Công nghệ đang làm chúng ta xa cách nhau

Trong phần thi ứng xử, thí sinh Nguyễn Thị Thúy An đã nhận được câu hỏi: “Người ta nhận xét ở thời đại công nghệ ngày nay, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Bạn nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng lòng nhân ái sẽ không còn?”. Người đẹp này trả lời: "Lòng nhân ái xuất phát từ trái tim, tấm lòng của mỗi con người nên sẽ không bao giờ kết thúc. Lòng nhân ái gắn kết từ tình yêu thương này đến tình yêu thương khác, truyền lửa đến thế hệ sau và đi theo mỗi chúng ta".

Sau đêm chung kết, câu hỏi này tiếp tục được nhắc đến nhiều lần khi nhiều người băn khoăn, có đúng là trong thời đại công nghệ thì con người ngày càng ít quan tâm đến nhau?

Đúng...

7/10 người trẻ, là các học sinh, sinh viên được hỏi, đã trả lời rằng: "Chính xác là như vậy". "Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, công nghệ đã và đang chi phối đời thực của con người rất nhiều. Dẫn đến mọi người ít quan tâm đến nhau", Trương Thị Lan, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói. Nữ sinh này dẫn chứng: "Không khó để nhận ra điều đó. Thử đến các quán ăn, quán cà phê. Dù ngồi cả nhóm 6, 7 thành viên. Nhưng mỗi người dán mắt vào điện thoại của riêng mình, làm chuyện riêng, chứ ít giao tiếp với nhau".

Khi người trẻ cô đơn: Giúp con cảm thấy không lạc lõng

"Bản thân mình cũng từng là người trong cuộc. Đi uống cà phê với bạn. Nhưng đứa nào làm việc đứa nấy. Hẹn nhau đến, gọi nước xong là mỗi đứa chăm chú bấm điện thoại. Việc hỏi han đối phương dường như xa xỉ. Cả buổi gặp 2, 3 tiếng đồng hồ, có lẽ nói được với nhau vài câu", Lan kể thêm.

Không ít bạn trẻ cũng đưa ra những câu chuyện về sự phụ thuộc của con người vào công nghệ, để rồi khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Và theo đó, sự quan tâm dành cho nhau ngày càng ít đi.

Không chỉ những mối quan hệ bạn bè cũng "nhạt" dần bởi bị phụ thuộc vào công nghệ, nhiều bạn trẻ còn đưa ra những câu chuyện của gia đình để minh chứng rằng mối quan hệ bố mẹ và con cái, những người thân trong gia đình... cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, mọi người ít quan tâm đến nhau hơn. 

"Khi công nghệ chưa phát triển, điện thoại thông minh chưa có, cả nhà mình rủ nhau đi tắm biển rất vui. Mọi người nói chuyện với nhau, ba hướng dẫn mình bơi, mẹ thì tắm cho em... Nhưng từ khi có điện thoại thông minh, thì đi tắm biển cũng mang theo để selfie. Có khi vừa xuống biển mà vẫn cầm điện thoại để chụp hình, hoặc... chat. Để rồi những sự quan tâm dành cho các thành viên trong gia đình ngày trước dường như biến mất. Mình cho rằng trong thời đại công nghệ thì con người ngày càng ít quan tâm đến nhau", Nguyễn Trọng Bạch, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, nói.

Trần Thanh Vĩnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, kể: "Trong những bữa ăn, mình nhận ra những câu hỏi thăm: "nay con học như thế nào", "ở trường, ở lớp có gì mới không"... ít dần đi. Thay vào đó là những khoảng lặng. Có khi vừa ăn vừa bấm điện thoại, tán gẫu với bạn bè, đối tác qua Zalo, Facebook. Vì thế, những bữa cơm gia đình ngày càng mất đi giá trị. Bên nhau trong... im ắng. Mình cảm thấy bố mẹ ít quan tâm đến mình hơn".

Đấy là chưa kể trong nhiều bữa tiệc, nhiều người không cần nói chuyện hay mời người bên cạnh dùng món, hay nhận xét món ăn... mà chỉ lo lấy điện thoại, máy ảnh ra chụp món ăn. Sau đó khoe lên mạng xã hội, tiếp tục đắm chìm vào những lời bình luận.

Nhiều học sinh cũng than vãn rằng đã thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Dù ở cùng nhà nhưng ít khi được gặp bố mẹ, ít khi được tâm sự, trò chuyện, chỉ vì lý do: "Bố lo chăm chú vào điện thoại, lướt mạng", "Mẹ lo tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp".

Và những điều đó đã khiến nhiều bạn trẻ đồng tình, rằng thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau.

... hay sai?

Tuy nhiên vẫn có nhiều bạn trẻ cho rằng đây là nhận định sai lầm. Bởi lẽ những câu chuyện sống vì cộng đồng, giúp đỡ người khác... vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống.

"Rất nhiều người trẻ, tận dụng trang cá nhân thu hút nhiều người theo dõi trên mạng xã hội để kêu gọi, vận động giúp đỡ các mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, có vô số CLB, đội, nhóm tình nguyện, thường xuyên đến các vùng miền trên Tổ quốc để làm thiện nguyện, dù nơi đó có xa xôi, hẻo lánh. Vẫn còn đó những câu chuyện đầy tình người. Nên mình không đồng tình với quan điểm trên", Trần Thúy Hà, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, nói.

Còn Lê Duy Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình [TP.HCM] thì bảo: "Mình đã từng chứng kiến vô số câu chuyện cảm động, mọi người yêu thương, quan tâm nhau rất nhiều, dù đó là những người xa lạ. Hãy thử một lần chạy xe vào đêm khuya, để được chứng kiến bao người lạ đem chăn, màn, hay những thức uống, thức ăn... để tặng cho những người vô gia cư".

Hằng năm, rất đông sinh viên tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ những gia đình, mảnh đời nghèo khó

XUÂN PHƯƠNG

Hoàng Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, nói: "Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người đã vô tình bị công nghệ chi phối, bị phụ thuộc vào công nghệ, nên khiến không ít bạn nhận định cho rằng thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, thực tế thì những sự quan tâm giữa người với người, cả những người thân thiết hay người lạ vẫn còn đó, không phải ít quan tâm hơn mà có thể nhiều hơn. Vấn đề là, mỗi người cần biết cách thoát khỏi sự 'nô lệ' đối với công nghệ".

Trao quà cho những người vô gia cư ở TP.HCM

XUÂN PHƯƠNG

Cùng quan điểm, Lê Duy Anh nói: "Chỉ cần kiểm soát bản thân để không bị lệ thuộc vào công nghệ thì chắc chắn sự quan tâm dành cho nhau vẫn tồn tại, vẫn tiếp diễn và ngày càng nhiều hơn".

Nam sinh này nói thêm: "Khi ăn những bữa cơm gia đình, bố mẹ và con cái nên trò chuyện cùng nhau, hỏi han nhau sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng, chứ đừng vừa ăn vừa bấm điện thoại nữa. Hay cùng bạn đi cà phê, đừng 'mỗi người mỗi máy' làm việc riêng, mà hãy tận dụng để trao đổi, tâm sự cùng nhau... Có như vậy thì dù công nghệ có phát triển đến mấy cũng không khiến sự quan tâm dành cho nhau ít đi".

Tin liên quan

Phóng to
Mạng xã hội với đủ hình thái chia sẻ đang phân hóa đời sống xã hội thực của chúng ta - Ảnh minh họa: Internet

Blog entry mới của bạn Xuxu mang lại cho ta nhiều câu hỏi mà chính chúng ta sẽ tự kiểm nghiệm và trả lời. Blog quanh ta xin giới thiệu với các bạn:

Trong thời đại Facebook, việc phải nhớ ngày sinh của bạn bè, người thân dường như không còn cần thiết nữa vì hàng ngày chỉ cần mở Facebook lên là biết được hôm nay có phải là sinh nhật của ai không, và thế là chỉ việc sang gửi comment chúc mừng.

Mọi việc thật đơn giản và dễ dàng. Facebook dường như thật sự làm mọi người gần nhau hơn, vì dù có ở cách xa bạn bè nửa vòng trái đất, bạn vẫn có thể tương tác, liên lạc hoặc gửi ngay một tin nhắn chúc mừng sinh nhật đúng lúc. Nhưng L.T.N, một Facebooker [người dùng Facebook] sinh viên, không nghĩ thế. Với anh, Facebook đang làm con người ta xa cách nhau hơn.

Từ một thí nghiệm

Mệt mỏi với việc quá phụ thuộc vào Facebook để giữ liên lạc và cập nhật thông tin về mọi thứ diễn ra trong cuộc sống của bạn bè, L.T.N đã tiến hành một thí nghiệm nhỏ. Anh sửa lại ngày sinh trong profile của mình và chờ xem có bao nhiêu người sẽ sang comment chúc mừng anh vào ngày sinh nhật giả này nhờ vào thông báo nhắc nhở trên Facebook của họ. Dù đã dự đoán trước sẽ có khoảng 5 – 10 người sẽ lầm tưởng và chúc mừng ngày sinh không có thật của mình, nhưng L.T.N vẫn bất ngờ khi thấy có đến hơn 25 người trong friend list [danh sách bạn bè] của anh sang comment chúc mừng và một số người thậm chí còn chúc mừng anh qua tin nhắn riêng dù chính họ đã từng gửi comment chúc mừng sinh nhật anh gần một năm về trước.

L.T.N viết trên Facebook của mình sau đó: “[Sau khi nhận được những tin nhắn đó] tôi cảm thấy thật phân vân: không biết nên vui vì nhận được những tin nhắn yêu thương hay nên buồn và sốc khi thấy thật dễ khi đánh lừa mọi người?”

Bạn có muốn thử thực hiện thí nghiệm này? Dĩ nhiên, sẽ có những người, trong số hàng trăm người trong friend list của bạn, không biết bạn đủ nhiều để có thể nhớ được sinh nhật thật của bạn, và họ chỉ đơn giản dựa vào thông báo của Facebook để sang chúc mừng bạn, bất kể đó chỉ là ngày sinh giả mà bạn tạo ra. Nhưng kết quả sẽ ra sao nếu bạn nhận ra ngay cả những người bạn cho là hiểu mình nhất, thân thiết với mình nhất cũng gửi tin chúc mừng bạn vào ngày sinh giả đó?

“Một người bạn mà tôi biết chắc rằng đã biết tôi sinh cùng ngày với anh của bạn ấy thậm chí còn gửi tin nhắn chúc mừng tôi vào cái ngày giả tạo này”, L.T.N viết tiếp.

Với Facebook, việc chúc mừng sinh nhật bây giờ chỉ đơn giản theo quy trình: trông thấy thông báo sinh nhật; sang tường nhà bạn gửi comment, bất kể mình có thực sự nhớ sinh nhật bạn, hay thậm chí mình có biết người mình chúc mừng là ai. Tin nhắn và comment chúc mừng cũng đủ loại, có người chăm chút cho lời chúc của mình thật ý nghĩa, có người thích dùng những câu kinh điển như “happy birthday” hay “chúc mừng sinh nhật”, nhưng cũng có người thậm chí chỉ viết vội những từ viết tắt vô hồn như “HPBD”, “chúc mừng sn” dù viết dạng đầy đủ của những từ này tốn không quá 10 giây!

Facebook hay Fake book?

Từ kết quả của thí nghiệm trên, L.T.N cho rằng Facebook chẳng những không giúp mọi người kết nối với nhau như thường nghĩ, mà còn đang làm chúng ta xa cách nhau. Anh đặt ra câu hỏi liệu chúng ta biết rõ những người bạn trên Facebook đến mức nào nếu chúng ta phải dựa vào công nghệ để nhắc nhở ta về họ; khi ta chỉ có thể biết rằng họ vừa kết hôn hay vừa sinh em bé thông qua những status của họ?

Có người thậm chí còn sang viết lên tường nhà bạn của mình, để rồi vài ngày sau phát hiện rằng bạn mình đã mất cách đó nhiều tháng? Chúng ta đã quá tin tưởng và phụ thuộc vào Facebook đến nỗi quên rằng mình cần phải liên lạc và thực sự kết nối với họ ngoài đời thực chứ không phải thông qua một mạng xã hội như Facebook. Chúng ta quá tin tưởng rằng họ sẽ update [cập nhật] mọi thông tin về họ lên Facebook, và vì thế chúng ta không cần phải đến thăm hay gọi điện hỏi han họ nữa.

Phóng to
Mỗi ngày, cư dân mạng bị vây lấy bởi hàng trăm hàng ngàn website và mạng xã hội - Ảnh minh họa: Internet

Có thật Facebook đang làm người ta ngày càng xa cách hơn, khi danh sách bạn bè của nhiều người không bao giờ dưới 100, 200 hay thậm chí là 300 người? Thật ra, nhiều người chúng ta khi nhận được friend request [lời mời kết bạn] thường chỉ đơn giản click accept [đồng ý] và không cần biết đó là ai. Như thế để làm gì khi friend list đã lên đến con số hơn 500 ‘friend’ nhưng ta chỉ thực sự liên lạc đúng nghĩa với chỉ hơn 10 người?

“Tôi nhận ra rằng Facebook đang ngày càng giết chết khái niệm về tình bạn đích thực”, L.T.N kết luận, “Thật mỉa mai và xấu hổ khi chúng ta gọi nó là Facebook như thể chúng ta đang thực sự giao tiếp face – to – face [mặt đối mặt] với nhau. Thật ra, việc chúng ta đang làm là tại ra nhiều khoảng cách hơn chứ không phải là kết nối.”

Và vì thế, L.T.N cho rằng những tên gọi Farcebook [trò hề], Facadebook [vẻ bề ngoài] hay là Fakebook [giả tạo] có vẻ đúng với bản chất của nó hơn là Facebook.

Đừng để công nghệ giết chết đời thực

Vẫn có chút tươi sáng trong câu chuyện của L.T.N, khi một người bạn đã nhận ra đó không phải là sinh nhật thật của anh. “Bạn tôi gửi tin nhắn nhắc nhở tôi rằng có lẽ Facebook bị lỗi vì đã thông báo nhầm sinh nhật của tôi. Tôi rất vui vì cuối cùng cũng có người nhận ra điều đó.”

Tuy vậy, N.L.T vẫn quyết định trung thành với phương pháp cổ điển mà mình vẫn làm bấy lâu nay: giữ một quyển sổ có ghi ngày sinh nhật của bạn bè, thay vì nhờ Facebook nhắc nhở.

Câu chuyện của L.T.N có lẽ là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang quá phụ thuộc vào Facebook và các tiện ích công nghệ khác. Nhưng dù gì đi nữa, mọi thứ chỉ có giá trị tương đối. Facebook vẫn là cách giúp kết nối với bạn bè tốt nhất trong thời đại ai cũng bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống bận rộn. Và để không còn thấy công nghệ đang giết chết tình bạn, hãy gửi vào mỗi tin nhắn trên tường và comment của bạn sự quan tâm chân thành và tình cảm thực. Và đừng bao giờ quên dành thời gian kết nối với mọi người trong không gian thực sau những comment và tin nhắn trên Facebook.

LƯƠNG NGUYỄN

Video liên quan

Chủ Đề