Cách xử lý xâm hại trẻ em

Một số tình huống trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục cần tránh:
Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
Không ở trong phòng một mình với người lạ.
Không nhận được tiền, quà có giá trị hoặc sự chăm sóc đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
Không đi nhờ xe người lạ.
Không đến gần hoặc để cho người lạ đến gần mình.
Không để người lạ vào nhà, nhất là trong nhà chỉ có một mình.
Không nói chuyện với người lạ là mình đang ở nhà một mình.
Khi bị xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại tình dục, các em cần hành động:
Đứng ngay dậy.
Nhìn thẳng vào kẻ định xâm hại tình dục.
Lùi ra xa để người đó không với tay được tới mình.
Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại, tôi không cho phép, tôi không muốn. Nếu không dừng lại tôi sẽ mách với vọi người…
Bỏ ngay đi.
Kể cho người thân hoặc những người đáng tin cậy biết để kịp thời giúp đỡ.
Áp dụng Quy tắc 5 ngón tay
* Ngón cái – gần mình nhất – tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em ruột: Những người này có thể ôm hôn, tắm, ngủ chung hay làm vệ sinh giúp bé khi còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín.
* Ngón trỏ – tượng trưng cho thầy, cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình: Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Nếu bất kỳ ai trong nhóm này chạm vào “vùng đồ lót”, bé sẽ hét to để nhận được sự trợ giúp và nói với mẹ để được giúp đỡ kịp thời.
* Ngón giữa – người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ: bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.
* Ngón áp út – người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu: bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
* Ngón út – ngón tay xa bé nhất – thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Áp dụng Quy tắc Chiếc quần lót
* P – Privates are Private: Chỗ kín là riêng tư
Đồ lót là vật giúp con che lại vùng kín của mình, và không ai được phép nhìn hoặc đụng vào những nơi con mặc đồ lót. Trong trường hợp đặc biệt khi bác sĩ, y tá hoặc thành viên gia đình bắt buộc phải làm vậy, họ phải giải thích với con và được con đồng ý trước.
* A – Always remember your body belong to you: Hãy nhớ cơ thể của con là của riêng con.
Cơ thể của con thuộc về con. Không ai được phép làm bất kì điều gì khiến con không thoải mái hoặc xấu hổ. Nếu có ai tỏ ý muốn đụng chạm và nhìn vào những nơi con mặc đồ lót [vùng kín], hãy lập tức nói “Không” và báo ngay với người con tin cậy hoặc bố mẹ con.
* N – No means No: Không là không
Không nghĩa là không và con luôn có quyền từ chối người lớn, dù đó là một thành viên trong gia đình hay một người con yêu quý. Con là người kiểm soát cơ thể của con và cảm giác của con là quan trọng nhất. Nếu con không thoải mái và không thích, hãy mạnh dạn nói “không”, vì đó là lựa chọn của con
*T – Talk about secrets that upset you: Kể về những bí mật làm con khó chịu.
Có những bí mật xấu và bí mật tốt. Bí mật tốt là những thứ làm con vui như món quà bí mật ông già Nô-en sắp tặng. Còn bí mật xấu sẽ làm con lo sợ và buồn bã. Hãy luôn luôn tâm sự với những người lớn con tin tưởng khi con có bí mật xấu.
* S – Speak up, someone can help : Hãy lên tiếng, sẽ có người có thể giúp đỡ.
Hãy nói ra những điều làm con lo lắng và sợ hãi. Khi con cảm thấy bồn chồn, lo sợ, hãy tâm sự ngay với một người lớn con tin tưởng – có thể là bố mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, hoặc một người thân của gia đình.
Nên cho trẻ mặc đồ lót và dạy con nhớ kỹ quy tắc này.

Bài viết cùng chủ đề

  • Thang điểm, cách chấm điểm đối với danh hiệu Gia đình văn hóa và Khu dân cư văn hóa
  • SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH HẬU GIANG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIA ĐÌNH NĂM 2020
  • Nam Định: Triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
  • Bình Thuận tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho thiếu nhi về đề tài gia đình
  • Khánh Hòa triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021
  • Đắk Nông triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”

Nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề xâm hại trẻ em.

Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức, trước thực trạng việc xâm hại trẻ em đang có những diễn biến phức tạp, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề xã hội có tính toàn cầu

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề xã hội có tính toàn cầu, theo ước tính của tổ chức y tế thế giới [WHO] vào năm 2011 trên phạm vi toàn cầu có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục; khu vực Châu Á Thái bình dương có tới 71% trẻ em từ 1-14 tuổi chịu kỷ luật bạo lực; Việt Nam khoảng 68,4%.

Thảo luận, các đại biểu cho rằng số liệu thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được đầy đủ. Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ.

Về vấn đề bạo lực học đường đối với trẻ em, các đại biểu cũng chỉ ra, một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc. Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau.

Nguyên nhân tiêu và giải pháp

Thảo luận về những nguyên nhân tiêu biểu cho tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, do sự phân hóa giàu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống, những rạn vỡ trong gia đình và sự sói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng.

Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình... dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt.

Đặc biệt, do tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet... cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Đồng thời, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Từ những nguyên nhân đó, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng bảo vệ an toàn cho trẻ em trong trường học và trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách được đặt ra và cần sự chung tay của toàn xã hội.

Tại hội thảo, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân như công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được quan tâm, đây đó còn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em; ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý; các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp, đặc biệt trên môi trường mạng, thông qua con đường du lịch trong thời gian dài không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời và không được xử lý triệt để; gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em, chậm được bổ sung kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em....

Trước thực trạng xâm hại trẻ em nêu trên, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em.

Bàn về các giải pháp bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, các đại biểu nêu rõ, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, cần chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững.

Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh.

Nguồn: Thu Phương.

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: //www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 //zalo.me/124927393982155061

Chủ Đề