Dạy học theo chủ đề môn tiếng Anh 7 thí điểm

TRƯỜNG THCS HẢI SƠN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỔ: ANH-NHẠC-HỌA-TD Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hải Sơn, ngày 18 tháng 02 năm 2017

CHUYÊN ĐỀ:

TÍCH HỢP LIÊN MÔN GDCD, ĐỊA LÍ, TIN HỌC

TRONG DẠY HỌC TIẾNG ANH LỚP 7

I. Lý do chọn chuyên đề:

1. Sự cần thiết của chuyên đề:

Dạy học liên môn là một trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học. Đây được coi là một quan niệm dạy học hiện đại, nhằm phát huy tính tích cực và phát triển năng lực của học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Mọi kiến thức trong cuộc sống đều có sự liên quan với nhau. Các môn học trong nhà trường hiện nay tuy khác nhau nhưng luôn có sự liên quan, bổ trợ cho nhau. Vì vậy việc dạy học theo hướng tích hợp là xu hướng giảng dạy tiên tiến, hiện đại mà nhiều thầy cô giáo đã thực hiện trong thực tế. Đặc biệt, tiếng Anh là một môn học có thể tích hợp với nhiều kiến thức của các môn học khác.

Làm thế nào để học sinh hiểu bài, tiếp thu bài nhanh nhất, có những giờ học sôi động , thu hút được học sinh, có những phương pháp dạy hay để học sinh dễ nắm bắt được bài ngay tại lớp luôn là những trăn trở đối với mỗi giáo viên tiếng Anh như tôi.

Tuy nhiên trong thực tiễn giảng dạy và rèn luyện kỹ năng cho học sinh tại trường THCS Hải Sơn, đặc biệt là chương trình tiếng Anh lớp 7 mới, giáo viên phải đương đầu với không ít khó khăn. Vừa đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tạo hứng thú, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh vừa trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và kiến thức liên môn để đáp ứng nhu cầu của học sinh và nhu cầu đổi mới của bộ môn nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung. Trong quá trình giảng dạy, tìm hiểu, quan sát học sinh, tôi thấy nhận thấy việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn trong bộ môn tiếng Anh là rất cần thiết và hữu ích.

Thực hiện theo sự phân công của tổ chuyên môn Anh-Nhạc-Họa-TD trường THCS Hải Sơn, tôi tiến hành tổ chức chuyên đề Tích hợp liên môn GDCD, Địa lí, Tin học trong dạy học tiếng Anh lớp 7 trong Unit 9 Festivals around the world, qua bài dạy minh họa, Lesson 1: Getting started [The festival project]. Ở đây tôi tích hợp kiến thức của môn GDCD lớp 7 Bài 15: Bảo vệ di sản văn hóa và kiến thức, Địa lí, Tin học cấp THCS về nguồn gốc một số nền văn minh các nước trên thế giới.

2. Mục đích, yêu cầu của chuyên đề:

Nhằm giúp giáo viên hiểu được ý nghĩa của việc dạy học tích hợp trong giảng dạy tiếng Anh lớp 7 để nâng cao chất lượng môn học. Làm cho tiết học có phần sinh động, hấp dẫn đối với học sinh, có ưu thế trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học sinh. Học theo chủ đề tích hợp liên môn, học sinh được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc

Giáo viên có thể tích hợp dạy nhiều môn học và khi tích hợp như thế, tiết học sẽ sinh động, thu hút học sinh hơn. Từ đó học sinh sẽ tích cực học tập khi được trình bày những hiểu biết của mình ở các lĩnh vực khác, môn học khác trong giờ học anh văn. Đồng thời, việc tích hợp các bộ môn khác vào tiếng Anh giúp các em khắc sâu kiến thức và khai thác được kỹ năng nói và viết tối đa hơn.

Là cơ hội để giáo viên bộ môn tiếng Anh nói riêng và Tổ chuyên môn nói chung cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiến bộ và không ngừng vươn lên trong công tác giảng dạy.

Hơn nữa, dạy học theo các chủ đề tích hợp không những giảm tải cho giáo viên trong việc dạy các kiến thức liên môn trong môn học của mình mà còn có tác dụng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn.

Với hy vọng qua chuyên đề này, học sinh có thể tiếp thu được phương pháp học từ vựng dễ nhớ, dễ thuộc; biết được thêm nhiều kiến thức phổ thông; một phần nào trang bị những kỹ năng cần thiết cho các em trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai.

II.Thực trạng dạy học môn tiếng Anh hiện nay:

1. Ưu điểm:

Được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Tổ chuyên môn và các giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm, nhà trường luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như tài liệu chuyên môn phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn.

Bản thân giáo viên tham gia tốt các buổi tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và cố gắng học hỏi đồng nghiệp, đúc rút kinh nghiệm qua các tiết dạy ở trường THCS Hải Sơn cũng như các trường trên toàn huyện. Ngoài ra giáo viên còn nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm các tiết dạy trên mạng, các chủ đề tích hợp của các giáo viên cùng bộ môn và khác bộ môn thông qua kênh công nghệ thông tin.

Sách giáo khoa tiếng Anh 7 tiếp tục năm thứ 2 của sách thí điểm có nhiều ưu điểm như: thể hiện được tinh thần, không khí dạy học ngoại ngữ, cấu trúc bài học tự nó đòi hỏi sự vận động tích cực của cả người học lẫn người dạy; vấn đề văn hóa ngôn ngữ cũng được lồng ghép; coi trọng việc thực hành đồng bộ các kỹ năng ngôn ngữ [nghe - nói - đọc - viết], đặc biệt là sự phân bố các kỹ năng đọc - nói [skills 1] và nghe - viết [skills 2] cho thấy sự nhấn mạnh kỹ năng nghe - nói; bài tập thực hành đa dạng và có chú ý mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ngữ cảnh....

2. Tồn tại:

Khó khăn của GV trong dạy tích hợp liên môn không nằm nhiều ở vấn đề nội dung mà nằm vấn đề phương pháp. Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn đòi hỏi GV phải có năng lực tổ chức hoạt động học tích cực, tích học và sáng tạo cho học sinh, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

Nội dung kiến thức trong một tiết học ở chương trình SGK mới khá lớn gây khó khăn cho việc tiếp thu của học sinh mà phần lớn học sinh còn yếu cả kiến thức lẫn kỹ năng.

Phân bố thời lượng cho một tiết học và số tiết/ đơn vị bài học còn hạn hẹp, thời lượng này chỉ có thể áp dụng cho trường chuyên, lớp chọn.

Phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của các em mà còn phó mặc cho nhà trường. Chưa trang bị cho học sinh máy nghe và đĩa nghe để các em về luyện thêm ở nhà. Một bộ phận học sinh chưa ý thức chưa có thái độ và động cơ học tập đúng đắn, thiếu ý thức trong học tập và rèn luyện.

Chưa có phòng học riêng cho bộ môn tiếng Anh nên việc tổ chức các hoạt động còn hạn chế. Số lượng học sinh trong một lớp khá đông và cách sắp xếp bàn ghế truyền thống rất khó khăn cho việc tổ chức hoạt động của học sinh.

III. Nội dung và các giải pháp:

* Kiến thức:

Môn Tiếng Anh:

- Có thể phát âm đúng trọng âm của các từ 2 âm tiết 1 cách riêng lẻ và trong ngữ cảnh câu

- Sử dụng các từ vựng liên quan đến chủ đề: Festivals around the world [Các lễ hội trên thế giới]

  • Sử dụng đúng và phù hợp các cụm trạng ngữ
  • Đặt và trả lời được dạng câu hỏi WH- questions
  • Biết và miêu tả được một số lễ hội
  • Đọc hiểu được thông tin chi tiết về các lễ hội lạ thường
  • Nghe hiểu chi tiết về một lễ hội âm nhạc
  • Viết 1 đoạn văn miêu tả 1 lễ hội mà các em đã tham gia

Học sinh cần vận dụng các kiến thức liên môn:

Môn Địa lí: Xác định vị trí các quốc gia, vùng lãnh thổ và các nền văn minh các nước trên thế giới và các vùng văn hóa của Việt Nam ảnh hưởng đến việc hình thành các lễ hội.

Môn GDCD: Giáo dục học sinh thức yêu mến, giữ gìn và phát huy các lễ hội giá trị văn hóa Việt Nam và tiếp thu lễ hội, văn hóa của các nước trên thế giới. Từ đó nêu cao lòng tự hào dân tộc và có thể giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới qua kênh ngôn ngữ quốc tế - tiếng Anh.

Môn Tin học: Học sinh biết sử dụng mạng, máy tính để tìm kiếm, khai thác thông tin về bài học.

*Kỹ năng:

- Rèn luyện kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin

- Rèn luyện kỹ năng đọc lướt và đọc chi tiết

- Kỹ năng viết văn miêu tả và thuyết trình bài viết

- Kỹ năng lập kế hoạch, làm việc nhóm [nhóm trưởng phân công nhiệm vụ, các thành viên đánh giá và cho điểm dựa vào kết quả và thái độ...]

*Thái độ:

- Thái độ tích cực chủ động trong tìm kiếm và xử lý thông tin

- Thái độ tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao

- Thái độ đúng đắn trong việc giữ gìn và tiếp thu các giá trị văn hóa

  • Học sinh trường THCS Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị
  • Số lượng: 61 em
  • Số lớp: 2 lớp
  • Khối lớp: 7
  • Sách giáo khoa tiếng Anh 7
  • Sách giáo viên tiếng Anh 7
  • Sách giáo khoa GDCD 7
  • Máy tính, máy chiếu, loa, phấn bảng
  • Tranh ảnh, video về các lễ hội

Toàn bộ bài [Unit] 9 được chia làm 7 tiết và đều xuyên suốt một chủ đề về lễ hội, tôi đã tích hợp kiến thức của các môn Địa lí, GDCD, Tin học, lồng ghép lịch sử địa phương vào trong các tiết học như sau:

Tiết 1: Getting started The festival project:

  • Giới thiệu về một số lễ hội của các nước

- Phân loại các lễ hội theo các loại như lễ hội và tôn giáo, tín ngưỡng [religious]; lễ hội theo mùa [seasonal]; lễ hội thuộc về mê tín [superstitious] và lễ hội âm nhạc, nghệ thuật [music/ arts]

  • Listen and read: đọc hiểu về một số lễ hội kỳ lạ.

Trong tiết này, tôi kết hợp giới thiệu các lễ hội và quốc gia, vùng lãnh thổ diễn ra các lễ hội đó [Anh + Địa]; phân 4 nhóm học sinh về tìm hiểu và trình bày về 4 lễ hội phổ biến Christmas, Easter, Halloween và Tết [Anh + Tin]; kết hợp liên hệ các lễ hội phổ biến ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị - Hải Lăng nói riêng [Anh + Lịch sử đạ phương]; nhắc nhở học sinh về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu văn hóa thế giới qua các lễ hội [Anh + GDCD 7 bài 15: Bảo vệ di sản văn hóa].

Tiết 2: A closer look 1:

  • Giới thiệu về nhấn trọng âm từ có hai âm tiết
  • Giới thiệu các từ vựng liên quan đến chủ đề lễ hội và từ loại của chúng.

Sử dụng các từ vựng đã học để nói về các lễ hội và những hoạt động trong lễ hội đã cho và mở rộng ra các lễ hội khác; sử dụng từ điển trên máy tính hoặc mạng để nghe, nhận biết trọng âm và luyện tập [Anh + Tin].

Tiết 3: A closer look 2:

- Ôn tại các từ để hỏi [H/Wh] và sử dụng dạng câu hỏi Wh-question để hỏi thông tin về các lễ hội

- Sử dụng các cụm trạng ngữ chỉ thời gian, địa điểm, tần suất, cách thức, lý do để trả lời các câu hỏi trên.

Sử dụng điểm ngữ pháp vừa học để hỏi và trả lời về các lễ hội; tìm kiếm thêm thông tin về lễ hội để chơi trò chơi đoán tên dựa vào thông tin từ những câu hỏi trên. [Anh + Tin + Địa].

Tiết 4: Communication:

Sử dụng từ vựng và ngữ pháp của 2 tiết trước để hỏi và trả lời về 2 lễ hội Thanksgiving của Mỹ và Hội mùa của Phú Yên Việt Nam. [Anh + Tin + Địa+GDCD]

Tiết 5: Skills 1:

Tìm kiếm thông tin trên mạng về các lễ hội kỳ lạ trên thế giới: lễ hội ném cà chua [La Tomatina Reading], lễ hội đuổi bắt phô mai và tiệc búp phê cho khỉ [Cheese rolling , Monkey Buffet Speaking] về nguồn gốc và lý do ra đời của chúng. Liên hệ đến các lễ hội kỳ lạ ở Việt Nam, đặc biệt là lễ hội của các dân tộc thiểu số. [Anh + Tin + Lịch sử].

Tiết 6: Skills 2:

Sử dụng mạng để tìm hiểu trước về lễ hội âm nhạc đảo Wight [Isle of Wight music festival] và mở rộng hiểu biết về lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Anh. Sử dụng kiến thức thực tế hoặc sách báo truyền hình để viết về 1 lễ hội mà học sinh đã tham gia hoặc biết rõ theo dàn ý. Từ đó có thể giới thiệu các lễ hội của Việt Nam ra thế giới dưới cả hai hình thức nói và viết bằng tiếng Anh. [Anh + Tin + GCD].

Tiết 7: Looking back and Project:

Vận dụng tất cả kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm và các kỹ năng để hoàn thành các bài tập nhằm ôn tập lại bài học qua các tiết trước. Học sinh làm 1 dự án theo nhóm với chủ đề tạo ra một lễ hội mới tùy vào trí tưởng tượng của các em nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các yếu tố về lý do, thời gian, địa điểm, hoạt động ... sau đó sẽ trình bày trước lớp trong tiết Review 3 [nếu đủ thời gian].

Trong chuyên đề này tôi chỉ chọn tiết đầu tiên [Getting started] để minh họa, các tiết sau tôi cũng áp dụng phương pháp dạy tích hợp.

* Hoạt động 1: [Warm-up] Giải từ bí ẩn gồm 8 chữ cái

Các em sẽ sử dụng kiến thức bài cũ [Unit 8] để hoàn thành các câu trong đó đáp án của mỗi câu có chứa 1 chữ cái trong từ khóa. Từ khóa chính là chủ đề của bài 9 FESTIVAL, từ đó giới thiệu nội dung bài học mới.

* Hoạt động 2: [ Vocabulary]

Giới thiệu các từ vựng trong bài

* Hoạt động 3: [Tick True [T] or False [F]]

Học sinh nghe và đọc nhanh đoạn hội thoại để chọn các câu đã cho là đúng hay sai

* Hoạt động 4: [Answer the following questions]

Đọc kỹ đoạn hội thoại và vận dụng các hiểu biết chung của các nhân để trả lời các câu hỏi giúp học sinh hiểu hơn nội dung đoạn hội thoại.

* Hoạt động 5: [Write the festivals in the box under the pictures. Then listen and repeat.]

Dựa vào tranh để đoán tên của các lễ hội, có mở rộng các lễ hội ở Việt Nam và địa phương.

* Hoạt động 6: [Match the festivals below with the reasons they are held]

Học sinh vận dụng kiến thức về lích sử, địa lí để tìm hiểu lí do về việc tổ chức các lễ hội trên mà kể tên thêm 1 số lễ hội khác theo từng nhóm lí do.

* Hoạt động 7: [Talk about your favourite festival]

Các nhóm cử đại diện lên trình bày về lễ hội mà nhóm mình ưa thích và được phân công chuẩn bị ở tiết trước.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục những khó khăn trên để nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả của việc dạy học tích hợp. Trong phạm vi chuyên đề ngày hôm nay, tôi nhấn mạnh vào việc khắc phục khó khăn đó và tìm ra các giải pháp để có được một tiết dạy thú vị và sinh động tạo động cơ cho học sinh học tập.

GV không ngừng học tập, nghiên cứu tài liệu, tham dự các tiết dạy mẫu trong trường THCS Hải Sơn và các trường trên địa bàn huyện để học hỏi và rút kinh nghiệm.

GV phải nghiên cứu kỹ nội dung về để phân bố lại thời gian cho từng hoạt động, cách thức tổ chức hoạt động sao cho phát huy tối đa kỹ năng của học sinh.

GV phải được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh

GV phải đổi mới phương pháp dạy học chuyển từ phương pháp lấy người dạy làm trung tâm sang người học làm trung tâm để người học có cơ hội bày tỏ ý kiến hay cảm xúc của mình và mạnh dạn đặt câu hỏi nếu chưa hiểu vấn đề.

GV cần trang bị thêm về kiến thức và phương pháp dạy học theo hướng tích hợp chủ đề liên môn, nhất là tìm hiểu về những ứng dụng của kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

Các ví dụ, tình huống, mẫu câu phải dựa vào nội dung của chủ đề bài học. GV cần tích hợp các kỹ năng với nhau nhưng phải đảm bảo thời gian không kéo dài số tiết ảnh hưởng đến phân phối chương trình.

Cần chuẩn bị bài chu đáo trước lúc đến lớp.

Học sinh được đặt vào các tình huống thưc tiễn, phải trực tiếp quan sát, thảo luận, lắng nghe và giải quyết nhiệm vụ theo cách suy nghĩ của mình, không thụ động ghi chép máy móc, rập khuôn.

Học sinh cần vận dụng những kiến thức mình đã biết từ cuộc sống và các môn học khác một cách chủ động nhằm phân tích, giải quyết vấn đề đặt ra chủ động hơn.

Từ những kinh nghiệm của bản thân tôi được đúc kết qua từng tiết dạy, tôi nhận thấy rằng dạy học theo chủ đề tích hợp phát huy được tính tích cực của học sinh và từ đó phát huy khả năng giao tiếp đáp ứng yêu cầu môn học và cải thiện kết quả học tập của các em.

Thực tế trong quá trình giảng dạy tôi luôn chú trọng việc tạo không khí thoải mái, nhẹ nhàng giúp học sinh tiếp thu bài một cách tự nhiên, không ngại đặt câu hỏi và nuôi dưỡng lòng say mê với bộ môn tiếng Anh.

Trong quá trình tích hợp kiến thức liên môn mà cụ thể là các môn GDCD, Địa lí và Tin học trong bài học, tôi nhận thấy học sinh tự tin hơn khi vận dụng hiểu biết chung của mình về kiến thức các bộ môn này trong tiếng Anh và sử dụng được cấu trúc một cách linh hoạt. Cụ thể, các em biết vận dụng kiến thức Địa lí, Lịch sử về các điạ danh, đất nước, tôn giáo trên thế giới và Việt Nam vào suy đoán, phân tích bài học mà không cần dịch sang tiếng mẹ đẻ. Đồng thời, các em biết vận dụng kỹ năng nói trong việc thực hành trình bày về lễ hội yêu thích. Các em có thể học về văn hóa các nước đồng thời hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Từ đó kết hợp giáo dục ý thức cho các em về việc giữ gìn và phát huy các lễ hội văn hóa Việt Nam và có thể giới thiệu ra bạn bè thế giới thông qua các hoạt động bằng tiếng Anh trực quan, sinh động.

Tuy nhiên, khi thực hiện chuyên đề tôi thấy 1 tiết 45 phút để hoàn thành nội dung và để học sinh nắm hết cũng khá khó khăn. Để học sinh hiểu và khắc sâu kiến thức bài học và phát huy tối đa tính hiệu quả của các hoạt động cũng như có thời gian thực hành ngôn ngữ nhiều hơn, tôi mạnh dạn kiến nghị tăng thời lượng cho mỗi phần [section] thông qua việc tận dụng thời lượng dự trữ để tăng 1 tiết cho mỗi bài học [unit].

Trên đây là những kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được trong quá trình giảng dạy theo hướng tích hợp môn tiếng Anh với các môn khoa hoc tự nhiên xã hội khác. Thông qua chuyên đề Tích hợp liên môn GDCD, Địa lí, Tin học trong dạy học môn tiếng Anh 7 tôi hy vọng đã tạo nên một giờ học thú vị và bổ ích cho các em. Trong quá trình thực hiện chuyên đề, chắc chắn còn có nhiều thiếu sót, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các anh chị đồng nghiệp để cùng nhau nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh.

Xin chân thành cảm ơn!

Người viết báo cáo

Lê thị Quỳnh Như

Video liên quan

Chủ Đề