Cảm nhận suy nghĩ của em về thực trạng dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông

"Văn học là nhân học" vậy mà một thực trạng đáng buồn là học sinh bây giờ không còn thích học văn. Thực trạng này lâu nay đã được báo động. Ban đầu chỉ đơn thuần là những lời than thở với nhau của những người trực tiếp giảng dạy môn văn và nay đã trở thành vấn đề của báo chí và dư luận. Ai đã trực tiếp dạy và chấm bài làm văn của học sinh trong những năm gần đây mới thấy cần thiết phải ban bố " tình trạng khẩn cấp" về việc học văn ở các cấp học hiện nay.

Cảm nhận suy nghĩ của em về thực trạng dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông

Nếu làm một phép thống kê, xin dám chắc 80% học sinh tốt nghiệp PTTH không biết thực hành viết một bài làm văn theo đúng yêu cầu, viết sai chính tả, ngữ pháp, đấy là chưa kể đến việc hiểu và tiếp nhận tác phẩm. Không hiểu các em đã học như thế nào trong 12 năm học phổ thông để khi đã trở thành những tú tài, phần lớn không biết viết được một câu văn gãy gọn, thậm chí còn mắc phải những lỗi chính tả hết sức cơ bản mà lẽ ra bất cứ học sinh nào học xong tiểu học cũng có thể nắm được? Môn tập làm văn được học đến 5 năm ở cả hai cấp học (THCS, THPT) đã luyện cho học sinh từ cách viết câu văn, đoạn văn đến bố cục một bài văn; luyện khá kỹ về các thao tác nghị luận: chứng minh, giải thích, phân tích, bình luận...Vậy mà tất cả đều bị vô hiệu hoá. Hầu hết học sinh làm một bài văn không cần quan tâm đến yêu cầu thể loại, một yêu cầu quan trọng của bài văn, giúp giáo viên có thể đánh giá được năng lực tư duy, khả năng, mức độ hiểu biết và cảm nhận văn học của học sinh. Cách làm bài của các em như những cỗ máy vô hồn, hễ đặt bút là viết, chỉ cần liếc qua đề bài nhắc đến tác phẩm hoặc tác giả nào là cứ thế viết. Còn viết cái gì? Đã có bài văn mẫu trong hàng tập tài liệu có sẵn, đã bài giảng ở các lớp ôn luyện có sẵn, tha hồ cóp chỗ này, lắp ghép chỗ kia. Đa phần học sinh không thể tự viết được một bài văn bằng chính sự suy nghĩ và cảm nhận của mình, mà nếu viết được đi chăng nữa thì phần lớn là những câu văn ngô nghê, những ý tưởng "cười ra nước mắt" như: " Chế Lan Viên là một nhà văn lớn", " Tố Hữu được giải Nô - Ben Văn học năm 1960", Nguyễn Tuân...là người say mê tái hiện các nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng thời như Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát", " Việt Nam tuy không phải là cường quốc về kinh tế và quân sự nhưng là cường quốc về tình yêu"..... Trong kỳ thi chất lượng đầu năm cho học sinh lớp 10 ở một trường phổ thông nọ thì có đến 85% em không đạt điểm trung bình về môn văn, học sinh làm bài hầu hết chỉ viết được 1/2 đến 1 mặt giấy, còn lại để giấy trắng hoặc "vẽ hươu vẽ vượn" theo đúng nghĩa đen. Trong kỳ thi vào một trường Trung học chuyên nghiệp, mỗi phòng thi có 45 thí sinh mà không có nổi 5 em đạt điểm trung bình.

Không chỉ ở bậc phổ thông mà ngay cả bậc Đại học vẫn có nhiều sinh viên, kể cả sinh viên văn khoa vẫn chưa viết đúng chính tả, ngữ pháp và rất mù mờ khi được hỏi đến một nhà văn, nhà thơ, tác phẩm văn học đã được học. Nhiều sinh viên khi được yêu cầu kể tên những nhà văn , nhà thơ của giai đoạn văn học 1945- 1975 đã không ngần ngại nhắc tên cả Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một sự thực mà kể ra cứ như là giai thoại, như giai thoại về những lỗ hổng kiến thức trong các cuộc thi người đẹp, thanh lịch một thời. Sản phẩm học văn như thế đã được các cơ quan kiểm chứng. Hiện nay rất nhiều vị thủ trưởng ở các cơ quan kêu ca, than phiền vì không hiểu làm sao mà các Cử nhân thời nay không soạn thảo được một văn bản thông thường nhất, viết sai cả chính tả, câu cú chẳng ra hồn.

Nguyên nhân trực tiếp lý giải cho thực trạng này chính là sự thờ ơ, vô cảm coi thường môn văn của học sinh và thậm chí cả của các bậc phụ huynh. Trong cơ chế xã hội ngày nay, người ta thường đổ xô vào các ngành học mà sau này làm ra tiền. Mà muốn vậy thì phải đầu tư vào các môn học khác chứ không phải là văn học. Một học sinh từng kể với tôi rằng em học đều các môn, nhà trường có ý định chọn vào lớp chuyên văn và em đã có một biện pháp " tiêu cực" là liên tục làm các bài tập làm văn điểm kém để bị loại. Chưa tin, tôi đã làm một cuộc khảo sát thì mới khám phá ra một sự thật đáng buồn là đây không phải trường hợp cá biệt. Nhiều em đã tỏ ra rất "tự hào" vì sự dốt văn và không cần học văn của mình. Một giáo viên dạy toán ra trường được hai năm nói một cách rất vui vẻ rằng suốt mấy năm học phổ thông chỉ nhớ được mỗi tác phẩm có nhân vật tên là A Phủ. Quan điểm thực dụng nói trên đã và đang làm què quặt một thế hệ người mà hiện nay xã hội đang phải hứng chịu.

Thờ ơ, vô cảm coi thường môn văn đẫn đến các em học sinh không có được say mê, hứng thú học văn, đọc văn, như một nhu cầu tự thân. Đã qua rồi thần tượng của thế hệ trẻ là các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, thay vào đó là các ngôi sao ca nhạc, người mẫu thời trang, minh tinh màn bạc, cầu thủ bóng đá. Không còn nữa những giờ giảng văn mà cả thầy và trò đều xúc động trước một câu thơ hay, một áng văn đẹp, một số phận nhân vật. Không phủ nhận vẫn còn những em say mê văn học, yêu thích môn văn, rất am hiểu về các tác giả, tác phẩm văn học trong và ngoài nhà trường, biết làm thơ, viết truyện...Nhưng thử hỏi số ấy được bao nhiêu?

Học sinh bây giờ đọc tác phẩm văn học, đọc sách có định hướng quá ít, mà hiểu biết cũng như năng

Cảm nhận suy nghĩ của em về thực trạng dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông
Truyện Kiều - Tập đại thành của Văn học Việt Nam

lượng tinh thần của các em sẽ phong phú lên nhờ việc đọc sách. Các em có đọc sách, nhưng những cuốn sách mà các em đọc là: truyện tranh, truyện trinh thám, truyện tình cảm tâm lý xã hội. Những loại sách này đã đẩy xa các em ra khỏi kho tàng ca dao, cổ tích vốn là bầu sưa ngọt ngào đã từng nuôi lớn thể trạng văn hoá của bao thế hệ truyền thống người Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tâm sự về việc tiếp thu ca dao và ý nghĩa của nó đối với việc học văn: "Từ khi học cấp hai tôi đã có một quyển sổ tay để sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ mà tôi yêu thích. Đến bây giờ tôi vẫn giữ được thói quen ấy...Nó cho tôi vốn chữ nghĩa đã đành, quan trọng hơn là nó dạy tôi cách cảm nhận truyền thống của người Việt Nam ta....Nó dạy tôi sống theo tình nghĩa, bằng tình nghĩa. Và tôi nghĩ rằngđó cũng là điều cơ bản trong việc học văn". Thiết nghĩ, cả một kho tàng tinh thần quý giá như vậy của dân tộc, tuổi nhỏ không đọc, không cảm, không yêu thích, liệu những giá trị ấy có còn được lưu truyền và gìn giữ. Không những ca dao, truyện cổ, mà ngay cả những tác giả, tác phẩm lớn các em cũng rất ít đọc, lười đọc. Học sinh bây giờ học văn thậm chí còn không đọc cả tác phẩm được học trong SGK. Trước khi học một tác phẩm, giáo viên thường yêu cầu các em đọc trước ở nhà, nhưng khi được hỏi đến phần nhiều trả lời chưa đọc, chưa nắm được nội dung. Học văn trước hết và đầu tiên phải yêu cuốn sách giáo khoa với những tác phẩm văn học được học ở trong đó. SGK cung cấp cho học sinh những kiến thức về văn học, những rung động nghệ thuật đầu tiên để từ đó kích thích lòng yêu, say mê văn chương, từ đó mở rộng chân trời văn học trước mắt các em. Ngày trước đi học, các bài thơ, có khi cả những tác phẩm văn xuôi ngắn trong chương trình, học sinh đều học thuộc lòng, thậm chí còn nhớ đến cả những lời giảng của thầy cô. Thời kỳ đó, điều kiện sách vở học hành rất khó khăn vậy mà học sinh đọc rất nhiều các tác phẩm văn học Đông Tây Kim cổ và thuộc làu cả Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên... Nhà văn Khuất Quang Thuỵ kể: " Ở nhà , tôi là một con mọt sách. Tôi đọc ngốn ngấu bất kỳ thứ gì có trong tay...Tôi đọc có lúc quên ăn quên ngủ...Không những đọc, tôi còn chịu khó ghi chép từng câu văn hay, từng đoạn văn hay để thưởng thức". Nhà vănVũ Tú Nam viết: "Tôi say mê đọc sách báo văn học, ngoài chương trình của nhà trường. Nhiều cuốn sách, nhiều tác giả đã làm giàu sự hiểu biết, tình cảm và sự suy nghĩ của tôi. Sau này, tôi có thói quen ghi thu hoạch trong sổ tay về từng cuốn sách đã đọc, có khen, có chê". Nhà văn Nguyễn Kiên thì cho rằng: " Học văn và đọc văn (ngoài chương trình giảng dạy) là hai việc gắn liền với nhau, chúng hỗ trợ và kích thích lẫn nhau. Việc học không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa. Từ trang sách giáo khoa, nó luôn luôn gợi mở và nếu như ta có lòng say mê, nó sẽ dẫn ta vào cuộc thám hiểm đầy bất ngờ thú vị". Nhà thơ Phạm Tiến Duật : "Cho đến sau này, khi đã vào học ở khoa văn của trường ĐHSP, hay khi đã trở thành người cầm bút chuyên nghiệp, tôi vẫn không thể nào vượt được một kỷ lục mà tôi đạt được vào năm lớp 6: số sách mà tôi đã ngốn ngấu. Tôi đã đọc vào hồi ấy tất cả những quyển sách nào mà tôi được phép cầm lên". Sách vở đã là một phần không nhỏ tạo nên thành công của những nhà văn, nhà thơ nói riêng và nhân loại nói chung.

Bấy nhiêu những gì đã nêu ra thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải có một cái nhìn nghiêm túc. Trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời không thể cứ đổ lỗi mãi cho thầy cô, cho ngành giáo dục mà là của toàn xã hội. Học văn không chỉ để có kiến thức về văn học, cũng không chỉ để viết đúng ngữ pháp, không phải ai cũng học văn để rồi trở thành nhà văn cả. Học văn là để bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người, nó là giá trị tinh thần cần thiết để con người ta sống tốt hơn, đẹp hơn, nhân văn hơn, hoàn thiện hơn về nhân cách. Xin được nói rõ hơn điểm này bằng suy nghĩ của một số nhà văn, nhà thơ, những người đã từng đi học, sáng tác văn học.

Nhà thơ Vũ Cao: " Tôi còn nhớ trước cách mạng tháng 8, một thầy giáo dạy văn đã nói với lớp học chúng tôi như sau: văn là tinh thần con người, các em học văn là để hiểu mà ngẩng cao đầu lên, là để không chịu quỳ gối mãi trước những kẻ chà đạp lên nhân phẩm con người. Học văn là để hiểu lẽ sống, hiểu cái đẹp của cuộc sống, để phấn đấu cho cái đẹp ấy. Một câu viết cho đúng, một từ dùng cho chính xác cũng là nhằm mục đích ấy của môn học văn".

Nhà văn Nguyễn Kiên cho biết: "Học và đọc văn để biết cảnh biết người, để nắm vững cách điều khiển các câu chữ v.v tất nhiên là phải thế. Nhưng bao trùm lên tất cả lại phải làm sao nhuyễn được những cái hay, cái đẹp của văn vào trong tâm hồn, biến nó thành ao ước, thành động lực sống tốt hơn, trở thành người có ích hơn".

Học văn cần thiết và có ích cho mọi nghề nghiệp xã hội là như thế... Việc học văn, dạy văn trong nhà trường chúng ta nếu làm thật tốt sẽ đem lại cho mỗi một học sinh một hành trang tinh thần quý giá. Cứ cho rằng bài viết này cổ xuý cho việc học văn thì cũng không sai. Đã đến lúc cần phải lên tiếng về thực trạng học văn của học sinh hiện nay.

Nguyễn Thị Nguyệt

Nguyễn Thị Nguyệt