Dịch vụ xã hội cho người cao tuổi

(HNM) - Người cao tuổi là nhóm đối tượng đã hết tuổi lao động, sức khỏe suy giảm, nên cần được chăm sóc, bảo vệ bởi các chính sách an sinh, tiếp cận với hệ thống dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, dịch vụ xã hội đối với người cao tuổi ở nước ta vẫn còn những khoảng trống, đòi hỏi phải được mở rộng, qua đó tạo điểm tựa an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này.

Dịch vụ xã hội cho người cao tuổi

Một người cao tuổi có bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.

Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, bằng gần 12% tổng dân số cả nước. Đây là nhóm đối tượng được ưu tiên thụ hưởng các chính sách an sinh, sử dụng các dịch vụ xã hội. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 3 triệu người, khám sức khỏe định kỳ cho gần 4 triệu người; hơn 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế để được hỗ trợ khám, chữa bệnh. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu được trợ cấp xã hội hằng tháng. Riêng năm 2021, nước ta có hơn 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, chiếm 51,4% tổng số người hưởng trợ cấp xã hội ngoài cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Hanh, trú tại tổ dân phố Phố Ga, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) cho biết, mẹ đẻ của ông là cụ Đỗ Thị Diềm (84 tuổi), hiện được trợ cấp xã hội 360.000 đồng/tháng. Số tiền này đã giúp cụ Diềm nâng cao được mức sống.

Tuy nhiên, trụ cột chính của an sinh xã hội là bảo hiểm xã hội mới bao phủ một phần nhóm dân số là người cao tuổi. Hiện tại, cả nước có hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, bằng hơn 36% dân số là người cao tuổi. “Trong nhóm hơn 60% người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, nhiều người không có khoản tích lũy cho tuổi già, nên cuộc sống còn khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh nhất thế giới, nên số người cao tuổi sẽ tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa, nước ta đối mặt với nguy cơ già trước khi giàu”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi trăn trở.

Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Bùi Tôn Hiến cho rằng, nhiều chính sách an sinh xã hội hiện hành, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế chính thức (có hợp đồng lao động, quan hệ lao động), khiến nhiều người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức khó tiếp cận, dẫn đến họ không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho tuổi già. Nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa động viên, thu hút được nhiều tổ chức tư nhân, cộng đồng tham gia... Còn Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Andre Gama đánh giá, việc triển khai hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam còn chồng chéo, nên hiệu quả chưa cao.

Nhằm tạo điểm tựa an sinh xã hội vững chắc cho người cao tuổi, nhiều ý kiến khuyến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi đồng bộ với các chính sách xã hội khác, hài hòa, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, lấy yếu tố con người làm trung tâm. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội cần thiết kế theo hướng linh hoạt, đa tầng, tạo điều kiện để đông đảo người dân tham gia. Chính sách bảo hiểm y tế cần tăng tính hấp dẫn. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu nên được rút ngắn. Cùng với đó là nguồn lực để trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi cần được bổ sung; hệ thống dịch vụ xã hội cần mở rộng...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho hay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách an sinh quan trọng, góp phần tạo lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững, từng bước hiện thực hóa mục tiêu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế trong tương lai không xa.

Dân số luôn biến đổi theo không gian và thời gian. Những biến đổi về dân số có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội trên tất cả các mặt y tế, giáo dục, việc làm, văn hóa, an sinh xã hội, môi trường… Cho đến nay dân số thế giới đang có những biến động lớn về cơ cấu tuổi dân số ở các nước đang phát triển và đặt ra những thách thức không nhỏ cho các Chính phủ, đòi hỏi phải có những chính sách can thiệp phù hợp. Việt Nam đã chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn “dân số vàng”, đồng thời với giai đoạn già hóa dân số. Số liệu thống kê cho thấy người cao tuổi (NCT) Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và tỷ trọng trong dân số, điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho đời sống của nhóm NCT cũng như cho hệ thống an sinh xã hội.

Bảng 1. Xu hướng gia tăng tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam trong tổng dân số qua các năm

Năm

Tổng dân số

(triệu người)

Số lượng NCT 60+

(triệu người)

Tỷ trọng NCT 60+ trong tổng dân số (%)

1979

53,74

3,71

6,90

1989

64,38

4,64

7,20

1999

76,33

6,19

8,10

2009

85,79

7,72

9,00

2011

87,80

8,70

9,90

2016

92,7

10,14

10,94

2017

93,69

10,26

10,95

Nguồn: Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê các năm, Điều tra Dân số và nhà ở, Báo cáo của Ủy ban Quốc gia người cao tuổi các năm.

Trong đời sống xã hội, người cao tuổi luôn có vai trò rất quan trọng. NCT là một trong những lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Trong gia đình, NCT nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ vẫn tiếp tục có những đóng góp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, NCT ở Việt Nam đa phần có đời sống vật chất khó khăn, chăm sóc sức khỏe chưa thật đầy đủ, cuộc sống tinh thần chưa thực sự thỏa mãn, còn nhiều người trong tình trạng sống cô đơn. 

Nhận thức được điều này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với NCT để đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ. Các chính sách này đã tạo ra các khuôn khổ pháp lý để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. 

Trước khi có Luật NCT, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã đưa ra các chủ trương và ban hành, triển khai nhiều chính sách cụ thể trên thực tế như Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 27/9/1995 về chăm sóc NCT; Chỉ thị số 117/TTg ngày 27/2/1996 về chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam; Pháp lệnh Người cao tuổi số 23/2000/PL-UBTVQH10; Nghị định 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu; Quyết định số 141/2004/QĐ-TTG ngày 05/08/2004 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam. Các chính sách này đã thể hiện được các nội dung căn bản: Dành ngân sách để chăm sóc vật chất và tinh thần của NCT; Nhấn mạnh việc tạo điều kiện về mọi mặt để Hội người cao tuổi phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc NCT là nhiệm vụ của các cấp, ngành để góp phần thực hiện tốt chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng; Chăm sóc vật chất và tinh thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa; quy định về chăm sóc, phụng dưỡng NCT; phát huy vai trò của NCT.

Trong giai đoạn này, Pháp lệnh NCT là văn bản pháp lý rất quan trọng cùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chính phủ, các Bộ, Ngành quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh NCT để điều chỉnh các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của NCT. Nhờ vậy, NCT đựơc xã hội quan tâm chăm sóc hơn. Số người bị tàn tật, cô đơn, không nơi nương tựa từ 60 tuổi đến dưới 85 tuổi được hỗ trợ khó khăn, từ 85 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng; nhiều NCT khác được nuôi dưỡng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội hay được chăm sóc tại cộng đồng.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn để ghi nhận vai trò cũng như nhằm đảm bảo tốt hơn việc chăm sóc, bảo vệ các quyền hợp pháp của NCT, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật NCT và được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với NCT đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với NCT ở Việt Nam. Đó là, Bộ Luật Lao động 2012 có 1 mục quy định riêng đối với lao động là NCT; Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 có sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 1781/ QĐ-TTg ngày 22/11/2012 phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020; Nghị định số 141/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 hướng dẫn Luật Giáo dục đại học của Chính phủ về điều kiện, thời gian, nhiệm vụ, thủ tục, trình tự xem xét việc kéo dài và chính sách với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc; Nghị định 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư 21/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT; Thông tư 35/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT... Các văn bản quy phạm pháp luật này đã góp phần hoàn thiện các chế độ, chính sách quan tâm, chăm sóc và ưu đãi đối với NCT ở Việt Nam.

Có thể thấy rằng, các chính sách về NCT cũng đã quan tâm, bảo đảm đến hầu hết tất cả các lĩnh vực trong đời sống của NCT, từ trong hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế - chăm sóc sức khỏe cho đến các hoạt động về thể dục thể thao, giải trí, du lịch hay trong sử dụng các công trình, các phương tiện công cộng.

Chính sách quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi

Về các quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, Luật NCT 2009 đã quy định chi tiết. Đây là các căn cứ pháp lý cơ bản để NCT được tham gia để phát huy vai trò của mình trong các hoạt động của đời sống xã hội cũng như được thụ hưởng sự chăm sóc của gia đình, cộng đồng, xã hội.

NCT có các quyền[1] sau đây: (1) Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; (2) Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; (3) Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của pháp luật; (4) Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; (5) Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò NCT; (6) Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; (7) Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác; (8) Được tham gia Hội NCT Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội và (9) Có những quyền khác theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, đã có nhiều chính sách thuộc các lĩnh vực có đề cập và triển khai nhằm đảm bảo các quyền của NCT, tuy còn ở các mức độ khác nhau.

Bên cạnh các quyền, NCT có các nghĩa vụ[2] sau đây: Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;  truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của NCT cũng đã nhấn mạnh trong mục tiêu của Chương trình Hành động quốc gia Việt Nam giai đoạn 2012-2020.

Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Chăm sóc sức khỏe cho NCT được quan tâm với những quy định riêng biệt. Chính sách chăm sóc sức khỏe cho người NCT được thể hiện rất rõ trong Luật NCT và một số các văn bản dưới luật của các Bộ, Ngành có liên quan. Nhìn chung, những nét căn bản trong chính sách chăm sóc sức khỏe cho NCT bao gồm:

- Ưu tiên trong khám, chữa bệnh cho NCT, nhất là những người từ 80 trở lên tại các cơ sở khám, chữa bệnh (ví dụ: được ưu tiên khám trước, trừ các trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật nặng; được bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú);

- Các bệnh viện (trừ bệnh viện Nhi khoa) có trách nhiệm: tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT; phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là NCT sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình; kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là NCT;

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho NCT;

- Tại nơi cư trú, trạm y tế xã/phường/thị trấn có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý sức khỏe NCT, lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính; tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho NCT; tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ, khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho NCT; cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ việc đưa những người bệnh này tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã. Đồng thời Nhà nước quy định Chính quyền xã/phường/thị trấn hỗ trợ ngân sách địa phương cho tất cả các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú[3]. Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh cho NCT tại nơi cư trú.

Ngoài ra, để triển khai cụ thể các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT, đến 30/3/2016 Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1727/BYT-KCB và 1728/BYT-KCB về việc thực hiện chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ NCT, đã hướng dẫn về quy trình khám sức khỏe định kỳ cho NCT theo Thông tư 14/2013/TT-BYT; xây dựng và hướng dẫn địa phương triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT” nhằm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần phù hợp; phòng tránh các nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm; biết tự chăm sóc thông thường đúng cách; duy trì hoạt động mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng.

Chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi

Nhà nước ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện cho NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động của đời sống xã hội. Đó là, NCT tham gia giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu con người và thiên nhiên; xây dựng đời sống văn hoá; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở cơ sở và cộng đồng; tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng người có đức, có tài và các cuộc vận động khác tại cộng đồng; truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; tư vấn chuyên môn, kỹ thuật; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, quan liêu; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật;

các hoạt động xã hội khác vì lợi ích của Tổ chức và nhân dân.

Tại các địa bàn cư trú, người cao tuổi tham gia vào Hội NCT, các tổ chức xã hội khác theo đúng quy định của pháp luật nhằm phát huy hết vai trò của NCT với những kinh nghiệm quý báu để xây dựng, phát triển gia đình, cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhằm phát huy năng lực giảng dạy - nghiên cứu, kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc của đội ngũ các nhà giáo cao niên đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, để thực hiện chính sách phát huy vai trò của NCT, từ năm 2000 Chính phủ ban hành Nghị định 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu. Nghị định này quy định về điều kiện, thời gian, nhiệm vụ, thủ tục, trình tự xem xét việc kéo dài và chính sách với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc. Theo đó, những giảng viên là giáo sư, phó giáo sư khi đến tuổi nghỉ hưu có thể được kéo dài thời gian làm việc tối đa là 5 năm. Tiếp đó, ngày 24/10/2013, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 141 hướng dẫn Luật Giáo dục đại học về điều kiện, thời gian, nhiệm vụ, thủ tục, trình tự xem xét việc kéo dài và chính sách với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc. Nghị định này bổ sung thêm một đối tượng được kéo dài thời gian làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu là những giảng viên có học vị tiến sỹ, ngoài ra Nghị định này cũng thay đổi về thời gian được kéo dài công tác. Theo đó, giảng viên là tiến sỹ được kéo dài thời gian công tác tối đa là 5 năm, phó giáo sư tối đa là 7 năm và giáo sư tối đa là 10 năm. Thực sự, chính sách này đã có tác dụng rất lớn đến việc tăng cường đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục – đào tạo, nghiên cứu công lập hiện nay.

Chính sách đảm bảo thu nhập và cuộc sống cho người cao tuổi

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia NCT, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 10.259.500 NCT, chiếm khoảng 10,1% dân số. Trong đó số NCT đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là 2.035.654 người; số NCT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hơn 1,6 triệu người và khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công, tỷ lệ NCT thuộc nghèo khoảng 25%4 Như vậy, số NCT còn lại chủ yếu là những người không có thu nhập và sống phụ thuộc vào con cháu. Vì vậy, vai trò của hệ thống trợ cấp hàng tháng và bảo trợ xã hội cho NCT là rất quan trọng trong việc đảm bảo mức sống và thu nhập cho NCT.

Luật NCT tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích của NCT, là cơ sở để hình thành chính sách đảm bảo thu nhập cho NCT. Đặc biệt, với đặc thù phần lớn NCT Việt Nam không có nguồn thu nhập nên việc Nhà nước đã hình thành hệ thống trợ cấp hàng tháng và bảo trợ xã hội đối với một số đối tượng NCT nhất định (lương hưu xã hội không đóng góp) đã bao phủ được một tỷ lệ rất lớn NCT (> 80%), góp phần ổn định đời sống của NCT. Chính sách này được cụ thể hóa trong một số văn bản dưới luật như Nghị định 13/2010/NĐ-CP, Nghị định 136/2013/NĐ-CP.

Bảng 2. Mức trợ cấp hàng tháng cho NCT

Tuổi

Đối tượng cụ thể

Hệ số

Mức trợ cấp tháng

(VND)

60-<80

Thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;

1,5

405.000

80+

Không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

1,0

270.000

Thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;

2,0

540.000

NCT thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.

3,0

810.000

Nguồn: Nghị định 136/2013 NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Một số chính sách khác tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần của NCT thông qua xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí.

- Các Bộ, ngành, chính quyền nhà nước các cấp đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của NCT;

- Các Bộ, ngành, chính quyền nhà nước các cấp hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa, giải trí, du lịch, luyện tập dưỡng sinh và các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe, tâm lý;

- Xây dựng, cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng và bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của NCT;

- Phải có hướng dẫn, có chỗ ngồi ưu tiên cho NCT và tùy từng loại phương tiện có công cụ hỗ trợ hoặc sự trợ giúp phù hợp với NCT trên các phương tiện giao thông công cộng. Người tham gia giao thông có trách nhiệm hỗ trợ NCT khi cần thiết;

- Giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ. Ví dụ, NCT được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy chở khách, tàu hỏa chở khách, máy bay chở khách; được giảm ít nhất 20% giá vé, giá dịch vụ thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thể dục thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có vé giảm giá riêng dành cho NCT.

Tóm lại, già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị xây dựng và thực hiện các chính sách thích ứng thì sẽ làm cho gánh nặng kinh tế-xã hội trở nên nghiêm trọng hơn. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số sớm hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển và với tốc độ rất nhanh nên cần sửa đổi, bổ sung cũng như nhanh chóng hoàn thiện các chính sách kinh tế-xã hội nói chung, chính sách cho NCT nói riêng để thích ứng, phù hợp bối cảnh. Các chính sách đó cần dựa trên các bằng chứng về mối quan hệ qua lại giữa dân số già đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó cần tuyên truyền về già hóa dân số mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, giúp người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Tài liệu tham khảo

  1. Đàm Hữu Đắc (2010), “Chính sách phúc lợi xã hội và phát triển dịch vụ xã hội: Chăm sóc người cao tuổi trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập”, Hà Nội; NXB Lao động - Xã hội.
  2. Giang Thanh Long (2010), “Chuyển đổi hệ thống hưu trí từ PAYG DB sang tài khoản cá nhân tượng trưng (NDC)”, Báo cáo số 3 của Dự án TF058179 giữa Ngân hàng thế giới và Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Hà Nội: Ngân hàng thế giới và Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
  3. Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009;
  4. PGS.TS Phạm Thắng – TS. Đỗ Thị Khánh Hỷ (2009). Báo cáo tổng quan về chính sách chăm sóc người già thích ứng với thay đổi cơ cấu tuổi ở Việt Nam, Bộ Y tế - UNFPA, Hà Nội.
  5. UNFPA (2012), Già hóa trong thế kỷ 21: thành tựu và thách thức.
  6. UNFPA (2014), Báo cáo “Bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi ở Việt Nam: Lương hưu xã hội”.

Ủy ban Quốc gia người cao tuổi, Báo cáo 21/BC-UBQGNCT ngày 29/12/2017 về Tình hình và kết quả thực hiện công tác người cao tuổi năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

 

[1] Xem Đ3, Luật người cao tuổi 2009.

[2] Xem Khoản 2 Đ3, Luật người cao tuổi 2009

[3] Xem Đ2, K1 Điều 3 Thông tư 21/2011/TT-BTC

4  Xem báo cáo số 21/BC-UBQGNCT ngày 29/12/2017 của Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam