Cách chân mạch nước ngầm

Ngăn chặn tình trạng khoan nước ngầm tràn lan

ND Ðể bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên nước ngầm một cách hợp lý, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu cần quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép cho các cơ sở khoan giếng nước.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, hiện nay toàn tỉnh có gần 97.000 giếng nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình, 75 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung đô thị và nông thôn. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở tư nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan giếng nước, chưa kể những hộ dân tự mở dịch vụ khoan giếng nước mà không xin giấy phép hoặc có giấy phép nhưng đã hết hạn.

Ðể khoan một giếng nước ngầm chỉ cần từ ba đến bốn người, vì thế, các cơ sở khoan giếng lậu mọc lên như nấm. Những cơ sở này thường không nghiên cứu địa tầng, không quan trắc, mà chỉ quan tâm việc khoan nhiều giếng nước để thu lời.

Theo các nhà khoa học, nguồn nước ngầm không được xử lý và khai thác đúng cách sẽ rất dễ bị nhiễm a-sen. Tình trạng nhiễm độc a-sen lâu ngày có thể gây bệnh ung thư, viêm răng hoặc hủy hoại đường ruột... Ðó là chưa kể một số hậu quả khác như sụt, lún đất, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt và bị ô nhiễm...

Tại vùng phía nam quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, hiện có đến hàng nghìn giếng khoan, sau những vụ nuôi tôm thất bại, người dân "bỏ của chạy lấy người". Nhiều đường ống nước bị bỏ hoang lâu ngày không sử dụng bị gỉ sét, đường ống nước không được trám lấp, là lối cho những đống gỉ sét và nước mặn ngấm vào mạch nước ngầm.

Ðể bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên nước ngầm một cách hợp lý, bảo đảm chất lượng lâu dài, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu cần phối hợp chính quyền các địa phương trong tỉnh quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép cho các cơ sở khoan giếng nước, có biện pháp ngăn chặn, xử lý những người tự ý khoan giếng nước trái phép, nhất là các địa phương vùng ven biển như thị xã Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Ðồng Hải...

Trần Duy [Bạc Liêu]

Video liên quan

Chủ Đề