Cách chơi pes 2023 ps4

Đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Konami công bố tựa game bóng đá ra mắt thường niên Pro Evolution Soccer sẽ được đổi tên thành eFootball và phát hành miễn phí, tựa game này đã chính thức ra mắt hôm 30/09 vừa rồi trên nhiều nền tảng máy chơi game phổ biến, từ PS4, PS5, PC cho tới Xbox.

Nhưng nếu chăm chỉ lướt mạng xã hội để tìm hiểu thông tin game, hay có bạn bè người thân hâm mộ PES, năm nào cũng đá phiên bản mới nhất, hẳn anh em cũng sẽ nhận ra những lời chê bai thậm tệ, chí ít là đối với những người đã chơi eFootball 2022 trên nền PS4 vừa được tải miễn phí từ ngày hôm qua. Còn trên thế giới, Steam chặn eFootball 2022 khỏi khu vực Việt Nam, nhưng hiện giờ ở thời điểm viết bài, tựa game bóng đá mới này đang nhận được gần 5.000 lượt đánh giá tiêu cực, kéo “chất lượng đánh giá” của cộng đồng gamer xuống mức “Overwhelming Negative.” Hiện tại lượng đánh giá tiêu cực của eFootball 2022 trên Steam đang nằm ở ngưỡng 92%, biến nó trở thành một trong những tác phẩm tồi nhất phát hành trên Steam.

Bước chuyển từ phiên bản thu phí hàng năm sang miễn phí, trên lý thuyết, sẽ có thể giúp Konami tăng nhanh lượng người chơi, khi FIFA vẫn bắt anh em bỏ 990 nghìn Đồng để mua phiên bản mới, thứ mà nhiều anh em đang nói với mình rằng thật ra chỉ là FIFA 17.5, chỉ có đồ họa ngon hơn chứ lối đá không có nhiều cải tiến. Lượng người chơi càng đông thì tỉ lệ người bỏ tiền mua những cầu thủ có chỉ số khủng trong game càng cao. Không phải tự nhiên mà những game có doanh thu khủng nhất hành tinh đều là những game miễn phí.

Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Cái nan giải mà Konami đem tới cho người hâm mộ dòng game bóng đá lâu năm, thông qua phiên bản eFootball 2022 vừa ra mắt, lại khiến nỗ lực thuyết phục người chơi nhảy tàu từ FIFA sang PES trở nên vô cùng khó khăn. Không loại trừ khả năng eFootball có thể phục hồi, tạo ra một cuộc lội ngược dòng đỉnh cao như cái thời No Man's Sky bị chê bai thậm tệ nhưng giờ trở thành một trong những game khám phá xuất sắc nhất thế giới. Có thể. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ không ổn một chút nào cả.

Có thể tạm gói gọn những vấn đề khiến giới hâm mộ chê bai hết nhẽ eFootball 2022 ở ba khía cạnh: Đồ họa, lối chơi và nội dung game. Đây không phải một bài đánh giá trò chơi, vì bản chất của một tác phẩm miễn phí cập nhật lâu dài dưới dạng Game-as-a-Service là ở chỗ, sau 1 năm, nó có thể tốt lên, có thể tệ đi, nhưng có điều chắc chắn là cùng một trò chơi, trông nó sẽ rất khác so với thời điểm vừa được phát hành. Hãy công bằng với các nhà làm game tại Konami Digital Entertainment.

Công nghệ đồ họa có vấn đề nghiêm trọng


Tạm biệt Fox Engine, bộ công cụ đồ họa “next-gen” được Kojima Productions lừng lẫy tạo ra để phát triển những tác phẩm game của tương lai từ quãng năm 2013, tức là từ thời PS3 tiệm cận thời điểm PS4 ra mắt. Giờ eFootball 2022 được phát triển bằng Unreal Engine. Xin phép được nhắc lại với anh em, rằng đó là chiến lược của Konami để tạo ra một trải nghiệm bóng đá đồng nhất trên mọi nền tảng, từ console đến PC cho tới cả mobile. Bản thân bộ công cụ của Epic Games đã chứng tỏ được sức mạnh của nó, xét riêng tới khả năng scale đồ họa và hiệu ứng. Cứ nhìn Fortnite là thấy, từ Switch, PS4, điện thoại cho đến PC và máy tính bảng, trên nền tảng nào cũng có thể thưởng thức.

Nhưng vấn đề của Unreal Engine nằm ở chỗ, nó là một công cụ phổ quát [universal] phục vụ mọi nhu cầu làm game, trái ngược hoàn toàn với những bộ engine được các hãng game phát triển riêng cho nhu cầu của họ, từ thiết kế màn chơi, xử lý asset mô hình và texture vật thể cho tới gameplay mechanic để điều khiển nhân vật. Vì lý do đó, làm game bằng Unreal không khó, nhưng để tạo ra một tác phẩm thật sự ở đẳng cấp AAA thì cần rất nhiều kỹ năng và thời gian tối ưu.

eFootball 2022 là một ví dụ hoàn hảo của việc tối ưu đồ họa kém. Sau khi tải 25GB dữ liệu của bản PS5, hoặc 27GB của bản PS4, những gì anh em được chiêm ngưỡng trên màn hình giống hệt như những bộ phim kinh dị, khi thay vì những gương mặt thân quen của các tuyển thủ đẳng cấp thế giới, mô hình nhân vật trông vừa dị dạng, vừa lệch lạc về hiệu ứng ánh sáng tác động lên làn da của mô hình 3D. Ví dụ không đâu xa, anh em cứ cuộn lên hình cover là sẽ thấy.

Có hai cách giải thích cho những gương mặt như quái vật trong eFootball 2022. Thứ nhất là mô hình nhân vật không hề chi tiết. Chỉ cần đem so sánh gương mặt của Bruno Fernandes trong eFootball 2022 và FIFA 21, phiên bản chỉ nâng cấp nhẹ đồ họa trên PS5 là anh em sẽ thấy vấn đề nằm ở chỗ nào:

Còn nhìn hình này, có anh em nào nhận ra đây là Mason Greenwood không:

Những cố gắng đẩy cao độ tương phản của các góc cạnh khuôn mặt nhân vật cầu thủ ảo đều không thành công, dẫn tới thực tế là những vị trí như khóe mắt, cằm, chân mày trông rất thiếu tự nhiên. Mình không phải họa sỹ đồ họa 3D, nhưng thiển ý cá nhân của mình thì mô hình này trên mobile còn không chấp nhận nổi, chứ đừng nói là trên nền tảng máy chơi game thế hệ mới nhất như PS5.

eFootball 2022 không chỉ xấu ở mô hình nhân vật, và đôi khi có những lỗi đồ họa hết hồn đúng nghĩa đen, mà bản chất công nghệ chung trong quá trình stream asset đồ họa, ở trường hợp này là tải dữ liệu texture bề mặt vật thể. Có thể đổ lỗi cho ổ cứng HDD trong máy PS4 khi texture da dẻ nhân vật, sân bóng và quan trọng nhất là bộ trang phục của các cầu thủ mất gần nửa giây mới tải xong ngay trên màn hình, anh em chơi game thấy chớp một cái từ mô hình xấu chuyển sang mô hình đẹp. Nhưng khi chơi bản PS4 của eFootball 2022 thông qua tính năng tương thích ngược trên PS5, tình trạng này cũng diễn ra, thì rõ ràng game có vấn đề chứ không phải lỗi phần cứng. Lấy ví dụ tấm hình mà chắc chắn sẽ khiến mình gặp ác mộng đêm nay. Độ nét có thể cao, nhưng chất lượng bề mặt vật thể chắc chỉ ngang tầm game PS3:

Vấn đề nằm ở chỗ, ngay cả phiên bản PS5 [mình tải cả hai bản về chơi thử], tình trạng texture pop-in mà mình tả ở trên đây cũng xuất hiện.

Nói tóm lại, đồ họa của eFootball 2022 gặp vấn đề nghiêm trọng, không có cách nào nói giảm nói tránh cả.

Lối chơi trở thành hardcore chứ không thấy vui nữa


Nếu đang chơi quen PES Season Update 2021 mà chuyển ngay sang eFootball 2022, anh em sẽ bị choáng vì cách chơi của game đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Giờ không còn việc giữ nút R1 để chạy nhanh nữa, mà đẩy cần analog càng xa, kết hợp với giữ nút R2 càng chặt thì cầu thủ càng chạy nhanh. Theo Konami, khả năng điều khiển của cò phải và analog trái kết hợp với nhau sẽ cho phép anh em điều khiển từng cầu thủ với sự chính xác ở mức cao nhất.


Vấn đề là, PES nhiều năm nay vẫn có cộng đồng yêu mến vì sự vui vẻ trong mỗi trận đấu. Người Việt chọn PES để có những phút giây thư giãn, so tài một cách thoải mái ở tiệm hoặc ở nhà, chẳng cần phải kết nối internet mà chỉ cần hai tay cầm là có một buổi tối vui vẻ. Một phần lý do người Việt vẫn yêu mến PES cũng vì đó là series game đi cùng tuổi thơ rất nhiều 8x, 9x. Giờ muốn đổi sang đá FIFA cũng không dễ gì làm quen và thấy vui ngay được.

Nếu chúng ta suy xét một cách công bằng và khách quan, thì những năm gần đây dù PES có thua sút với FIFA về mặt doanh số, nhưng sự chính xác và kết cấu gameplay của PES luôn hơn FIFA một bậc. Mãi đến năm ngoái với cơ chế Agile Dribbling, cách điều khiển các cầu thủ trong FIFA 21 mới có được thêm một phần độ chân thực. Còn với PES, mọi thứ vẫn vậy, vẫn thưởng cho những người chơi có kinh nghiệm và biết kiên nhẫn chắt chiu cơ hội dẫn bóng đến khung thành.

Có người so sánh thế này, PES giống Barca của Pep Guardiola, nơi anh em có thể điều khiển nhịp độ trận đấu, chính xác tới từng đường chuyền và từng bước di chuyển của cầu thủ. Còn trong khi đó, FIFA lại giống Liverpool của Jurgen Klopp, nơi những người có kỹ năng cao nhất và phản xạ nhanh nhất để tận dụng kỹ năng cá nhân giành chiến thắng.

Tạo ra cơ chế Ball Touch Control đồng nghĩa với việc, người chơi sẽ phải bỏ ra không ít thời gian để làm quen với lối chơi mới, trước đã có nhịp độ chậm, giờ còn phải chậm hơn để nắm vững được ưu nhược điểm của từng cầu thủ mà họ điều khiển. Chỉ đến khi đã thuần thục cả hai khía cạnh tấn công và phòng thủ, thì khi ấy mới đẩy được nhịp độ trận đấu lên cao được. Những giờ đầu tiên, mà không, những ngày đầu tiên, mọi thứ trong eFootball sẽ vô cùng choáng ngợp đối với những tay chơi lão thành của bộ môn PES.

Nhưng, cái nhưng này rất to, mình lại cảm thấy thích lối chơi của eFootball. Sự vui vẻ trong mỗi trận PES với bạn bè có thể đã biến thành cảm giác ăn thua khi phải căng mắt căng não tính toán từng đường chuyền, từng cú dốc bóng. Nhưng đó mới là thực tế của bóng đá đỉnh cao. Nó tạo ra được trải nghiệm của những cầu thủ đẳng cấp thế giới, thi đấu ở những giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh. Chỉ cần lỡ một nhịp là mất bóng, hoặc quên tì đè là bị hậu vệ đối phương cướp bóng. Giờ chọc khe hay chạy theo bóng cũng không còn là giải pháp hợp lý để giành lợi thế như phiên bản trước nữa. Nếu Konami hoàn thiện được cách chơi của eFootball, chúng ta sẽ có một tác phẩm game bóng đá với tiềm năng thể thao điện tử rất cao, hơn hẳn với FIFA.

Đấy là những kỳ vọng đầy lạc quan của tương lai, còn ở thời điểm hiện tại, Ball Touch Control của eFootball 2022 thỉnh thoảng gặp không ít lỗi rất ngớ ngẩn như cầu thủ mải chạy quên cả bóng chẳng hạn. Ấy vậy mới nói, nếu Konami làm tốt cơ chế gameplay, thì chúng ta sẽ có một tác phẩm game bóng đá không chỉ chân thực, mà còn cạnh tranh công bằng hơn nhiều so với FIFA.

Bóng bánh kiểu gì mà có mỗi 9 đội thế này?


Mình không nói giỡn. Nếu anh em chưa chơi eFootball 2022, thì khi vào phần duy nhất để hai người cùng đá, là Match [Authentic], sau khi chọn tay chọn bên, thì đây là màn hình chọn đội:

Đành rằng mấy năm nay FIFA đã vượt quá xa so với PES về mặt bản quyền đội bỏng, bản quyền giải đấu và nhiều chi tiết khác liên quan tới bộ môn thể thao vua ngoài đời thật, nhưng nhờ cách chơi kết hợp hoàn hảo giữa tính chân thực với tính thư giãn, mọi người vẫn ở lại với PES, vẫn chấp nhận cài những bản vá nặng hàng GB để đổi tên đội bóng, đổi màu áo về đúng với tên thật.

Nhưng số lượng đội bóng để tranh tài ở thời điểm eFootball 2022 ra mắt như thế kia, theo nhiều người, không khác gì một cái ngón tay thối mà Konami chỉ thẳng vào cộng đồng fan. Có lẽ, các nhà làm game Nhật Bản đã quá vội vã tung ra eFootball 2022 để kịp cạnh tranh với FIFA 22, hai trò chơi ra mắt cách nhau đúng một ngày. Không có Chelsea thì chí ít cũng phải có London Blue, không có Liverpool thì cũng phải có Merseyside Red. Nhưng không, ngoài 9 đội bóng có bản quyền đầy đủ được Konami mua, không có gì khác cả. Anh em sẽ phải chờ đến khi game cập nhật thêm đội bóng, giải đấu và cả các đội tuyển quốc gia. Còn đến khi nào, thì chỉ có Konami mới biết.

Bài học nhãn tiền của Cyberpunk 2077 ra mắt cuối năm ngoái đến giờ vẫn còn nguyên, và đến năm nay lại có một hãng game khác mắc phải sai lầm tương tự, phát hành một trò chơi mà rõ ràng là chưa sẵn sàng thương mại hóa. Có lẽ gương mặt của những cầu thủ trong bài viết này cũng giống như những phép hoán dụ hoàn hảo mô tả tình trạng hiện giờ của eFootball 2022.

Chủ Đề