Luật đất đai hiện hành có hiệu lực khi nào năm 2024

Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai [sửa đổi] gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Việc thông qua Luật Đất đai [sửa đổi] tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, cùng với Luật Nhà ở [sửa đổi], Luật Kinh doanh bất động sản [sửa đổi] tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Việc thông qua Luật Đất đai [sửa đổi] cũng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu

Luật Đất đai [sửa đổi] có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết

Liên quan đến Luật Đất đai [sửa đổi], trả lời câu hỏi của phóng viên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nêu rõ, khi trình dự thảo Luật, Chính phủ cũng đã gửi kèm theo các dự thảo Nghị định để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.

Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Và Chính phủ sẽ phải ban hành Nghị định hướng dẫn các điều, khoản này. Số lượng dự thảo cơ quan soạn thảo gửi kèm theo hồ sơ dự án Luật chỉ là dự kiến, vì trong quá trình thi hành, thì số lượng Nghị định hướng dẫn có thể tăng lên hoặc giảm xuống.

Quan trọng nhất là nội dung hướng dẫn phải đầy đủ, có thể một Nghị định hướng dẫn nhiều điều, khoản của Luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế mong muốn, sau khi Luật Đất đai [sửa đổi] được thông qua, Chính phủ sớm có có kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành luật; trong đó, xác định cơ quan nào làm đầu mối chủ trì tham mưu soạn thảo các Nghị định.

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai [sửa đổi]

Cũng theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai [sửa đổi] có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Thứ hai, việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54, Hiến pháp năm 2023, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết...; mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất…

Thứ tư, về tài chính đất đai như: tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước. Nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

[LSVN] - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023. Trong đó, về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai [sửa đổi], Nghị quyết nêu rõ, dự án Luật Đất đai [sửa đổi] đã được Chính phủ trình Quốc hội tại 03 Kỳ họp Quốc hội. Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, 5 và 6 [năm 2022,2023]. Chính phủ đã tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh minh hoạ.

Dự án Luật Đất đai [sửa đổi] là dự án khó, phức tạp, có nhiều chính sách quan trọng, nhạy cảm, có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình góp ý, hoàn thiện. Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các bộ, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện các phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai [sửa đổi].

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ đầy đủ quá trình phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV [tháng 11/2023] và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai [sửa đổi], thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng về các chính sách có liên quan đến nội dung dự thảo Luật, nhất là chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo điều kiện đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện nghiêm túc chủ trương phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật có quy định liên quan, nhất là thống nhất các quy định, thủ tục về cùng một vấn đề.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và thiết kế các quy định cụ thể về các vấn đề:

[1] Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế [điểm b khoản 1 Điều 201] và quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế [điểm h khoản 3 Điều 201] hoàn thiện theo hướng cho phép sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện về nội dung này.

[2] Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp [Điều 158], Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng quy định rõ các phương pháp xác định giá đất; trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

[3] Về việc sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại [Điều 122 và 127], Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý quy định này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại" và phù hợp với thực tiễn.

[4] Về Quỹ phát triển đất [Điều 115], Chính phủ giao Bộ Tài nguỵên và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện các quy định về Tổ chức phát triển quỹ đất và Quỹ phát triển đất tại dự thảo Luật nhằm tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thể chế đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất", "tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".

[5] Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công liên quan đến quy định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy định về các trường hợp tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước".

Về điều khoản chuyển tiếp, cần rà soát kỹ lưỡng những trường hợp phát sinh trong thực tiễn để có cơ chế xử lý, tránh khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, không để sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Về hiệu lực thi hành luật, thống nhất về dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai [sửa đổi] từ ngày 01/01/2025 để đồng bộ với hiệu lực của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề xuất về hiệu lực sớm hơn đối với quy định về hoạt động lấn biển và quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ nhất là ý kiến của các bộ, ngành có liên quan về: đấu giá, thi hành án; quy hoạch, thủ tục đấu thầu, giao đất, cho thuê đất gắn với quy trình phê duyệt dự án đầu tư, dự án đầu tư công, tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; các trường hợp định giá đất và phương pháp định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quỹ phát triển đất; thế chấp tài sản là nhà ở, dự án bất động sản; đất quốc phòng, an ninh; quy hoạch lâm nghiệp, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... ; phối hợp với Bộ Tư pháp về tính thống nhất của hệ thống pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung của các luật khác tại dự thảo Luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ về các đề xuất tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện đầy đủ nội dung tiếp thu trong dự thảo Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông thoáng, tạo điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản nhà nước, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội dự án Luật này vào tháng 01 năm 2024.

Chính phủ giao việc trong thời gian đến khi Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Luật Đất đai [sửa đổi]. Cụ thể, Giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai [sửa đổi]; khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp này và tại Phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, cơ quan liên quan kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nội dung phát sinh trước khi Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai [sửa đổi] tại Kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 01 năm 2024.

Chính phủ giao các bộ, cơ quan chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai [sửa đổi].

Ngoài ra, giao Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ Đề