Nếu những điểm đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước

Cùng với tư tưởng về xây dựng Đảng; về đường lối và lực lượng cách mạng; về tổ chức và xây dựng chế độ xã hội mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội..., tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ thống quan điểm của Người về bản chất, mô hình, phương thức tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền kiểu mới nhằm thực hiện thành công mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền thể hiện rất rõ trong hệ thống quan điểm của Người về xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, trong đó tính chất pháp quyền thể hiện rõ nhất ở quan điểm nhà nước quản lý xã hội băng hiến pháp và các đạo luật. Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây [đăng trên báo Nhân đạo Pháp, năm 1919], Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt các nhà yêu nước Việt Nam nêu lên 8 yêu sách, với 2 yêu cầu cơ bản: một là, đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam; hai là, để bảo đảm quyền tự do, dân chủ ấy, đòi hỏi phải quản lý xã hội bằng các đạo luật, nhất là Hiến pháp. Năm 1922, Người đã chuyển thể Bản yêu sách của nhân dân An Nam thành áng thơ bất hủ “Việt Nam yêu cầu ca”, tư tưởng này được thể hiện rõ hơn: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1]. 

Đặc biệt, khi lãnh đạo nhân dân xây dựng nhà nước cách mạng sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được phát triển ở tầm cao hơn, thể hiện ở quan điểm về xây dựng một nhà nước dân chủ, một chế độ dân chủ thực sự: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2], “Chính phủ là chính phủ của nhân dân”[3], “Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”[4]. Trong quan hệ với nhân dân, Người nhấn mạnh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân”[5]. 

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền còn biểu hiện trong quyết tâm xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp ngay trong tình thế cách mạng đang như “nghìn cân treo sợi tóc”. Chỉ một ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời xác lập nền tảng dân chủ và pháp quyền cho chế độ nhà nước cách mạng, đó là tổ chức Tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp dân chủ. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”[6].

2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân

Các văn kiện của Đảng ta trước thời kỳ đổi mới hầu như chưa sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”. Nhưng trên thực tế trong các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 [là những Hiến pháp ban hành trước thời kỳ đổi mới] đã chứa đựng những đặc trưng, những giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền. Đó chính là kết quả của việc vận dụng tư tưởng về nhà nước kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trong Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng đã khẳng định “quản lý nhà nước bằng pháp luật, chứ không phải bằng đạo lý”[7], đồng thời từng bước bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để bảo đảm cho bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật. 

Đến Đại hội ĐBTQ lần thứ VII, Đảng ta bổ sung nội dung: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”[8]. Như vậy, qua hai kỳ Đại hội đầu tiên của Đảng từ thời kỳ đổi mới, tư duy về đổi mới nhà nước theo hướng xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền của Đảng ta có những bước tiến quan trọng. Đến Hội nghị ĐBTQ giữa nhiệm kỳ khóa VII [năm 1994] chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  được chính thức khẳng định và thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” lần đầu tiên được sử dụng trong Văn kiện của Đảng.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là việc làm mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử, có nhiều việc phải vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm. Do đó, trong Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VIII [năm 1996], Đảng ta coi xây dựng nhà nước pháp quyền như một trong năm quan điểm cần quán triệt trong việc tiếp tục cải cách, đổi mới nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến Đại hội ĐBTQ lần thứ IX của Đảng, qua tổng kết những thành tựu nghiên cứu lý luận, cũng như thực tiễn quá trình từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng khẳng định “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”[9] là một nhiệm vụ có tính chiến lược và xuyên suốt, trong “đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”[10]. 

Đến Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng [năm 2006], qua tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định: “... nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”[11] là một đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng.

Sau quá trình cải cách, đổi mới “việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động được nâng lên”[12]. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Đảng thì việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn là nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đã đang đặt ra. Đảng ta nhấn mạnh: “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước”[13]; “Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước”[14]. Vì vậy, Đảng nhấn mạnh cần “tiếp tục đẩy mạnh việc xây dưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo”[15].

Khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bước đột phá trong tư duy về xây dựng nhà nước trong thời kỳ đổi mới của Đảng ta. Đó là cơ sở chính trị cho việc tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu về nhà nước pháp quyền và thúc đẩy việc đổi mới một cách căn bản, có hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động của nhà nước ở nước ta hiện nay, được thể hiện ở những nội dung sau: một là, sửa đổi và tăng cường công tác xây dựng pháp luật để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; hai là, đổi mới căn bản thiết chế tổ chức và cơ chế hoạt động của Nhà nước, sao cho toàn bộ tổ chức và hoạt động của Nhà nước dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật, đồng thời thực hiện quản lý điều hành xã hội bằng pháp luật; ba là, xây dựng các thiết chế cơ chế bảo đảm sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tiến hành những bước đổi mới căn bản đó vừa đáp ứng đòi hỏi của nhà nước pháp quyền, vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc; khắc phục tình trạng chủ quan, tuỳ tiện trong tổ chức và hoạt động, cũng như tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.

Do đó, để đảm bảo sự lãnh đạo một cách hiệu quả, Đảng ta phải đổi mới phương thức lãnh đạo, trên cơ sở giải quyết đúng đắn quan hệ và chức năng giữa Đảng và Nhà nước, cần phân định một cách khoa học, rõ ràng. Cụ thể, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đến nay, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, như Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức thực hiện pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa nghiêm”[16]. 

Vì vậy, nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước vẫn được tiếp tục đặt ra. Trên cơ sở quán triệt tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta nhấn mạnh: “Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”[17]; “Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước”[18]; “Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”[19].

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng - Đại hội tổng kết 35 năm thực hiện đường lối đổi mới - đã nhấn mạnh phải “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” để “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. 

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta theo đúng tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là một quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, song nhất định sẽ thành công. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng ta và sự đoàn kết, đồng thuận của cả dân tộc Việt Nam trong những năm qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang đặt ra cho toàn Đảng và toàn thể nhân dân ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./. 

---------------------------------------

Ghi chú:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.473.

[2] Sđd, tập 6, tr.232.

[3] Sđd, tập 7, tr.350.

[4] Sđd, tập 4, tr.21.

[5] Sđd, tập 9, tr.382.

[6] Sđd, tập 4, tr.7.

[7], Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H.1987, tr.120.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, H.1991, tr.20.

[9],[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.131, tr.131.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.146.

[12],[13],[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.159, tr.171, tr.246.

[14],[16],[17],[18],[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.173, tr.174, tr.175, tr.264, tr.175.

TS Nguyễn Thị Minh Thùy - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề