Bảng lương bác sĩ 2023

Y bác sĩ tại TP.HCM đến tận nhà thăm khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: THU HIẾN

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ diễn ra hôm 21-8, bà Đào Hồng Lan - quyền bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc dẫn đến đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.

Do đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.

Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh, do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so các ngành nghề khác.

Tuổi Trẻ Online ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia y tế về vấn đề này.

Học 6 năm trở lên

Ông Lê Thanh Chiến - khoa y, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm, trong đó mất 6 năm đi học tại nhà trường và 18 tháng thực hành.

Với đề xuất của Bộ Y tế là sẽ xếp lương bậc 2 với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau tuyển dụng, ông Chiến đồng tình và mong muốn đề xuất này sớm đưa vào quy định.

“Điều này rất tốt, cho thấy có một sự quan tâm, ưu đãi đến lực lượng y bác sĩ khi môi trường làm việc rất vất vả, nguy hiểm, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua”, ông Chiến nói.

Chia sẻ về lương khởi điểm cũng như đề xuất lương bậc 2 hiện nay cho các y bác sĩ sau tuyển dụng, ông Chiến nói: “Trong bối cảnh Nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm này làm lực lượng y bác sĩ ấm lòng hơn, có thêm động lực hơn”.

Theo ông Chiến, có nhiều lý do khiến y bác sĩ tại các bệnh viện công nghỉ việc hay chuyển sang bệnh viện tư nhân, trong đó có một phần nguyên nhân là thu nhập, phụ cấp.

Đặc biệt với cơ chế tự chủ khiến nhiều bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Khi nguồn thu giảm, bệnh viện sẽ không đảm bảo các hoạt động chi trả thường xuyên theo cơ chế tự chủ.

Các bác sĩ, điều dưỡng trên xe cứu thương cấp cứu cho bệnh nhân - Ảnh: THU HIẾN

Bác sĩ mới ra trường lương "chưa nổi 3 triệu"

Giám đốc 1 bệnh viện hạng 2 tại TP.HCM cho biết việc xếp lương bậc 2 đối với các bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau tuyển dụng vào thời điểm này sẽ giúp cho họ có động lực hơn.

Bậc lương của các bác sĩ mới ra trường phải khác với bậc lương của cử nhân vì bác sĩ học 6 năm, cử nhân 4 năm, nếu lương bằng nhau thì sẽ không phù hợp. 

"Hiện bác sĩ mới ra trường nếu tính lương trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội lãnh lương cuối tháng chưa được nổi 3 triệu đồng", vị này nói.

"Lương chỉ là một phần là vấn đề không thể thiếu nhưng không phải là tất cả, một môi trường làm việc tốt cũng sẽ giúp họ có động lực làm việc, để cho các y bác sĩ cống hiến cho người bệnh", vị này phân tích.

Nâng lương bậc 2 y bác sĩ sẽ được bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương của bác sĩ hiện tại cũng giống như lương của các ngành nghề khác. Với mức lương cơ bản [cơ sở] hiện là 1.490.000 đồng/tháng.

Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân [trình độ đại học nói chung], có hệ số 1 là 2,34 tức là 2,34 x 1.490.000 = 3.486.600 đồng [chưa trừ bảo hiểm], cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 [2,67], rồi hệ số 3 [3,00]... Tối đa có 9 bậc lương [hệ số 9 là 4,98].

Ở cấp học thạc sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00. Như vậy, nếu mức lương khởi điểm của bác sĩ được nâng lên bậc 2 [2,67], số lương [chưa tính phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật] sẽ là 3.978.300 đồng, tăng 491.700 đồng/tháng so với hiện nay.

Hàng nghìn công chức, bác sỹ nghỉ việc do đãi ngộ chưa tương xứng

Hơn hai năm qua, hàng vạn nhân sự khu vực công đã thôi việc do thu nhập thấp. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, cùng chương trình hành động về cải cách chính sách tiền lương được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn lực.

Thực tế này đòi hỏi cần phải có những hành động quyết liệt hơn về thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 2 năm qua có hơn 6.100 công chức, người lao động xin nghỉ việc do vấn đề lương và thu nhập. Đây cũng đang là địa bàn phát sinh nhiều vấn đề về quản lý con người.

Hơn 1 năm qua cả nước đã có gần 9.400 bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, chuyển việc. Đây cũng là khoảng thời gian dịch bệnh nghiêm trọng nhất, áp lực đặt lên ngành y tế nặng nề nhất. Nguyên nhân là do áp lực công việc lớn, cùng với đó là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Có tới 20% bác sĩ tham gia một khảo sát của Hội thầy thuốc trẻ cho biết, thu nhập của họ chỉ đủ để phục vụ những nhu cầu cơ bản, không dám nghĩ đến chuyện tích lũy.

Mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, hơn 20 bác sỹ đã xin nghỉ việc và chuyển sang bệnh viện tư. Theo lãnh đạo bệnh viện chế độ đãi ngộ và thiếu trang thiết bị để làm việc là nguyên nhân chính khiến nhiều bác sỹ quyết định rời bệnh viện.

Mỗi y bác sỹ đều cần có một cái môi trường để làm việc, để cống hiến, để thể hiện tài năng của họ. Thứ hai, họ cũng giống như các ngành nghề khác cần một sự đãi ngộ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu, trang trải cho cuộc sống gia đình. Khi không đạt được điều kiện tối thiểu như vậy, họ rất có thể dịch chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện kia.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Câu chuyện chế độ tiền lương và thu nhập vẫn luôn là vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn, đặc biệt sau "làn sóng" nghỉ việc xảy ra thời gian qua.

Tại các Bộ ngành, 2 năm rưỡi vừa qua cũng đã có hơn 130 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng, trong đó có 17 công chức, 114 viên chức. Nguyên nhân là do áp lực công việc và lương không đủ sống.

Hiện tại, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 đến 4,68 triệu đồng/tháng. Trong khi vào khu vực công, với người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng.

Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành được thực hiện từ tháng 10/2004 đến nay, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nhưng tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của viên chức ngành y tế, giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cơ cấu tiền lương mới sẽ được kết cấu lại trong đó lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quy lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%; bảng lương mới cũng được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm ngoái chưa thực hiện được, năm nay cũng tiếp tục được lùi lại.

Cải cách tiền lương - Việc cấp bách, hệ trọng

Lương và thu nhập thấp cũng là nguyên nhân lý giải tình trạng nhiều năm qua, Hà Nội dù tôn vinh, tiếp nhận các thủ khoa của các trường Đại học vào làm việc, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn bám trụ để chờ tăng lương.

Việc cải cách tiền lương, khắc phục tình trạng cào bằng như hiện nay đã và đang là việc cấp bách, hệ trọng.

Nhìn vào bảng lương này, thật khó có thể nói chúng có thể đủ để trang trải cho những khoản chi phí đắt đỏ ở Thủ đô.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia có thể đảm bảo đời sống của gia đình người hưởng lương.

Để làm được việc này, quan trọng nhất là phải có nguồn để tăng lương. Cùng với chủ động bố trí ngân sách để tăng lương, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí.

Rất nhiều cán bộ, công chức có nguồn thu nhập bất chính. Đã đến lúc chúng ta phải kiểm soát. Chúng ta đã từng kiểm soát bằng kê khai tài sản. Họ vẫn kê khai và hầu như trong bản kê khai không có gì khẳng định là thu nhập bất hợp pháp. Đây là câu chuyện khác hơn cần phải bàn.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào, Học viện Hành chính Quốc gia

Để giữ chân các cán bộ, công chức có năng lực cần nhiều giải pháp. Nhưng đầu tiên và trước hết cải cách hệ thống chính sách tiền lương đảm bảo cho người hưởng lương có thể sống được bằng lương vẫn là cơ bản nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thay đổi, việc thực hiện chính sách tiền lương mới, nhất là việc trả lương theo vị trí việc làm và có sự liên thông, có sức cạnh tranh cao đối với khu vực tư là điều cần được thực hiện sớm và phải quyết liệt.

Chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số, áp dụng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để hạn chế bớt số lượng biên chế cán bộ, công chức hiện nay. Bởi nếu số lượng càng đông, chúng ta điều chỉnh tăng lương thì ngân sách nhà nước rất lớn. Vấn đề mấu chốt thứ 2 là dành nguồn ngân sách phù hợp, đặc biệt là chống tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, đặc biệt là tình trạng lãng phí, tham nhũng. Đảng và Nhà nước cũng rất quyết liệt làm việc này và cũng đạt được những thành tựu rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nguồn tiền đó sẽ dành để tăng lương.

TS. Hoàng Văn Tạo, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Bộ Nội vụ cho biết đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm nay và những năm tiếp theo sẽ trình Chính phủ báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương bởi đây là việc đặc biệt quan trọng và cấp thiết hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Chủ Đề