Nếu suy nghĩ của em về mục đích thực sự của việc học

Bài làm

Muốn thành công trong cuộc đời, chẳng có thể làm gì khác ngoài việc học hỏi không ngừng. Và ai cũng mang trong mình một mục đích, mục tiêu để học tập. Chỉ có mục đích học tập, chúng ta mới có động lực rõ ràng, để thúc đẩy, nỗ lực hết mình vì điều ấy.

Mục đích học tập đó chính là kết quả cuối cùng của quá trình học tập, là điểm đến cuối cùng của hành trình học tập của con người. Bạn mong muốn được gì trong tươi lai từ việc học, thì đó chính là mục đích học tập.

Mục đích học tập của mỗi người là khác nhau, chẳng ai giống ai cả. Có người có mục đích trở thành một phi công lái máy bay, cũng có người muốn trở thành thầy giáo. Mỗi con người là một tính cách, một mục đích khác nhau. Mục đích học tập chính là động lực để chúng ta thực hiện, nỗ lực trong suốt hành trình học tập không ngừng để đạt được. Con đường đi tới đích của mỗi người mỗi khác, nhưng chẳng có con đường nào là bằng phẳng cả. Tất cả đều là những con đường chông gai, khó khăn, vất vả. Việc xác định cho mình đúng mục đích để học tập, là hành động đúng đắn để xác định được lộ tuyến cho cuộc đời mình.

Con người ai cũng phải tự bước đi trên con đường riêng của bản thân mình để tới được thành công. Thành công trong tương lai lại phụ thuộc rất nhiều vào quá khứ. Vì vậy, ở quá khứ, khi mà chúng ta vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nếu chúng ta không xây dựng cho mình một mục đích của việc học tập. Con đường đến tương lai của chúng ta sẽ không thể thực hiện được.

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Suy nghĩ về mục đích học tập

Như chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha già của dân tộc. Người đã giành cả đời cho công cuộc đem lại độc lập tự do dân tộc. Người đã xây dựng cho mình một mục đích, mục tiêu học tập để tìm ra con đường thống nhất đất nước. Và Người đã thành công trên con đường của mình. Bằng việc xây dựng cho mình một mục tiêu rõ ràng, Người đã làm việc một cách chăm chỉ. Đem hết khả năng của bản thân mình ra, nhằm đi theo mục tiêu mà mình đã chọn. Chính bởi vì sự kiên định, có mục tiêu rõ ràng ấy. Người đã đem lại cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cuộc đời của mỗi người là một hành trình dài. Bằng việc xây dựng cho mình những mục đích rõ ràng. Là cách tốt nhất để chúng ta tiến bước trong cuộc sống. Có nhiều người, sống một cuộc đời không có mục đích. Họ mải tìm kiếm những thú vui nhất thời mà quên đi cái về sau. Họ đắm chìm trong thế giới không hề tồn tại, làm những điều vô nghĩa. Bởi họ sinh ra trong những gia đình giàu có, từ nhỏ được nuông chiều. Nên với họ, việc học chẳng có gì là ý nghĩa. Họ chằng tìm cho mình một mục đích nào cả. Hay những người nhiễm thói hư tật xấu, sống một cuộc đời chỉ mong làm những điều sai trái. Họ cũng tự đánh mất bản thân, đánh mất cơ hội để đi tới tương lai.

Mỗi mục đích học tập đưa chúng ta đến những thành công khác. Chỉ cần xây dựng cho chúng ta mục đích học tập rõ ràng, chúng ta sẽ có định hướng để phát triển. Là những người học sinh, chúng ta cần xây dựng cho mình một mục đích học tập. Phải tu dưỡng đạo đức, nỗ lực học tập kiến thức không ngừng. Đây là quá trình đỏi hỏi sự kiên trì lâu dài của người học. Nhưng nếu làm được như vậy, người học sinh sẽ làm chủ được những kiến thức cần thiết. Là hành trang cho học sinh bước ra cuộc đời sau này.

Chúng ta, những người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hãy nỗ lực không ngừng. Để có thể học tập thật tốt, trang bị cho mình thật nhiều kiến thức cần thiết. Để tương lai sau này có thể góp phần xây dựng quê hương. Đất nước cần có những người trẻ tuổi, chỉ có những người trẻ tuổi. Mới là những người gánh vác được nhiệm vụ to lớn này. Mà muốn làm được điều ấy, mỗi người trong chúng ta hãy xây dựng cho mình một mục đích học tập. Để đi tới tương lai.

Hà Văn

Bài làm

      Khi bước chân vào lớp một, chúng ta thường chỉ có suy nghĩ đơn giản: Học để được điểm chín, điểm mười, để về nhà được bố mẹ khen thưởng. Nhưng khi lớn dần, học cao lên, khó đi, mỗi chúng ta dù có ý thức hay vô thức, đều tự xác định cho mình mục đích của việc học, để từ đó có cơ sở phấn đấu vươn lên. Vậy, mục đích học tập như thế nào là đúng?

      Trước nhất, học là để hiểu biết, để có tri thức. Một đứa trẻ, từ chưa biết gì đến trường học được học chữ, biết được vì sao Trái Đất quay quanh Mặt Trời, hiểu được lịch sử phát triển “ngàn năm văn hiến” của đất nước. Đứa trẻ ấy sẽ biết được rằng, bể tri thức của con người thật bao la, rộng lớn biết bao, sẽ càng hăng say học tập, tìm hiểu để trở thành con người có ích.

      Mục đích trước mắt, thực tế nhất là học để sau này ra ngoài xã hội có thể kiếm được việc làm tốt, có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân mình mà không phải dựa vào người khác. Chúng ta bằng chính công sức, chính tri thức mà mình học được từ trong nhà trường và trong cuộc sống, làm giàu cho chính mình và cũng là làm giàu cho xã hội.

     Có tri thức, chúng ta có thể tự tin khẳng định mình. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm, đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng để làm được điều ấy không phải dễ dàng. Đó là cả một quá trình rèn luyện, không chỉ về trí tuệ mà còn cả về nhân cách.

    Cuối cùng, học là để hoà nhập. Việt Nam đã gia nhập WTO. Trên con đường hội nhập và giao lưu với thế giới, chúng ta rất cần những thế hộ trẻ có hiểu biết, có đạo đức. Trong Thư gửi các học sinh, Bác Hồ đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

    Tuy nhiên, bên cạnh những bạn xác định được mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn, thì vẫn còn một số bạn học sinh vẫn còn có những suy nghĩ lệch lạc.

     Có nhiều bạn học là để được điểm cao, để thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn. Mục đích này xét cho cùng, cũng là điều dễ hiểu. Đã là người học sinh, đến trường đi học, hẳn ai cũng muốn được điểm cao, được là học sinh giỏi. Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì chưa đủ. Các bạn ấy có lẽ còn chưa hiểu rõ câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lại có một số bạn, học vì áp lực của cha mẹ, thầy cô. Có những bạn, cho dù sức học chỉ thuộc loại trung bình nhưng để làm “bố mẹ nở mày nở mặt phải cố gắng thi vào trường chuyên, vào trường đại học có “thương hiệu”. Trường đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nhiều phụ huynh không hiểu được điều này, vô hình trung tạo sức ép rất lớn đối với con cái hoặc dẫn tới những hiện tượng tiêu cực như chạy điểm, chạy trường.

     Không những thế nhiều bạn học chỉ để đối phó, học cho đủ bài, khi kiểm tra thì học gạo cho có đủ điểm mà thực chất kiến thức không có. Hoặc có một số bạn lại không xác định được mục đích học tập của mình, chỉ vô tư nghĩ rằng: “Trẻ con thì phải đi học, đó là lẽ đương nhiên”. Các bạn không hiểu được rằng học là cho chính mình.

     Những suy nghĩ sai lệch đó của các bạn dẫn tới tình trạng học mà chạy theo điểm số. Điểm chỉ có thể đánh giá được tình hình hiện tại của bạn, mà không đánh giá được cả quá trình. Nếu các bạn không nhận thức được đầy đủ thì kết quả học tập không thể tốt và do đó sẽ không có tương lai tốt đẹp.

    Mọi con đường đều có đích đến và việc học cũng vậy. Nếu xác định đúng mục đích, việc học tập của bạn sẽ dễ dàng hơn và đạt kết quả tốt hơn. Mục đích của bạn hiện giờ là gì? Nếu đúng, hãy tiếp tục phát huy. Nếu sai, bạn hãy sửa lại. Muộn còn hơn là không bao giờ.

Phạm Lê Ngọc Anh

[Trường THCS Giảng Võ]

>> Xem thêm Về vấn đề nước sạch ở nước ta trong cuộc sống hiện nay tại đây.

Related

Tags:Bài văn hay lớp 8 · Suy nghĩ về mục đích học

Th.S Hà Nhật Quang

Phòng sau Đại học

Từ xa xưa người Việt Nam đã quan niệm việc học là rất cần thiết cho con cái, cho nó biết cái chữ, cái kiến thức để sau này lớn lên hoặc thoát cảnh đói nghèo hoặc có được công ăn việc làm tốt đẹp. Tựu chung mục đích cuối cùng là để tốt cho tương lai của thế hệ sau. Thế nhưng cách giáo dục của từng nhà từng gia đình lại khác nhau. Trong đó lại có những cách tiêu cực như đánh đập, chưởi bới, treo tiền thưởng hoặc khóc lóc năn nỉ con cái làm cho bọn nhỏ có suy nghĩ lệch lạc là học để cho ba mẹ nở mày nở mặt, học để lấy khoe khoang, học để mà học... Vậy rốt cuộc học để làm gì? Đối với mỗi câu trả lời qua loa, nó sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy mà nghiêm trọng có thể dẫn đến sự bất mãn cho con em và không tiếp thu việc học là tốt cho mình. Ta có thể lấy ví dụ: Học để sau này đổi đời. Thực chất đổi đời ở đây là gì? Là giàu có, là hết khổ hay là được vô làm nhà nước có chức có quyền? Nếu là giàu có thì xung quanh có rất nhiều ví dụ không cần học đến cấp 2 vẫn giàu có như bán hàng online, trồng thanh long, live stream, chơi game... những hình mẫu nhan nhản khắp nơi trên mạng internet mà giới trẻ bây giờ dễ dàng tiếp xúc đến. Cho đến có chức có quyền, đó là một quá trình lâu dài phấn đấu mà đến cuối cùng chưa chắc có thể đạt đến. Vậy câu trả lời như thế có bao nhiêu sức thuyết phục cho con em chúng ta- thế hệ trẻ năng động và luôn muốn nắm giữ quyền chủ động cho tương lai mình?

Khi còn nhỏ ai cũng có mong ước trở thành người này người kia, thành bác sĩ, cô giáo... lớn lên rất nhiều người trong số họ sẽ phải làm một nghề khác mà có khi họ hoàn toàn không thích. Có người đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho ba mẹ vì ba mẹ họ mong muốn họ thế này thế kia... Thực tế cho thấy, đa số chỉ một lý do chung là vì họ học “chưa đủ”. Nếu bạn muốn trở thành thầy cô giáo mà rớt tuyển sinh sư phạm thì không thể nào đổ lỗi cho ai khác được. Chỉ có học thật giỏi, thật tốt mới làm cho bạn có quyền lựa chọn tương lai cho mình. Khi đó bạn được làm công việc mình đam mê, mình thích thì thời gian bạn bỏ ra để làm việc mới có ý nghĩa và đem lại cảm giác thành công.

Mặt khác, có nhiều người cho rằng học tập ở trường không quan trọng bằng ngoài đời vì có những dẫn chứng thành công như Steve Jobs, Bill Gates... Thực chất mọi người đã bỏ qua tiểu sử của họ, những nhân vật này thành công vì họ đã học, đã tiếp thu kiến thức đủ để bọn họ tự tin bay lượn theo con đường họ đã chọn. Như Steve Jobs bỏ ngang việc học ở Harvard, nhiều người chỉ biết rằng ông ngừng học đại học nhưng Harvard là một đại học bình thường sao? Đó là một trong những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới và mỗi năm có hơn hai mươi ngàn đơn xin dự tuyển và trong đó chỉ khoảng hơn hai ngàn đơn được chấp nhận. Tỉ lệ loại bỏ hơn 90%, không ngạc nhiên đây là một trong những ngôi trường khắt khe nhất thế giới. Họ, những con người bỏ học, thực chất đã sớm tìm hiểu kỹ càng và chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới. Còn bạn, bạn đã chuẩn bị những gì cho mình? Hay chỉ là một người mơ mộng, lười biếng và trốn tránh trách nhiệm của mình?

Đối với một số lớn người ở Việt Nam thì việc học với bằng cấp lại gộp thành một. Ở một số trường hợp thì bằng cấp có thể đại diện cho thành tích học tập, kiến thức và trình độ nhưng không thể phủ nhận việc tự học tự mày mò ra kiến thức cho riêng mình thì không phải là “học”. Chúng ta cần nhấn mạnh nhà trường là nơi cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm chính quy nhất để các em tiếp thu có hệ thống, loại bỏ những quanh co, sai lầm trong quá trình học tập chứ không phải là nơi “bán” bằng cấp. Do đó, học sinh sinh viên nên quan tâm đến vấn đề trau dồi kiến thức hơn là việc đối phó với những kỳ thi.

Thực tế tình trạng học để mà học, học để mà thi đang rất phổ biến trong các trường đại học ngày nay. Các em không biết áp dụng kiến thức mình đã và đang học vào công việc vào cuộc sống như thế nào. Không phải ai cũng học một biết mười hay học một suy ra ba. Rất nhiều học sinh sinh viên cần giảng viên đưa ra nhiều ví dụ, nhiều kinh nghiệm, nhiều lần thực hành để thực sự nắm và vận dụng được những thông tin, kiến thức quan trọng. Đó là những sinh viên học sinh được đào tạo có hệ thống thì những người không có cơ hội đến trường lớp thì còn như thế nào? Trong thực tế có rất nhiều ví dụ thấy thì buồn cười nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì chắc nhiều người sẽ không cười nổi tiếp. Một lần tôi tò mò xem 1 anh học việc cứ loay hoay gắn 1 chi tiết chữ S lên khung cửa mà không khớp. Anh ta cứ lẩm bẩm là đã rõ ràng đo và cắt chính xác theo mẫu mà sao uốn nó không khớp. Anh ta cắt một khúc sắt khác và tôi thấy ngay anh ta lấy chiều dài của thanh sắt thẳng mà áp vào thanh chữ S. Rõ ràng thanh sắt uốn cong rồi bẻ thẳng ra đương nhiên sẽ dài hơn. Tôi thiết nghĩ tất cả các em tốt nghiệp cấp 2 hẳn phải biết điều này nhưng chắc nhiều em sẽ không liên tưởng đến áp dụng dài ngắn cong quẹo này vô việc gì. Như bác Hồ đã nói, học phải đi đôi với hành. Có lẽ thầy cô giáo nên cho các em biết ngay từ đầu là việc học là để biết lý lẽ, đúng sai rồi sau đó vận dụng vào cuộc sống để làm nó tốt đẹp hơn thì các em sẽ không “chán” và “nản” việc học hoặc cảm thấy nó là lý luận suông không cần thiết cho đời mình.

Tóm lại, mục đích việc học chúng ta có thể chia làm hai phần:

• Phần trước mắt - học là để thêm kiến thức: chúng ta cần phải tạo động lực, hứng thú và kích thích trí tò mò cho các em để các em không nhàm chán trong quá trình học tập. Nhiều gia đình thích mua cho các em đồ chơi, điện thoại, xe máy... khi các em đạt điểm cao. Cách này có lẽ thành công trong 1 số trường hợp nhưng cuối cùng sẽ làm cho các em quên mất học là để thêm kiến thức thêm hiểu biết. Động lực học tập phải là chính sự thành công của việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ sách vở và giáo viên sau đó biến nó thành của mình. Khi mà các em đắm chìm trong việc khám phá kiến thức và thích thú với những gì mình đạt được như việc vừa đọc xong một cuốn truyện hay, một bộ phim đặc sắc... thì lúc đó mới tính là chúng ta đã giáo dục thành công.

• Phần thứ hai - học là để có thể chọn lựa tương lai cho chính mình: Theo tháp nhu cầu của Maslow [tiếng Anh: Maslow's hierarchy of needs] thì có được việc làm ổn định chỉ là tầng thứ hai trong năm tầng nhu cầu của một con người. Như vậy để đánh giá sự thành công của một người, chúng ta cần đi sâu hơn thế nữa. Ngày thường chúng ta chỉ nói với con em chúng ta rằng không học là không kiếm được việc làm, không có tương lai... nhưng thực tế cho thấy rất nhiều người không học cao vẫn kiếm được việc làm và thu nhập ổn định. Như vậy sẽ dễ dàng làm cho con em ngộ nhận về mục đích của việc chúng ta bắt chúng đi học. Thực ra 12 năm học bắt buộc từ tiểu học cho đến THPT chỉ là đặt nền mống cho các em, để các em có đầy đủ thông tin kiến thức mà lựa chọn con đường mình sẽ đi. Khi các em không học tập cho thật giỏi thì các em đã đánh mất quyền lựa chọn trường đại học cho mình đồng nghĩa với việc rất nhiều cánh cửa đã khép lại như sư phạm, y dược... những ngành đòi hỏi sự cần cù trong học tập và gia tăng kiến thức. Hơn nữa một việc làm đúng sở thích, đúng sở trường sẽ mang ý nghĩa rất lớn vì khi đó các em sẽ không thấy rằng công việc nhàm chán lãng phí thời gian của mình. Nó sẽ đem lại cho các em cảm giác thỏa mãn và thành công đích thực mà không phải là đi làm vì kiếm sống. Như UNESCO đã phát biểu, mục đích cuối cùng của học tập là để tự khẳng định chính mình, tự tạo vị trí trong xã hội, thể hiện giá trị bản thân và sự tồn tại có ý nghĩa của mình. Nó cũng thuộc về những cấp bậc cuối cùng của tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu tối cao của con người sau khi đạt được những nhu cầu cơ bản như ăn uống, làm việc... Đó là tự thể hiện bản thân, có khả năng sáng tạo, trình diễn những kiến thức, kỹ năng của mình và đạt được xã hội công nhận. Ta có thể lấy ví dụ về một chủ tiệm sửa xe và kỹ sư. Một người chủ tiệm sửa xe có thể giàu có nhưng chỉ có thể đóng góp rất hạn hẹp cho cả xã hội như là tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, quyên góp và làm từ thiện. Nhưng nếu đổi lại là một kỹ sư ô tô không ngừng trau dồi kiến thức kỹ năng, anh ta sẽ đem lại những phát minh mới sáng tạo mới như tiết kiệm nhiên liệu, nguồn nhiên liệu mới, chống hao mòn... có thể ảnh hưởng cả một nền công nghiệp. Do đó anh ta không chỉ là được tôn trọng mà còn tự khẳng định mình và biết giá trị bản thân cũng như đóng góp giá trị đó cho xã hội. Đó là những cái tên như Isaac Newton, Einstein rồi đến những cái tên đường quen thuộc mà chúng ta đi qua hàng ngày... Có bao giờ các bạn suy nghĩ sẽ có 1 ngày tên các bạn được đặt cho 1 con đường nào đó ở Việt Nam hay được cả thế giới nhắc đến do những thành tựu trong đời mình?

Tổng kết lại, mục đích học tập cuối cùng là đạt được quyền lựa chọn rộng lớn hơn, tự khẳng định chính mình, được sống thành đạt và mọi người khẳng định sự thành đạt đó. Đó là sự thành công về cả 2 mặt vật chất lẫn tinh thần và là nền móng vững chắc cho những thành tựu và những đóng góp to lớn cho xã hội. Và đó cũng là phương châm của trường DLA, học là để Tri, rồi Hành và cuối cùng là Đạt nhân.

Th.S Hà Nhật Quang

Video liên quan

Chủ Đề