Quy chụp bạn thì sẽ xử lý như thế nào

Từ xa xưa con người đã luôn coi trọng danh dự, nhân phẩm của bản thân và luôn coi đó là thước đo để đánh giá một con người. Tuy nhiên trong cuộc sống không tránh khỏi những người vì muốn đạt được mục đích của mình đã sử dụng cách xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trong đó có hai biện pháp phổ biến đó là Vu khống- nói xấu người khác. Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, pháp luật các nước trên thế giới đều có những quy định cụ thể về vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, xin nêu ra các quy định của pháp luật Việt Nam về việc chế tài xử lý những hành vi vu khống- nói xấu người khác và thực tiễn xử lý.

Quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi vu khống

Tội vu khống

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”

Quy định về tội vu khống đã được Pháp luật Việt Nam quy định nhưng để phân biệt rõ như thế nào là hành vi vu khống cần xác định rõ yếu tố cấu thành tội phạm của tội vu khống, theo quan điểm của quyển Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015 thì tội Vu khống các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

Mặt khách quan của tội phạm

Về hành vi khách quan, người phạm tội vu khống có một trong các hành vi sau:

  • Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
  • Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa đặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó cho người khác.

Hậu quả: Trong trường hợp các hành vi nêu trên không có mục đích nhằm xúc phạm danh dự của người khác thì hậu quả gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này:

Khách thể của tội phạm

Hành vi nêu trên của người phạm tội vu khống xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội vu khống là chủ thể thường. Bất kỳ người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi theo quy định của pháp luật đều có thể trở thành chủ thể của tội vu khống. Chủ thể của tội vu khống là người từ 16 tuổi trở lên.

Qua những phân tích ở trên có thể nhận thấy hành vi vu khống người khác chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu có mục đích xúc phạm danh dự người khác hoặc hành vi vu khống đó gây hậu quả xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác và hành vi vu khống phải đáp ứng những yêu cầu trên để đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp hành vi vu khống chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Chẳng hạn như hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi nói xấu người khác

Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt, nói xấu có nghĩa là: nói sau lưng những điều không hay, không tốt của người khác, nhằm bôi nhọ, làm giảm uy tín người khác.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi nói xấu người khác làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các nhân người bị nói xấu được quy định tại Khoản 1, Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Trường hợp hành vi nói xấu chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo Khoản 5, Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015, người bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó và yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm xin lỗi công khai được thực hiên khi nạn nhân có yêu cầu trong trường hợp có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

Biện pháp xử lý thực tiễn theo quy định của pháp luật Việt Nam

Tội vu khống

Để hiểu rõ hơn hành vi vu khống đã bị xử lý như thế nào trong thực tế, thông qua phân tích một số bản án đã được Tòa án nhân dân Tối cao công bố liên quan đến loại tội phạm này, sau đây xin trích dẫn một bản án tiêu biểu như sau:

Tóm tắt bản án hình sự sơ thẩm số 66/2018/HSST ngày 25/10/2018 của Tòa án nhân dân Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An:

Chị Nguyễn Thị H (chị H) là giáo viên Trường THCS A có quen biết với anh Nguyễn Đình H (anh NĐH) là chồng Nguyễn Thị H (chị NTH). Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình nên chị H muốn xin chuyển công tác về gần nhà, chị biết anh NĐH có người quen làm bên lĩnh vực giáo dục nên đã nhờ anh NĐH giúp đỡ. Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 25/3/2018 chị H có gọi điện vào số máy của anh NĐH để hỏi thăm tình hình, anh NĐH để điện thoại ở nhà nên chị NTH (vợ của anh NĐH) đã cầm máy lên nghe. Thấy người nghe là phụ nữ nên chị H đã tắt máy. Chị NTH nghi ngờ chị H có mối quan hệ tình cảm với anh NĐH nên chị NTH lấy máy anh NĐH gọi lại nhưng chị H không nghe máy. Sau đó, NTH đã lấy điện thoại của mình gọi vào số của chị H và hỏi “Chị là ai mà gọi vào số máy chồng tôi?”, do sợ NTH hiểu nhầm về mối quan hệ giữa mình với anh NĐH nên chị H đã nói với NTH “Em là nhân viên thu tiền cước điện thoại, chị nói anh H nộp tiền cước điện thoại giúp em”. Do có nghi ngờ về chồng mình nên chị NTH đã tìm hiểu thông tin số điện thoại đã gọi điện đến có tên tài khoản facebook Nguyễn Phương H và biết đó là chị H đang công tác tại trường Trung THCS A. Đến khoảng 20 giờ ngày 08/4/2018 chị NTH đã dùng nick facebook có tên là Nguyễn Ngọc HM tải ảnh chị H chụp cùng gia đình, đồng nghiệp có trên tài khoản facebook Nguyễn Phương H đăng lên mạng facebook qua tài khoản có tên Nguyễn Ngọc HM với nội dung bình luận “bôi nhọ danh dự của chị H”. Sau đó, NTH tiếp tục đăng thông tin và hình ảnh trên lên trang facebook Anh SNC và khoanh tròn mặt của chị H để mọi người nhận biết. Tiếp đó, đến 22 giờ 37 phút cùng ngày, NTH liên tục đăng các hình ảnh nói trên kèm nội dung bình luận“nội dung bôi nhọ danh dự chị H”. Ngày 12/4/2018 thông qua chị gái của mình là Nguyễn Thị N, NTH đã gửi đơn tố cáo về hành vi ngoại tình của chị H với anh NĐH là chồng chị đến Phòng giáo dục huyện KS, NA. Quá trình điều tra, xác minh cho thấy chị H chỉ có mối quan hệ quen biết với anh NĐH, không có căn cứ để chứng minh giữa chị H và anh NĐH có mối quan hệ tình cảm trai gái như NTH tố cáo.

Ngày 22/4/2018 chị H gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Thanh Chương yêu cầu khởi tố hình sự đối với hành vi của chị NTH.

Tại phiên tòa, chị H đề nghị Tòa án xét xử bị cáo theo đúng pháp luật. Về trách nhiệm dân sự chị H yêu cầu bị cáo NTH bồi thường số tiền tổn thất tinh thần là 13.900.000đồng; tiền chi phí đi lại để làm việc với cơ quan điều tra là 10 chuyến xe x 100.000đồng/1 chuyến = 1.000.000đồng; Tiền thuê xe Tắc xi đến làm việc với cơ quan điều tra là 10 chuyến x 150.000.đồng/ 1 chuyến = 1.500.000đồng. Tổng cộng 16.400.000đồng.

Bản cáo trạng số 60/CT-VKS – HS ngày 19 tháng 9 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An truy tố NTH về tội “ Vu khống” theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo NT phạm tội “ Vu khống”. Áp dụng: Điểm e Khoản 2 Điều 156; Điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 106, Khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để xử phạt bị cáo NTH từ 12 đến 15 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng. Miễn hình phạt tiền cho bị cáo. Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Bị cáo NTH thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố và không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

Thông qua nội dung vụ án có thể thấy bị cáo NTH vì sự ghen tuông của bản thân, nên dựa trên những thông tin rất mơ hồ về bị hại H đã bịa đặt lên Facebook những thông tin làm ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của bị hại H. Hành vi của bị cáo NTH đã thảo mãn yếu tố cấu thành tội vu khống và bị cáo NTH thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, mục đích xúc phạm danh dự của người khác. Ngoài ra, Tòa án đã có nhiều bản án thực hiện hình phạt liên quan đến loại tội phạm này xoay quanh Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Bị hại có quyền tố cáo đến cơ quan điều tra và tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vu khống Tòa án sẽ tuyên một mức hình phạt phù hợp.

Nói xấu người khác

Trong thực tế người bị nói xấu có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tòa án Việt Nam cũng đã thụ lý và giải quyết nhiều vụ việc dựa trên quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015. Sau đây xin trích nội dung bản số Bản án số: 43/2017/DS-ST ngày 26/9/2017 về “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm” của Tòa án nhân dân Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận như sau:

Khoảng tháng 1/2007, bà H gửi đơn đến UBND xã Đ trình bày sự việc nghi ngờ bà K có quan hệ bất chính với chồng bà H. Liên tiếp sau đó UBND xã Đ nhận được đơn của chồng bà H yêu cầu giải quyết sự việc. Đến tháng 4/2007 UBND xã Đ nhận được đơn của bà K yêu cầu giải quyết việc bà H xúc phạm danh dự bà K. Ngày 10/4/2007 Ban hòa giải của UBND xã Đ do ông Hồ Thanh T – Chủ tịch UBND xã chủ trì đã tiến hành mời các thành phần có đơn yêu cầu để hòa giải. Qua nội dung trình bày của các bên, ban hòa giải đã phân tích và đi đến kết luận: Việc bà H nghi ngờ chồng có quan hệ bất chính với bà K là không có cơ sở; buộc người cung cấp thông tin có liên quan phải xin lỗi bà K và chồng bà H; yêu cầu bà H phải xin lỗi bà K và đề nghị vợ chồng bà H phải hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, bà H không thỏa mãn với kết quả hòa giải này nên tiếp tục làm đơn khiếu nại nhờ công đoàn giải quyết. Ngày 31/8/2008 Công đoàn UBND xã Đ phối hợp cùng đại diện công đoàn ngành giáo dục và công đoàn Trường Tiểu học Đ 1 nơi bà H công tác giải quyết đơn khiếu nại của bà H. Kết quả giải quyết thể hiện bà H đã thỏa mãn những điều trong đơn, không đề nghị cấp trên giải quyết nữa. Như vậy, sự việc mâu thuẫn giữa gia đình bà H và bà K đã được giải quyết dứt điểm vào năm 2008. Tuy nhiên, đến ngày 15/4/2017, tức là trước ngày bà K tổ chức đám cưới cho con một ngày; bà H đã đưa thông tin về những mâu thuẫn này lên trang facebook của bà H và sau đó đã không kiểm soát được mức độ lan truyền của thông tin. Khi phát hiện được sự việc, bà K bị ảnh hưởng tinh thần, phải xin nghĩ việc cơ quan một thời gian. Tuy bà H cho rằng thông tin bà H đăng lên trang facebook vào ngày 15/4/2017 không chỉ đích danh bà K nhưng quá trình bình luận đã nói về sự việc diễn ra giữa hai gia đình trước đây và có bình luận nói đến đích danh bà K. Mặt khác, cũng như bà H đã thừa nhận là việc đăng thông tin lên trang facebook là sai; sau khi đăng tải những thông tin này, đến ngày 25/4/2017 bà H có đăng tiếp một bài viết để đính chính và nội dung có đoạn “Mạng facebook trường tôi ai cũng có nên cái gì tôi đăng họ đều thấy không cần cô thông báo nữa”, điều này chứng tỏ mức độ lan truyền rộng rãi của những thông tin mà bà H đã đăng. Việc bà H đăng thông tin có liên quan đến bà K lên trang facebook của bà H vào ngày 25/4/2017, cùng với những nội dung bình luận trên thực tế mà không có sự đồng ý của bà K đã xâm phạm đến uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bà K; xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân được quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 và vi phạm những điều bị cấm thực hiện theo quy định tại điểm d, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 thì “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Do đó, bà K yêu cầu bà H phải xin lỗi công khai tại địa phương xã Đ nơi bà Anh đang sinh sống, làm việc và cải chính công khai những nội dung mà bà H đã đăng trên trang facebook của bà H là phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 34 và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 nên được chấp nhận.

Tòa án còn tuyên chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, theo đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị K. Buộc bà Phạm Thị Thái H phải có nghĩa vụ xin lỗi công khai bà K tại địa phương xã Đ nơi bà K đang sinh sống, làm việc và cải chính công khai những nội dung liên quan đến bà K mà bà H đã đăng trên trang facebook của bà H.

Trong trường hợp này bản án đã áp dụng Điều 34 và Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, đây là điều luật Tòa án Việt Nam thường áp dụng để phán quyết các tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng danh dự, nhân phẩm, uy tín và người có quyền lợi bị xâm phạm có thể áp dụng điều này để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình.

Nội dung hai bản án dân sự và hình sự vừa được dẫn chứng có thể nhận thấy hai hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên facebook nhưng tại sao, một hành vi lại bị khởi tố vụ án hình sự, một hành vi lại được giải quyết bằng dân sự. Việc phân biệt được hai hình thức này sẽ giúp cho những người bị vu khống, nói xấu có thể lựa chọn phương án yêu cầu cơ quan chức năng. Khi nghiên cứu vụ bản án dân sự số 43 sự việc giữa bà H và bà K đã có từ trước đó, dựa trên cơ sở chuyện đã thực sự xảy ra, bà H đưa thông tin đó lên facebook và không kiểm soát được sự lan truyền của thông tin đó. Do đó việc nói xấu này dựa trên cơ sở là sự thật nhưng khi đưa thông tin là nhằm xúc phạm uy tín danh dự của bà K do đó không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội Vu khống. Theo như đã phân tích ở trên, một trong những yếu tố cấu thành tội Vu khống là bịa đặt và loan truyền những thông tin không có thật để xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác.