Cách học thuộc nhanh môn sinh 8

Giải nhì quốc gia chia sẻ bí quyết học tốt môn Sinh học

Coi môn Sinh là niềm đam mê, luyện tập thật nhiều để thành bản năng, sắp xếp thời gian ôn luyện hợp lý... là một trong những bí quyết "giải nhì quốc gia môn Sinh học 2011" Phạm Khánh Ly chia sẻ để giật điểm cao môn Sinh học.

>>Cách ôn tập và làm bài đạt điểm cao môn Hóa
>>Học cách nhớ lâu và làm bài thi môn Địa lý
>>Học cách quên để làm tốt bài thi môn Sử

Khuôn mặt thanh tú và đặc biệt mái tóc dài ấn tượng, Nguyễn Khánh Ly, lớp 12 chuyên Sinh, PTTH chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội là một trong những thí sinh xuất sắc giật giải nhì môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc vừa qua.

Chia sẻ về bí quyết học, Ly cho rằng để giành điểm cao môn Sinh không khó. "Nếu có phương pháp học tốt, em nghĩ rằng những bạn có lực học bình thường cũng có thể dễ dàng đạt điểm 7, 8 trong bài thi Đại Học", Ly tự tin chia sẻ.

Coi nó là niềm đam mê

"Em nghĩ với bất cứ một môn học nào, muốn học tốt thì trước tiên phải có niềm đam mê và yêu thích nó. Đặc biệt môn Sinh lại gắn liền với cuộc sống hằng ngày, chỉ cần để ý một chút, chúng ta có thể học môn Sinh ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, chứ không phải chỉ chăm chăm cầm sách.

Chân dung giải nhì quốc gia môn Sinh, Nguyễn Khánh Ly.

Ngoài ra, trong bài thi môn Sinh, rất nhiều câu hỏi liên quan đến lý thuyết thực tiễn. Chẳng hạn như trong cuộc sống hằng ngày, việc tìm hiểu về quá trình trao đổi chất, về những lượng vitamin trong các món ăn vừa giúp cho việc học không trở nên khô khan vừa giúp giữ gìn sức khỏe. Với riêng em, môn Sinh còn giúp em thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều bởi cảm giác được hiểu và khám phá sâu hơn về cuộc sống quanh mình", Ly chia sẻ.

Một yếu tố quan trọng nữa, theo Ly là không nên tạo cho mình áp lực quá nhiều. "Học nhiều quá cũng không phải là tốt. Xen giữa những giờ học căng thẳng có thể giải trí bằng cách nghe nhạc, luyện tập thể thao để tinh thần phấn chấn. Như vậy học sẽ "vào" hơn rất nhiều", Ly bật mí.

Luyện tập nhiều để thành phản xạ

Trong việc làm bài thi môn Sinh, việc nhớ lý thuyết là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Ly, nhớ không phải là học thuộc lòng mà phải hiểu về các khái niệm nếu không rất dễ bị các câu hỏi "đánh lừa".

Sau mỗi bài học đều có những câu hỏi, bài tập liên quan đến bài này Ly làm ngay và soạn những câu trả lời ra một cuốn tập riêng. Với việc trả lời, giải những câu hỏi bài tập phía sau mỗi bài sẽ làm mình nhớ ngay bài vừa học. Qua đó, Ly sẽ nắm được khái quát kiến thức của toàn bộ chương trình, của từng phần, từng chương và so sánh với nhau nếu có thể.

"Về bài tập, môn Sinh không có quá nhiều nhưng mình cũng phải làm nhiều để quen và tập sự phản xạ. Khi đã hình thành phản xạ có điều kiện này, mỗi khi đọc đến câu hỏi nào ngay lập tức mình sẽ nghĩ ra hướng làm ngay. Với môn thi trắc nghiệm như Sinh thì yếu tố nhanh nhạy là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để tập được như thế đòi hỏi các bạn phải chăm chỉ và luyện tập thường xuyên. Ngoài việc làm đầy đủ các bài tập trong SGK, nên tìm mua thêm những cuốn sách bài tập tham khảo hoặc tìm trên mạng những đề thi các năm trước để thực hành. Em thường dành 2 - 3 tiếng mỗi ngày để căn thời gian luyện tập cho những đề thi trong các cuốn sách ôn tập", Ly cho biết.

Làm bài thi cần chú ý các câu cài bẫy

Môn này thi theo hình thức trắc nghiệm nên mỗi thí sinh cần ghi nhớ các quy định khi làm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT về việc tô các đáp án đúng.

"Đọc kỹ để xác định đúng câu hỏi, gạch chân các từ "đúng", "sai", "không"... vì có rất nhiều "bẫy" trong phần này. Những câu hỏi này thường không quá khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải thật chú ý, nếu đọc không kỹ chắc chắn sẽ dễ "sập bẫy".

Với câu hỏi yêu cầu tìm phương án "đúng", khi chưa xác định được chắc chắn câu trả lời, các bạn nên dùng phép loại trừ các câu sai để chọn đáp án chính xác và ngược lại, loại trừ các câu "đúng" để tìm một câu "sai" phù hợp với đề.

Ngoài ra, theo em theo dõi, trong đề thi Đại học thường có 3 câu hóc búa, mang tính đánh đố, thông thường nằm trong phần quản lý di truyền. Để làm được những câu hỏi này cần phải đọc sách tham khảo hoặc hỏi thêm thầy cô để tìm hiểu sâu hơn.

Trong trường hợp không thể giải được cũng không nên bỏ qua phần tô đáp án", Ly nói.

Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề