu tiên của thuật ngữ Nhà nước pháp quyền đều là các nhà luật học người Đức là Carl Thedor Welcker (1790-1869) và Robert Von Moll (1799-1875). Trong tiếng Anh, thuật ngữ Rule of Law có hàm ý đề cao thủ tục chặt chẽ, tính có thể đoán định được của pháp luật và việc Nhà nước phải chịu ràng buộc của pháp luật. Rule of Law hướng tới mục đích bảo vệ hữu hiệu quyền con người, tránh sự tùy tiện. Xét về mặt ngữ nghĩa, khái niệm này không khác nghĩa với khái niệm Nhà nước pháp quyền được sử dụng trong các ngôn ngữ châu Âu lục địa, bởi đều dao động giữa hai giá trị nền tảng là pháp luật chặt chẽ và tính công bằng, công lý. Chính vì vậy, văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người – Tuyên ngôn về quyền con người năm 1948 của Liên hợp quốc đã dùng khái niệm Rule of Law như là lá chắn bảo vệ quyền con người.

Chính là với cách hiểu đó, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi đi vào Việt Nam các thuật ngữ nêu trên đã có phiên bản chuẩn xác của chúng là “pháp quyền”. Đây cũng là chỉ dấu về sự nhận thức về giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền – một chế độ, một cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước của nước ta. Sự ràng buộc của pháp luật đối với Nhà nước chính là sự ràng buộc dựa trên tính công bằng và công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà không phải và không thể là sự ràng buộc của bất kỳ thứ pháp luật nào, theo cách nghĩ: luật là luật! Ý nghĩa của các giá trị pháp quyền về công bằng, công lý và quyền con người được khẳng định nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, “vấn đề của tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”. Nếu như tự do, bình đẳng và công lý luôn luôn được các tư tưởng gia của mọi thời đại đặt vào vị trí đầu tiên của các giá trị đạo đức[7] thì Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam năm 1945 nhất thiết phải được coi là một văn kiện thấm đẫm các giá trị đạo đức và văn minh của thời đại.

Đi sâu vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền VN XHCN, tư tưởng pháp quyền phổ biến về công bằng và công lý đã thực sự có chỗ đứng trong quan điểm đổi mới và hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp. Với Nghị quyết số 49 năm 2005 Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các giá trị pháp quyền phổ biến đã trở thành các tư tưởng chỉ đạo không chỉ đối với công cuộc cải cách tư pháp và pháp luật mà cho toàn bộ quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta. Nghị quyết số 49 đã 5 lần đề cập tới hai khái niệm công lý, quyền con người:

- “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”.

- “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý”.

- “Hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”.

- “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý”.

- “Bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN”.

Tư tưởng gắn công lý với các hoạt động tư pháp và lĩnh vực tư pháp là một tư tưởng đúng đắn và vượt trội của Nghị quyết số 49 về chiến lược cải cách tư pháp. Tư tưởng đó về sau đã được hiến định và cũng là lần hiến định đầu tiên ở nước ta bởi Hiến pháp năm 2013 khi Hiến pháp xác định nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” là của Tòa án nhân dân (Điều 102). Việc hiến định giá trị công lý và quyền con người đã tạo nên một định hướng quan trọng trong chính sách pháp luật và trong toàn bộ hệ thống pháp lý nước ta: đó là định hướng tạo những điều kiện tối đa cho quyền tiếp cận công lý của người dân, trong việc bảo vệ các quyền con người. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015, Bộ luật TTHS năm 2015, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 cũng đã có những quy định tương ứng và phù hợp.

Ý nghĩa của tư tưởng về công bằng, công lý, quyền con người đã tạo cảm hứng cho nhận thức mới về pháp luật. Từ nay, pháp luật cần được hiểu theo nghĩa rộng và cách hiểu rộng ấy sẽ làm cho pháp luật có được nội dung phù hợp, sinh động, gắn với thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng, không bị xơ cứng, thiếu khả năng điều chỉnh. Các đạo luật từ đó sẽ bớt đi tính tư biện, tính lý thuyết bởi pháp luật cần được hình thành từ các hoàn cảnh khác nhau của đời sống xã hội và có đầy đủ khả năng điều chỉnh đầy đủ và kịp thời hơn các quan hệ xã hội phát sinh, bảo đảm và bảo vệ một cách kịp thời, đầy đủ và công bằng các quyền con người, quyền công dân. Xuất phát từ quan điểm đó, chính Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là văn kiện chính trị lần đầu tiên đặt ra nhiệm vụ của Tòa án tối cao “tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ”. Từ định hướng này, lần đầu tiên ở nước ta, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 đã xác định, Tòa án áp dụng tập quán, án lệ, lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự và cũng lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý Việt Nam. BLDS năm 2015 (Khoản 2 Điều 14) và Bộ Luật TTDS năm 2015 (Khoản 2 Điều 4) đã đưa ra quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Có thể khẳng định rằng, sự thừa nhận và chủ trương phát triển, áp dụng những nguồn pháp luật mới này là điểm sáng của tư tưởng pháp lý Việt Nam hiện đại, kết quả của tư duy đổi mới vì con người mà điểm xuất phát là Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp.

Mục tiêu bảo vệ công lý của hoạt động tư pháp chỉ có thể đạt được thông qua một nền tư pháp công bằng mà cốt lõi là tố tụng công bằng. Tư tưởng công bằng, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tiếp cận công lý cũng chính tư tưởng nền móng cho quan điểm quan trọng trong việc đề cao các thủ tục tố tụng tư pháp, cũng là một điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết 49. Chính từ đây, các thủ tục TTDS, kinh tế, hình sự đã được hoàn thiện trên những nguyên tắc hiện đại, đặc biệt là TTHC đã ra đời kể từ năm 2010.

Như vậy, các giá trị và tư tưởng pháp quyền phổ biến như tư tưởng thượng tôn pháp luật trong sự ràng buộc của nó đối với Nhà nước, tư tưởng về dân chủ, chủ quyền của nhân dân, tư tưởng về công bằng, công lý, quyền con người với tính chất là những giá trị xã hội, nền tảng và đều hướng tới nhu cầu xây dựng và bảo vệ các giá trị tốt đẹp về tinh thần và đạo đức, hướng xã hội và Nhà nước tới suy nghĩ và hành động hợp pháp, tôn trọng phẩm giá con người. Trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong nhiều văn kiện quốc tế thì ba nhóm giá trị lớn là Dân chủ, Pháp quyền và Quyền con người đã được xác định là những giá trị có mối liên hệ khăng khít với nhau, không thể chia tách và được coi là những giá trị cốt lõi mang tính toàn cầu. Đồng thời, Liên hợp quốc cũng đã coi đó là những mục tiêu hành động của mình[8]. Nhắc lại lời trích dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hai nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (năm 1776) và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (năm 1789) của Pháp trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Việc trích dẫn ấy mang thông điệp của dân tộc Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới cùng những giá trị phổ quát của nhân loại trên tiến trình tiến hóa về mặt chính trị”[9]. Tư tưởng về dân chủ, sự ràng buộc của quyền lực nhà nước bởi Hiến pháp và pháp luật để qua đó kiểm soát quyền lực, sự bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền, tôn trọng và bảo đảm quyền con người “là những định hướng và tiền đề tư tưởng của chủ nghĩa lập hiến mang tính phổ biến mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thu, được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử Việt Nam. Nội hàm của tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, chủ quyền của Nhân dân và về Hiến pháp hoàn toàn nằm trong dòng chảy tư tưởng tiến bộ và nhân đạo của thời đại”[10].

3. Nhà nước pháp quyền với tính cách là những đặc trưng (nguyên tắc) phổ biến

Các đặc trưng phổ biến, hay là những nguyên tắc phổ biến của Nhà nước pháp quyền được hiểu là những đòi hỏi, những điều kiện cần và đủ nhằm tạo ra khả năng biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của Nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của Nhà nước và xã hội. Nói “cần và đủ”, bởi các yêu cầu, nguyên tắc, đặc trưng đó phải hình thành và vận hành đầy đủ, đồng bộ và đương nhiên, nếu thiếu đi một trong số đó sẽ chưa có Nhà nước pháp quyền đầy đủ. Cũng có thể hình dung một cách tương tự như khi chúng ta nói về kinh tế thị trường. Ở đó cũng có các giá trị chung, phổ biến là kinh tế tự do – tự do trao đổi nguồn nhân lực giữa người bán và người mua trên cơ sở quy luật cung và cầu; ở đó có các yêu cầu, điều kiện cần và đủ là: tài sản thuộc sở hữu tư, tự do kinh doanh; cạnh tranh; tự do thỏa thuận giá cả trên cơ sở cung và cầu; vai trò có mức độ của Nhà nước trong điều tiết nền kinh tế. Trong các nghiên cứu, việc phân loại các đặc trưng phổ biến này rất đa dạng; tùy thuộc vào cách tổng hợp hay chia tách các yếu tố thuộc nội hàm của các đặc trưng đó. Tuy nhiên, có thể thấy sự thống nhất cao đối với các đặc trưng sau đây:

3.1. Hiến pháp và thượng tôn Hiến pháp

Sự hiện diện của Hiến pháp được coi là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền, bởi vì Hiến pháp được coi là “sự đồng thuận của tất cả các thành viên xã hội thể hiện ý chí của nhân dân, là cơ sở bảo đảm tính hợp pháp và sự chính đáng của Nhà nước.”[11] Các học thuyết của các nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử từ J.Locke[12] đến J.J.Rousseau[13], C.Montesquieu[14] đều đã khẳng định rằng, Nhà nước là hiện thân và là sản phẩm của sự đồng thuận của nhân dân. Do đó, những hoạt động do Nhà nước tiến hành nếu không có sự ưng thuận của nhân dân sẽ bị coi là không hợp pháp.

Sản phẩm kiệt xuất của chủ nghĩa lập hiến Việt Nam hiện đại chính là Hiến pháp năm 1946. Sự ra đời của bản Hiến pháp đó đã thể hiện quyết tâm cao độ của Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ, đưa những tư tưởng tiến bộ của thời đại vào đời sống hiện thực Việt Nam, dù lúc đó đất nước còn lạc hậu, mang trên mình nó những di sản nặng nề của chủ nghĩa thực dân và đời sống vật chất thấp kém, nhằm ghi nhận ngay những thành quả của nhân quyền và dân quyền vừa mới giành được. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 3/9/1945, tức là ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các thành viên Chính phủ như sau: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Chủ tịch còn nói thêm: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”[15]. Có thể thấy rõ là, bằng việc quan tâm nỗ lực xây dựng và ban hành Hiến pháp, tổ chức Tổng tuyển cử, tư tưởng lập hiến Việt Nam ở thời kỳ này đã kết nối dân chủ, quyền con người và Hiến pháp. Ở đó, dân chủ là gốc, Hiến pháp là tiền đề, việc bảo đảm quyền con người là nền tảng, mang tính xung lực và là mục tiêu của nền dân chủ đó. Sơ đồ nền chính trị đầu tiên và xuất phát điểm của Việt Nam là nền chính trị dựa trên Hiến pháp. Sơ đồ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát như sau: “Chế độ do Hiến pháp năm 1946 xác nhận đã bảo đảm độc lập dân tộc và một nền dân chủ rộng rãi của nhân dân. Quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia công việc nhà nước được bảo đảm; quyền tự do dân chủ được thực hiện – đó là một chế độ dân chủ mới”[16].

3.2. Tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật

Yêu cầu về tính minh bạch có hai nội dung:

Thứ nhất, pháp luật phải dễ hiểu và được công bố rộng rãi để mọi người được cảnh báo trước về những hành động có thể phải chịu chế tài của Nhà nước, hoặc có thể thực hiện các quyền của mình theo các cách thức thích hợp và để cho người khác có thể tôn trọng các quyền của họ sau khi tìm hiểu những quy định có liên quan.

Yêu cầu về tính minh bạch đòi hỏi trong mọi hoạt động của mình Nhà nước phải tuân thủ pháp luật mà trước đó đã được thông qua và công bố. Những quy định pháp luật phải cho phép dự báo về cách thức mà Nhà nước sẽ sử dụng để thực thi quyền cưỡng chế của mình trong những hoàn cảnh nhất định. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã định nghĩa Nhà nước pháp quyền là “một tập hợp những quy định mà mọi người đều có thể lường trước được”[17].

Những ưu điểm của yêu cầu về minh bạch bao gồm: tính có thể tiên liệu trước, độ tin cậy và cảm giác chung rằng việc áp dụng pháp luật đối với hành vi của một người sẽ không bị coi là độc đoán hay thất thường. Nếu anh biết, hiểu và tuân thủ pháp luật thì anh sẽ không có lý do gì để lo ngại rằng, Nhà nước hoặc những người khác sẽ tìm cách can thiệp hay hạn chế hành vi của anh. Nếu anh biết nhưng cố ý không tuân thủ pháp luật thì vẫn được cảnh báo trước rằng nếu bị phát hiện, anh sẽ chịu những hậu quả nhất định.

Nội dung thứ hai của yêu cầu minh bạch liên quan đến vấn đề thủ tục. Quy trình làm luật cũng phải được công bố công khai. Nếu luật pháp được công bố chỉ để các quan chức nhà nước tuân thủ thì rất có thể sẽ đi đến chỗ coi nhẹ tính hợp lý của và sự cần thiết ban hành văn bản. Ngay cả khi đã rõ về sự cần thiết ban hành một đạo luật, nếu không công khai hoá và dân chủ hóa quy trình ban hành luật và không tạo điều kiện để những người có thể bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng luật tham gia ý kiến về dự luật thì sự ủng hộ của dân chúng dành cho văn bản luật đó cũng sẽ bị giảm sút. Mặc dù, việc cưỡng chế là đủ để buộc người khác phải tuân thủ với những đạo luật mang tính mệnh lệnh đó, nhưng sự đồng thuận từ phía những người dân đã không thể đạt được theo cách này. Nói cách khác, đó chỉ đơn thuần là sự phục tùng chứ không phải là sự đồng thuận.

3.3. Pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời

Tiếp cận pháp luật là một trong những nguyên tắc khó đáp ứng nhất trên con đường xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Tiếp cận pháp luật đòi hỏi rằng pháp luật được ban hành phải “có thể hiểu được”. Rõ ràng là, một số luật đã không đáp ứng yêu cầu này, song đây là một tiêu chuẩn mà các cơ quan lập pháp và hành pháp có thể làm được. Điều quan trọng là tiếp cận pháp luật cũng có nghĩa là cơ hội thực sự để tham gia vào quá trình làm luật của mọi người cho dù đó là quyền kinh tế hay quyền nhân thân.

Khó khăn gặp phải trong việc tiếp cận pháp luật chính là ở chỗ nguyên tắc này đòi hỏi phải bảo đảm để các cá nhân có được những nguồn lực tài chính để có thể qua được những thủ tục pháp lý phức tạp.

Cần có những nguồn lực để đảm bảo việc tiếp cận pháp luật; bởi vì, việc tiếp cận hệ thống pháp luật thường đòi hỏi thời gian và được đào tạo về pháp luật ở trình độ nhất định cũng như hiểu biết sâu sắc về pháp luật. Không phải ai cũng có được những khả năng này và cũng như có khả năng về tài chính để thuê một luật sư hay người đại diện trước pháp luật để thực hiện chức năng này. Do đó, trách nhiệm thuộc về chính quyền và các tổ chức như luật sư, tư vấn pháp luật trong việc cung cấp những kiến thức chuyên môn, thời gian và trí tuệ để giúp cho mọi người dân có quyền kỳ vọng vào khả năng tiếp cận công lý, cụ thể là các văn bản pháp luật và những hoạt động pháp lý cụ thể.

3.4. Phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực nhà nước

Sự thống nhất của quyền lực nhà nước thể hiện trước hết ở chỗ, trong một quốc gia không thể có hai thứ quyền lực nhà nước trở lên khác nhau về bản chất, định hướng, mục tiêu và những công cụ, phương tiện thực thi quyền lực. Điều này không loại trừ cả ở những quốc gia được tổ chức dưới hỡnh thức Nhà nước liên bang vì ở đó, quyền lực nhà nước ở các bang đồng kiểu với quyền lực của liên bang, phục tùng Nhà nước liên bang và tạo thành một thực thể quyền lực.

Sự khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là quan điểm thống nhất và nhất quán được biểu hiện thông qua các Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện đại. Có thể xác định những đặc trưng sau đây về tính thống nhất của quyền lực nhà nước.

a) Đó là sự thống nhất về bản chất xã hội. Quyền lực nhà nước là sự thể hiện sự thống nhất ý chí và lợi ích của các giai tầng xã hội và được biểu thị dưới các khái niệm, ý tưởng về “quyền lực của nhân dân”, “quyền lực của nhân dân lao động”, “quyền lực của các lực lượng yêu nước” và thực chất là sự hỗn hợp lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội vì những mục tiêu cơ bản nhất, chủ đạo nhất.

b) Đó là sự thống nhất các mục tiêu và khuynh hướng có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước, của các cơ quan quyền lực nhà nước, xuất phát từ nhu cầu phối hợp trong thực thi quyền lực.

c) Đó là sự thống nhất về mặt tổ chức và pháp lý. Các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước đều được tổ chức trên một nền tảng pháp lý thống nhất: một Hiến pháp, một hệ thống pháp luật, được đặt trong một quỹ đạo chung là lợi ích quốc gia và dân tộc.

Sự thống nhất của quyền lực nhà nước được bảo đảm bằng một Hiến pháp và một hệ thống pháp luật: tất cả các cơ quan, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp đều được tổ chức và thực hiện các hoạt động trên một cơ sở pháp lý chung của quốc gia.

Thống nhất quyền lực với tính cách là sự thống nhất các mục tiêu và định hướng có tinh nguyên tắc trong hoạt động của các cơ quan nhà nước có thể có giá trị cao nhằm mục đích tập trung cao độ các nỗ lực của bộ máy nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của một đất nước. Kinh nghiệm khắc phục khủng hoảng kinh tế của các chính phủ vừa qua, cũng như trong các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây, là bằng chứng về điều đó. Bên cạnh đó, sự thống nhất quyền lực ở nghĩa tập trung toàn bộ quyền lực vào một cơ quan lại không phải là một thực tiễn tốt, vì đó là mầm mống của một thứ quyền lực thiếu kiểm soát.

Đó là lý do cho việc ra đời học thuyết về phần quyền trong cơ chế quyền lực nhà nước. Mục đích cơ bản nhất của việc phân quyền là để phòng ngừa sự lạm quyền, bởi một nhóm hay những cá nhân và duy trì tính toàn vẹn của quyền lực.

Như vậy, cả lý thuyết và cả trong thực tiễn, sự thống nhất của quyền lực về mặt bản chất, về mặt xã hội và tổ chức-pháp lý không loại trừ mà ngược lại, đòi hỏi có sự phân quyền. Trong trường hợp này, cơ chế phân quyền được hiểu như là khía cạnh tổ chức - pháp lý của quyền lực nhà nước mà không mang tính bản chất. Tính thống nhất và sự phân chia quyền lực là hai phương diện của cùng một vấn đề. Chính vì vậy, ngay trong Hiến pháp Hoa Kỳ, một quốc gia được coi là đạt tới sự phân quyền đầy đủ nhất, cũng đã ghi nhận và khẳng định cả hai phương diện đó. Hiến pháp năm 1946 đã phác hoạ một cơ chế độc đáo trong mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực, bảo đảm tính độc lập và sự chủ động của mỗi thiết chế quyền lực. Có thể thấy điều đó qua việc Hiến pháp đã xác định Thủ tướng – người đứng đầu Nội các “phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các”, đồng thời Nghị viện có quyền biểu quyết về tín nhiệm Nội các, nhưng Nghị viện chỉ có thể làm điều đó khi Thủ tướng hoặc ¼ tổng số nghị viên nêu vấn đề ấy. Trường hợp Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các, Chủ tịch nước có quyền đưa vấn đề ra Nghị viện thảo luận lại và chỉ sau hai lần thảo luận ấy nếu Nghị viện vẫn giữ nguyên quyết định thì Nội các mất tín nhiệm phải từ chức. Việc bắt và truy tố nhân viên Nội các về tội thường phải có sự ưng chuẩn của Hội đồng Chính phủ. Tính độc lập và chủ động của Chính phủ theo Hiến pháp năm 1946 cũng thể hiện ở quyền của Chính phủ đề nghị các dự án luật ra trước Nghị viện cũng như quyền tổ chức thi hành các đạo luật mà không phải là chính phủ chỉ là “cơ quan chấp hành của Quốc hội như quy định ở các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và kể cả Hiến pháp năm 2013 hiện nay.

3.5. Sự độc lập của Tòa án

Trong cơ chế phân công và phối hợp quyền lực, vị trí của quyền tư pháp, cụ thể là Tòa án là một vị trí đặc biệt. Sự độc lập của Tòa án đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng của chế độ pháp quyền.

Triết lý của nguyên tắc phân quyền là không phải phân chia khu vực ảnh hưởng giữa các nhánh quyền lực như nhiều người vẫn quan niệm, mặc dù thực tiễn chính trị của các quốc gia luôn luôn diễn ra theo logic của các lợi ích giai cấp và mục đích chính trị của các lực lượng xã hội tương ứng, dưới vỏ bọc của sự phân quyền. Tuy nhiên, mọi thứ quyền lực đều có nhu cầu bảo đảm tính thống nhất theo những định hướng lợi ích chính trị của các giai cấp giữ vị trí nổi trội trong xã hội với lợi ích quốc gia, dân tộc, cho nên giữa các nhánh quyền lực thường có xu hướng liên kết với nhau, thỏa hiệp và phối hợp để chia sẻ quyền lực. Trong những trường hợp đó, thông thường, dễ có sự phối hợp hành động và sự kết hợp giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp mà không gây phương hại đến nền dân chủ hoặc các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Quyền tư pháp phải độc lập - điều kiện để thực hiện một chức năng hết sức quan trọng của quyền lực nhà nước là áp dụng pháp luật đúng đắn với mục đích khôi phục lại những quyền và lợi ích đã bị xâm hại, bảo đảm sự công bằng trong các tranh chấp pháp lý.

4. Về tính đặc thủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Như đã lập luận ở phần trên, yếu tố cơ bản của một Nhà nước pháp quyền là yếu tố bất biến và có ý nghĩa phổ biến! Sẽ không có và không thể xác lập và khẳng định được chế độ pháp quyền nếu ở một quốc gia, các yếu tố phổ biến và yếu tố đặc thù loại trừ, vô hiệu lẫn nhau, đối nghịch với nhau với tính cách là những giá trị xã hội.

Mối liên hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền là mối liên hệ giữa cái chung và cái riêng, cái đặc thù. Theo đó, cái chung bao giờ cũng tồn tại trong những cái riêng, và cái riêng, cái đặc thù thì luôn luôn cụ thể và đa dạng hơn nhiều so với cái chung - ở đây là những giá trị cốt lõi, những nguyên tắc và đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền.

Ngay từ đầu, Nhà nước pháp quyền đã cho chúng ta hai phiên bản gắn liền với đặc thù địa chính trị, văn hóa, tư tưởng. Nói đúng hơn, đó là hai kiểu quan niệm về Nhà nước pháp quyền của phương Tây và của phương Đông. Dưới ảnh hưởng của Luật La Mã, về sau này là ảnh hưởng của tư tưởng pháp luật thực chứng của Hans Kelsen (1881-1973) coi bất kỳ một nhà nước có pháp luật nào cũng đều là Nhà nước pháp quyền nếu pháp luật được quy định bởi Nhà nước và Nhà nước được đảm bảo tồn tại theo một trật tự pháp luật nhất định[18]. Quan điểm này không chú ý đến nội dung thực chất của pháp luật, phủ nhận mối quan hệ giữa pháp luật với văn hoá, với đạo đức[19]. Xa hơn Kelsen một chút và gần hơn với học thuyết pháp luật tự nhiên, quan niệm ở Hoa Kỳ về “thủ tục pháp lý chặt chẽ cũng đề cao Nhà nước pháp quyền theo hướng coi trọng thủ tục chặt chẽ, có thể lường trước được, mặc dù quan niệm Rule of Law của Hoa Kỳ là thiên về pháp luật tự nhiên, khi pháp luật được hiểu là sự công bằng, là giá trị quyền con người. Trong khi đó, quan niệm khác gắn Nhà nước không chỉ với pháp luật mà cả với văn hoá và đạo đức xã hội. Đó là mô hình Nhà nước pháp quyền khoan dung, mềm dẻo[20]. Mô hình Nhà nước pháp quyền khoan dung cũng thừa nhận các chuẩn mực pháp lý. Tuy nhiên, điều cốt lõi trong quan hệ giữa Nhà nước, pháp luật và đạo đức là ở chỗ các cơ cấu pháp lý là cơ sở để cá nhân hành động vừa theo pháp luật vừa theo cả các nguyên tắc đạo đức để rồi cuối cùng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Như vậy, pháp luật và đạo đức đều trở thành chuẩn giá trị cho hành vi nhưng trách nhiệm pháp lý vẫn là thước đo cuối cùng. Nền tảng đạo đức của chế độ pháp trị ở đây chính là các giá trị khoan dung và công bằng. Pháp luật không chỉ dựa trên sự phục tùng đơn thuần mà là một chế độ, một trật tự tự giác và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở tự do tham gia vào các quá trình và quan hệ xã hội.

Ở phương Tây và ở phương Đông, tư tưởng Nhà nước pháp quyền đều gắn với pháp luật, nhưng tư tưởng Nhà nước pháp quyền ở phương Đông chịu ảnh hưởng to lớn bởi tư tưởng pháp trị coi pháp luật thuần túy là công cụ trong tay Nhà nước, nên bước chuyển sang tư duy Nhà nước phải chịu sự ràng buộc của pháp luật là rất khó khăn và là thách thức thực sự trên con đường xây dựng chế độ pháp quyền ở đây. Thêm vào đó, những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khó khăn đã nuôi dưỡng quan niệm coi trọng lợi ích của cộng đồng to hơn lợi ích cá nhân con người nên ở đó có không nhiều những cơ chế pháp lý hữu hiệu và ổn định để bảo vệ quyền con người. Từ đó dẫn đến việc người có chức quyền thiếu ý thức tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của con người và ngay cả người dân cũng ít có ý thức về quyền. Như vậy nền chính trị ở mỗi nước khác nhau, truyền thống văn hóa và đặc điểm dân tộc khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử đã dẫn đến những sự khác nhau trong cách hiểu và cách thức tổ chức quyền lực nhà nước cũng như cách thức vận dụng các đặc trưng chung của Nhà nước pháp quyền vào thực tiễn. Trong số đó, việc đưa các giá trị đạo đức vào tiêu chí pháp luật nội dung và pháp luật thủ tục được coi là một xu hướng rất rõ nét của nhà nước pháp quyền hiện đại.

Thực tiễn thực thi pháp luật ở Việt Nam nhất là trong lĩnh vực công vụ và tư pháp, đã cho thấy rằng pháp luật cần song hành với các yếu tố giá trị khác trong xã hội như đạo đức, sự liêm chính, tài năng và sự tận tụy.

Rõ ràng, không thể có một pháp luật nào có thể tự nó đi vào cuộc sống và được thực thi. Cần có đạo đức và lương tâm của con người, mà trước hết là của người lãnh đạo, để thực thi pháp luật một cách đầy đủ và chính xác. Quan liêu, lòng tham, coi thường lợi ích của người khác, sự độc đoán, chuyên quyền, dối trá v.v… là những căn bệnh có thể dẫn đến việc áp dụng sai pháp luật, làm cho nó lệch lạc, méo mó, kể cả khi pháp luật đã đạt được các yêu cầu về công bằng và thích hợp. Nhà tư tưởng Đức Immanuel Kant (1724 – 1804) – người đưa tư tưởng pháp quyền lên thành tư tưởng triết học, cũng đã từng nhìn nhận rằng, nền tảng của mọi pháp luật phải là “cái pháp luật của đạo đức nằm bên trong con người”[21].

Bước vào giai đoạn mới, Đảng ta coi việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Ở đây có việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định và đồng thời có cả yêu cầu về tính thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức[22]./.


[1] The Rule of Law and Transitional Justice in Conflict and Post-conflict Societies UN Security Counsil S/2004/ 616, 23 August 2004, par III 6.

[2] http://www.oceanalaw.com/default.asp.

[3] Jeffrey D.Sachs (editor) and Pistor, Katharina, The Rule of Law and Economic Reform in Russia, The John M.Olin Critical Issues Series, Westview Press, 1987, 25; James V.Feinerman, The Rule of Law with Chinese Socialist Characteristics, Current History (September 1997): 278-281.

[4] Giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam – Nxb. Đại. học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2017, tr.147.

[5] Foreword and Study guide to John Locke’s Two Treaties on Government: A Translation into Modern English. ISR Publications, 2013, Page ii.

[6] Stein Tonnesson, Ho Chi Minh’s first Constitution (1946), paper to be presented to the International Conference on Vietnamese Studies and the Enhancement of International Cooperation, Ha noi, July 1998, p.5.

[7] Xem: Russell, Bertrand (1991), History of Western Philosophy, Routledge, PP. 120-124; J. Rawls, A Theory of Justice, 1971.

[8] Nghị quyết về sự ủng hộ của hệ thống Liên hợp quốc với những nỗ lực của các chính phủ trong việc thúc đẩy và củng cố các nền dân chủ mới và nền dân chủ vừa được khôi phục (Nghị quyết A/RES/62/7 ngày 13/12/2007: http://www..ipu..org/idd-e/a_62_296.pdf) và Nghị quyết về thúc đẩy và củng cố dân chủ (Nghị quyết A/RES/55/96 ngày 28/2/2001: http://www.demcoaltion.org/pdf) un_resolution promotindem.pdf của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).

[9] Dương Trung Quốc, Hiến pháp năm 1946 – 70 năm nhìn lại; trong cuốn: Hiến pháp năm 1946 – những giá trị lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 18.

[10] GS.TSKH. Đào Trí Úc, Dân chủ trong quy trình xây dựng Hiến pháp năm 1946 và một số đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng Hiến pháp, Hội thảo Khoa học “70 năm Hiến pháp Việt Nam”, Hà Nội, 5/11/2016, tr.6-7.

[11] Xem A.Tocqueville: Democracy in America; N.Y. 1845, P.107.

[12] J.Locke: Khái luận thứ hai về chính quyền, Nxb. Tri thức 2007.

[13] J.J.Rousseau: Bàn về khế ước xã hội; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

[14] C.Montesquieu: Bàn về tinh thần của pháp luật, NXB Lý luận chính trị, 2006.

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7.

[16] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 366.

[17] Ibrahim F.I. Shihata, “Vai trò của cơ quan tư pháp trong ngăn chặn và kiểm soát nạn tham nhũng” (bài trình bày tại Hội thảo của Ngân hàng Thế giới với chủ đề “Vấn đề tham nhũng: Ngăn chặn và kiểm soát bằng bộ máy tư pháp”, được tổ chức tại Roma ý, ngày 1/4/1998).

[18] Kelsen Hans, Pure Theory of Law, translated by Knight Barkeley, CA: University of California Press, 1960, p.348-355.

[19] Ronald Moore, Legal Norms and Legal Science: a Critical Study of Hans Kelsen’s Pure Theory of Law, Honolulu, 1978, p.215.

[20] George P.Fletcher, Basic Concept of legal Thought, Oxford University Press, 1996, p.13; Michael Freedman, Human Rights, Democracy and Asian Values, The Pacific Review, Vol.9, No.3, 1996, p.355.

[21] Kant Immanuel (1999) Critique of Pure Reason. The Cambridge edition of the Works of Immanuel Kant. Translated by Guyer Paul, Wood Allen W. Cambridge University Press.

[22] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,T. 1; Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 174, 183-184.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (450+451), tháng 02/2022.)