Đánh giá game dragon ball z kakarot

Để có cái nhìn tổng quan về Dragon Ball Z: Kakarot, mời các bạn đến với bài đánh giá nhanh do PlayStation VietNam Community thực hiện.

Nội dung: Chuyển thể cực kì tốt bám sát nguyên tác đến 90%, game không hề bỏ lỡ một đoạn hội thoại và cảnh nào. Cốt truyện gần như bê nguyên si từ trong manga và anime ra chứ không hời hợt như các bản game trước cắt rất nhiều và sơ sài.

Đồ họa: Cực kì mãn nhãn với tông màu tươi sáng, hiệu ứng cháy nổ chiêu thức đẹp mắt. Hệ thống vật lí cực kì tốt, các vụ nổ kinh thiên động địa, mặt đất bị hủy hoại, cây cối bị cháy xém, mặt nước tung tóa khi các chiêu thức được tung ra, các đoạn cắt cảnh cực kì hoành tráng; không những bám sát mà có phần nhỉnh hơn anime và manga, cảm giác như bạn đang xem phim chứ không phải chơi game vậy.

Âm thanh và âm nhạc: bám sát phong cách âm thanh của Anime cho nên không thể chê ở điểm nào cả. Bài hát đầu game lấy nguyên gốc trong anime.

Gameplay: thế giới mở sống động. Cây cỏ và các loài vật, địa hình đồi núi thay đổi theo từng bản đồ. Các nhiệm vụ phụ cũng đa dạng, hệ thống đối kháng đơn giản dễ nắm bắt. Hệ thống cây kĩ năng cực kì đồ sộ cho mỗi nhân vật.

Tổng quan: Lần trở lại của CyberConnect2 đợt này cực kì ấn tượng giống như họ đã làm với series Naruto Storm. Không chỉ giữ nguyên được cái hồn của nguyên tác mà còn biến tấu để thế giới của Dragon ball thêm phần sống động hơn bao giờ hết. Nói không ngoa thì CyberConnect2 là hãng chuyển thể game từ anime tốt nhất hiện nay, và Dragon Ball Z: Kakarot chính là phiên bản hay nhất trong cả Series game cho tới giờ.

Nếu bạn là một fan của Dragon Ball thì đây là một phiên bản mà bạn không thể nào bỏ qua được. Hiện game đang được bán trên Steam với giá 800.000đ, các bạn quan tâm có thể tham khảo tại đây.

Dragon Ball Z: Kakarot là tựa game nhập vai hấp dẫn, được chuyển thể từ bộ manga Dragon Ball cực kỳ nổi tiếng của tác giả Toriyama Akira, với hệ thống chiến đấu khá độc đáo và yếu tố fan service “nhiều như núi”. Tuy nhiên, trải nghiệm hào hứng hay không tùy thuộc vào mức độ yêu thích của bạn đối với series Dragon Ball.

Nếu nói manga Dragon Ball là một phần tuổi thơ của tôi ngày xưa không hẳn đúng, nhưng cũng chẳng hoàn toàn sai. Bên cạnh Doraemon, có lẽ Dragon Ball là một trong những bộ manga để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm nhất. Mặc dù có cốt truyện khá hấp dẫn về những cuộc phiêu lưu chiến đấu long trời lở đất để bảo vệ trái đất và những người thân yêu, thế nhưng phần lớn những tựa game chuyển thể từ bộ manga này lại xoay quanh thể loại song đấu đối kháng khá kén người chơi. Có lẽ vì vậy mà tôi ít chú ý đến những tựa game Dragon Ball cho đến khi Dragon Ball Z: Kakarot xuất hiện.

Trò chơi bắt đầu với bối cảnh nhân vật chính Son Goku đang “gia đình viên mãn” với cô vợ Chi-Chi và con trai Son Gohan. Sau chuyến câu cá và hái lượm mang tính hướng dẫn gameplay cơ bản, hai cha con Goku ghé thăm Quy sư phụ và lần đầu giới thiệu Gohan đến với mọi người. Đây cũng là thời điểm mà Raditz xuất hiện và Piccolo phải cùng với Goku hợp sức để tiêu diệt kẻ thù, giải cứu Gohan. Kỳ thực, mặc dù có tựa là Dragon Ball Z: Kakarot, nhưng toàn bộ trải nghiệm game luôn được “xoay tua” giữa các nhân vật quen thuộc như Gohan, Piccolo, Trunks hay Vegeta chứ không chỉ riêng nhân vật chính Kakarot như cái tựa dễ gây lầm tưởng.

Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác Dragon Ball Z: Kakarot hướng đến đối tượng người chơi trẻ nếu xét ở khía cạnh thiết kế gameplay. Trò chơi có một số hoạt động quen thuộc của thể loại nhập vai vài năm gần đây như nấu nướng, thu thập nguyên liệu chế đồ v.v… nhưng chưa tạo được cảm giác có chiều sâu trong trải nghiệm như nhiều cái tên khác. Các yếu tố tương tác này không mang nhiều ý nghĩa hay thật sự cần thiết, đặc biệt là thăng cấp. Chúng được thiết kế đơn giản về mặt gameplay, giống như chỉ là những thứ để tô điểm cho trải nghiệm thêm phần xôm tụ. Đó cũng có thể là chủ ý thiết kế của nhà phát triển CyberConnect2 cho phù hợp với đối tượng người chơi trẻ ở độ tuổi teen và tôi có lẽ đã “lỡ thì”.

Thế nhưng, điều đó không giải thích được nhiều yếu tố gameplay mang cảm giác hoài cổ khá rõ nét, không dành cho những ai không biết chút gì về Dragon Ball. Một trong số đó là hàng loạt những “vật phẩm thu thập” dưới dạng “mong ước kỷ niệm xưa”, kể về thời “trẻ trâu” các nhân vật trong bộ anime Dragon Ball, thời điểm trước nội dung của Dragon Ball Z. Điều này cũng đồng nghĩa trải nghiệm có thể gây chút rắc rối với những ai chưa từng xem qua manga hay series anime chuyển thể này. Dragon Ball Z: Kakarot có vẻ tập trung nhiều vào khía cạnh câu chuyện kể, với hàng loạt các tình tiết được thuật lại thông qua các đoạn chuyển cảnh, lời kể tóm tắt ở màn hình chờ tải dữ liệu và phần còn lại nằm ở trải nghiệm của người chơi từ việc điều khiển các nhân vật khác nhau.

Tuy nhiên, không phải tất cả cuộc phiêu lưu của các nhân vật đều xuất hiện trong trải nghiệm. Đơn cử như chuyến đi trên Snake Way hay phần tập luyện đến Namek của Goku đều hoàn toàn “biến mất”, cũng như nhiều khoảnh khắc khác nữa mà tôi không tiện kể ra. Trong khi đó, các nhiệm vụ phụ cũng không đa dạng, hầu như chỉ buộc người chơi di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác để tương tác hoặc chiến đấu rồi quay về trả nhiệm vụ. Không những thế, điểm trừ lớn nhất là các nhiệm vụ phụ được thiết kế gắn liền với từng chương hồi. Tức là nếu không hoàn thành trước khi chuyển sang chương nội dung mới, bạn sẽ không còn cơ hội để thực hiện các nhiệm vụ phụ đó nữa. Ngược lại, số lượng nhiệm vụ phụ tuy khá ít nhưng lại mở ra cơ hội gặp gỡ nhiều nhân vật trong vũ trụ Dragon Ball, kỳ thực là điểm cộng đáng chú ý với những ai yêu thích series này.

Mang đến cho tôi cảm giác trái chiều nhất là hệ thống chiến đấu trong Dragon Ball Z: Kakarot. Mô tả đơn giản thì nó giống như phiên bản rút gọn của hệ thống song đấu đối kháng trong Dragon Ball Xenoverse. Thậm chí, nếu từng chơi bất kỳ tựa game nào trong series Dragon Ball Z: Budokai Tenkaichi, bạn sẽ nhận thấy nhiều nét tương đồng đến bất ngờ. Cũng vẫn là một nút “chặt chém”, một nút tung chưởng, một nút để hồi Ki, một nút đỡ đòn và phối hợp hai nút bấm để triển khai những tuyệt kỹ giống như trong anime. Điểm khác biệt dễ thấy là không còn thanh thể lực phiền phức nữa, nhưng hệ thống chiến đấu cũng không tạo được cảm giác thỏa mãn vì có khá nhiều hạn chế. Chẳng hạn như trò chơi không cho phép bạn vận dụng đánh liên hoàn giữa các đòn tấn công cơ bản và tuyệt kỹ.

Đã vậy, cuộc chiến luôn giành nhiều lợi thế cho kẻ thù nhất là boss, nên đôi khi khá bất công. Đơn cử như những khi chúng triển khai tuyệt kỹ cá nhân, toàn bộ trải nghiệm lập tức “nhường” sang hoạt cảnh thi triển “võ công cái thế”, loại bỏ hoàn toàn cơ hội ra đòn tấn công của người chơi khi đó, tạo cảm giác khá ức chế. Thiết kế này khiến bạn gần như không có cơ hội để phản công trước mỗi đòn tấn công của kẻ thù. Thay vào đó, trải nghiệm chiến đấu đòi hỏi người chơi phải tập trung vào yếu tố phòng thủ để giành chiến thắng, nhất là những trận đối đầu với boss. Trong khi kẻ thù thông thường rất “bèo”, boss lại luôn là những cơn ác mộng nếu bạn không có thói quen đỡ đòn. Đây cũng là “kinh nghiệm xương máu” của tôi ngay từ con boss đầu tiên.

Ngược lại, các hệ thống nhập vai tuy khá quen thuộc nhưng làm khá tốt việc mang đến cảm giác trải nghiệm hấp dẫn hơn. Số lượng tuyệt kỹ của các nhân vật khá nhiều, đủ khiến người chơi đắn đo cân nhắc mỗi khi gán nút bấm để sử dụng trong chiến đấu. Mặc dù phần lớn đều được mở khóa cố định theo thứ tự, nhưng mỗi tuyệt kỹ mới đều tạo cảm giác khá thỏa mãn do nhân vật có cải thiện về khả năng chiến đấu. Đáng chú ý là hệ thống Community tạo sự gắn kết giữa các nhân vật để nhận buff cho những khía cạnh nhất định trong trải nghiệm, giúp tăng thêm chiều sâu gameplay. Thế nhưng, điểm cộng này vẫn không tài nào khiến tôi xóa đi cảm giác hệ thống điểm kinh nghiệm thăng cấp nhân vật khá thừa thãi, không có mục đích rõ ràng ngoài việc để phân loại đây là một tựa game nhập vai.

Một vấn đề cũng không thể không nhắc đến là tuy tốc độ khung hình khá ổn định nhưng tôi bị treo game vài lần không rõ nguyên do. Mặt khác, lời đọc thoại thường hay có những khoảng lặng dài cuối câu, khá mất thời gian chờ nếu bạn không bấm nút để qua nhanh. Đó là chưa kể thiết kế mang cảm giác mở mà không mở trong Dragon Ball Z: Kakarot, khiến trải nghiệm thường xuyên gián đoạn với những khoảng thời gian chờ tải dữ liệu mỗi khi chuyển sang khu vực mới khá khó chịu. Bù lại, trò chơi sử dụng những bản nhạc quen thuộc từ anime và có nhiều tình tiết nội dung khá thú vị mà bạn không thể tìm thấy trong manga hay anime. Chẳng hạn như bạn có bao giờ thắc mắc Chi-Chi sẽ làm gì những lúc ở nhà một mình, hay mắt tròn mắt dẹt khi thấy cảnh “câu cá huyền thoại” của Goku và Gohan được tái hiện trong trải nghiệm game và nhiều nữa.

Chủ Đề