Cửa hàng mậu dịch là gì

Cửa hàng mậu dịch nơi tìm về hoài niệm

10:28 | 23/08/2012

Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông đã mất đến vài ba năm đi săn lùng các vật dụng liên quan đến thời bao cấp, từ chiếc đài cũ, chiếc quạt tai voi Liên Xô, chiếc máy chữ, chiếc cassette hiệu Vietronics 60 năm vẫn chạy tốt cho tới từng tờ tem phiếu mua gạo, mua thịt, mua cá; từng chiếc tem thư

Có lẽ hiếm có thông tin khai trương cửa hàng ăn uống nào lại lan nhanh như việc ông Phạm Quang Minh, 50 tuổi, khai trương Cửa hàng ăn uống mậu dịch. Ngay lập tức, một con phố nhỏ, nằm khuất sâu bên trong hồ Trúc Bạch - phố Nam Tràng [phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội] - dù đang khá bộn bề vật liệu xây dựng bỗng trở nên tấp nập vì nhiều người tìm tới.


Bên ngoài Cửa hàng ăn uống mậu dịch


Cô cửa hàng trưởng với trang phục truyền thống

Người biết rồi thì chỉ người chưa biết. Người chưa biết thì lên google để hỏi phố Nam Tràng ở đâu, đường đi lối lại ra sao. Ngay cả MC Diễm Quỳnh [Đài Truyền hình Việt Nam] cũng lên mạng xã hội để hỏi một người bạn nhà văn Lưu Sơn Minh: Nam Tràng là chỗ nào hả cậu?.

Không chỉ có những người mới đi qua thời tuổi trẻ như Diễm Quỳnh, rất nhiều bạn trẻ, thế hệ 8X cũng có, thậm chí các bạn thế hệ 9X cũng nhiều, phần nhiều mang theo sự tò mò háo hức. Còn đông hơn, phải kể tới các cụ đã đi qua thời bao cấp, với những kỷ niệm rưng rưng.


Ông Việt An, 75 tuổi say sưa trở về ký ức

Bác Việt An, hơn 75 tuổi, nhà trên phố Lý Quốc Sư vừa đọc trên mạng thấy tin khai trương cửa hàng mậu dịch vội vã đạp xe tới. Nhà tôi hiện vẫn còn sổ gạo, tem phiếu Rồi ông kể: Chuyện thời bao cấp thì nhiều lắm. Chỉ vì để người ta lừa mất chỗ xếp hàng mua 2 hào phấn thôi mà con gái tôi về nhà bị mẹ đánh một trận nhớ đời.

Cửa hàng ăn uống mậu dịch rộng chưa đầy 100m2, nhưng đã tái hiện được một cách tương đối không gian xưa cũ của một thời bao cấp, xếp hàng đặt gạch, tem phiếu, xe đạp Thống nhất, những chiếc ca sắt và bát sắt tráng men Kế đó, cách ăn mặc của các cô cửa hàng trưởng, mậu dịch viên với áo phin nõn, quần đen cũng khiến không gian này trở nên khác biệt giữa thời đại kỹ thuật số. Và tất nhiên, đã gọi là cửa hàng ăn thì không thể thiếu những món ăn, nhất là những món ghi đậm dấu ấn của một thời đất nước còn cam khó: cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ Chỉ cần nghe lại những món ăn này, một miền hoài niệm tưởng chừng ngủ yên trong những người đã sống qua thời tem phiếu lại được đánh thức. Nhà thơ Đàm Khánh Phương nghe tin cửa hàng mậu dịch vừa khai trương, cũng vội vã ra thăm để sẽ dẫn bạn bè ra giới thiệu. Tại đây, Đàm Khánh Phương cao hứng đọc bài thơ Gác xép ông từng viết về cái thời không thể nào quên của dân tộc: Trang viết mới ra đời bên cót ép/ Loan tin ai, khao nhuận bút lần đầu/ Đem tất cả cho bạn bè ra Mậu Dịch/ Gom từng tờ tem gạo, uống - mừng nhau.


Nhà thơ Đàm Khánh Phương và Vương Tâm cùng hoài niệm về thời tem phiếu


Thực khách thanh toán cũng thông qua những chiếc phiếu mua đồ uống hay mua thực phẩm như thế này

Chủ nhân của Cửa hàng ăn uống mậu dịch là ông Phạm Quang Minh, sinh năm 1962, suốt nhiều năm qua đã ấp ủ ý tưởng mở cửa hàng này. Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông đã mất đến vài ba năm đi săn lùng các vật dụng liên quan đến thời bao cấp, từ chiếc đài cũ, chiếc quạt tai voi Liên Xô, chiếc máy chữ, chiếc cassette hiệu Vietronics 60 năm vẫn chạy tốt cho tới từng tờ tem phiếu mua gạo, mua thịt, mua cá; từng chiếc tem thư Có lẽ là người may mắn, nên ông Minh đã gặp được nhiều người cho, tặng, bán lại nhiều vật dụng quý giá. Như nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Xuân Hải tặng viên đá khắc tên Mai Hải từng được dùng để xếp hàng mua lương thực những năm 1970. Họa sĩ Lê Thiết Cương tặng bộ ảnh Hà Nội thời bao cấp của nhiếp ảnh gia Eva Lindskog [Thụy Điển] Đặc biệt, lô bát, đĩa sắt tráng men của Nhà máy sắt tráng men nhôm Hải Phòng tồn kho đã lâu cũng được chuyển đến tay ông Minh, nay dùng để phục vụ khách


Một số vật dụng thời bao cấp trưng bày: quạt con cóc, bát sắt tráng men, xe đạp Vĩnh cửu, mũ cối, guốc mộc, dép tông, pi-đông, cạp lồng

Tuy mới khai trương và chủ nhân vẫn tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hiện vật nhưng Cửa hàng ăn uống mậu dịch đã nhanh chóng được nhiều người tìm tới, trong đó có khá nhiều bạn trẻ. Có người còn sớm ví von đây như một bảo tàng mini về thời bao cấp để có thể giới thiệu một cách trực quan sinh động nhất với các thế hệ cháu con lớn lên trong hòa bình. Nhưng để có thể xứng với lời ví này, Cửa hàng ăn uống mậu dịch cũng còn cần hoàn thiện hơn nữa, và cô cửa hàng trưởng cần phải từ chối những lời tiếp thị tinh vi của các thương hiệu đồ uống hiện đại, đồng thời ông chủ cửa hàng cũng nên loại ra khỏi Menu những món đồ ăn uống không phổ biến với những ai đã từng sống qua thời bao cấp.

Bài và ảnh Hoàng Thu

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Bài trước đó
Ngày 19/10, Hà Nội ghi nhận 5 ca COVID-19 đều đã được cách ly
Bài sau đó
Ngày 19/10, Việt Nam ghi nhận thêm 3.034 ca COVID-19

Video liên quan

Chủ Đề