Cách chính màn hình livestream

Ngày nay nhu cầu bán hàng, dạy học online, live stream game đang cực kỳ phát triển, 4.0 mà, để làm công việc này chúng ta biết cách quay màn hình máy tính cũng như biết cách live stream. Bài viết này đặt mục tiêu sẽ giúp bất kỳ ai biết cách quay màn hình máy tính, đồng thời hướng dẫn cách live stream bằng phần mềm OBS Studio trên cả 2 nền tảng mạng xã hội Youtube và Facebook. Với OBS Studio bạn có thể sử dụng từ 2 webcam/ camera hoặc kết hợp webcam/ camera với quay màn hình máy tính khi live stream, đây là phần mềm miễn phí, không quảng cáo nhưng lại cực kỳ tuyệt vời mà tất cả các Streamer đều đang sử dụng hiện nay: Chuyển cảnh quay linh hoạt, tạo chữ chạy khi quan màn hình và khi live stream, cài đặt xóa key font nền, điều chỉnh âm lượng khử noise tất cả đều trực tiếp ngay trong quá trình quay màn hình máy tính hoặc khi live stream bạn nhé! Nếu dùng 1 tính từ để mô tả OBS Studio thì mình chỉ biết dùng từ trên cả TUYỆT VỜI!

Oki, OBS Studio có 2 chức năng chính mà mình muốn bạn phân biệt và hiểu ngay từ đầu, đó là: Quay video màn hình máy tính [laptop, PC] offline để ghi hình ra các file movie offline mà không phát lên mạng và chức năng thứ 2 là live stream để phát trực tiếp video lên mạng đồng thời có thể lưu thành file movie vào máy tính [cả 2 chức năng đều quay màn hình máy tính kết hợp sử dụng webcam/ camera/ máy quay nhé, chỉ khác nhau là 1 cái không đưa lên mạng, 1 cái đưa trực tiếp lên mạng].

Đâu đó có thể có những cô bác lớn tuổi không thạo tin học muốn tìm hiểu để phục vụ bán hàng online nên bài viết này mình sẽ chia sẻ cực kỳ chi tiết dưới dạng cầm tay chỉ việc. Và mình hy vọng sẽ giúp được nhiều người nhất, nếu bạn thấy hữu ích thì cho mình xin một chia sẻ tới cộng đồng nhé. Oki, Chúng ta hãy bắt đầu với cách quay màn hình máy tính nhé!

A. Cách quay màn hình máy tính laptop PC bằng OBS Studio

1. Các thiết bị cần thiết để quay màn hình máy tính và live stream

Hiện nay có rất nhiều hãng, chủng loại thiết bị dùng để quay màn hình máy tính và live stream, tùy theo điều kiện của bạn mà bạn chọn mua nhé. Tuy nhiên để hình ảnh và âm thanh xuất ra được tốt và chi phí bỏ ra vừa phải nhất bạn có thể tham khảo các thiết bị sau, đây là các thiết bị mình đang sử dụng hiện tại và thấy rất OK. Chi phí đầu tư khoảng 40-50Tr là mình thấy làm ngon rồi nhé.

1.1 Máy tính/ Laptop/ PC:

Chi phí đầu tư đắt nhất. Việc quay video màn hình và live stream không cần một máy tính có cấu hình quá mạnh, tuy nhiên việc phải chỉnh sửa và Render video mới đáng nói vì nó cần một cấu hình máy tính đủ mạnh.

Bạn nên cân nhắc cấu hình nằm trong khoảng này: Desktop Core I5-9xxx + RAM 16GB -> Core I9-9xxx + RAM 32GB. Mình đang sài Core I7-9700 + RAM 32GB chạy mượt mà tuy nhiên khi Render những video dài [30 60 phút] có cảm giác hơi nặng. Hầu hết các máy tính cấu hình trong khoảng này đều sử dụng card đồ họa rời, mình đang sài NVIDIA GTX 1050 Ti, thuộc dạng trung bình, tuy nhiên khi Render vẫn sử dụng CPU là chính chứ không phải dùng card đồ họa như mọi người thường nghĩ, mình đã làm rất nhiều video trên PR và Camtasia tuy chọn CUDA/ NIVDIA nhưng khi Render thì CPU vẫn là chính, Card chỉ dùng dưới 10%. Nên theo mình bạn nên đầu tư vào CPU RAM trước sau đó mới là Card đồ họa và ổ cứng nhé. À mà ổ cứng thì nên dùng ổ C là SSD khoảng 256GB 500GB, còn lại là HDD được rồi [mình cài tẹt ga ổ C mới hết 134GB, tuy nhiên để máy chạy mượt thì nên đầu tư lên tối thiểu 256GB]. Máy mình là 500GB nhé :D.

Con máy tính của mình mua lắp ghép gần 2 năm trước là mất 32 Tr bao gồm cả màn Dell 5Tr nhé.

1.2 Webcam:

Mình cũng mất kha khá time tìm hiểu xem nên mua hãng nào loại nào, cuối cùng mình chọn: Webcam Razer Kiyo. Đắt hơn LogiTech chút, giá hồi đó tầm 2,2Tr. Mình dùng thấy ổn độ nét Full HD. Bạn nào có điều kiện hơn thì mua những webcam tốt hơn thậm chí là máy quay. Để quay bên ngoài bạn có thể tận dụng điện thoại thông minh kết hợp với Micro Wifi tầm khoảng 5Tr nữa là con Microphone Rode Wireless Go.

1.3 Micro:

Micro nên chọn loại tốt để không có hoặc cực kỳ ít Noise, vang dội âm thanh: Lựa chọn của mình là: RODE, tầm 3Tr. Đắt sắt ra miếng, chất lượng cực kỳ ổn, mình kẹp treo thò từ trên xuống, micro này mình không phải khử noise khi sửa video luôn [vì hầu như không có noise, tất nhiên là phòng thu phải không có tạp âm nhé, còn micro này hầu như không tự sinh ra noise]. Bạn đừng tốn tiền mua loại micro 100k-200k , chắc chắn sẽ cực kỳ nhiều noise, sau lại không hài lòng. Đầu tiên mình tập tành làm video cũng mua thử mấy cái micro rẻ này nhưng sau chán, giờ đang vứt xó nhé :D.

1.4 Đèn chiếu sáng:

Rất nhiều mức giá từ 500K trở lên, cái này mình đang mượn được loại như hình có thể tháo treo lên trên rọi xuống.

1.5 Key nền:

Cái này cũng cực kỳ nhiều loại mức giá khác nhau, tùy nhu cầu của bạn có cần không, bạn có thể mua loại PVC sẽ rẻ hơn vải. Mình thì đã thử dùng nhưng thấy ánh sáng chưa đủ chuẩn đều nên khi sửa video rất mất thời gian, nên mình quyết định không dùng nữa mà thay bằng background thật.

1.6 Khác

Headphone, kẹp micro webcam, loa ngoài, ổ cứng di động, USB là những thiết bị phụ nữa cái nào bạn thấy cần thiết thì mua thêm nhé. Nói chung chỉ cần 4 thiết bị đầu tiên là chiến được rồi bạn nhé.

Okie, bắt đầu nhé!

2. Tải và cài đặt phần mềm OBS Studio

OBS Studio là phần mềm miễn phí, không quảng cáo, bạn vào trang chủ obsproject.com để tải phần mềm: Tải OBS Studio

Có 3 lựa chọn Windows, MacOS và Linux, trước khi vào phần cách quay màn hình máy tính bạn phải chọn đúng phiên bản phần mềm phù hợp với hệ điều hành máy tính của mình sau đó bấm Download Installer. Đa số bình dân thì dùng Windows nhé. Bài viết này mình sẽ hướng dẫn trên hệ điều hành Windows phổ thông nhất. Sau khi tải xong bạn tìm đến file và bấm đúp để cài, việc cài đặt không khó, bạn cứ bấm Next đến khi Finish là xong nhé.

3. Giao diện OBS Studio

Đầu tiên màn hình OBS hiện lên có thể chỉ là màu đen vì chúng ta chưa cài đặt [Micro, webcam, cảnh quay] cho nó. Trước khi quay màn hình, live stream chúng ta phải cài đặt trong phần Settings, OBS Studio hỗ trợ cả ngôn ngữ tiếng Việt, tuy nhiên mình sẽ hướng dẫn bản tiếng Anh cho thông dụng nhất. Ở giao diện Studio Mode màn hình chia sẻ làm khung hiển thị [Preview và Program], khi tắt chế độ Studio Mode thì chỉ có một cửa sổ hiển thị. Chế độ Studio Mode chop phép bạn chỉnh sửa bên Preview, sau khi xong thì bấm Transition chuyển sang Program để Live Stream. Phía trên cùng là các trình Menu, chúng ta cũng ít khi sử dụng, thao tác chủ yếu là ở mục 4 bên dưới.

Màn hình làm việc của OBS Studio

1: Preview: Cửa sổ thao tác làm việc, cửa sổ này chỉ chúng ta mới biết. Sau khi chỉnh sửa cài đặt song, chúng ta bấm vào mục 2 Transition để chuyển nó sang cửa sổ 3 Program.

2: Transition: Nút chuyển từ khung hình làm việc sang khung hình live stream hoặc quay màn hình.

3: Program: Khung hình live stream hoặc quay màn hình hiện hành. Chúng ta có thể tạo nhiều cảnh quay khác nhau sau đó bấm Transition chuyển sang.

4: Phần này bao gồm: Scenes, Sources, Auto Mixer, Scene Transitions, Controls:

  • Scenes: Tab tạo và quản lý các cảnh quay. Khi chọn cảnh nào nó sẽ được hiển thị lên Preview. Chúng ta có thể đặt phím tắt cho mỗi cảnh để chuyển đổi cảnh [thường dùng khi quay màn hình, còn khi live stream thì không cần].
  • Sources: Phần chọn nguồn tài nguyên cho các cảnh: Như webcam, quay màn hình, video hoặc abum ảnh có sẵn trong máy tính
  • Audio Mixer: Để điều khiển âm thanh: To nhỏ, mix các nguồn [âm thanh trong máy tính, âm thanh từ micro].
  • Scene Transitions: Chọn hiệu ứng chuyển cảnh, phần này không quan trọng.
  • Controls:Bao gồm các nút: Bắt đầu Streaming, đầu Recording [quan màn hình], Studio Mode chuyển chế độ thường chỉ dùng chế độ này khi Streaming còn khi quay màn hình không dùng. Nút Settings để vào cài đặt cho phần mềm.

5: Thanh trạng thái: Thời gian live stream, thời gian record, % CPU sử dụng, số khung hình/s FPS, tốc độ stream.

Oki, trước khi tìm hiểu chi tiết các mục 4 chúng ta phải tiến hành các cài đặt OBS Studio trước:

4. Cài đặt và lưu Profile cho các lần sau

Phần cài đặt OBS Studio cực kỳ quan trọng, vì nó phải phù hợp với cấu hình máy tính và mục đích sử dụng của bạn. Bấm vào Settings để vào phần cài đặt:

Phần cài đặt này có 7 tab, ở đây mình chỉ chia sẻ những cái cần thiết còn lại bạn cứ để mặc định nhé.

4.1 General:

Bạn chỉ cần quan tâm đến 2 chỗ:

Mục 1: Cài đặt ngôn ngữ hiển thị, OBS Studio hỗ trợ cả ngôn ngữ tiếng Việt, nếu bạn cảm thấy tiếng Anh khó khăn thì có thể chọn Tiếng Việt nhé. Tuy nhiên mình vẫn hướng dẫn tiếng Anh cho đại đa số nhé.

Mục 2: Tích chọn vào đây để phần mềm sẽ tự động ghi thành file movie quá trình live stream khi chúng ta streaming. Nếu bạn không muốn thì bỏ tích đi nhé. Khi buổi streaming nào cần ghi chúng ta sẽ làm thủ công.

4.2 Stream:

Mục 1: Để paste thông tin Server và Khóa luồng [Stream Key] vào để live stream. Mục này thường chọn Custom. 2 mục Server và Stream Key lấy thông tin trên Youtube hoặc Facebook, chính là thông tin buổi live stream của bạn. Chi tiết phần này mình sẽ hướng dẫn ở phần sau nhé.

Mục 2: Chế độ bảo mật: Nếu bạn muốn bảo mật buổi streaming của mình khỏi các hacker thì có thể tích vào đây, sử dụng một ứng dụng Authentication ví dụ như Google Authenticator để bảo vệ, cứ mỗi sau 30 giây ứng dụng sẽ thay đổi mật khẩu, [bạn chỉ cần điền mật khẩu 1 lần trước khi hết 30s để liên kết với ứng dụng thôi nhé, còn hacker sẽ bó tay vì cứ 30s là thay đổi mật khẩu]. Thường cũng không cần chế độ này nhé, miễn là bạn không để lộ 2 thông tin ở mục 1 là được, trừ phi bạn là nhân vật cực kỳ quan trọng thì mới bị hacker xử lý thôi, haha.

4.3 Output:

Mục 1: Chọn Advanced. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến 2 tab bên trong là Streaming Recording [live stream và quay màn hình].

Tab Streaming:

Mục 2: Audio Track chọn 1. Encoder bạn chọn card đồ họa của mình nếu có hoặc nếu không có thì mặc định là x264 là sử dụng CPU. Rescale Output: bạn tích chọn và để đúng độ phân giải màn hình của mình, thông dụng nhất là Full HD: 1920×1080.

Mục 3: Thực sự mình cũng không rõ các thông số này, mình đã tham khảo kiến thức bên ngoài thì cài đặt các thông số như bên dưới sẽ giúp video khi streaming mượt mà nhất. Đối với 3 thông số Bitrate [khối lượng dữ liệu được truyền đi trong 1 thời gian nhất định thường là giây đơn vị Kbps = kilobit/giây], Resolution [độ phân giải màn hình] và Framerate [FPS: Số khung hình hiển thị trong 1s] bạn căn cứ vào tốc độ Upload mạng của bạn để chọn 3 thông số này cho phù hợp theo bảng bên dưới, còn các thông số còn lại bạn làm như hình bên trên nhé. Riêng chỗ Preset bạn để Performance để tối ưu hình ảnh khi streaming mượt mà, phần này khi quay màn hình có thể chọn Quality hoặc Max Quality để chất lượng hình đẹp nhất.

Trước tiên bạn vào trang speedtest.net để test tốc độ upload mạng của bạn và tra theo bảng trên để cài đặt. Thông thường giờ ai cũng dùng mạng cáp quang thì tốc độ upload luôn đạt mức cao nhất trong bảng trên.

Tab Recording:

Mục 5: Phần Type chọn Standard.

Recording Path: Bạn chọn thư mục để lưu file quay màn hình nhé.

Mục 6: Chọn mp4, đây là định dạng movie nén chất lượng nhất, vừa nhẹ vừa chất lượng. Audio Trach để mặc định là 1.

Mục 7, 8: Làm tương tự như phần Streaming, tuy nhiên riêng tại Preset bạn để Quality hoặc Max Quality cho chất lượng Video quay màn hình tốt nhất nhé. Vậy là xong cài đặt Output, 2 tab còn lại AudioReplay Buffer để cài đặt mặc định của phần mềm.

4.4 Audio:

Tab Audio chúng ta quan tâm đến 3 chỗ:

Mục 1:Bạn để 48 kHz và Stereo như hình.

Mục 2:Là chọn nguồn âm thanh trong máy tính của bạn, bạn chọn Speakers. Đây chính là âm thanh phát ra loa ngoài/ tai nghe của bạn. Bạn có thể kiểm tra bằng cách bấm chuột phải vào biểu tượng loa trên taskbar và làm theo hình:

Mục 3:Chính là chọn Micro bạn gắn vào máy tính. Khi quay màn hình máy tính hay live stream bạn vào Audio Mixernhư hình dưới để điều khiển âm thanh đầu vào: Desktop Audio chính là âm thanh trong máy tính, còn Mic/ Aux là âm thanh từ micro vào. Tùy các trường hợp mà bạn có thể tắt mở điều khiển to nhỏ âm lượng các nguồn âm thanh tại đây nhé.

4.5 Video:

Tại tab Video, bạn điền các thông số mục 1, 2 giống như đã làm trong phần 4.3 Output căn cứ vào tốc độ upload của mạng. Mục 1 điền Base Resolution là kích thước phần khung đen trong OBS và Output Resolution là độ phân giải xuất ra, 2 cái này nên để giống nhau và bằng độ phân giải màn hình lớn nhất của màn hình, mục 2 điền thông số FPS số khung hình/s cho video. Thông thường các màn hình và tốc độ mạng hiện nay đều đáp ứng chuẩn Full HD: 1920×1080 và FPS 60 hết, thực ra FPS 30 đã mượt lắm rồi, mắt thường không thể kịp nhận ra được sự delay [ngày trước làm phim truyền hình cũng chỉ 24 khung hình/s]. Nếu cấu hình máy bạn yếu thì để FPS 30 nhé.

4.6 Hotkeys:

Đây là tab đặt phím tắt, phần này mình cũng chỉ đặt 5 phím tắt cho việc quay màn hình offline như ảnh trên, mục 2 và 3 chỉ xuất hiện khi bạn cài đặt cảnh quay, mình sẽ hướng dẫn trong phần bên dưới nhé.

Khi quay màn hình mình cũng chỉ dùng 2 cảnh, bạn có thể dùng nhiều cảnh nếu muốn nhé:

Mục 2: Camera Full màn hình, là cảnh chỉ xuất hiện hình ảnh của mình thường ở đầu và cuối clip hoặc clip nào ít phải dùng đến màn hình hình cảnh này sẽ là xuyên suốt.

Mục 3: Quay video màn hình, cảnh này sẽ chủ yếu là hiển thị màn hình desktop và có một Camera nhỏ ở góc dưới màn hình.

Riêng phím tắt Start StreamingStop Streaming thì mình thường không dùng chỉ dùng click chuột, dùng phím tắt Streaming có thể bấm lộn hoặc khả trùng với phím tắt các phần mềm khác rất nguy hiểm vì khi Streaming là làm trực tiếp.

Tóm lại khi Streaming tất cả đều nên dùng click chuột bao gồm cả chuyển cảnh quay, chỉ khi quay màn hình offlinechuyển cảnh khi quay màn hình offlinethì mới dùng phím tắt để khỏi phải nhìn thấy chương trình OBS này khi quay màn hình.

4.7 Advanced:

Phần này khá nâng cao, chúng ta chỉ cần quan tâm đến Stream Delay: Bạn tích vào Enable sau đó điền số giây mình cần tại Duration, đây là số giây chờ để chuyển màn hình của bạn lên Youtube/ Facebook khi Streaming, số giây càng nhiều thì càng chiếm nhiều RAM của bạn. Giả sử khi đấu Game online chẳng hạn, thời gian này nên quy định bằng nhau, nếu không ai lên Youtube/ Facebook trước dễ bị lộ chiến thuật.

4.8 Lưu cài đặt lại để sử dụng cho các lần sau:

Cuối cùng chúng ta lưu tất cả cài đặt này vào một thư mục để lần sau sử dụng lại chỉ cần Import vào [cài lại win chẳng hạn] bằng cách bấm vào menu Profile / Export và lưu vào một thư mục trên ổ cứng:

Trường hợp Import bạn làm tương tự: vào menu Profile / Import, sau khi load xong bạn vào menu Profile lại và bấm chọn đến file cài đặt:

5. Cách quay màn hình máy tính laptop PC bằng OBS Studio:

5.1 Tạo cảnh quay tổng quát và lưu cài đặt cảnh quay:

5.1.1 Sences:

Tạo các cảnh quay tổng quát chúng ta thao tác trên 2 khung SencesSources như hình dưới. Sences là tạo tên các cảnh quay để quản lý, Sources là cấp nguồn [video, hình ảnh, chữ chạy] cho mỗi cảnh quay. Sau khi tạo Sences xong chúng ta có thể gán phím tắt cho cảnh quay bằng cách vào phần Settings như mình đã hướng dẫn phần trên.

Tạo tên cảnh quay bạn làm như hình dưới:

1: Bấm vào dấu cộng để thêm cảnh quay, dấu trừ để xóa, dấu mũi tên lên xuống để di chuyển thứ tự cảnh quay.

2: Điền tên cảnh quay: Ví dụ trên mình tạo 3 cảnh quay với tên là: Quay màn hình, Camera Full, Màn hình chờ. Mình sẽ hướng dẫn bạn cách tạo nguồn cho 3 cảnh quay này trong phần bên dưới nhé.

Thông thường khi quay màn hình hoặc live stream mình cũng thường chỉ sử dụng 2 cảnh quay: 1 quay màn hình, 2 quay Camera Full [lấy hình ảnh từ Camera toàn màn hình].

5.1.2 Sources:

Phần nguồn tài nguyên của các cảnh. Sau khi tạo tên cảnh quay ở bước trên chúng ta tiến hành gán các nguồn cấp tài nguyên cho cảnh, có nhiều loại như: Quay chụp màn hình, hình ảnh webcam, hình ảnh slide, màn hình chơi game thậm chí là một movie có sẵn trong máy tính của bạn cũng có thể là nguồn để quay màn hình hoặc nguồn phát live stream. Bấm dấu cộng để chọn nguồn. Bên dưới là thông tin các nguồn thường sử dụng nhất:

Display Capture: Quay toàn màn hình desktop máy tính.

Video Capture Device: Quay hình ảnh camera/ webcam/ máy quay.

Image: Chèn vào một hình ảnh.

Image Slide Show: Chèn một slide có sẵn trong máy tính

Media Source: Chèn một video có sẵn trong máy tính

Text [GDI+]: Chèn chữ, có nhiều hiệu ứng chữ, trong đó có chữ chạy.

Window Capture: Chèn một cửa sổ window: Ví dụ bạn đang mở 3 cửa sổ Excel, Word, Chrome thì sau khi chọn mục này sẽ xuất hiện cửa sổ để chúng ta chọn Excel hay Word hay Chrome.

5.1.3 Lưu cài đặt cảnh quay:

Sau khi tạo và cấp nguồn cho các cảnh quay xong, bạn lưu lại các cài đặt cảnh quay này tương tự như lưu cài đặt Profile phần bên trên, khi cần có thể Import cảnh quay sử dụng lại nhanh chóng:

Okie, bạn đã nắm được cách tạo một cách quay tổng quát, bên dưới mình sẽ chia sẻ chi tiết cách tạo 3 cảnh quay thường dùng nhất, đó là: Tạo màn hình chờ trước khi live stream, quay màn hình máy tính và Camera Full màn hình.

5.2 Tạo màn hình chờ trước khi live stream:

Trước khi đến giờ live stream chúng ta có thể tạo một màn hình chờ bằng cách chèn một ảnh, một slide hoặc một video ngắn nào đó. Đơn giản nhất là tạo một hình background chờ kèm chữ chạy, lời chào tới khán giả.

Bước 1: Vào tab Scenes tạo cảnh Màn hình chờ [làm như phần trên].

Bước 2: Vào tab Sources \ Bấm dấu cộng chọn Image \ Cửa sổ 1: nhập tên Background \ OK \ Cửa sổ 2: Chọn ảnh trong máy tính của bạn. Lưu ý sau khi chọn ảnh phải căn chỉnh lại ảnh cho trùng hoặc kéo tràn ảnh hết vùng đen thì ảnh mới full màn hình nhé.

Thao tác chèn ảnh vào cảnh [bấm để xem hình lớn]

Cách chỉnh sửa kích thước đối tượng trong khung hình cảnh quay:

+ Chọn đối tượng, bấm giữ chuột trái để di chuyển đối tượng sau khi xuất hiện 4 mũi tên [hình ảnh, video, webcam].

+ Bấm giữa chuột trái vào 8 điểm để kéo giãn thu nhỏ kích thước đồng dạng, giữ phím ALT để xén một chiều nào đó, giữ phím SHIFT để kéo không đồng dạng.

Bước 3: Tạo chữ chạy

Tại tab Sources bấm dấu + chọn Text [GDI+] để Chèn chữ. Sau khi đặt tên cho chữ chạy, sẽ xuất hiện cửa sổ để nhập chữ chạy:

Nhập nội dung chữ chạy, chỉnh sửa màu chữ, font chữ

Color: Là chọn màu chữ hoặc màu nền.

Opacity: Là chọn độ đậm nhạt của chữ hoặc màu nền. Để 100% là đậm tối đa. Nếu là Background Opacity thì 100% là không nhìn xuyên qua được màu nền [bạn hiểu nôm na vậy]. Mấy cái Alignment là căn chỉnh vị trí chữ [trái phải giữa, để mặc định Left Center được bạn nhé].

Chuột phải vào Chữ chạy chọn Filters để thêm hiệu ứng chữ chạy

Chọn Scroll, điều chỉnh tốc độ, chiều rộng và chiều cao vùng cao chứa chữ chạy [có thể kéo sửa kích thước trực tiếp trên khung hình sau]

Mục 4: Điều chỉnh độ béo gầy của chữ sau khi bạn kéo sửa kích thước của vùng hiển thị chữ bên ngoài thì tiếp tục vào Filters để điều chỉnh lại cho phù hợp.

Loop: Tích vào sẽ cố định màu nền.

Thành quả

Bạn cũng có thể tạo cho mình dòng chữ chạy khi quay màn hình để che thanh taskbar như thế này

5.3 Tạo cảnh quay camera full màn hình

Chúng ta sẽ tạo một cảnh quay chỉ thể hiện hình ảnh của Camera/ Webcam/ máy quay [không có hình ảnh của màn hình máy tính]. Cảnh này thường xuất hiện ở đầu và cuối video trong clip quay màn hình hoặc xuyên suốt clip tùy nhu cầu của bạn.

Bạn bấm dấu +, chọn Video Capture Device / Đặt tên cho nguồn [Camera] / Chọn tới tên Camera của bạn / Nhập độ phân giải và FPS tối đa của Camera. Các thông số khác để mặc định.

Bấm để xem hình lớn

Trở lại giao diện chính bạn sẽ thấy xuất hiện tên Camera trong Sources. Bấm vào con mắt để tắt mở Camera [cho hiển thị hoặc không cho hiển thị]. Bấm vào khóa để mở chỉnh sửa kích thước, căn chỉnh camera trên khung màu đen bên trên. Khi mở khóa sẽ xuất hiện khung bao Camera màu xanh với 8 nút đỏ dùng để chỉnh sửa kích thước, lúc này chúng ta có thể căn chỉnh, phóng to thu nhỏ, xén một phần Camera không muốn cho hiển thị nếu muốn.

Thao tác chỉnh sửa kích thước, vị trí tất cả các đối tượng [Camera, hình ảnh] đều giống nhau, bạn xem lại mục 5.2 tạo màn hình chờ nhé.

Tại đây nếu chỉnh sửa kích thước hình Camera không đủ Full màn hình Không chiếm hết vùng màu đen [tỷ lệ khung hình mặc định 16 : 9] thì bạn có thể tạo thêm một Background nền bằng cách chèn một hình ảnh nền. Như ảnh trên phần khung bao màu xanh của mình không đủ nên mình đã tạo thêm một Background để làm đầy màn hình.

Lưu ý:

+ Trong Sources đối tượng nào ở trên thì sẽ xuất hiện, ở dưới sẽ bị che lấp => Bạn cho Backgroud ở dưới.

+ Chỉnh sửa xong nhớ khóa lại để tránh bị di chuyển.

+ Tại cảnh này bạn cũng có thể thêm Chữ chạy hoặc chèn Logo tùy thích của bạn vào

5.4 Cách tạo cảnh quay màn hình máy tính có webcam nhỏ ở góc

Phần mình mình sẽ chia sẻ cách tạo cảnh quay màn hình máy tính có webcam nhỏ nhỏ ở một góc màn hình.

Bước 1: Tạo cảnh quay toàn màn hình máy tính

Trước tiên bạn tạo tên cảnh quay là: Quay màn hình tương tự cách làm trong phần 5.3. Sau đó vào Sources cấp nguồn quay desktop bằng cách bấm vào dấu + / Chọn Display Capture như hình:

Lưu ý tại mục 4: Nếu bạn có 2 màn hình thì sẽ xuất hiện 2 lựa chọn, lúc này bạn phải nhớ là màn hình nào nhé ở ngoài nhé.

Bước 2: Thêm Webcam/ Camera nhỏ ở góc màn hình

Bước này bạn làm tương tự mục 5.3, chính là bạn lấy luôn Sources Camera đã tạo ở phần trên, chỉ khác khi chỉnh sửa kích thước bạn sẽ phải thu nhỏ, xén hình ảnh Camera lại để vừa ở góc. Thành quả chúng ta sẽ có như hình dưới:

Bấm vào hình để xem hình lớn hơn

Sau khi chỉnh sửa xong kích thước Camera, khóa lại và cho Camera ở vị trí bên trên Desktop trong Sources.

Lưu ý: Vì chúng ta chỉ có 1 Camera nên chúng ta sử dụng 1 tên Camera [trong Sources] cho 2 cảnh quay, chỉ khác là chỉnh sửa kích thước Camera ở 2 cảnh quay khác nhau. Không sử dụng được 2 tên Camera [ví dụ Camera 1, Camera 2] trong Sources cho cùng 1 Camera nhé, nó sẽ lỗi, chỗ này rất khó nói, bạn thử sẽ biết liền, hehe.

5.5 Filters: Các chế độ lọc video audio thông dụng

Trong Sources hoặc Audio Mixer bạn muốn lọc cho đối tượng nào thì bấm bấm chuột phải vào đối tượng đó, giả sử mình bấm chuột phải vào Camera và chọn Filters.Một cửa sổ hiện lên cho phép chúng ta thêm rất nhiều hiệu ứng vào, tuy nhiên mình cũng không thường dùng hết các chức năng, mình chỉ quan tâm đến khử noise và xóa key nền. Bạn cứ bấm vào 2 mục đó rồi vọc tiếp nhé, cũng không khó:

Xóa Font Key nền: Mục 1: Bạn chọn màu của key nền, mục 2 bạn chỉnh các thông số sao cho xóa hết màu. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng rất nhiều bởi ánh sách, nếu ánh sáng không đều thì việc xóa key này sẽ không được hoàn hảo. Nếu bạn sử dụng key nền thì sẽ phải tạo một Background giả bằng cách chèn một ảnh nền nhé.

Tiếp theo lọc Noise: Bấm chuột phải vào Micro bạn muốn lọc bên Audio Mixer chọn Filters để hiệu chỉnh âm thanh. Bấm vào dấu + để thêm bộ lọc, ở đây âm thanh chúng ta quan tâm đến GainNoise Gate.

Gain: Là điều chỉnh âm lượng to nhỏ đầu vào, mặc định là 0.00 dB. Bạn có thể test tăng giảm cho hợp lý với Micro của bạn. Bình thường mình cũng không chỉnh gì ở đâu vì micro mình cũng thuộc dạng sịn sò rồi [3Tr nhé], muốn âm thanh lớn thì tăng lên chút xíu thôi, tăng nhiều sẽ bị vỡ tiếng bạn nha.

Noise Gate: Lọc tiếng ồn, Close Threshold là mức âm thanh lớn nhất cho phép thu vào, thường để mặc định 0.00 dB, OpenThreshold là mức âm thanh nhỏ nhất cho phép thu vào, mặc định là -70.00 dB thì phải, mấy thông số bên dưới mình cũng để mặc định. Bạn có thể test điều chỉnh mức này cho phù hợp, tuy nhiên mức mặc định của phần mềm mình nghĩ là đã hợp lý.

5.6 Scene Transitions: Hiệu ứng chuyển đổi cảnh quay

Cuối cùng là hiệu ứng chuyển cảnh quay, phần này không quan trọng, mình thường để Fade như hình, khi bấm phím tắt chuyển cảnh quay nó sẽ mượt hơn là để Cut, vậy thôi.

Oki, vậy là mình đã chia sẻ xong cách tạo 3 cảnh quay thông dụng nhất, quay màn hình máy tính thì chúng ta thường chỉ sử dụng 2 cảnh quay: Quay màn hình và Camera Full. Bạn cũng có thể tự tạo cho mình những cảnh quay phù hợp với công việc của bạn theo các thao tác tương tự bên trên, chỉ khác cách lấy nguồn trong Sources thôi nhé! Mình xin dừng hướng dẫn cách quay màn hình máy tính laptop PC tại đây.

Phần tiếp theo mình sẽ hướng dẫn Live stream video màn hình trên 2 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam hiện nay.

B. Cách Live Stream video màn hình máy tính trên Youtube, Facebook

Phần này mình sẽ hướng dẫn bạn cách live stream video quay màn hình máy tính, live stream các cảnh quay đã tạo bên trên lên Youtube, Facebook.

1 Live Stream trên Youtube:

Phần này không có gì khó, phần live stream thường được lên lịch trước để thông báo cho khách hàng/ khán giả của mình biết trước. Bạn làm theo hình là được nhé:

Lên lịch phát trực tiếp

Chọn sử dụng phần mềm [sẽ dùng OBS sau này]

Điền tên thông tin sự kiện, tải hình đại diện

Mục 5: Chính là khóa luồng [mã sự kiện trực tiếp] bạn copy sau đó dán vào Stream Key trong phần Settings của OBS.

Mục 6: Là địa chỉ URL máy chủ, bạn cũng copy sau đó dán vào Server trong phần Settings của OBS như hình bên dưới. Lưu ý tại Service chọn Custom

Vào Settings / Stream / Dán khóa luồng và địa chỉ Server của buổi phát trực tiếp trên Youtube

Mục 8: Ra bên ngoài bạn bấm Start Streamingvà đợi một lúc chờ phần mềm load lên Youtube. Bấm Studio Mode để quản lý Streaming dễ hơn.

Mục 9: Chọn các cảnh cần Streaming, có thể chỉnh sửa lại cảnh nếu muốn. Cảnh đầu tiên là màn hình chờ.

Mục 10: Bấm Transition để chuyển cảnh Preview sang Program để Streaming.

Lưu ý: Màn hình Preview khán giả sẽ không nhìn thấy, khá giả chỉ nhìn thấy bên Program.

Bấm vào Quản lý trong Studio Youtube để xem lịch phát trực tiếp các sự kiện

Lưu ý: Sự kiện phải đặt ở chế độ công khai trong tương lai nha [hình trên mình test nên để riêng tư thôi].

Xóa sự kiện:

Muốn xóa sự kiện, chúng ta cũng vào Quản lý trong Video phát trực tiếp hoặc Quản lý Video/ chọn tab Trực tiếp:

Xóa sự kiện phát trực tiếp trong Studio Trực tiếp

2 Live Stream trên Facebook:

Tương tự như Youtube, ở Facebook chúng ta cũng tạo lịch Live Stream hoặc phát trực tiếp luôn, thường chúng ta sẽ lên lịch để thông báo cho khán giả biết trước, các bước thực hiện như ảnh bên dưới:

Vào Facebook bấm vào Video trực tiếp

Bấm Lên lịch tại menu bên trái

Mục 3: Điền các thông tin của sự kiện bao gồm: Tên sự kiện, Mô tả, Quyền riêng tư chọn Công khai, sau đó nhấn Tiếp.

Mục 4: Chọn ảnh bìa của sự kiện

Mục 5: Bấm vào để cài đặt sự kiện

Mục 6, 7, 8: Thêm người đồng tổ chức và một số cài đặt.

Mục 9: Tạo sự kiện

Tiếp theo khi gần đến ngày có sự kiện trước khi live stream bạn vào lịch sự kiện và bấm vào Thiết lập video trực tiếp để lấy khóa luồngURL máy chủ facebook, lưu ý chọn đúng sự kiện cần live stream như hình trên.

Một cửa sổ hiện ra, bạn bấm vào Dùng khóa luồng,sau đó copy 2 mục 11 và mục 12 và dán vào tab Stream trong Settings của OBS Studio:

Mục 13:

Service: Chọn Custom

Server: Dán URL mục 11.

Stream Key: Dán Khóa luồng mục 12.

Sau đó bấm OK, thoát ra ngoài bấm Start Streaming và chọn cảnh Màn hình chờ của bạn. Đợi một lát sẽ kết nối với Facebook, sau khi kết nối thành công bạn vào Facebook và bấm Phát trực tiếp.

Cuối cùng bạn điều khiển buổi Streaming trong OBS: Chuyển cảnhTransition tương tự như hướng dẫn đối với Youtube bên trên nhé.

Hủy hoặc xóa sự kiện phát trực tiếp:

Bạn vào lịch sự kiện và bấm vào Xem bài viết [mục 14]. Bấm vào nút ba chấm / Hủy sự kiện [mục 15] / Chọn hủy hoặc xóa [mục 16] / Xác nhận [mục 17].

Kết bài

Vậy là mình đã chia sẻ xong cách quay màn hình máy tính laptop PC, cách live stream video trên Facebook và Youtube sử dụng phần mềm OBS Studio miễn phí. Đây có thể nói là một phần mềm miễn phí TUYỆT VỜI nhất mà mình đang sử dụng. Nếu bạn thấy hữu ích thì cho mình xin một vote 5 sao, một chia sẻ tới cộng đồng để mình có thêm động lực chia sẻ những bài viết tiếp theo. Mời bạn ghé thăm Trang chủ tham khảo các bài viết và khóa học hữu ích khác của mình nhé! Ngoài ra nếu bạn là dân kỹ thuật hay dân văn phòng thì mời bạn ghé thăm kênh Youtube đăng ký kênh để theo dõi các thủ thuật tiện ích văn phòng nói chung cũng như chuyên môn xây dựng nói riêng.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian quý báu để đọc đến cuối bài viết này.

Chúc bạn thành công!

Victor Vuong,

Video liên quan

Chủ Đề