Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện một chương trình với nhiều sách giáo khoa

Tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong [thành phố Ninh Bình], năm học 2020-2021 có 9 lớp 1, với 393 học sinh. Bình quân mỗi lớp học từ 43-44 học sinh. Trong khi, theo quy định Điều lệ trường Tiểu học, mỗi lớp học chỉ có 35 học sinh. Sự quá tải này gây khó khăn cho cô và trò trong quá trình dạy và học.

Cô giáo Phạm Thị Tuyết Mai, giáo viên lớp 1B, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong [thành phố Ninh Bình] cho biết: Là người có 26 năm dạy lớp 1, qua nhiều lần thay đổi chương trình dạy và học, bước đầu tôi nhận thấy, chương trình sách giáo khoa lớp 1 năm nay có nhiều ưu điểm như vừa sức, rõ ràng, dễ dạy, dễ học, dễ hiểu... Sách được in đẹp, hình ảnh phong phú, nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh vừa từ bậc học mầm non lên.

Tuy nhiên, khó khăn rõ nhất hiện nay của cô và trò là nề nếp lớp học chưa thực sự ổn định. Nguyên nhân là do, giáo viên và học sinh không có những tuần đầu [còn gọi là tuần số 0] để làm quen, rèn cho các em thực hiện nội quy, nề nếp lớp học. Trong khi các em vừa từ lứa tuổi mầm non lên, rất non nớt, tự do. Thêm vào đó, đối với học sinh lớp 1, số lượng gần 20 đầu sách [gồm cả các sách tham khảo cần thiết cho các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh] là hơi nhiều. Trong khi mới vào đầu năm, các em chưa biết đọc, biết viết, ngay việc mỗi lần hướng dẫn cho trên 40 học sinh chọn các sách để học cũng đã khá mất thời gian...

Đối với cô giáo Mai Hương Liên, giáo viên lớp 1B, trường Tiểu học Thanh Bình [thành phố Ninh Bình], ngoài những khó khăn gặp phải như kể trên, tại trường Tiểu học Thanh Bình còn một số khó khăn nữa là cơ sở vật chất chưa đáp ứng thực tế yêu cầu dạy học. Các lớp học đều quá tải đến hàng chục học sinh. Cơ sở vật chất lớp học chưa phù hợp, như lớp chật, bàn ghế cũ... Đặc biệt, hiện đã đi vào dạy học cả tháng, nhưng, phần mềm minh họa bằng hình ảnh hỗ trợ cho các giáo viên trong quá trình tổ chức bài giảng môn Tiếng Việt hiện chưa có. Cùng với đó là việc xã hội hóa mua sắm ti vi, màn chiếu không phải lớp nào cũng có điều kiện mua sắm ngay được...., dẫn đến cô và trò vẫn trong tình trạng dạy và học "chay".

Tìm hiểu được biết, khi đi vào dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, khó khăn đối với các trường tiểu học ở thành phố, nơi đông dân cư là quá tải số học sinh trên lớp, thiếu giáo viên đứng lớp theo quy định. Còn tại các trường tiểu học nông thôn, miền núi, số học sinh ít hơn, nhưng lại gặp những khó khăn khác về cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, thậm chí cả về sách giáo khoa...

Cùng với đó, hiện nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trước đó, những tháng hè 2020 không tổ chức được nhiều lớp tập huấn cho giáo viên, nên khi vào năm học, giáo viên phải vừa dạy học vừa tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy theo chương trình mới, dẫn đến những vất vả, khó khăn. Hơn nữa, hiện do chưa có phần mềm minh họa theo sách, nên giáo viên đang sử dụng sách giáo khoa để học sinh xem và đánh vần, khó hơn và khá vất vả. Trong khi đó, theo nhiều giáo viên, việc có những phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ dạy học chiếm đến hơn 50% thành công của bài giảng.

Theo nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, lộ trình áp dụng Chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện bắt đầu đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện thay sách giáo khoa đối với lớp 1. Để chuẩn bị cho việc này, trước đó, ngành Giáo dục Ninh Bình và các nhà trường đã tổ chức tập huẩn, bồi dưỡng cho giáo viên, lựa chọn bộ sách phù hợp, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất. Tất cả học sinh đều có sách giáo khoa mới và bộ đồ dùng tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trang thiết bị dạy và học được bổ sung, đầu tư thêm nhiều, nhất là thiết bị hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, các nhà trường, đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đã chủ động nghiên cứu, trao đổi nội dung, phương pháp dạy học. Cha mẹ học sinh lớp 1 cũng quan tâm, đồng hành cùng các con khi vào lớp 1..., đảm bảo khi đi vào dạy và học được thuận lợi, hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy vẫn còn một số khó khăn nhất định, như: Do tình hình dịch bệnh nên không có tuần trước khi khai giảng, để học sinh lớp 1 có thể làm quen trước khi bước vào học chính thức, dẫn đến học sinh bỡ ngỡ, cô giáo vất vả hơn.

Đồng thời, ở nhiều nhà trường, bộ thiết bị dùng chung cho giáo viên vẫn chưa mua kịp. Một số sách tham khảo dù mua theo tinh thần tự nguyện nhưng giá vẫn còn cao so với điều kiện thực tế nhiều gia đình, nhất là sách tiếng Anh. Hơn nữa, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, do số lượng học sinh mỗi lớp đông, dẫn đến quá tải trong quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1...

Cũng theo nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình, để khắc phục những khó khăn, bất cập trên, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành Giáo dục là đổi mới chương trình SGK nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển, để hơn 10 năm nữa, Việt Nam có một thế hệ học sinh đáp ứng yêu cầu 4.0. Do đó, năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ lớp 1, sẽ là vừa dạy học vừa rút kinh nghiệm và cùng nỗ lực vượt qua khó khăn.

Thời gian tới, Sở Giáo dục - Đào tạo, các Phòng Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tiếp tục theo sát, động viên và hỗ trợ các giáo viên dạy lớp 1. Tăng cường tổ chức các hoạt động bồi dưỡng tại chỗ, như nghiên cứu tài liệu đổi mới, dự giờ, thăm lớp, trao đổi rút kinh nghiệm trong trường hoặc liên trường.

Tiếp tục mở các lớp tập huấn hỗ trợ các kỹ năng khác cho giáo viên đang dạy lớp 1, chuẩn bị bồi dưỡng cho đội ngũ dạy lớp 2, năm học 2021-2022. Các nhà trường cần khẩn trương có thiết bị dùng chung, tích cực bổ sung sách bồi dưỡng giáo viên vào thư viện dùng chung. Thêm vào đó, chủ động làm sớm, làm tốt việc chuẩn bị các điều kiện cho việc dạy học chương trình SGK lớp 2 từ năm học tới...

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Video liên quan

Chủ Đề