Quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học

Theo các nhà lý luận - nghiên cứu, tiếp nhận văn học gắn liền với vai trò của người đọc. Lịch sử tác phẩm văn học sở dĩ có được, một mặt do giá trị của chính tác phẩm, mặt khác là do sự tiếp nhận một cách sáng tạo và năng động của công chúng.

Người đọc là yếu tố nội tại của quá trình sáng tác văn học. Tác phẩm văn học chỉ có được đời sống khi được người đọc tiếp nhận và chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của nó, nhờ đó người đọc được mở rộng vốn hiểu biết, kinh nghiệm về đời sống, tư tưởng, tình cảm, năng lực cảm thụ và tư duy. Chỉ khi được người đọc tiếp nhận, quá trình sáng tạo của nhà văn mới hoàn tất.

Theo lý thuyết tiếp nhận văn học thì trong đời sống văn học nói chung, có hai kiểu người đọc: Thứ nhất là người đọc bình thường, bao gồm tất cả công chúng thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần và địa vị xã hội, thị hiếu thẩm mỹ, khuynh hướng tư tưởng.

Thứ hai, là người đọc đặc biệt, có sự tiếp nhận khác biệt người đọc bình thường ở tính chất nghề nghiệp và trình độ chuyên sâu, họ bao gồm nhà văn và nhà phê bình.

Nhà văn vừa là người sáng tạo, vừa là người đọc thực tế, sự tiếp nhận của nhà văn thường gắn liền với nhu cầu tìm tòi những khía cạnh tư duy nghệ thuật mới, sự phân tích có tính chất nghề nghiệp, kỹ thuật, ở cấp độ cá nhân.

Còn nhà phê bình đại diện cho các nhu cầu xã hội, thẩm mỹ của người đọc để tiếp nhận tác phẩm; đó là ý thức về văn học trên cấp độ xã hội, xuất phát từ những lập trường xã hội nhất định, từ nhu cầu phát triển những trào lưu văn học nhất định.

 Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tiếp nhận văn học của nhà văn và nhà phê bình chỉ mang tính chất tương đối. Cái chính là hoạt động tiếp nhận của nhà văn và nhà phê bình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển năng lực tiếp nhận của người đọc nói chung.

Tính chuyên nghiệp của văn học không chỉ được nhận diện từ hoạt động của chủ thể sáng tạo, mà còn ở hoạt động quản lý, định hướng văn học của các nhà quản lý văn hóa - văn nghệ và hoạt động tiếp nhận của công chúng.

Ðánh giá một nền văn học có chuyên nghiệp hay không cũng cần lưu ý tới người đọc của nó có chuyên nghiệp hay không.

Ðành rằng mỗi nhà văn đều có công chúng riêng của mình, nhưng ở bình diện chung của một đội ngũ thì cũng cần nhận diện công chúng của đội ngũ ấy.

Thường thì khi hỏi: "Người đọc của các nhà văn là ai?", sẽ nhận được câu trả lời: Người đọc của chúng ta là công chúng. Thậm chí có người sẽ trả lời rằng: Là công chúng cả nước. Xét về đối tượng tiếp nhận văn học, tức là kiểu người đọc thứ nhất.

Nhưng thẳng thắn mà hỏi, thật sự có bao nhiêu phần trăm công chúng cả nước được đọc [và đọc được] tác phẩm của các nhà văn? Trong sự bùng nổ của các loại hình giải trí đi kèm với xu thế có phần xuống cấp của "văn hóa đọc", trong tình hình xuất bản của các tờ báo, các tạp chí văn nghệ [nhất là ở các địa phương] và tác phẩm của nhà văn với số lượng in ấn mỗi ấn phẩm chỉ từ 500 đến 1.000 bản mà bán thì ít, biếu là nhiều, thì cũng chỉ có được một số lượng tương ứng như vậy của người đọc - với điều kiện là họ có đọc, bởi không ít báo chí địa phương và cả tác phẩm cá nhân được biếu tặng mà người được tặng biếu nhiều khi dường như không đọc.

Một giảng viên dạy văn trường đại học sư phạm ở miền núi từng phàn nàn: Giáo viên và sinh viên bây giờ ít đọc lắm, khóa sau càng kém khóa trước. Thầy đưa tác phẩm văn học kinh điển nằm trong nội dung bắt buộc phải học đến tận nơi mà cũng chỉ có vài em đọc, còn lại thì học... chay. Tờ báo Văn nghệ của tỉnh để trên bàn ở văn phòng khoa cả tuần hầu như giáo viên không xem đến, tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn cũng chỉ có vài người "ngó" qua... Ðến những người trực tiếp dạy và học văn còn thế, vậy ai là công chúng của văn chương hôm nay?

Trước hết phải nói rằng, không phải công chúng hoàn toàn quay lưng với văn chương, với các nhà văn. Và phạm vi người đọc cũng không chỉ bó hẹp ở phạm vi địa phương đối với một số nhà văn đã khẳng định được vị trí trên văn đàn cả nước - những người đã tạo ra "thương hiệu" và công chúng của mình, hoặc một số nhà văn đã tranh thủ được sức mạnh của truyền thông hiện đại.

Trong tình hình không mấy sáng sủa của "văn hóa đọc", điều rất đáng nói là vẫn có một bộ phận công chúng tích cực, có trình độ học vấn, tâm huyết với văn chương đã đọc và chia sẻ tác phẩm mà họ yêu thích. Họ thảo luận, tranh luận trên các diễn đàn, tạo nên những không gian văn chương sôi nổi trên internet. Ðó là hoạt động tiếp nhận, thưởng thức một cách tự nguyện của công chúng, một sự ghi nhận vô tư đối với thành quả lao động sáng tạo của các nhà văn. Nhưng số nhà văn được cộng đồng đón nhận như vậy vẫn chỉ là số ít.

Không quá lời nếu nói rằng, công chúng văn học của chúng ta còn quá ít.

Có nhà văn nói: Công chúng chính là chúng ta, những người trong giới văn nghệ, là các bạn viết, nhà văn, nhà phê bình. Tức là đối tượng thứ hai của tiếp nhận văn học.

Nhưng trên thực tế, số lượng tác phẩm đến tay mỗi nhà văn hằng tháng, hằng năm là bao nhiêu?

Bên cạnh những nhà văn xem việc đọc là lao động bắt buộc hằng ngày, đọc là tự học, để tri ngộ, để hiểu người khác, để theo kịp đời sống văn học đương đại, thì không phải không có nhiều nhà văn ít đọc.

Ít đọc tác phẩm văn chương trong và ngoài nước, lại càng mù mờ về các lý thuyết vốn là công cụ để khám phá tác phẩm, nhất là các tác phẩm không thuộc phương pháp sáng tác quen thuộc của chúng ta - phương pháp hiện thực XHCN, đó là sự thật.

Không phải không có những nhà văn chỉ đọc những gì tới tay mình, bao gồm các ấn phẩm được phát, những cuốn sách do tác giả bỏ tiền ra in rồi biếu tặng, vậy thôi. Có nhà văn cả chục năm nay không bỏ tiền ra mua một cuốn sách mới nào. Có nhà phê bình trách người viết không tìm đến các nhà phê bình để "được" thẩm định, giới thiệu, trong khi việc của nhà phê bình phải là ngược lại, là chủ động tìm đến tác phẩm. Tức là một tâm thế tiếp nhận thụ động, không chuyên nghiệp.

Như vậy, liệu đã có thể có được cái nhìn sâu sắc về đời sống văn học đương đại hay chưa, khi mà chúng ta không chủ động tiếp nhận, so sánh, khám phá những giá trị cũ - mới trong các mối tương quan đồng đại, lịch đại?

Ở vào thời buổi mà hình như truyền thông đại chúng đang "lên ngôi" trong việc định hướng thẩm mỹ của công chúng; do lợi nhuận của mình, các nhà xuất bản, các đầu nậu sách thông qua ảnh hưởng của truyền thông đã chi phối việc lựa chọn sản phẩm đọc của công chúng, vì vậy việc định hướng thẩm mỹ có phần bị lấn át bởi yếu tố thương mại.

Trong khi đó, với một tâm thế tiếp nhận thụ động, lượng thông tin thẩm mỹ hạn hẹp không đủ tạo ra tiếng nói thuyết phục, với sự hỗ trợ không đủ mạnh của báo chí địa phương, nhà văn, nhà phê bình làm sao định hướng thẩm mỹ cho công chúng ngay cả ở địa phương mình?

Hạn chế về thông tin ở tầm vĩ mô, thiếu thốn công cụ lý thuyết, không có trong tay các tác phẩm có chất lượng hoặc tác phẩm đang tạo ra dư luận xã hội cần được định hướng tiếp nhận, hoạt động định hướng tiếp nhận cho công chúng của các nhà văn, nhà phê bình [nhất là ở địa phương] chỉ loanh quanh với việc thẩm bình, giới thiệu các sáng tác, kể cả giới thiệu sáng tác của hội viên các câu lạc bộ thơ mà chất lượng thì còn phải bàn. Vậy là hoạt động tiếp nhận của nhà văn, nhà phê bình, thay vì chuyên nghiệp hơn, lại đang ngày càng... nghiệp dư hóa.

Mỗi nhà văn đều có giải pháp riêng để chuyên nghiệp hơn trên hành trình sáng tạo. Vì với họ, điều quan trọng nhất là khả năng tiếp nhận sinh khí từ cuộc sống, rồi sáng tạo và lan truyền cảm hứng sáng tạo ấy.

Quá trình sáng tạo là quá trình lao động của cá nhân, nhưng cảm hứng sáng tạo lại là cảm hứng lan truyền, cộng hưởng; sự cộng hưởng và lan truyền ấy thường được nảy sinh từ các sinh hoạt nghề nghiệp. Ðó sẽ là một trong những tác động tích cực, tiếp thêm sinh lực, tạo ra lực đẩy thôi thúc mỗi nhà văn trong hành trình sáng tạo tác phẩm. Bởi, tác phẩm - với tất cả những giá trị mà nó có, sẽ quyết định tính chuyên nghiệp của nền văn học.

NGUYỄN THUÝ QUỲNH

QĐND - Sáng tạo và tiếp nhận văn học luôn là vấn đề bản chất, then chốt của Khoa Nghiên cứu văn học. Và thực tế, các nhà lý luận văn học từ truyền thống đến hiện đại đã quan tâm nghiên cứu mối quan hệ này từ nhiều cấp độ lý luận với nhiều quan niệm khác nhau. Có sáng tạo văn học là có tiếp nhận văn học, dĩ nhiên là sáng tạo phải đi trước một bước để tạo thành văn bản. Sau đó, văn bản được chuyển đến người đọc, được người đọc tiếp nhận, bình giá thì nó mới trở thành tác phẩm. Cứ như vậy, tác phẩm văn học liên tục được làm đầy những giá trị chỉnh thể của chúng từ những tầm đón nhận và tầm đón đợi của nhiều thế hệ người đọc. Có nghĩa là người đọc đồng sáng tạo từ nhiều góc nhìn, nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau và từ bản chất tự trị vốn có của tác phẩm, họ có thể cung cấp nhiều ý nghĩa và giá trị mới khác cho tác phẩm. Những ý nghĩa và giá trị mới ấy, quả thật trong khi sáng tác, tác giả chưa nghĩ đến hoặc chưa tin rằng, chúng lại được người đọc phát hiện thú vị như vậy.

Nói như vậy, không phải lúc nào người đọc cũng có thể mãi làm đầy những giá trị mới cho tác phẩm. Nó chỉ đúng và có giá trị trong giới hạn cho phép mà tác phẩm gợi mở, vẫy gọi. Điều đó có nghĩa là những phát hiện chủ quan, võ đoán ngoài văn bản hay rất xa với nghĩa gốc của văn bản mà người tiếp nhận gán cho sẽ không được thừa nhận. Từ mối quan hệ bản chất như trên của quá trình sáng tạo và thưởng thức văn học, đã làm xuất hiện nhiều quan niệm khác nhau trong lịch sử tiếp nhận văn học. Quan niệm truyền thống đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo, trao cho họ một khả năng và phạm vi rất rộng trong việc làm chủ tác phẩm, tạo nghĩa cho tác phẩm. Đến các nhà mỹ học tiếp nhận hiện đại, họ lại chuyển vai trò trên cho người đọc, xem người đọc là nhân tố quan trọng trong quá trình tạo nghĩa cho tác phẩm. Và khi ấy, tác giả xem như đã hết vai trò trọng yếu của mình. Và quan niệm này được nhiều nhà mỹ học và lý luận văn học phương Tây đồng tình. Nhưng qua thực tiễn của quá trình sáng tạo hiện nay, đặc biệt là với chủ nghĩa hậu hiện đại, thì những định vị trên có sự lung lay. Và có nhiều ý kiến cho rằng, với sự tìm tòi, thể nghiệm liên tục của văn học hậu hiện đại, người đọc không kịp hoặc không thể nhận ra những giá trị bản chất của tác phẩm. Chính vì thế, nên chăng, phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận văn học. Và phải trao cho tác giả cái quyền định đoạt giá trị tác phẩm của mình ít nhất là ngang, nếu không muốn nói là cao hơn độc giả. Xem ra, ý kiến này trong tình hình văn học thế giới hiện nay, có thể điều hòa được hai quan niệm nói trên. Có nghĩa là tác giả và độc giả đều có vai trò cộng hưởng quan trọng của mình trong quá trình hoạt động văn học mà ở đây, tác phẩm văn học là đối tượng trung tâm của quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học.

Thời gian qua đã xuất hiện những quan niệm trái chiều về cách đánh giá và tiếp nhận văn học. Nhiều tác phẩm đã có cách thể hiện mới lạ và phong phú, khác xa với cách thể hiện truyền thống và họ tự gọi đó là văn học đổi mới hay văn học theo xu hướng hiện đại, hậu hiện đại. Lấy mốc từ năm 2000 trở lại nay, trên văn đàn nước ta đã có những chuyển biến đáng phấn khởi xuất phát từ khát vọng cao đẹp của các nhà văn chân chính là muốn đưa nền văn học nước ta tiến lên phía trước, hội nhập với văn học thế giới. Nhưng quả thật, số tác phẩm như thế hãy còn chưa tương xứng với yêu cầu của độc giả và thời đại. Đặc biệt là vẫn chưa có nhiều tác phẩm neo được sâu đậm trong lòng độc giả.

Về phía người đọc, chúng tôi nhận thấy, ngày nay, khả năng tiếp nhận văn học của họ cũng đa dạng, phong phú và sáng tạo hơn. Đó là nhân tố cần thiết và thuận lợi cho quá trình phát triển của nền văn học dân tộc, kích thích chủ thể sáng tạo liên tục tìm tòi, đổi mới. Vậy tại sao vẫn còn tình trạng nhiễu tiếp nhận trong những tác phẩm cụ thể? Tìm hiểu bản chất của vấn đề trên sẽ phần nào giải thích được những băn khoăn của nhiều người.

Trước hết là ở sự nhận thức của từng chủ thể sáng tạo. Nhà văn bất kỳ ở thời đại nào cũng đều sống trong môi trường văn hóa cụ thể. Họ không thể thoát khỏi sự quy định có tính xã hội-văn hóa ấy. Vậy những tác phẩm của họ-dù sáng tác theo khuynh hướng nào, kiểu tư duy nào cũng được chấp nhận, miễn là tác phẩm ấy phải hay, phải mang chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, vì sự sống và khát vọng cao đẹp của con người, vì giá trị chân-thiện-mỹ của từng thời đại. Hơn nữa, văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, nó phản ánh cuộc sống bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ cũng rất đặc thù. Cho nên, nó có thể miêu tả cuộc sống như nó vốn tồn tại. Khả năng đón đầu, dự báo của văn học nhiều lúc đi trước thời đại là chuyện thường thấy trong văn học của nhân loại từ trước đến nay.

Vấn đề là, làm sao để tạo ra cho được một thời đại mới trong văn học, tạo ra được cuộc cách mạng trong văn chương? Điều ấy, các văn nghệ sĩ phải tìm tòi, thể nghiệm. Tìm tòi, thể nghiệm không chỉ cho riêng mình-dù lúc đầu là thế. Nhưng quan trọng hơn là sau những tìm tòi, thể nghiệm ấy, chúng phải trở thành vệ tinh để thu hút mọi chủ thể sáng tạo học tập, cộng hưởng và cuối cùng tạo ra một phong trào rầm rộ với hệ thi pháp độc đáo, mới mẻ, làm chuyển biến cho cả một thời kỳ hoặc một giai đoạn văn học với nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc. Và đặc biệt là thi pháp văn chương của cả phong trào ấy được bạn đọc đón nhận. Nếu tạo ra được những chuyển biến có tính cách mạng hợp quy luật như thế thì nền văn học giai đoạn ấy, thời kỳ ấy sẽ sống mãi, có giá trị như một nối tiếp giá trị mới cho từng chặng hành trình của cả tiến trình văn học.

Dĩ nhiên là chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những hạn chế, bất cập ở phía người đọc, đặc biệt là người đọc phổ thông, bình thường trước những đổi thay của đời sống văn học đương đại thế giới và trong nước là có thật. Chưa kể đến những thực tế có liên quan đến văn học hậu hiện đại thì vấn đề lại càng phức tạp hơn. Lúc ấy, những giới hạn của thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận cũng là một thực tế. Cũng chính lúc ấy, Khoa Nghiên cứu văn học lại phải thể hiện vài trò là “mỹ học và triết học” đang vận động của mình để định hướng các vấn đề có liên quan đến quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học về mặt lý luận, lý thuyết để những gì còn tiềm ẩn, tranh cãi được thể hiện lên một cách hiển minh và khoa học, nhằm định hướng thẩm mỹ cho người đọc và cả người sáng tác.

PGS, TS HỒ THẾ HÀ

Video liên quan

Chủ Đề