Cách giâm cành hồng có Hải Phòng

Giâm cành cây Hoa Hồng là một trong những phương pháp nhân giống Hoa Hồng. Nội dung không chỉ hướng dẫn các phương pháp để giâm cành cây Hoa Hồng, mà còn tiết lộ các bạn những kỹ thuật mới trong việc giâm cành.

Ý nghĩa của kỹ thuật giâm cành mới trong cách giâm cành Hoa Hồng

Hướng dẫn cách giâm cành cây Hoa Hồng đã có nhiều tài liệu làm việc này, và chỉ cần với những tài liệu đơn giản thì các bạn đã có thể áp dụng vào việc giâm cành cây Hoa Hồng thành công. Đơn giản chỉ vì Hoa Hồng dễ sống với phương pháp giâm cành. Tuy nhiên để đạt được tỷ lệ sống cao thì những hướng dẫn cách giâm cành dưới đây sẽ giúp bạn đạt được điều đó.

Những kỹ thuật mới này sẽ không chỉ nằm ở mức tăng khả năng thành công mà nó còn giúp ích nhiều trong việc giúp bạn sớm hoàn thành bộ sưu tầm những cây Hoa Hồng mà các bạn mong muốn, chỉ cần một cành nhỏ xin được từ bạn bè hoặc mua ở cửa hàng cây cảnh, các bạn đã có thể trồng thành cây Hoa Hồng thành phẩm.

Hướng dẫn cách chọn cành cây Hoa Hồng để làm giống

Để giâm cành trước hết các bạn cần chọn cho mình cành để làm giống, cành để giâm phải là cành không quá non cũng không quá già. Cành quá non thì khi chưa kịp ra rễ đã bị các yếu tố từ bên ngoài tác động làm cành bị khô, bị thối thân dẫn tới tỷ lệ thành công thấp. Cành Hoa Hồng quá già không làm cho tỷ lệ thành công thấp đi, nhưng sẽ làm tăng thời gian chờ đợi cành ra rễ, cành càng già thì thời gian ra rễ càng lâu, kéo dài thời gian chờ đợi sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí phát sinh.

Chọn cành từ cây Hoa Hồng có các đặc điểm mà bạn mong muốn. Như cây có hoa to, hoa có màu sắc nổi bật, lá dày và không quá to, cây có hoa thơm đặc trưng, đặc biệt là cây cho màu hoa bạn đang mong muốn.

Hướng dẫn cách xử lý cành cây Hoa Hồng trước khi giâm

Sau khi đã chọn được cành để làm giống, các bạn tiến hành cắt cành khỏi cây mẹ, sau khi tách khỏi cây mẹ các bạn tiến hành cắt bỏ hết lá trên cành giâm, cắt khúc cành giâm khoảng từ 15 đến 25 cm. Chiều dài này không nên cố định, mà cách bạn chỉ cần cắt khúc mà trong đó nó có từ 2 đến 4 mắt mầm là được, thậm chí nếu khoảng cách giữa các mắt mầm quá dài thì các bạn có thể cắt đoạn cành chỉ chứa 1 mắt mầm thôi, không cắt dài quá 25 cm, cắt dài quá lúc giâm cành dễ bị rung lắc.

Cắt cành với mỗi cành có từ hai mắt mầm

Sau khi đã cắt đoạn cành các bạn tiếp tục dùng dao sắc để cắt vát phần vỏ bị dập, tốt nhất nên dùng lưỡi dao lam để vát, đảm bảo dao dùng để cắt vát cành càng sắc càng tốt.

Những cách để giâm cành cây Hoa Hồng

Có nhiều cách để giâm cành cây Hoa Hồng, như là giâm cành cây Hoa Hồng bằng đất, giâm cành cây Hoa Hồng bằng cát, cách giâm cành cây Hoa Hồng bằng xỉ than, cách giâm cành Hoa Hồng bằng tro trấu, cách giâm cành cây Hoa Hồng bằng nước. Cách giâm cành cây Hoa Hồng bằng cát sẽ được chúng tôi đi sâu vào hướng dẫn trong bài viết này.

Cách giâm cành Hoa Hồng bằng đất

Giâm cành Hoa Hồng bằng đất là phương pháp nhiều người dùng nhất, nhưng tỷ lệ thành công với phương pháp này cũng thấp nhất. Vì khi giâm bằng đất không có độ thông thoáng như với các cách giâm khác, dẫn tới tình trạng cành bị úng nước, rễ non khi mới ra dễ bị thối rữa nếu các bạn tưới nước cho cành giâm, còn nếu không tưới nước thì cành lại bị khô. Tốt nhất không dùng cách này để giâm cành.

Tuy nhiên giâm cành Hoa Hồng bằng đất cũng có những ưu điểm của nó, ưu điểm là khi cây đã sống và phát triển chúng ta không phải đi qua công đoạn chuyển cây từ bầu giâm ra trồng tại vị trí chúng ta mong muốn.

Giâm cành Hoa Hồng bằng nước

Cách giâm cành Hoa Hồng bằng nước là phương pháp đơn giản nhất, với phương pháp giâm cành này chúng ta cũng tiến hành cắt và vát cành như hướng dẫn ở trên. Sau khi đã vát cành cẩn thận các bạn dùng một miếng xốp rồi cắm cành Hoa Hồng vào miếng xốp, sau đó thả trôi trong nước. Đặt chậu nước vào nơi thật sự râm mát. Lưu ý với phương pháp này các bạn nên để một vài lá Hoa Hồng trên cành, để cành vẫn tiếp tục quang hợp, nếu cành không quang hợp được nhờ lá thì cành đó sẽ bị úng nước và thất bại.

Nhược điểm lớn nhất của phương pháp giâm cành Hoa Hồng bằng nước chính là sự thích ứng với môi trường kém sau khi cây đã ra rễ và khi di chuyển tới nơi để trồng cố định. Cách giâm cành bằng nước làm cho cây quen với môi trường nước, khi đem cây ra môi trường đất cây dễ bị sốc và tỷ lệ sống sót cũng vì vậy giảm đi rất nhiều. Giâm cành Hoa Hồng trong nước tỷ lệ thối cành do bị ngâm trong nước là rất lớn. Vì vậy các bạn không nên chọn phương pháp giâm cành Hoa Hồng bằng nước để nhân giống Hoa Hồng.

Giâm cành cây Hoa Hồng bằng xỉ than

Sau khi đã chọn cho mình được những cành giống đúng ý và cắt vát đầy đủ các bạn giâm vào bầu giâm chứa nhiều xỉ than tổ ong đã qua nung nóng [tức là than đã nấu]. Than tổ ong các bạn đập nhuyễn, cho vào bình nhựa trong suốt, sau đó dùng que có đường kính bằng đường kính cành hoa [to bằng cành Hoa Hồng] để cắm lỗ sau đó đặt cành Hoa Hồng xuống lỗ đã đục sẵn, rồi tưới nước thật đẫm, cuối cùng dùng tay nén, nén sao cho cành Hoa Hồng đủ chặt. Không nén quá mạnh tay, vì khi nén các hạt than sẽ đè lên vỏ cành Hoa Hồng dễ dẫn tới tình trạng vỏ bị dập.

Ưu điểm của cách giâm cành cây Hoa Hồng bằng xỉ than

Cây Hoa Hồng được giâm bằng xỉ than khi chuyển ra môi trường bên ngoài tỷ lệ sống rất cao, vì những cành Hoa Hồng còn bám một ít xỉ than khi các bạn tách khỏi bầu giâm, những rễ này sẽ hút dinh dưỡng từ các cục xỉ than này để tiếp tục giúp cây phát triển. Tức là khi di chuyển cây từ bầu giâm sang chậu trồng cây hầu như không bị sốc, dễ dàng thích nghi với môi trường mới hơn.

Nhược điểm của cách giâm cành cây Hoa Hồng bằng xỉ than

Với phương pháp này các bạn dễ gặp tình trạng cành Hoa Hồng không ra rễ, vì khi giâm trong xỉ than rất khó để cố định cành giâm. Trong quá trình giâm cành chỉ cần lắc nhẹ một tý thôi thì các vị trí tiếp xúc giữa cành với chất giâm cành sẽ bị thay đổi, lúc này cành giâm phải có thêm thời gian để thích nghi với vị trí mới. Đặc biệt khi cành giâm mới nhú rễ non, sự tác động này cũng làm cho cây thụ động lại, làm cho rễ ngưng phát triển.

Hướng dẫn cách giâm cành Hoa Hồng bằng tro trấu

Khi giâm cành không chỉ với Hoa Hồng mà với nhiều cây khác, đây là phương pháp giâm cành được nhiều người áp dụng. Các bước tiến hành sẽ tương tự như giâm cành Hoa Hồng bằng xỉ than. Tuy nhiên đây là phương pháp mà chúng tôi khuyên bạn không nên áp dụng, vì nó chứa quá nhiều nhược điểm.

Khó cố định cành giâm là nhược điểm lớn nhất của phương pháp giâm cành này, tiếp đến khi giâm cành bằng tro trấu thì bâù giâm dễ bị mất nước gây mất nhiều thời gian chăm sóc.

Giâm cành cây Hoa Hồng bằng khoai tây

Giâm cành bằng khoai tây là cách tận dụng lượng nước và tinh bột có sẵn trong củ khoai tây. Đây là những nguồn dưỡng chất giúp cho Hoa Hồng phát triển trong giai đoạn đầu. Nếu các bạn không có khoai tây có thể sử dụng khoai lang để thay thế.

Ưu điểm của giâm cành bằng khoai tây

Không cần phải làm giá thể cố định cành giâm, cây khoai tây vẫn có thể phát triển sau khi cắm cành vào, vì vậy các bạn không cần phải tưới nước trong giai đoạn giâm cành.

Nhược điểm của giâm cành bằng khoai tây

Tốn kém, đó là điều mà ai cũng thấy được, ngoài ra khi giâm cành bằng phương pháp này thì cành dễ bị úng nước nếu các bạn xử lý cành giâm không tốt.

Hướng dẫn cách giâm cành Hoa Hồng bằng cát với những kỹ thuật mới

Đây là trọng tâm chúng tôi muốn truyền tải tới các bạn, với kinh nghiệm của chúng tôi thì không chỉ Hoa Hồng mà hầu hết các cây khi sử dụng phương pháp giâm cành bằng cát xây dựng là hiệu quả nhất. Vì có độ thông thoáng nhất định, dễ tìm kiếm vật liệu, giâm cành nén thật chặt mà chẳng lo cành Hoa Hồng bị bầm dập vì hạt cát vốn không có nhiều góc cạnh, giữ ẩm tốt.

Chuẩn bị bầu giâm

Bầu giâm các bạn nên chọn hộp nhựa hoặc ly uống nước bằng nhựa trong suốt, điều này chúng tôi đã trình bày tại các bài viết như hướng dẫn giâm cành linh sam, hay hướng dẫn cách giâm cành hoa giấy, các bạn hãy tìm đọc để tìm hiểu tại sao lại chọn hộp nhựa trong suốt để giâm cành. Sau khi có hộp nhựa các bạn đục lỗ ở đáy để thoát nước. Đồng thời chuẩn bị sẵn một cành cây nhỏ có chiều dài từ 25 đến 30 cm. Cuối cùng hãy chuẩn bị sẵn một cuộn giây buộc, nếu có thể hãy chọn một sợi dây thép nhỏ.

Sau khi đã chuẩn bị các thứ cần thiết ở trên, lúc này hãy đổ đầy cát vào hộp nhựa, nén cát thật chặt. Tiếp đến cắm cành cây vào một bên hộp cát, cắm sâu xuống đáy hộp, cắm sao cho cành cây không bị lúc lắc khi tác động vào, vì cành này sẽ là giá cố định cho cành giâm trong phương pháp giâm cành Hoa Hồng bằng cát xây dựng.

Giâm cành cây Hoa Hồng vào bầu giâm

Sau khi đã chuẩn bị xong bầu giâm các bạn mới tiến hành cắt cành Hoa Hồng và cắt chúng thành từng đoạn, mỗi đoạn cành có từ 2 tới 3 mắt chồi, khoảng cách từ đầu cành giâm [đoạn chôn sâu trong cát] tơí mắt chồi thứ nhất phải đảm bảo chúng dài hơn 4 cm, nếu ngắn quá thì phải cắt cành giâm dài hơn 2 mắt chồi. Vì phần mắt chồi thứ nhất sẽ bị chôn trong cát và ít đâm chồi hơn các mắt chồi khác. Cắt cành xong các bạn tiến hành vát cành và bước sang bước tiếp theo.

Dùng dao thật sắc để cắt vát phần cành bị dập

Giâm cành Hoa hồng vào bầu giâm bằng cát bằng cách dùng cành cây to bằng cành giâm, đâm lỗ trên cát, đặt cành giâm xuống. Hết cành này tới cành khác, mỗi bầu giâm các bạn có thể giâm nhiều cành, miễn sao đảm bảo các cành nằm cách nhau khoảng 2 đến 3 cm. Khi đã đặt cành Hoa Hồng vào lỗ đã đục sẵn có chiều sâu từ 5 đến 7 cm.

Dùng cành cây to bằng cành giâm đục lỗ trước khi cho cành giâm vào

Khoan vội nén cát mà các bạn dùng sợi dây đã chuẩn bị rồi buộc cố định cành giâm vào giá thể có sẵn.

Buộc cố định cành giâm vào giá thể

Khi đã cố định xong các bạn tiến hành tưới thật đẫm vào bầu giâm, dùng que nhỏ hoặc dùng ngón tay để nén thật chặt xung quanh cành giâm một lần nữa, nếu dùng cành cây để nén cát các bạn tránh để nó va chạm với mắt mầm.

Nén thật chặt cát xung quanh gốc cành giâm

Bây giờ các bạn đưa bâu giâm vào vị trí có bóng râm, nơi có ít tác động của môi trường bên ngoài, lúc nào thấy cành Hoa Hồng ra chồi non nghĩa là cành đã đâm rễ non, khi cây non ra lá và lá đã chuyển sang màu sẫm các bạn hãy đưa bầu giâm vào một chậu nước, rồi ngâm bầu giâm vào nước khoảng 15 đến 30 phút, sau đó nghiêng và đổ hẳn cây trong chậu nước. Đổ cây trong chậu nước và làm ở dưới nước để cây không bị đứt rễ nhé.

Trồng và chăm sóc cây Hoa Hồng sau khi giâm cành thành công

Khi các bạn quan sát thấy bầu giâm đã ra rễ, và lá Hoa Hồng đã xanh sẫm màu, các bạn chọn ngày có thời tiết không quá nắng nóng để chuyển cây từ bầu giâm sang vị trí trồng cố định. Khi chuyển cây ra các bạn nên đào lỗ trên đất, lỗ này nên có chiều rộng từng 3 đến 4 cm, không làm quá lớn cũng không làm quá nhỏ, có chiều sâu từ 7 đến 8 cm. Sau đó các bạn đặt cây Hoa Hồng vào lỗ, nhẹ nhàng cho cát vào hố, khi được nửa hố thì tiến hành tưới nước để cát tự len lỏi xuống, tiếp tục cho cát đầy hố và dùng nước để giúp cát nén xuống, cuối cùng hãy lấp thật đầy cát vào gốc hồng và tưới nước thật đẫm một lần nữa.

Nên cắm bờ bao xung quanh gốc hồng mới trồng, để cây không bị tác động bởi môi trường xung quanh như chó, mèo, gà, vịt và thậm chí là cả con người. Cắm bờ bảo vệ còn giúp bạn dễ dàng che nắng trong mấy ngày đầu khi mới trồng.

Trên đây chúng tôi vừa hướng dẫn các bạn cách để giâm cành cây Hoa Hồng bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phần giâm bằng cát được chúng tôi làm nổi bật với nhiều kỹ thuật giâm cành còn mới nhưng đã qua thử nghiệm của chúng tôi. Hãy chia sẽ bài viết tới bạn bè của bạn nếu họ cũng yêu thích Cây cảnh như bạn.

Nội dung nổi bật: giâm cành hoa giấy, giữ ẩm cho cây, trồng cây sứ, trồng cây linh sam, giâm cành linh sam, ghép cành ngũ sắc, cây mini để bàn, nhạc thiếu nhi, Thánh ca Cẩm Ly, Thánh ca về thánh Giuse, Nghe nhạc Thánh ca, Giâm cành Hoa Hồng

Video liên quan

Chủ Đề