Các bài thơ trong tập thơ ta với ta năm 2024

Tố Hữu là một trong các nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam ở thế kỷ 20. Kể từ tập thơ đầu Từ ấy [1937] đến tập thơ cuối Ta với ta [2000], hơn 60 năm sáng tác, thơ Tố Hữu hầu như đã có mặt trong tất cả những sự kiện quan trọng của thế kỷ, tham gia tích cực và hiệu quả vào đời sống tinh thần của dân tộc, để lại những dấu ấn không phai mờ trong thời đại ông sinh ra, sống và sáng tác... Bài viết của nhà lý luận - phê bình Lê Thành Nghị dưới đây sẽ góp phần sáng tỏ mối quan hệ mật thiết trên đây.

Những sự kiện lịch sử từ khi thành lập Ðảng, cho đến ngày đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Tố Hữu không chỉ là người chứng kiến, mà còn là người tham gia ở nơi đầu sóng. Kể từ khi nhận ra “mặt trời chân lý” cho đến những năm tháng cuối cùng của đời mình, Tố Hữu bao giờ cũng ở giữa dòng chảy xiết của những sự kiện của cuộc sống chung quanh mình. Thơ Tố Hữu vì vậy, là tiếng hát của trái tim hòa trong trạng thái tinh thần của những sự kiện đó. Những thành tựu xuất sắc mà ông có được cũng từ mối quan hệ gắn bó giữa tình cảm riêng và chung, giữa thơ và sự nghiệp cách mạng mà thời đại yêu cầu.

Thời đại mà Tố Hữu trải qua là cuộc chiến đấu quyết liệt, dài lâu để giành lại nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhà thơ trong thời đại ấy trước hết phải là một công dân, cũng là một chiến sĩ. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm người chiến sĩ buộc nhà thơ phải sáng tác để phục vụ tốt nhất cho mục tiêu của cuộc chiến đấu trước mắt. Nhà thơ cũng phải biết xung phong, cho nên thường khi phải viết những dòng thơ lửa cháy, gác lại những dòng thơ tươi xanh, như có lần Tố Hữu tâm sự. Thơ Tố Hữu thường cổ vũ, động viên, tuyên truyền, thường ngợi ca, biểu dương, thường biểu hiện lòng căm thù một cách trực tiếp. Ðó chính là dấu ấn thời đại không chỉ có trong thơ Tố Hữu, nhưng đậm nhất trong thơ Tố Hữu.

Từ rất sớm, lúc còn rất trẻ, Tố Hữu đã nguyện 'là con của vạn nhà'. Có thể xem đây là một quyết định hết sức quan trọng để làm nên nhân cách, để hình thành phẩm chất của thơ ông. Một khi tự nguyện là con của vạn nhà, nghĩa là tự nguyện gắn bó với nhân dân, với dân tộc, có nghĩa là đưa tất cả những tài năng, tâm huyết, sức lực phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của toàn dân, mặc nhiên thơ Tố Hữu trở thành một bộ phận không thể tách rời với cách mạng và vì thế không thể tách rời với thời đại mình.

Từ ấy là tiếng hát của một người trẻ tuổi tìm ra chân lý, vượt qua gông cùm, đến với cách mạng. Việt Bắc là tiếng hát ân tình, lời ca vui khi dân tộc đánh thắng thực dân Pháp sau gần 100 năm bị đô hộ. Gió lộng là niềm tin yêu trước cuộc đời mới. Ra trận, Máu và hoa là khúc ca bi tráng của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Một tiếng đờn và Ta với ta là tâm tình sâu lắng trở về cõi lòng mình sau những năm tháng đã đi qua của cuộc đời.

Thời gian và thời cuộc đổ bóng trong thơ Tố Hữu. Thơ ông hiện diện hầu như trong tất cả các sự kiện trọng đại của dân tộc và bao giờ cũng hiện diện trong tư thế của lời ca reo vui. Hoài Thanh có lần nói: Thơ Tố Hữu là tiếng ca trong ngày hội. Thế kỷ 20, từ khi có Ðảng có thể xem là ngày hội lớn của dân tộc, ngày hội đi giành chính quyền, ngày hội đi giải phóng, ngày hội đi thực hiện thống nhất non sông... Trong những ngày hội lớn ấy có nước mắt và niềm vui, có cả máu và hoa, có cả chia ly và đoàn tụ... Trong thơ Tố Hữu có đủ súng, gươm, trống, kèn, hoa, cờ, khẩu hiệu, tiếng ca, tiếng hát, câu hò, bước chân,... khắp mọi ngả đường đất nước giữa những ngày hội lớn ấy. Khó có thể tìm được nỗi buồn vô cớ, những phút giây ngồi lặng hoặc thơ thẩn trong thơ ông. Trong bầu không khí sục sôi của cách mạng, của cuộc chiến đấu, hình như không có chỗ cho những biểu hiện có vẻ riêng tư như vậy. Ðấy là nói chung, rồi chúng ta cũng sẽ thấy trong những tập thơ cuối của Tố Hữu có những giây phút cô đơn, có những nỗi buồn mang tính thời đại, hình như không ai có thể thoát khỏi, nếu như đó là những người ưu thời mẫn thế, nếu như đó là những nghệ sĩ, những người có trái tim luôn rung cảm sâu sắc trước cuộc đời.

Gắn bó với cách mạng, thơ Tố Hữu cũng là một phần của cách mạng. Có thể nói, thơ ông đi vào lòng quần chúng một cách vừa tự nguyện, vừa sâu rộng, vừa lâu bền mà không một nhà thơ hiện đại nào có được. Thơ ông được ngâm ngợi như lời tự hát trong trái tim của mọi người, đến và ở lại đấy, rồi tự biến hóa, tự sinh sôi, tự chuyển hóa thành vật chất, tự biến thành hành động, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp những yêu cầu của cuộc sống. Thơ ông trên đường ra trận, trong ba-lô của người chiến sĩ, trên những vách đá của Trường Sơn; thơ ông xuống hầm lò với người thợ mỏ; thơ ông có mặt trên giảng đường các trường đại học, trong lời ru con của các bà mẹ... 'Là con của vạn nhà', thơ của người con ấy trở thành tiếng hát của mọi nhà. Có lần trả lời câu hỏi của một bạn đọc, Tố Hữu nói rằng thơ của ông ít chất triết học, ít chất triết lý, thơ ông chỉ là củ khoai, hạt lúa... Một lối nói khiêm tốn nhưng đằng sau đó là cả một quan niệm đưa thơ đến gần với đời sống, biến thơ thành lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động. Thơ lục bát của Tố Hữu gần với ca dao, gần với Truyện Kiều có lẽ là vì thế. Trong thơ Tố Hữu nhân dân lao động cũng hiện lên thật bình dị. Là bà bủ nằm ổ chuối khô, bà má, o du kích, anh vệ quốc, chị lao công, chú bé liên lạc, người chăn bò... Kể cả khi viết về lãnh tụ, Tố Hữu cũng luôn luôn tìm cách nói những điều vĩ đại bằng những ngôn từ bình dị. Nhà thơ đưa những câu chuyện bình dị của những người bình dị kể với những người bình dị. Một vẻ đẹp giản dị, dễ hiểu, nhưng không kém phần trữ tình, lãng mạn. Ngay cả những bài thơ hô hào, kêu gọi cũng toát lên sự bình dị. Một lối đi vào lòng người thấm thía, tưởng không có gì tốt hơn nếu để tuyên truyền cách mạng. Bình dị, đó chính là ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại cách mạng vô sản, là hình thức nghệ thuật của tiếng nói thời đại. Như vậy, từ rất sớm và suốt trong cuộc đời làm thơ, Tố Hữu đã rất có ý thức gắn bó với nhân dân và thời đại của mình bằng một phương tiện kỳ diệu bậc nhất của tình cảm, của tâm hồn, đó là thơ và đặc biệt là lối thơ bình dị. Tố Hữu làm cách mạng và làm cách mạng bằng thơ. Ông biến thơ thành phương tiện truyền đạt tư tưởng của cách mạng, những tư tưởng ấy là lời của trái tim đến với trái tim, là lời của tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu. Không có gì cầu kỳ, rắc rối, không có kiểu làm dáng hiện đại, đánh đố người đọc. Dễ hiểu vì sao thơ Tố Hữu có sức lay động mạnh mẽ như vậy đối với số đông quần chúng .

Sinh năm 1920 và mất năm 2002. Ðọc lại thơ ông, có thể nhận ra những bước đi của năm tháng, đặc biệt là những vui buồn gắn với những năm tháng ấy qua tâm hồn ông. Ðầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, Liên Xô và hệ thống các nước XHCN Ðông Âu sụp đổ, nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trong đó có nhà thơ. Sự kiện có thể được xem là long trời lở đất ấy diễn ra lúc nhà thơ đã cao tuổi. Nỗi buồn lớn lao cộng với những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân tình thế thái gần suốt cuộc đời, nhìn chung thơ Tố Hữu thu chiều cao của gam giọng lại, trở về giọng trầm, thu chiều cao của không gian lại, đi sâu vào cõi lòng mình: Có khổ đau nào đau khổ hơn - Trái tim tự xát muối cô đơn - Em ơi nghe đó trong đêm lạnh - Ðằm thắm bên em một tiếng đờn, và: Mới bình minh đó đã hoàng hôn - Ðang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn - Ðời thường sớm nắng chiều mưa vậy - Khuấy động lòng ta biết mấy buồn. Ðây là những nỗi buồn, những nỗi cô đơn cá nhân mang tính thời đại, là nỗi buồn của con người, con của mọi nhà, nỗi buồn không phải của riêng ai!

Ai đó nói rằng những bài thơ hay luôn có cách để tìm được nơi lưu trú trong trái tim con người. Kinh thi vẫn được khôi phục lại bằng trí nhớ của nhân dân cho dù Tần Thủy Hoàng bao lần tìm cách thiêu chúng trong lửa. Truyện Kiều vẫn được nhân dân thuộc lòng và có thể đọc ngược từ câu cuối đến câu đầu. Ca dao dân ca vẫn nằm lòng từ ngàn đời trong trí nhớ của cả những người không biết chữ... Trong chừng mực nào đó, nếu trong muôn một, văn bản thơ Tố Hữu bị biến mất, có thể những người cùng thời với ông sẽ tìm cách khôi phục lại từ trí nhớ của họ một cách không đến nỗi khó khăn lắm. Bài viết nhỏ này không trích dẫn nhiều thơ Tố Hữu cũng là vì những câu trích ấy có thể đang nằm trong trí nhớ của mọi người. Ðương nhiên nói như vậy không có nghĩa thơ Tố Hữu là toàn bích. Cũng như thơ của bất cứ nhà thơ nào khác, thơ Tố Hữu cũng đang chịu sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian. Thời gian sẽ vượt qua những gì không phù hợp và biết cách giữ lại những gì đã làm xúc động sâu sắc trái tim mỗi con người./.

Chủ Đề