Học cách chiến đấu 70


Ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, những tưởng sau hơn 80 năm đô hộ thực dân Pháp, 5 năm bị phát xít Nhật xâm chiếm, đất nước ta sẽ được độc lập, dân ta được sống tự do ấm no hạnh phúc, thì chỉ có 21 ngày sau, vào ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần hai.


Khu di tích Đình Tân Hưng, tọa lạc tại xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau. Ảnh: Trầm Nghĩ

Từ đây dân tộc ta, đất nước ta tiếp tục đứng lên chống ngoại bang xâm lược với tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Không có gì quý hơn độc lập tự do, tinh thần chiến đấu đó dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, đưa cách mạng nước ta sang trang mới, miền Bắc được giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục làm cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khi thực dân Pháp rút khỏi nước ta theo quy định của Hiệp định Geneve, thì đế quốc Mỹ nhảy vào biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, làm tiền đồn chống cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và phong trào cách mạng ở Đông Nam Châu Á. Với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tinh thần Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Còn cái lai quần cũng đánh quân dân ta trường kỳ kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sau 21 năm chiến đấu vào ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc - đi trước về sau, trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đã hứng chịu biết bao đau thương tang tóc, biết bao con người ưu tú của dân tộc dâng hiến tuổi thanh xuân để cho đất nước, cho dân tộc có ngày 30/4/1975 thắng lợi trọn vẹn, non sông thu về một mối. Những mảnh đất, những con người đã làm nên lịch sử, mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ở vùng đất cuối cùng của cực Nam Tổ quốc, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng vững chắc, là một trong những mảnh đất tạo nên Thành đồng Tổ quốc, góp phần to lớn làm nên chiến thắng thần thánh của dân tộc ta trong thế kỷ XX; mặt trận Tân Hưng - Cà Mau trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong những minh chứng rõ nét nhất của đất thép thành đồng.

Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm được Sài Gòn - Gia Định, chúng tiến hành đưa quân đánh lần lượt các tỉnh ở Nam Bộ, hòng tạo bàn đạp đánh ra miền Bắc và mở rộng chiến tranh xâm lược toàn bộ đất nước ta. Chúng tập trung đánh chiếm các tỉnh miền Tây Nam Bộ, do ở đây tương quan lực lượng rất lớn giữa ta và địch, đồng thời chúng muốn tạo ra hậu phương vững chắc vì đây là vùng đất tạo ra rất nhiều lương thực, thực phẩm.

Trước sự tấn công quy mô lớn của thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Sông Hậu; đồng thời, để xây dựng lực lượng và căn cứ kháng chiến lâu dài, trung tuần tháng 2 năm 1946, Bộ Chỉ huy Chiến khu 9 họp hội nghị mở rộng ở Ngan Dừa - Phước Long, hội nghị quyết định tổ chức ra ba phân khu [còn gọi là 3 mặt trận]: Phân khu Ngan Dừa - Phước Long, Phân khu Cái Tàu - An Biên, Phân khu Tân Hưng - Cà Mau [Mặt trận Tân Hưng] để ngăn bước tiến của địch và căng địch ra để đánh.

Mặt trận Tân Hưng bố trí với chính diện từ sông Ông Đốc [Giao Vàm] qua Rạch Rập, lộ xe đến Gành Hào, chiều sâu từ sát thị trấn Cà Mau đến Cái Rắn, khu vực chính là đình Tân Hưng. Xác định Mặt trận Tân Hưng có vị trí chiến lược quan trọng, ngăn chặn quân địch đánh xuống phía Nam Cà Mau, để tăng cường phòng thủ cho mặt trận, cuối tháng 3/1946 Ủy ban Kháng chiến tỉnh Bạc Liêu và quận Cà Mau [lúc đó Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu] huy động hàng ngàn dân, có lực lượng vũ trang bảo vệ và hàng trăm xuồng ghe chở đất đá, xốc cây, đắp đập, hàn cản Tắc Thủ, ngăn không cho tàu địch chạy vào căn cứ. Hai bên bờ sông đào một số cộng sự để bộ đội và du kích chiến đấu ngăn chăn và tiêu hao sinh lực địch. Đây là hình thức vật cản và công sự chiến đấu buổi đầu kháng chiến ở vùng đồng bằng sông nước, sau này việc đắp cản, hàn sông được phổ biến khắp vùng đồng bằng Sông Cửu Long, hình thức ngày càng phát triển phong phú. Các cản đất, cản gỗ được tăng cường, phối hợp với mìn, chông, lựu đạn gài bố trí 2 bên sông, trước và sau cản, kết hợp với thủy lôi tự tạo, tạo thành khu vực phòng thủ liên hoàn. Lực lượng lúc mới hình thành chủ yếu là Cộng hòa vệ binh của Cà Mau và dân quân du kích trong mặt trận, sau khi mặt trận Ngan Dừa - Phước Long bị tan vỡ, Chiến khu bộ và một số đơn vị lực lượng vũ trang của khu, của tỉnh được tăng cường về phối hợp với mặt trận. Trong quá trình chiến đấu có tiểu đội du kích xã Tân Hưng Tây do đồng chí Trần Tứ Phương chỉ huy và lực lượng bộ đội Hải ngoại do Tăng Thiên Kim lãnh đạo được Bộ Chỉ huy Chiến khu tăng cường cho mặt trận. Nhân dân tích cực tham gia mặt trận quyết tâm cùng lực lượng vũ trang ngăn chặn địch, quyên góp ủng hộ mặt trận, xung phong đi hàn cản, đắp mô trên lộ, làm chướng ngại vật, tiếp tế, tải thương, trong đó nổi bật là đồng chí Trần Thị Minh Khai [Hai The], Quận ủy viên Cà Mau vận động hàng trăm chị em phụ nữ đi tiếp tế nuôi quân.

Sau khi phá vỡ được mặt trận Phước Long - Ngan Dừa, mặt trận Cái Tàu - An Biên và chiếm được quận lỵ Cà Mau, lúc này ở miền Tây Nam Bộ chỉ còn mặt trận Tân Hưng, nên thực dân Pháp tập trung mọi lực lượng quyết tâm phá vỡ. Ngày 02/5/1946, Pháp tập trung lực lượng lớn và phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ mở cuộc đại tiến công vào mặt trận Tân Hưng. Địch tiến công vào mặt trận theo các hướng: Hướng chính diện, bộ binh có xe cơ giới và máy bay yểm trợ tiến theo hướng lộ Cà Mau - Năm Căn; hướng vu hồi phía Tây, chúng cho tàu chiến tiến ra Tắc Thủ và theo sông Ông Đốc hòng đánh tạc sang hướng trái và vu hồi phía sau ngăn chặn quân ta rút về rừng tràm U Minh; một bộ phận tàu chiến khác có chở cả bộ binh tiến đánh vu hồi về phía Đông theo sông Gành Hào - Kinh xáng Đội Cường nhằm đánh vòng bên sườn phải không để quân ta rút về rừng đước Năm Căn.

Quân ta chặn đánh quyết liệt, chặn đứng nhiều đợt tiến công của quân địch trên hướng chính diện, nhưng do tương quan lực lượng và vũ khí trang bị, nên ta không ngăn chặn được hai hướng vu hồi đường sông của địch. Trong trận đánh trên Kinh xáng Đội Cường các đồng chí Tô Bình Đẳng, Huỳnh Ngọc Điệp, Nguyễn Văn Thuận, Trung Cang cải tiến thủy lôi Nhật để đánh tàu địch. Khi tàu địch đến, thủy lôi nổ nhưng không trúng mục tiêu, các cỡ súng trên tàu bắn mãnh liệt vào đội hình của quân ta, đồng chí Trung Cang anh dũng hy sinh và được nhân dân lấy tên đặt cho ấp mình là ấp Trung Cang nơi đồng chí hy sinh. Bộ Chỉ huy Chiến khu 9 quyết định đưa các lực lượng ở mặt trận Tân Hưng về các địa phương phát triển chiến tranh du kích, một bộ phận lui về Đầm Dơi bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài. Mặt trận Tân Hưng, mặt trận cuối cùng ở Chiến khu 9 bị phá vỡ, địch bắt đầu đóng đồn bót nối liền từ Cà Mau đến Năm Căn.

Mặt trận Tân Hưng tuy bị tan vỡ, nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ, ngăn chặn địch trong suốt ba tháng, đủ thời gian cho Xứ ủy, Khu ủy, Tỉnh ủy xây dựng các vùng căn cứ ở Cái Tàu - U Minh và vùng rừng đước Năm Căn. Mặt trận Tân Hưng còn nói lên sức mạnh của chiến tranh nhân dân theo đường lối lãnh đạo của Đảng, là một sự kiện nổi bật trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và từ đây đã rút ra một số bài học về hình thức tác chiến, phân tán lực lương, tiến hành chiến tranh du kích, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, không còn dàn mặt trận và tổ chức các phân khu như trước, địch dễ tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại tiêu diệt mặt trận ta, đồng thời giúp cho lực lượng vũ trang tỉnh rút ra được bài học quan trọng về chiến thuật cách đánh vu hồi để phòng thủ bảo vệ các khu căn cứ của ta vững chắc sau này.

Mặt trận Tân Hưng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của quân và dân Cà Mau đồng lòng đánh giặc, cùng nhau đồng cam cộng khổ với tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh , dù kẻ thù có quân số đông và vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng chỉ với tầm vông, giáo mác, vài khẩu súng trường... vậy mà mặt trận Tân Hưng đã đương đầu với quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần, ròng rã hơn 3 tháng trời.

Mặt trận Tân Hưng mãi mãi là dấu son chói lọi, là chiến công vang dội của quân dân Cà Mau anh hùng, là biểu tượng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tiền đề quan trọng, là bài học kinh nghiệm quý báu cho lực lượng vũ trang tỉnh trong 70 năm qua xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Video liên quan

Chủ Đề