Khái niệm thể định hướng là gì

Định hướng giá trị [ĐHGT] là phương thức chủ thể sử dụng để phân biệt các sự vật theo ý nghĩa của chúng đối với chính mình, từ đó hình thành nội dung cơ bản của xu hướng, động cơ hoạt động [1; tr 67]. Đó là hệ thống những giá trị được cá nhân nhận thức, trở thành niềm tin và thúc đẩy con người hành động để đạt được mục đích trong cuộc sống.

ĐHGT là cấu tạo tâm lí đặc trưng của nhân cách, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, đặc biệt là thanh niên -sinh viên [TN-SV] nhóm xã hội đặc thù, là nguồn lực to lớn của xã hội, sẽ góp phần quyết định sự tiến bộ của xã hội hiện nay, xây dựng lí tưởng, niềm tin cách mạng, hình thành đạo đức lối sống, thúc đẩy động cơ lập thân, lập nghiệp, hình thành ý thức và trách nhiệm công dân

Bên cạnh đó, đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, nhiều giá trị xã hội đang bị ảnh hưởng mạnh bởi xu thế toàn cầu hóa, trong đó có sự đan xen giữa những giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại cả tích cực và không ít tiêu cực tạo nên cuộc đấu tranh trong quá trình tiếp nhận và hình thành ĐHGT của mỗi TN-SV nói riêng cũng như trong cộng đồng.

Khái niệm định hướng giá trị

ĐHGT là một trong những khái niệm của Tâm lí học, là yếu tố quan trọng nhất của cấu trúc bên trong của nhân cách, được củng cố bởi kinh nghiệm sống cá nhân và tập hợp những trải nghiệm của cá nhân, giúp họ phân biệt cái có ý nghĩa, cái bản chất với cái vô nghĩa, cái không bản chất.

Theo I. T. Levukin: ĐHGT là việc đánh giá các khả năng và tình hình hiện có, để xác định phương tiện và phương pháp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra [1; tr 68].

Tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng: ĐHGT là một trong những biến đổi rõ nét của đặc trưng xu hướng nhân cách và có ý nghĩa hướng dẫn hoạt động của con người. Nó mang đậm nét tính xã hội lịch sử chung của cộng đồng, nét riêng của từng dân tộc, những nét đặc thù của nhóm xã hội, nhóm lứa tuổi, giới nghề nghiệp, tôn giáo, địa phương khác nhau [2; tr 37].

Nhấn mạnh vai trò của ĐHGT trong việc điều chỉnh hành vi, tác giả Trần Trọng Thuỷ cho rằng: ĐHGT là các giá trị đã được con người sống trong xã hội tiếp thu với tư cách như là những tiêu chuẩn của hành vi [3; tr 11].

Tác giả Lê Đức Phúc quan niệm: ĐHGT là thái độ lựa chọn của con người đối với các giá trị vật chất và tinh thần; là một hệ thống tâm thế, niềm tin, sở thích được biểu hiện trong hành vi của con người. Đó cũng là năng lực của ý thức, nhận thức và đánh giá các hoạt động và các sản phẩm xã hội khác nhau [4; tr 71].

Như vậy, có rất nhiều quan điểm khác nhau về ĐHGT, song các tác giả đều có sự thống nhất ở các điểm cơ bản sau đây:

ĐHGT là một yếu tố quan trọng của cấu trúc nhân cách, được hình thành và củng cố bởi năng lực nhận thức, bởi kinh nghiệm sống cá nhân qua sự trải nghiệm lâu dài, giúp cá nhân có thể tách cái có ý nghĩa, cái bản chất thiết thân đối với họ ra khỏi cái vô nghĩa, cái không bản chất. Bởi vì ĐHGT được hình thành thông qua quá trình cá nhân gia nhập các quan hệ xã hội, hoạt động sống cơ bản và là chủ thể của hoạt động đó, hướng vào các giá trị có ý nghĩa cơ bản đối với cá nhân hay nhóm.

Quá trình ĐHGT bao giờ cũng chứa đựng các yếu tố nhận thức [đánh giá], ý chí và cảm xúc [thử nghiệm], cũng như các khía cạnh đạo đức, thẩm mĩ trong sự phát triển nhân cách.

ĐHGT là cơ sở bên trong của hành vi, quyết định lối sống cá nhân; tập hợp các giá trị đang tồn tại tạo nên nét đặc biệt của ý thức, bảo đảm tính kiên định của nhân cách. Sự kế thừa hành vi và hoạt động theo phương thức xác định chúng biểu thị ở nhu cầu và hứng thú, là nhân tố quan trọng nhất điều chỉnh và quyết định hệ động cơ của nhân cách.

Như vậy, theo chúng tôi: ĐHGT là thái độ lựa chọn của cá nhân hay của nhóm xã hội vào hệ thống giá trị này hay giá trị khác trên cơ sở hệ thống giá trị đó được nhận thức, hình thành niềm tin và có ý nghĩa và quyết định hành vi lựa chọn của họ.

Có nhiều cách để phân loại ĐHGT, cụ thể:

+ Căn cứ vào đối tượng định hướng, có thể phân chia thành: ĐHGT vật chất và ĐHGT tinh thần.

+ Căn cứ vào ý nghĩa tích cực hay tiêu cực của những giá trị mà con người đang theo đuổi, có thể phân chia thành: ĐHGT tích cực và ĐHGT tiêu cực.

+ Căn cứ vào ý nghĩa xã hội hay ý nghĩa cá nhân của giá trị, có thể phân chia thành: ĐHGT xã hội và ĐHGT cá nhân.

Vai trò của định hướng giá trị với sự phát triển nhân cách

Đối với việc hình thành nhân cách con người mới, ĐHGT có vai trò như sau:

ĐHGT là cơ sở hình thành lí tưởng, niềm tin cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, sự biến đổi nền kinh tế thị trường và những biến động kinh tế chính trị phức tạp nên con người nói chung, TN-SV nói riêng cần phải có những nhận thức và chính kiến về những vấn đề như tình hình đất nước, xác lập lí tưởng, niềm tin của cuộc sống. Do đó, việc chỉ ra ĐHGT của TN-SV là một việc làm rất cần thiết.

ĐHGT là chỉ tiêu của đạo đức, lối sống, quyết định những phẩm chất cá nhân như: tính mục đích, tính tư tưởng, sự nỗ lực ý chí, tính tích cực của nhân sinh quan.

ĐHGT đối với thái độ lao động lập thân, lập nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất, tạo thành lí tưởng, niềm tin của TN-SV hiện nay.

ĐHGT là cơ sở hình thành ý thức trách nhiệm và nhân cách công dân. ĐHGT có vai trò định hướng nhân cách theo xu thế phát triển của xã hội mới, góp phần hình thành ý thức công dân và nhân cách con người mới trên cơ sở các chuẩn mực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • [1] Nguyễn Quang Uẩn [1995]. Giá trị, định hướng giá trị nhân cách và giáo dục giá trị. Đề tài KX-07-04.
  • [2] Phạm Minh Hạc [1994]. Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới. Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX-07.
  • [3] Trần Trọng Thủy [1993]. Giá trị, định hướng giá trị và nhân cách. Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, số 7, tr 11.
  • [4] Lê Đức Phúc [1992]. Giá trị và định hướng giá trị. Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, số 13, tr 71.

[Nguồn: Vũ Thùy Hương, Cơ sở tâm lí học về định hướng giá trị của thanh niên sinh viên, Tạp chí Giáo dục, Số 433]

Video liên quan

Chủ Đề