Một số hoạt động tiểu biểu của Bác Tôn trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo

Ngày 30-3-1980, khi Chủ tịch Tôn Ðức Thắng từ trần tại Hà Nội sau một cơn suy tim nặng, thọ 92 tuổi, Thông cáo đặc biệt của BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam báo tin cho quốc dân đồng bào, có đoạn đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch như sau: "Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là nhà yêu nước vĩ đại, người cộng sản kiên cường mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế".

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Tấm gương của Bác Tôn đã ảnh hưởng sâu sắc tới sự trau dồi đạo đức, phẩm chất cách mạng của nhân dân ta và các thế hệ lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước ta.

Cuốn sách "Tôn Ðức Thắng, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết" là tập hồi ký dày 700 trang do NXB Chính trị quốc gia ấn hành, gồm các bài viết của các lãnh tụ, các nhà nghiên cứu, những người từng có dịp may mắn được làm việc, phục vụ và gặp Bác Tôn Ðức Thắng, đã làm rõ chân dung một người cộng sản mẫu mực, kết tinh những đức tính cao quý của con người Việt Nam.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết "Những ngày sống với Bác Tôn ở Côn Ðảo" của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ðảng ta về một thời kỳ đặc biệt trong cuộc đời của Bác Tôn.

Thời gian tôi được gặp Bác Tôn, biết Bác Tôn và sống chung với Bác Tôn nhiều nhất là thời kỳ ở Côn Ðảo. Lúc bấy giờ tôi mới 17 tuổi, tôi bị địch bắt ở Hải Phòng và bị đi đày ra Côn Ðảo.

Tôi lãnh hai án, trong đó một án 18 tháng tù về tội rải truyền đơn, và một án là phát lưu chung thân do Hội đồng đại hình kết tội. Ra đến Côn Ðảo, tôi và hai người bạn nữa còn nhỏ tuổi nên bị giam ở banh 1, không bị bắt đi làm khổ sai hằng ngày. Ở đó có Bác Tôn, vì cao tuổi nên chúng không bắt Bác đi làm khổ sai. Bác và chúng tôi phải dọn dẹp các "săm" [chambre], quét sân, nhổ cỏ ở banh 1.

Thấy chúng tôi còn trẻ mà đã giác ngộ cách mạng thì Bác rất thương. Bác bắt đầu giáo dục cho tôi và hai người bạn hiểu thế nào là cách mạng, thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Bác rất hiền. Bác không những thương chúng tôi mà còn thương các bạn tù khác, kể cả tù thường phạm. Khi họ đi làm về, sau bữa ăn, bị nhốt ở sam thì Bác thường gần gũi họ, giảng giải cho họ những điều sơ đẳng nhất về chủ nghĩa cộng sản, về lòng yêu nước và động viên họ phải can đảm lên, cố chịu đựng rồi khi ra tù sẽ tiếp tục làm cách mạng. Những người tù thường phạm cũng được Bác giáo dục về chủ nghĩa yêu nước và chỉ cho họ biết, chính vì nước mình không có độc lập tự do cho nên họ rơi vào cảnh nghèo khổ và phải làm những nghề bất chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Khi bị bắt họ lại bị đày ải và tù tội.

Sau đó ít lâu, ở Sở Lưới có một ca-nô bị hỏng, biết Bác Tôn là thợ máy, chúng đưa Bác Tôn ra để sửa máy ca-nô. Tôi và một trong hai bạn tù cũng được đưa ra ngoài Sở Lưới. Lúc bấy giờ, tôi được giao việc làm hộp đồi mồi và lược đồi mồi. Viên cai ngục rất kính trọng Bác, nói với Bác cứ  ở ngoài, ngủ ở ngoài cho thoáng nhưng Bác nhất định không chịu. Bác vẫn vào trong Sở Lưới ở với anh em, ngủ chung với anh em.  Ðấy cũng là những điều mà bản thân tôi học tập được ở Bác. Bác luôn thể hiện tình thương yêu đối với những người bạn tù và luôn luôn giáo dục họ để họ hiểu được cách mạng, hiểu con đường cách mạng. Thời kỳ đó tôi chưa vào Ðảng, mới giác ngộ cách mạng, mà người đầu tiên tôi được gần gũi và giáo dục tôi nhiều nhất là Bác Tôn.

Năm 1936 tôi được ân xá và trở về đất liền. Năm 1941 tôi lại bị bắt giam trở lại Côn Ðảo và tôi đã gặp lại Bác Tôn ở Sở Lưới. Bác vẫn ở suốt trong tù. Gặp lại tôi, Bác rất mừng vì thấy tôi còn trẻ mà tuy được ân xá rồi vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi Bác hỏi tôi về tình hình phong trào cách mạng, tình hình phát triển Ðảng ở bên ngoài thì tôi thuật lại cho Bác nghe theo hiểu biết của tôi. Bác rất vui và nói "nhất định cách mạng sẽ thắng".

Ðến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở trong đất liền mà ở ngoài Côn Ðảo chúng tôi vẫn còn chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai; chúng tôi chỉ biết về Nguyễn Ái Quốc nhưng cũng đoán là Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.

Ðồng chí Tưởng Dân Bảo, trước đây bị đày ra Côn Ðảo, là người theo Quốc dân đảng rồi sau giác ngộ theo Ðảng Cộng sản, đã tự thuê thuyền và thuê một chiếc tàu ra đón chúng tôi ở Côn Ðảo về. Tôi và các bạn tôi đi bằng thuyền buồm về Sóc Trăng rồi Cần Thơ. Bác Tôn cùng một số đồng chí khác như Phạm Hùng cùng đi về bằng ca-nô do chính Bác Tôn tự lái. Sau đó Bác Tôn được điều ra Hà Nội. Từ đó, tôi ở lại Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp rồi tiếp tục chống đế quốc Mỹ.

Lâu lâu, có dịp ra Hà Nội là tôi lại ghé thăm Bác Tôn và gia đình.

Khi đã trở thành vị Phó Chủ tịch nước, sau là Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn giữ tính điềm đạm, chân thành, thương người như khi ở tù Côn Ðảo năm xưa mà tôi được cùng sống bên Bác.

Tôi rất kính trọng Bác Tôn cũng như kính trọng Bác Hồ. Bác Tôn là người xuất thân từ công nhân, trước đây học ở trường thợ máy ở Sài Gòn, làm thợ ở Ba Son rồi sang Pháp. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bọn đế quốc đem quân, và tàu chiến câu kết với bọn bạch vệ ở trong nước Nga chống lại nước Nga Xô-viết non trẻ thì Bác Tôn là một trong số những thủy thủ đã dũng cảm đấu tranh chống lại. Chính Bác là người đã kéo lá cờ đỏ búa liềm ở trên tàu France. Hành động này cho thấy Bác chẳng những là một người yêu nước mà còn là người có tinh thần quốc tế vô sản.

Những kỷ niệm đó thường hiện lên mỗi lần tôi nhớ tới Bác Tôn và càng nhớ thì càng kính phục Bác, càng thương Bác nhiều.

NGUYỄN VĂN LINH

Chân dung đồng chí Tôn Đức Thắng. Nguồn: Ảnh tư liệu

[Thanhuytphcm.vn]- Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888, trong một gia đình nông dân khá giả, tại quê nội là cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Học xong bậc tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên, Tôn Đức Thắng rời quê hương lên Sài Gòn kiếm sống. Sau một thời gian làm công cho các gara, đề-pô tư nhân, năm 1910, Tôn Đức Thắng vào làm công nhân cho hãng Krupp thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa Sài Gòn. Đó là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Tôn Đức Thắng, là một sự lựa chọn lý tưởng đúng đắn đưa người thanh niên nông dân An Giang đến với giai cấp công nhân một cách tự nhiên, và từ chất công nhân, cộng với sự học tập rèn luyện suốt đời, một con người bình thường trở nên vĩ đại.

Tháng 3 năm 1915, Tôn Đức Thắng vào học Trường Cơ khí Châu Á ở Sài Gòn, thường được gọi là Trường Bá nghệ Sài Gòn, nhưng học xong năm thứ nhất sang năm thứ hai, thì Tôn Đức Thắng bị nhà cầm quyền thực dân đưa sang Pháp làm lính thợ phục vụ Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi. Các nước đế quốc Anh, Pháp, Mỹ lập liên minh quân sự hòng tiêu diệt nước Nga Xô Viết bằng can thiệp vũ trang. Tôn Đức Thắng cùng với những người bạn trên chiến hạm France ở biển Đen đã đấu tranh phản đối sự can thiệp của quân đội Pháp, kéo cờ đỏ và hát Quốc tế ca chào mừng cách mạng Nga.

Sau cuộc nổi dậy ở biển Đen, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi nước Pháp và trở lại Sài Gòn. Đồng chí xin làm công cho một hãng của người Đức tên là Kroff trên đường Champagne [nay là đường Lý Chính Thắng]. Năm 1920, Tôn Đức Thắng đã tổ chức và lãnh đạo Công hội bí mật. Những cơ sở Công hội đầu tiên được thành lập ở nhiều cảng, xưởng, nhà máy ở Sài Gòn là tổ chức Công hội đầu tiên của công nhân Việt Nam, mang đậm dấu ấn Tôn Đức Thắng.

Căn nhà số 487 đường Paul Blanch [nay là đường Hai Bà Trưng] – nơi ở và hoạt động của đồng chí Tôn Đức Thắng trong giai đoạn thành lập, lãnh đạo Công hội những năm 1920. Nguồn: Ảnh tư liệu

Tháng 8 năm 1925, dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng, Công hội đã tổ chức công nhân Ba Son đấu tranh ngăn chặn việc sửa chữa chiến hạm Michelt để ủng hộ cách mạng Trung Quốc. Cuộc bãi công thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện ý thức đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đầu năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn. Từ đây, đồng chí có nhiều hoạt động đóng góp vào việc hình thành các tổ chức cách mạng ở Sài Gòn.

Tháng 7 năm 1929, nhân sự kiện vụ án đường Barbier [nay là đường Thạch Thị Thanh, Tân Định, Quận 1], thực dân Pháp mở đợt khủng bố bắt bớ hội viên Kỳ bộ tại Sài Gòn và Nam Bộ. Đồng chí bị bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 25 tháng 6 năm 1930, đồng chí bị tòa đại hình kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo, với tội danh “tham gia với tư cách phụ trách và là thành viên hội kín, hoạt động phá rối an ninh công cộng, gây rối loạn chính trị nghiêm trọng, gây hận thù, chống lại Chính phủ Pháp và Chính phủ bảo hộ,... đã đồng lõa với âm mưu chống lại an ninh nhà nước”[1].

Trong tù, Đồng chí đã cùng với các chiến sĩ cộng sản thành lập Hội những người tù đỏ và Chi bộ Đảng ở Nhà tù Côn Đảo. Để tiện thông tin, giáo dục, Chi bộ quyết định cho ra đời tờ báo viết tay lấy tên là Ý kiến chung. “Toà soạn” đặt tại khám 9, banh I, tức nơi giam Bác Tôn. Rồi sau đó ra thêm tờ Tiến lên, mỗi kỳ ra 30 bản, mỗi bản 30 trang, khổ nhỏ cỡ bloc lịch, khoảng 1/6 hay 1/4giấy học trò; tham gia tổ chức Hội Cứu tế tù nhân trong hầm xay lúa, góp phần cải thiện sinh hoạt ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, tổ chức các chuyến vượt ngục về đất liền... Khi Chi bộ cộng sản ở Nhà tù Côn Đảo được công nhận là một chi bộ đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Bí thư chi bộ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 22 tháng 9 năm 1945 đồng chí Tôn Đức Thắng được chính quyền cách mạng đón về đất liền tại tỉnh Sóc Trăng, tham gia lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sau 15 năm bị giam cầm nơi địa ngục trần gian.

Ngày 15 tháng 10 năm 1945, tại Cầu Vĩ [Mỹ Tho] diễn ra Hội nghị cán bộ toàn xứ nhằm thống nhất Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng, thống nhất tổ chức Mặt trận Việt Minh, củng cố Đảng bộ để lãnh đạo kháng chiến. Hội nghị đã bầu Xứ ủy Nam Bộ thống nhất gồm 11 đồng chí, có đại diện của Xứ ủy Tiền Phong, Xứ ủy Giải phóng và chủ yếu là các đồng chí vừa từ Côn Đảo trở về. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Bí thư Xứ ủy.

Chỉ mười ngày sau, với sự có mặt của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 25 tháng 10 năm 1945, Xứ ủy triệu tập Hội nghị cán bộ toàn Xứ lần thứ hai, họp tại Thiên Hộ [Mỹ Tho]. Đây là Hội nghị lớn nhất của Xứ ủy Nam Bộ để bàn thảo vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ với lực lượng vũ trang, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trên chiến trường Nam Bộ. Tại Hội nghị này đồng chí Tôn Đức Thắng khiêm tốn xin thôi chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và đề cử đồng chí Lê Duẩn, một cán bộ tài năng của Đảng vừa từ Côn Đảo trở về đảm nhiệm chức Bí thư Xứ ủy. Hội nghị đã thống nhất cao và phân công đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách Ủy ban kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang.

Đình Bình Đông [nay thuộc Quận 8] – nơi đồng chí Tôn Đức Thắng tổ chức Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Sài Gòn ngày 5/4/1927

Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa I - Quốc hội lập hiến đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổ chức vào ngày 06 tháng 01 năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trúng cử nhiệm kỳ đầu tiên và liên tục là đại biểu Quốc hội trong 34 năm từ khóa I đến khóa VI [1946 - 1980].

Tháng 2 năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được điều động ra Hà Nội cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên Thường trực Quốc hội đại diện cho Nam Bộ. Từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 23 tháng 5 năm 1946, trên cương vị Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí đã có nhiều đóng góp tích cực trong thời gian làm việc ở Pháp.

Ngày 2 tháng 5 năm 1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam [gọi tắt là Liên Việt] được thành lập, đồng chí được cử làm Phó Hội trưởng.

Tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, đồng chí được bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Tháng 1 năm 1948, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng tập thể Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Là người con Nam Bộ, Đồng chí luôn dành tình cảm sâu nặng với quê hương, “nhiều lần đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến”.

Năm 1948, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ngày 17 tháng 5 năm 1950, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng [tháng 2 năm 1951], đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 3 năm 1951, tại Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày Báo cáo chính trị, nêu rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới. Đại hội đã thông qua Nghị quyết thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành một mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt; nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.

Tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa I [tháng 9-1955], Quốc hội đã nhất trí bầu đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ngoài hai chức vụ chủ chốt trong Quốc hội và Mặt trận Liên Việt, Đồng chí còn được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và tại Đại hội Hòa bình thế giới họp ở Hen-xin-ki, Phần Lan [tháng 7-1955], Đồng chí được bầu làm Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới.

Tháng 9 năm 1955, tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 27 tháng 2 năm 1957, Ban thanh toán nạn mù chữ Trung ương được thành lập, đồng chí được cử làm Trưởng ban.

Ngày 19 tháng 8 năm 1958, Nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, tại Câu lạc bộ Ba Đình [Hà Nội - nay là quảng trường Ba Đình], Bác Hồ đã thay mặt nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng Bác Tôn huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, vì Bác đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong buổi lễ trao tặng huân chương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và Người rất xứng đáng được tặng thưởng huân chương ấy”.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II [7/1960], theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã bầu đồng chí làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, Đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Với tác phong khiêm tốn, giản dị, gần gũi đồng bào, đồng chí, Đồng chí đã dành nhiều thời gian đến thăm các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, công trường, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, trường học…, động viên, khích lệ bộ đội, công nhân, nông dân, người lao động, học sinh, sinh viên thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập, đóng góp sức người, sức của, tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III, đồng chí tiếp tục được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ năm đã nhất trí bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội khóa IV, kỳ họp thứ nhất tiếp tục bầu đồng chí giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất - Quốc hội khóa VI, họp tháng 7 năm 1976, đồng chí đã được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp tại Hà Nội, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 30 tháng 3 năm 1980, do tuổi cao sức yếu, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần, hưởng thọ 92 tuổi.

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn, góp phần cùng Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Bác Tôn là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu rõ: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.

Để ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng và Nhà nước ta trao tặng Đồng chí Huân Chương Sao Vàng, Nhà nước Mông Cổ trao tặng Huân chương Xukhe Bato, Liên Bang Xô Viết trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê Nin. Ở thành phố Odessa-Ukraina có con đường mang tên Tôn Đức Thắng.

Sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nhiều đường phốnđẹp, nhiều trường phổ thông trung học được vinh dự mang tên Bác Tôn.

Ở Thủ đô Hà Nội, đường Hàng Bột cũ là con đường trung tâm thành phố được mang tên Tôn Đức Thắng [nối từ phố Chu Văn An đến Ô Chợ Dừa].

Tại Thành phố Hồ Chí Minh – nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn bó suốt thời tuổi trẻ, Đảng và Nhà nước cho lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng, có một con đường, một giải thưởng, một trường đại học và một trường phổ thông trung học mang tên Tôn Đức Thắng.

Ở An Giang quê hương Chủ tịch có khu lưu niệm cấp quốc gia tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, rất khang trang và đẹp để tưởng nhớ Bác Tôn. Cũng ở trung tâm thành phố này có quảng trường và tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

-------
[1] Hồ sơ vụ án số 200-1 [tiếng Pháp], tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, bản lược dịch của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề