Hội người cao tuổi là gì

Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu [1961]. [Nguồn: Ảnh tư liệu]

[Thanhuytphcm.vn]- Cách đây đúng 32 năm [1982], Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị thế giới về người cao tuổi đầu tiên tại Thành phố Venne - Thủ đô nước Cộng hoà Áo. Hơn 3.000 đại biểu của tất cả các nước, các tổ chức phi chính phủ đã đến dự. Sau khi phân tích sâu sắc mọi mặt tình hình người cao tuổi, Hội nghị đã chỉ ra những tiềm năng quý giá của người cao tuổi và khẳng định người cao tuổi là một nhân tố quan trọng của sự phát triển, Hội nghị đã trịnh trọng tuyên bố: Cần bảo đảm không một hạn chế nào, mọi quyền lợi của người cao tuổi theo đúng Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên hợp quốc. Đại hội lịch sử này đã thông qua Chương trình hành động Quốc tế dài hạn về người cao tuổi [Nghị quyết số 37/51]; Phát động Năm Quốc tế Người cao tuổi [1982]; Thông qua biểu tượng Cây đa biểu trưng của người cao tuổi.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động Quốc tế dài hạn về người cao tuổi, năm 1991 Liên hiệp quốc thấy cần thiết phải rà soát về hiệu lực và tính khả thi của Chương trình, trên cơ sở đó, điều chỉnh bổ sung để xây dựng Chương trình cho 10 năm tiếp theo [1992 - 2001]. Đại hội đồng Liên hiệp quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết 46/91 về Những nguyên tắc thuộc đạo lí đối với người cao tuổi làm cơ sở để xây dựng mọi chương trình hành động quốc tế và đối với từng quốc gia, đồng thời ra Nghị quyết số 45/106, lấy ngày 1/10 hàng năm là Ngày Quốc tế Người cao tuổi.

Đây là một quyết định có tầm quan trọng quốc tế, là biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của toàn thể cộng đồng loài người đến một hiện tượng mới mẻ, đó là sự gia tăng nhanh chóng của dân số người cao tuổi, cần thống nhất hành động vì quyền lợi của người cao tuổi và cũng vì sự tiến bộ chung của nhân loại. Trong thông báo của Liên hợp quốc về quyết định này đã ghi rõ: Bằng việc đề ra Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Liên hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn thực tế về người cao tuổi, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là già hoá dân số và trong tương lai không xa về kỷ nguyên của người cao tuổi.

Kính lão trọng thọ là một trong những nét đẹp truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; là sự thừa nhận công lao đóng góp của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, của lớp người trẻ tuổi đối với người cao tuổi, nâng cao truyền thống Uống nước nhớ nguồn, trọng nhân nghĩa của nhân dân ta. Đặc biệt là sau khi Đảng ra đời, những truyền thống cao đẹp ấy lại càng được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xây dựng và phát triển ngày một sâu rộng hơn.

Sinh thời, Bác Hồ luôn kính trọng người già và yêu quý trẻ em, Người xem những vị thượng thọ là của quý giá của dân tộc và những tấm gương sáng của các cụ phụ lão và thanh thiếu niên là tượng trưng phúc đức của nước nhà trong đường lối cách mạng dựa vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Tháng 6 năm 1941, Bác Hồ viết thư gửi tất cả các bậc phụ lão trong cả nước, trong thư có đoạn: Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui.

Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: Lão lai tài tận, nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: Lão giả an chi [người già nên ở yên]. Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc đời để cho con cháu bày trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng.

Người lại nói: Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức Phụ lão cứu quốc Hội để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà.

Như vậy, ngay những ngày đầu về nước chỉ đạo trực tiếp cách mạng Việt Nam, lúc mới thành lập nước, cách mạng còn đang trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đe dọa, Bác Hồ đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của người cao tuổi, đồng thời để khai thác tiềm năng phát huy vai trò người cao tuổi thì việc đầu tiên là phải đưa người cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là Phụ lão cứu quốc Hội.

Sau này, khi chiến tranh qua đi, người cao tuổi vẫn luôn có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Người cao tuổi là một trong những lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Trong gia đình, người cao tuổi nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của những người cao tuổi, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi để đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ.

Sau khi nhận được thông báo của Liên hợp quốc, ngày 1/10/1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước [nay là Chủ tịch nước] Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng định: Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người cao tuổi tại Thủ đô Hà Nội. [Nguồn: Ảnh tư liệu]

Ngày 17/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng [nay là Thủ tướng Chính phủ] ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế Người cao tuổi, đã chỉ ra những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 hàng năm, trong đó đã xác định Ngày Quốc tế Người cao tuổi cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.

Ngày 24/9/1994, Phó Thủ tướng kí Quyết định số 523/1995/QĐ-TTg cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ngày 10/5/1995, Đại hội lần thứ nhất Hội Người cao tuổi Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội Quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Ngày 27/9/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng [khoá VII] ban hành Chỉ thị 59/CT-TW về Chăm sóc người cao tuổi.

Ngày 27/2/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 117/TTg về Chăm sóc người cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Đảng, Nhà nước luôn luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Đại hội lần thứ hai Hội Người cao tuổi Việt Nam năm 2001 bức trướng 18 chữ vàng Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 21/10/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2003/NĐ-CP quy định chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó có Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn là cán bộ không chuyên trách được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng. Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 1 tháng 6 năm 2011 quy định mức phụ cấp của Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn không quá 1,5 lần so với mức lương tối thiểu chung.

Ngày 5/8/2004, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 141/2004/QĐ-TTg, thành lập Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Quyết định số 301/2005/QĐ-TTg ngày 21/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2005-2010.

Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng [4/2006] đã xác định 2 nội dung chăm sóc và phát huy người cao tuổi: Đối với người cao tuổi, chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hoá, được thông tin, sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình, xây dựng gia đình ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu hiếu thảo.

Ngày 23/11/2009, Quốc hội khoá XII thông qua Luật Người cao tuổi. Đây là niềm phấn khởi, tự hào của người cao tuổi Việt Nam, vì nhiều nước có điều kiện kinh tế và mức sống cao hơn nước ta, nhưng cũng chưa ban hành được Pháp lệnh và Luật về người cao tuổi.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng tiếp tục xác định: Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống trong xã hội và gia đình.

Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số: 1781/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020.

Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 544/QĐ -TTg, lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung tặng hoa mừng thọ cụ Phạm Thị Lê Hương ngày 4/6/2018. [Nguồn: Ảnh tư liệu]

Bên cạnh những chính sách trọng điểm nêu trên, Đảng và Nhà nước còn tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần của người cao tuổi thông qua việc xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí...

Các Bộ, ngành, chính quyền Nhà nước các cấp đã đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa, giải trí, du lịch, luyện tập dưỡng sinh và các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe, tâm lý; xây dựng, cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng và bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi; có hướng dẫn, có chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi và tùy từng loại phương tiện có công cụ hỗ trợ hoặc sự trợ giúp phù hợp với người cao tuổi trên các phương tiện giao thông công cộng

Những năm qua nhờ những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, tuổi thọ trung bình của nguời Việt Nam được nâng cao hơn. Các quan điểm trước đây cho rằng già hóa dân số sẽ là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng các nhà xã hội học và chuyên gia dân số hiện nay cho rằng đó là một quan điểm sai lầm cần phải thay đổi hoàn toàn: Phải coi già hóa dân số là thành tựu xã hội to lớn của loài người và các quốc gia, phải chuyển quan niệm nhận thức Người cao tuổi là gánh nặng thành Người cao tuổi là tài sản, bởi người cao tuổi có vai trò và giữ vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, người cao tuổi vừa là tấm gương để các thế hệ trẻ noi theo, vừa là kho kinh nghiệm, kho tàng văn hóa nghệ thuật, giá trị truyền thống tốt đẹp. Những bài học về luân thường đạo lý, đối nhân xử thế, những kinh nghiệm quý giá trong sản xuất, kinh doanh... của người cao tuổi là hành trang quan trọng của lớp trẻ khi vào đời, khởi nghiệp.

Người cao tuổi là nguyên khí quốc gia, là tài sản quý báu và là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi. Đó vừa là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với những bậc cha ông đã có những đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng đó cũng vừa là quyền lợi của bản thân một khi bước vào giai đoạn lão trong quy luật của đời người.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề