Mua tò he ở đâu

30/11/2020

Tính đến nay, làng nghề nặn tò he Xuân La đã được gần 300 năm tuổi. Qua các thế hệ, nghề được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Cả làng có khoảng 400 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho 1.586 lao động, tổng thu nhập bình quân mỗi năm vào khoảng 4.191 tỷ đồng.

NGHỀ NẶN TÒ HE XUÂN LA

Hà Nội có một làng nghề thủ công lâu đời, rất độc đáo đó là nghề nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Làng nghề cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50km, xuôi theo đường Quốc lộ 1A. Đầu thế kỷ XIX là xã Xuân La thuộc tổng Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX là xã Xuân La [tên Nôm là Chà Xuân], tổng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.

Tính đến nay, làng nghề nặn tò he Xuân La đã được gần 300 năm tuổi. Qua các thế hệ, nghề được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Cả làng có khoảng 400 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho 1.586 lao động, tổng thu nhập bình quân mỗi năm vào khoảng 4.191 tỷ đồng.

Đã có những khi, tò he tưởng chừng bị quên lãng, những nghệ nhân tưởng như không thể trụ được bằng nghề truyền thống… Nhưng cuối cùng, tò he vẫn giữ được giá trị đích thực của mình trong tâm hồn Việt.

Cũng tại ngôi làng này, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chọn làm địa điểm để tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long".

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Nặn tò he xuất hiện tại miền Nam Việt Nam không rõ từ lúc nào nhưng có lẽ là do các nghệ nhân miền Bắc di cư vào Nam, tuy nhiên, mức độ phổ biến không bằng tại miền Bắc. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, , trâu, , lợn, ... vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he".

Theo cách của làng này thì nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, một phần nếp [phải cho thêm nhiều nếp để giữ được độ dẻo của sản phẩm nếu thời tiết nóng, hanh khô], trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này.

Chỉ cần một động tác và sự khéo tay của nghệ nhân là đã có ngay những màu thật đẹp. Một sản phẩm sẽ được làm ngay sau vài phút trước yêu cầu và sự chứng kiến của người mua. Với khách nước ngoài hay với những người Việt ít biết đến tò he, việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài quả thật là một điều thú vị. Người làm tò he bây giờ cũng năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về chủ yếu là các loại cây quả, con giống… mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác: 12 con giáp, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Aladin, Đôrêmon, Pokémon, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Na Tra

Ở làng nghề truyền thống “nặn tò he” Xuân La thì hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Về Xuân La, chúng ta sẽ được chứng kiến những cụ già tuổi đã ngoài 80, thanh niên và cả những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1 say sưa nặn những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, những cô thôn nữ áo mớ bảy mớ ba rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng trăn tinh.

Các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có đình đám, hội hè. Hành trang đồ nghề của họ khá đơn giản gồm một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày. Họ giống như những chú ong chuyên cần chăm chỉ, ngày ngày tỏa đi khắp nơi để nặn bán, giới thiệu tò he đến với mọi người.

Đã có thâm niên 16 năm đi nặn tò he ở các lễ hội, anh Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Để tạo ra một sản phẩm tò he hấp dẫn đòi hỏi người làm phải có trí tưởng tượng phong phú. Người thợ nặn vừa phải biết tạo hình vừa phải biết cách phối màu hài hòa, phù hợp với tâm lý sở thích của các em thiếu nhi. Nhiều nhân vật, hình ảnh chỉ xuất hiện trên truyện tranh, phim ảnh nhưng khi được tạo hình, trang điểm bỗng trở nên ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn. Mỗi sản phẩm làm ra được các em hào hứng đón nhận thì niềm vui của người nặn tò he như được nhân lên”.

Đến nay, làng nghề đã có 03 nghệ nhân tay nghề xuất sắc được thành phố Hà Nội công nhận “Nghệ nhân Hà Nội” là: Nghệ nhân ĐẶNG VĂN HẠ [85 tuổi], Nghệ nhân NGUYỄN VĂN ẤU [70 tuổi], Nghệ nhân NGUYỄN VĂN THÀNH [38 tuổi].

Nghệ nhân Đặng Văn Hạ tạo ra nhiều sản phẩm tò he hấp dẫn phục vụ du khách

 Tại lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên vào tháng 10 năm 2011, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành được xem là kỳ nhân của làng nghề nặn tò he, tham dự hội thi tay nghề huyện Phú Xuyên là một trong 3 người đoạt giải cao nhất của hội thi đã được đồng chí Chương Thế Cầu - Thành uỷ viên, Bí thư huyện uỷ huyện Phú Xuyên giới thiệu với Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam, tham dự chương trình giao lưu nhân dân ASEAN biểu diễn nặn Tò he tại Thái Lan và Trung Quốc từ ngày 14 đến ngày 29/02/2012. Tại đây, nghệ nhân Nguyên Văn Thành đã khẳng định được tay nghề của mình trước bạn bè quốc tế, để lại ấn tượng sâu sắc đối với cán bộ và nhân dân các nước ASEAN. Năm 2014 anh tham gia cuộc thi “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ III” là 1 trong 5 người đã đạt giải cao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng Bằng Khen. Ngày 19/11/2015 anh vinh dự là Nghệ nhân trẻ đầu tiên của Làng Nghề truyền thống Tò he được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nghệ nhân Ưu tú".

NNUT Nguyễn Văn Thành với tác phẩm độc đáo tháp biểu trưng Thăng Long - Hà Nội

Nghệ nhân ưu tú  Nguyễn Văn Thành nặn được đa dạng sản phẩm theo yêu cầu, nổi tiếng nặn chân dung nghệ thuật, bánh cổ, 12 con giáp, các nhân vật trong truyện trong phim hoạt hình… Thường xuyên phối hợp biểu diễn nặn tò he tại các sự kiện văn hoá quốc tế, tại các lễ hội, hội chợ, triển lãm tiệc vui khách sạn nhà hàng, nặn đặt hàng theo mẫu dạy nặn tò he phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ em và đón tiếp các đoàn thăm quan du lịch làng nghề…

Các nghệ nhân được các trường mời phối hợp giảng dạy môn nghệ thuật nặn Tò he, giúp trẻ em và các bạn sinh viên hiểu và làm quen với đồ chơi truyền thống và chương trình hoạt động ngoại khoá như Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Dremhuose…

Thường xuyên phối hợp với các đài truyền hình, tổ chức các hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ em. Đặc biệt phối hợp với Đài truyền hình VTV1 tham gia đóng phim Tết Việt, đài truyền hình VTV3 làm chuyên gia cho chương trình Đồrêmí, Đài truyền hình VTV6 tham gia chương trình Góc sáng tạo dạy nặn Tò he trên truyền hình…

Qua khảo cứu, làng nghề tò he Xuân La hiện vẫn giữ được nhà thờ tổ nghề. Lễ hội của làng tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm cùng các tư liệu Hán Nôm quý hiếm như: bản hương ước lập năm 1942 lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, một bản địa bạ lập năm Gia Long 4 [1805] lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; 01 bản thần tích và thần sắc năm 1983 đang lưu tại Viện Khoa học xã hội.

Vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt.

Video liên quan

Chủ Đề