Cà phê sách Nhã Nam Hà Nội

Chắc hẳn ai cũng biết đến hiệu sách Nhã Nam, một trong những nhà sách nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Mình cũng thường xuyên ra hiệu sách Nhã Nam ở gần nhà để tìm đọc và mua sách. Nhã Nam không chỉ dừng lại ở việc bán sách, mà còn kinh doanh cả cafe, và đặt tên là Nhã Nam Books n Coffee.

Ở Hà Nội đã có 2 cửa hàng Nhã Nam Books n Coffee, một ở Trần Huy Liệu, một ở Times City. Và cách đây hơn 1 tháng, Nhã Nam đã khai trương thêm một cửa hàng ở số 3 Nguyễn Quý Đức [gần đại học Hà Nội].

Sau khi xem qua những bức ảnh chụp do instagram Nhã Nam đăng tải, thì Chủ Nhật vừa rồi mình đã ghé qua nơi này. Phải nói đây là quán cafe sách xịn nhất ở Hà Nội mà mình từng đi. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số vấn đề, mà theo mình nghĩ là nếu cải thiện được thì sẽ xứng đáng là một quán cafe sách đáng đến nhất Hà Nội.

Ấn tượng bên ngoài

Khi rẽ vào đường Nguyễn Quý Đức bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hiệu sách nhờ phong cách thiết kế đặc trưng của Nhã Nam: một màu xanh lá cây hơi đậm nhưng lại rất dịu, kèm theo đó là tấm biển in chữ Hiệu sách Nhã Nam. Trên vòm mái che ở tầng 2 thì có gắn thêm khung ghi chữ Nhã Nam Books n Coffee. Nhìn từ ngoài thì bạn sẽ thấy rõ mặt bằng tầng 2 [cafe] rộng gần như gấp đôi hiệu sách ở tầng 1.

Hiệu sách ở tầng 1

Ban đầu khi bước vào bên trong hiệu sách, mình nhận thấy nó không có gì quá khác biệt so với những cửa hàng Nhã Nam khác ở Hà Nội. Ví dụ như là quầy thanh toán, hay là ghế ngồi ngay bên trong hiệu sách chẳng hạn. Màu gỗ của kệ sách dường như cũng được đồng bộ ở các cửa hàng Nhã Nam. Thêm nữa, Nhã Nam cũng bán cả văn phòng phẩm như dụng cụ học tập hay sổ tay, sổ lịch,

Tuy nhiên, sau khi đi dạo một vòng, mình nhận thấy có một số điểm thú vị và hay ho bên trong tầng 1 của cửa hàng này.

1. Kệ sách trưng bày sách bán chạy và sách mới

Thực ra đây không phải là một điều gì mới mẻ cả. Có nhiều hiệu sách khác đều có khu vực trưng bày sách bán chạy và sách mới riêng ra, ví dụ như hiệu sách Cá Chép ở Nguyễn Thái Học. Với những người ghé thăm hiệu sách mà chưa biết nên tìm đọc sách gì, họ có thể tìm đến khu vực này và ngó nghiêng mấy cuốn best sellers hoặc new releases.

2. Cầu thang đặc biệt mang thương hiệu Nhã Nam

Bạn dễ dàng nhận thấy ở mỗi bậc cầu thang đều được dán vào đó tên một cuốn sách bất kì với màu sắc khác nhau, nhìn rất bắt mắt. Nếu như mình không nhầm thì ở Nhã Nam Book n Coffee ở Quận Bình Thạnh, HCM cũng có cầu thang được thiết kế như thế này.

3. Tận dụng khoảng trống cạnh cầu thang để làm giá sách

Một điểm cộng nữa cho Nhã Nam Books n Coffee Nguyễn Quý Đức. Mình rất thích cái cảm giác được đứng đọc sách bên cạnh một giá sách cao đến hơn 2 mét, thậm chí là cao đến 3, 4 mét càng thích. Mà giá sách ở cạnh cầu thang lại dành riêng cho sách Self-Help, một thể loại mình rất thích đọc. Mỗi tội ở phía giữa 2 giá sách lại để cái kệ tủ bán văn phòng phẩm, thành ra cảm giác cứ bị chật chội lúc đứng đọc. Rộng theo chiều dọc nhưng lại hẹp theo chiều ngang.

4. Kids Space Khu vực dành riêng cho trẻ em

Đi sâu vào cuối hiệu sách bạn sẽ thấy có một khu vực dành riêng cho trẻ em. Các bé có thể vào khu vực này lấy bất kì một cuốn sách thiếu nhi nào đó và nằm đọc [lăn lê bò toài thoải mái]. Mà hình như, ở đây có sẵn nhân viên trông trẻ [hoặc là nhân viên giúp đọc sách cho trẻ em] mặc áo đen. Vì mình thấy họ cứ ở đó suốt trong khoảng thời gian mình ghé vào cửa hàng này.

Cafe ở tầng 2 Đây mới là nơi đặc biệt

Nếu bạn rảnh, hãy bước lên những bậc cầu thang đầy màu sắc để rồi khi lên trên tầng 2, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một không gian cafe rộng rãi, mới mẻ, trông rất sang chảnh, khác hẳn với không khí thuần hiệu sách ở dưới tầng 1

Như mình đã nói thì mặt bằng tầng 2 của Nhã Nam này rộng hơn tầng 1 rất nhiều. Trần nhà cũng cao hơn. Quán cafe cũng bố trí bàn ghế, chỗ ngồi vừa đủ và hợp lí để tạo ra một cảm giác rộng rãi hơn.

Các bộ bàn ghế cũng đều trông có vẻ đắt tiền, đặc biệt là mấy bộ sofa. Đa số các mặt tường đều được ốp một tấm gỗ màu nâu dịu, kèm theo đó là những kệ sách trưng bày nhìn rất bắt mắt. Hệ thống đèn cũng rất cầu kì.

Thêm vào đó, có 2 khu vực đặc biệt trên tầng cafe này, một là khu vực ngồi bệt, hai là khu vực yên tĩnh.

Khu vực ngồi bệt

Mình thấy đây là một chỗ rất hay, đặc biệt là dành cho mấy đứa trẻ con không chịu ngồi trên ghế lâu dài. Và như các bạn có thể thấy ở góc trên bên trái bức ảnh thì bạn nữ kia đang tạo dáng để bạn đi cùng chụp ảnh cho.

Khu vực yên tĩnh

Nhã Nam Book n Coffee muốn nhắm tới cả đối tượng khách hàng là những người đơn thuần chỉ muốn tìm chỗ ngồi để làm việc riêng, hay học bài, nên cũng tạo ra một không gian nho nhỏ bên trong một căn phòng riêng, và có ghi ở bên ngoài cửa là khu vực yên tĩnh.

Ngoài ra thì ban công cũng rất rộng và đẹp, phù hợp cho những ai muốn vừa đọc sách vừa hóng gió. Mỗi tội sắp tới mùa hè chắc chả ai dám ra đây ngồi để mà phơi nắng.

Nhìn chung thì đây là một quán cafe có không gian phải nói là thuộc hạng thương gia, trông không thua kém gì mấy quán cafe đắt tiền ở bên ngoài. Ngồi trên sofa xịn, phía sau là một kệ sách, chắc chắn bạn sẽ có được một bức ảnh check-in sang chảnh như ý muốn.

TUY NHIÊN, mình cũng nhận thấy có một số điểm trừ nhất định khi ngồi ở cafe tầng 2. Mình là một người khá kĩ tính trong việc đánh giá cafe sách, nên mình không bị vẻ đẹp không gian quyến rũ mà quên mất concept quan trọng nhất của một cafe sách cần có, 1. Sự yên tĩnh nhất định, và 2. Sự lựa chọn sách để đọc khi đang ngồi cafe.

1. Sự yên tĩnh nhất định nên có của một quán cafe sách

Ngày Chủ Nhật hôm đó mình đến hiệu sách lúc 9h sáng. Sau một lúc ngó nghiêng ở dưới tầng 1, mình lên tầng 2 ngồi cafe khoảng tiếng rưỡi. Mình chọn một chỗ ngồi gần góc quán để có thể quan sát toàn bộ khôn gian xung quanh. Sau đó mình gọi một cốc trà ở lễ tân và bắt đầu đọc sách. Lúc đó bên trong quán khá ít khách nên rất yên tĩnh. Mà thực ra thì không cần phải quá yên tĩnh mới ngồi đọc được sách. Một chút tiếng ồn đúng kiểu coffee background sẽ rất tuyệt để giúp mình có thể tập trung đọc sách hoặc làm việc.

Tuy nhiên, từ khoảng 10h trở đi thì càng có nhiều người lên cafe tầng 2, đặc biệt là các gia đình có đem theo trẻ nhỏ. Tiếng ồn ngày một to hơn, và đến một lúc thì mình không tập trung đọc được sách nữa.Khi mình quan sát xung quanh quán, mình thấy có rất nhiều em tập trung ngồi ở khu vực ngồi bệt, một số thì lôi ô tô đồ chơi ra chơi và hét ầm cả lên. Thậm chí có một gia đình còn định đưa cả trẻ nhỏ vào khu vực yên tĩnh, nhưng vì trong đó hết chỗ nên họ lại ra ngoài.

Ở đây, mình không hề phản đối việc đưa trẻ con đến hiệu sách, cafe sách. Mình khuyến khích gia đình đưa các em đến những nơi này để các em có thể tiếp xúc với sách vở, rồi có thể ngồi đọc cùng với cha mẹ một cách yên tĩnh. Tuy nhiên, có lẽ một số gia đình không ý thức được điều đó, và họ cũng chẳng bận tâm đến việc con mình đang gây ồn làm phiền đến người khác.

Cũng có thể do mình đến đúng hôm Chủ Nhật, ngày nghỉ nên mới gặp phải thời điểm ồn ào như vậy. Và cũng có thể là do chính bản thân mình quá nhạy cảm với mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Có thể Nhã Nam biết là quán sẽ trở nên ồn ào nên đã tạo ra một khu vực yên tĩnh riêng?

Sẽ rất tuyệt nếu mọi người ý thức được rằng họ đang vào một quán cafe sách chứ không phải là một quán cafe thông thường nào đó ngoài phố chỉ để ngồi nói chuyện ồn ào làm ảnh hưởng đến những người đọc sách thực sự.

2. Sự lựa chọn sách để đọc khi đang ngồi cafe

Có thể bạn sẽ không hình dung được rõ lắm ý mình là như thế nào. Mình sẽ up lại một bức ảnh không gian quán cafe và giải thích nhé.

Một góc của quán cafe. Có nhiều sách được đặt ở bên trong mỗi ô kệ sách, nhìn rất bắt mắt. Bạn nghĩ gì nếu nó đúng là chỉ để trang trí góc tường, chứ thực chất khách hàng không được cầm nó và đọc thử? Thực ra không phải là không được cầm, mà bởi vì mỗi cuốn đều được bọc bởi một lớp ni-long mỏng để tránh việc mở ra. Như cuốn Thiện, Ác và Smart Phone này.

Khách hàng không được phép cầm sách ở tầng 1 lên cafe tầng 2 ngồi đọc và khi ra về thì trả lại sách vào chỗ cũ. Mình nghĩ điều này cũng chấp nhận được. Nếu vậy thì tầng 2 cũng nên có nhiều sách để người ta có thể cầm đọc thử, và nếu thấy hay thì lúc ra về họ sẽ nán lại ở dưới tầng 1 để mua. Cuốn Thiện, Ác và Smart Phone này, ở dưới tầng 1 có bày ở phía trên giá sách và người mua có thể cầm lên mở ra đọc một cách thoải mái. Vậy thì tại sao thì cuốn ở tầng 2 này lại bị bọc lại?

Thực ra không phải cuốn nào cũng bị bọc lại như thế này. Vẫn có khoảng một nửa đầu sách được bóc vỏ ra và khách có thể cầm đọc thoải mái. Theo mình đoán thì Nhã Nam muốn đặt cố định một số cuốn sách và bọc lại để trưng bày, bật đèn chiếu sáng vào những cuốn đó để phân biệt với những cuốn có thể lấy ra để đọc.

Nói thế nào đi nữa thì mình thấy có quá ít lựa chọn cho những ai muốn tìm kiếm sách để đọc khi đang ngồi trên cafe. Ở Nhã Nam Books n Coffee Trần Huy Liệu hay Times City, các kệ sách gần chỗ ngồi đều có rất nhiều sách, và khách hàng có thể chọn 1, 2 cuốn mình thích và ngồi đọc thử cho đến khi về thì họ trả lại.

Theo mình thì quán cafe tầng 2 Nhã Nam NQĐ có thể tận dụng một số khoảng trống nhất định để đặt một số kệ sách nằm, và để lên đó một số cuốn sách bán chạy, sách mà Nhã Nam khuyên đọc,..

Một kệ sách nằm ở dưới tầng 1. Nên có 1 cái như thế này ở tầng 2.

Cửa hàng có thể bố trí thêm cái máy quét mã ở ngay cửa ra vào để tránh tình trạng trộm sách. Mà mình nghĩ cũng chẳng có ai lại vào hiệu sách để trộm sách cả

KẾT

Nếu bạn đơn thuần chỉ muốn đến để ngắm nghía sách và mua sách không thôi, thì bạn có thể đến các cửa hàng Nhã Nam ở khắp mọi nơi trên Hà Nội. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm một không gian cafe ngay trong hiệu sách, một không gian mới mẻ, rộng rãi và sang chảnh thì Nhã Nam Books n Coffee Nguyễn Quý Đức là một nơi rất đáng để đến.

Hai điểm trừ mà mình nêu ở phía trên cũng chỉ là ý kiến cá nhân của mình thôi, nên có thể nó không thành vấn đề đối với đa số các bạn. Riêng việc Nhã Nam quyết định đi đầu trong phong trào kết hợp hiệu sách và cafe là một điều rất đáng hoan nghênh, vì ở Việt Nam mô hình cafe sách kiểu này vẫn chưa phát triển nhiều. Các cafe sách ở Hà Nội đa số đều chỉ dừng lại ở mức là những quán cafe tư nhân, mô hình nhỏ và cũng tương đối hạn chế về đầu sách [chủ yếu là sách cũ].

Mình hi vọng trong tương lai sắp tới, Nhã Nam và một số nhà sách khác có thể phát triển mô hình cafe sách này một cách mạnh mẽ hơn. Họ cũng có thể hợp tác với một thương hiệu cafe nào đó như Highlands chẳng hạn. Nghe có vẻ không khả thi nhưng ở Nhật thì nó lại đang là một trong những mô hình nổi bật nhất, khi mà Starbucks hợp tác với hiệu sách, văn phòng phẩm Tsutaya để tạo ra một mô hình cafe sách độc đáo. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn xây lên những khu thương mại kiểu mới và lấy hiệu sách làm trung tâm, và gọi nó là T-Site.

Video liên quan

Chủ Đề